Nhật Bản và Ấn Độ đang xích lại gần nhau

VOV.VN - Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm Ấn Độ của Nhật hoàng là “dấu mốc quan trọng” trong quan hệ Nhật-Ấn.

Vào cuối tuần trước, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ theo lời mời của Chính phủ Ấn Độ.

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko (Ảnh: Reuters)



Mặc dù chỉ mang tính biểu tượng, nhưng theo các chuyên gia phân tích, chuyến thăm Ấn Độ của Nhật hoàng Akihito cho thấy hai nước đang xích lại gần nhau trong bối cảnh cả Tokyo và New Delhi đều tỏ ra quan ngại về những hành động quyết đoán liên quan tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc trong thời gian gần đây.

“Dấu mốc quan trọng”

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ hôm 30/11. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ kể từ khi Nhật hoàng Akihito lên ngôi vào năm 1989. Chuyến thăm này diễn ra một năm sau khi Nhật Bản và Ấn Độ kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Theo hãng tin Kyodo, các nhà phân tích chính trị và các quan chức Ấn Độ đều cho rằng đây là một “dấu mốc quan trọng” trong quan hệ Nhật-Ấn.

Phát biểu với các phóng viên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin nói: “Đối với rất nhiều người trong chúng tôi, đây là bước khởi đầu trên nhiều phương diện”. “Đây là lần đầu tiên Nhật hoàng và Hoàng hậu của Nhật Bản tới thăm Ấn Độ…. Điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử một nước Ấn Độ độc lập”.

Nhật hoàng hội kiến với Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee (Ảnh: Reuters)



Trên thực tế, các chuyến thăm nước ngoài của Nhật hoàng thường được tính toán rất thận trọng và được coi là một phần quan trọng trong nghệ thuật ngoại giao của Tokyo. Chính vì vậy, ông Srikanth Kondapalli, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Jawaharlal Nehru, nói chuyến thăm Ấn Độ của Nhật hoàng Akihito và phu nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi vì, Nhật hoàng hiếm khi đi ra nước ngoài.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng đây vẫn chỉ là một chuyến thăm mang tính biểu tượng bởi vì, Nhật Bản là một nước theo hệ thống quân chủ lập hiến, trong đó Thủ tướng là người nắm quyền cao nhất về các phương diện quản lý quốc gia. Nhật hoàng về danh nghĩa là người có vị trí tối cao nhưng chỉ là tượng trưng, không được tham gia vào chính trị.

Trong thời gian ở thăm New Delhi, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko có các cuộc gặp với Thủ tướng Manmohan Singh và Tổng thống Pranab Mukherjee, thăm Đại học Jawaharlal Nehru. Bên cạnh đó, Nhật hoàng và Hoàng hậu cũng sẽ thăm Chennai, một thành phố lớn thuộc bang Tamil Nadu - nơi tập trung đông Nhật kiều.

Do đây chỉ là một chuyến thăm mang tính biểu tượng nên ông Shambhu Kumaran, một quan chức của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết các cuộc thảo luận của Nhật hoàng sẽ không tập trung vào các vấn đề ngoại giao giữa hai nước. Thay vào đó, các cuộc thảo luận này sẽ tập trung vào “sự trưởng thành đặc biệt của mối quan hệ Nhật-Ấn trong một vài thập kỷ qua”.

Xích lại gần nhau

Trên thực tế, quan hệ Nhật-Ấn có rất nhiều tiềm năng để phát triển do hai nước này không có mâu thuẫn về mặt lợi ích. Ngược lại, hai nước này có thể bổ sung rất tốt cho nhau. Mặc dù có một nền kinh tế phát triển và trình độ khoa học-công nghệ tiên tiến nhưng Nhật Bản lại đang đối mặt với nguy cơ thiếu lao động do dân số lão hóa và Chính phủ nước đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu để vực dậy nền kinh tế.

Trong khi đó, Ấn Độ - một nước có trình độ khoa học-công nghệ kém hơn - lại là nước có dân số trẻ và đông thứ hai thế giới. Đây là một thị trường đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp Nhật Bản và cũng là điểm đến đầy hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư của Nhật Bản. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật Bản vào Ấn Độ liên tục tăng.

Theo các chuyên gia phân tích, dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Ấn Độ có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lo ngại về tình trạng căng thẳng đang gia tăng trong quan hệ Nhật-Trung nên đang chuyển dịch đầu tư sang các nước khác, trong đó có Ấn Độ.

Ấn Độ mua máy bay US-2 của Nhật Bản (Ảnh: Reuters)



Hiện tại, Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ lớn nhất của Ấn Độ và đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ các dự án phát triển hạ tầng ở nước này như hành lang công nghiệp Delhi-Mumbai, dự án đường sắt và tàu điện Bangalore và hành lang vận chuyển hàng hóa phía Tây.   

Mặt khác, cả Nhật Bản và Ấn Độ đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Tokyo và New Delhi đều lo ngại về những hành động quyết đoán liên quan tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Bắc Kinh trong thời gian gần đây.

Vì vậy, mặc dù vẫn coi quan hệ đồng minh an ninh Nhật-Mỹ là trụ cột trong chính sách đối ngoại nhưng Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn mong muốn đa dạng hóa quan hệ đối tác chiến lược để đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc. Song song với việc tăng cường quan hệ với Việt Nam, Indonesia và Australia, đồng thời cải thiện quan hệ với Nga, trong thời gian gần đây, chính quyền Abe đã tích cực thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ.

Về phần mình, New Delhi cũng đang thực hiện chính sách hướng Đông nhằm tăng cường quan hệ với các nước châu Á khác, nhất là các nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, trong đó có Nhật Bản, để làm đối trọng với Bắc Kinh. Do đó, trong khi chờ Thủ tướng Abe tới thăm và làm khách chính trong ngày Cộng hòa của Ấn Độ năm 2014, New Delhi đã trải thảm đỏ đón Nhật hoàng Akihito và Hoàng Hậu Michiko.

Với những toan tính đó của hai nước, trong thời gian gần đây, quan hệ Nhật-Ấn đang có những bước tiến mới trên nhiều lĩnh vực, nhất là quốc phòng. Hai nước đã lên kế hoạch tiến hành cuộc tập trận hải quân chung vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, Nhật Bản đã nhất trí xuất khẩu máy bay US-2 có thể đậu trên cạn và dưới nước cho Ấn Độ để sử dụng trong các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ. Ngoài ra, hai nước sẽ thúc đẩy kế hoạch tiến tới ký kết một Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ấn Độ có thể mua 2 thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản
Ấn Độ có thể mua 2 thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản

(VOV) -Theo kế hoạch, Israel sẽ lắp đặt các thiết bị điện tử cho loại máy bay này để Ấn Độ sử dụng

Ấn Độ có thể mua 2 thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản

Ấn Độ có thể mua 2 thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản

(VOV) -Theo kế hoạch, Israel sẽ lắp đặt các thiết bị điện tử cho loại máy bay này để Ấn Độ sử dụng

Nhật Bản lần đầu tiên có nữ cố vấn cho Thủ tướng
Nhật Bản lần đầu tiên có nữ cố vấn cho Thủ tướng

VOV.VN - Ông Abe từng cam kết tăng cường các biện pháp mở rộng cơ hội kinh doanh và cơ hội tham gia quản lý cho phụ nữ Nhật Bản.

Nhật Bản lần đầu tiên có nữ cố vấn cho Thủ tướng

Nhật Bản lần đầu tiên có nữ cố vấn cho Thủ tướng

VOV.VN - Ông Abe từng cam kết tăng cường các biện pháp mở rộng cơ hội kinh doanh và cơ hội tham gia quản lý cho phụ nữ Nhật Bản.

Phó Tổng thống Mỹ công du Nhật Bản
Phó Tổng thống Mỹ công du Nhật Bản

VOV.VN -Ngày 2/12, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Tokyo trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản.

Phó Tổng thống Mỹ công du Nhật Bản

Phó Tổng thống Mỹ công du Nhật Bản

VOV.VN -Ngày 2/12, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Tokyo trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản thăm Lào, Campuchia
Thủ tướng Nhật Bản thăm Lào, Campuchia

VOV.VN - Chuyến thăm nhằm tăng cường hợp tác song phương ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, giao lưu văn hóa.

Thủ tướng Nhật Bản thăm Lào, Campuchia

Thủ tướng Nhật Bản thăm Lào, Campuchia

VOV.VN - Chuyến thăm nhằm tăng cường hợp tác song phương ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, giao lưu văn hóa.

Nhật Bản phản ứng khu vực phòng không của Trung Quốc
Nhật Bản phản ứng khu vực phòng không của Trung Quốc

VOV.VN - Nhật Bản không thừa nhận khu vực phòng không và mong muốn Trung Quốc nhanh chóng hủy bỏ quyết định này.

Nhật Bản phản ứng khu vực phòng không của Trung Quốc

Nhật Bản phản ứng khu vực phòng không của Trung Quốc

VOV.VN - Nhật Bản không thừa nhận khu vực phòng không và mong muốn Trung Quốc nhanh chóng hủy bỏ quyết định này.