Nhật - Hàn đẩy mạnh đối thoại: Không nên kỳ vọng quá nhiều?
VOV.VN - Giới phân tích đã không đặt kỳ vọng quá nhiều vào 1 kết quả “tiến bộ tức thì” từ những cuộc gặp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tối qua và hôm nay (16/12).
Tối qua (15/12) và hôm nay, giới chức cấp cao Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc gặp riêng rẽ, để thảo luận về cách thức giải quyết những bất đồng đang có trong mối quan hệ song phương. Tuy nhiên, giới phân tích đã không đặt kỳ vọng quá nhiều vào một kết quả “tiến bộ tức thì” từ những cuộc gặp này, thậm chí cả cuộc gặp thượng đỉnh Nhật – Hàn, dự kiến sẽ diễn ra tại Trung Quốc vào cuối tháng này.
Giới phân tích đã không đặt kỳ vọng quá nhiều vào 1 kết quả “tiến bộ tức thì” từ những cuộc gặp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tối qua và hôm nay (16/12). Ảnh: Reuters |
Trong bối cảnh mối quan hệ Nhật - Hàn đang trở nên căng thẳng, lãnh đạo 2 quốc gia này mới đây đã nhất trí thúc đẩy đổi thoại để giải quyết bất đồng. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Ko Min-jung cho biết: “Cả hai nhà lãnh đạo đều đã đồng ý rằng quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản là quan trọng và các vấn đề tồn đọng giữa 2 bên cần được giải quyết thông qua đối thoại. Tổng thống Hàn Quốc đã đề nghị tổ chức các cuộc hội đàm cấp cao hơn nếu cần thiết, trong khi Thủ tướng Nhật Bản Abe đề nghị tìm kiếm một giải pháp với tất cả các phương tiện sẵn có”.
Với chủ trương như vậy, hôm nay (16/12), các quan chức thương mại cấp cao Nhật Bản và Hàn Quốc đã lần đầu tiên gặp nhau tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, để giải quyết những tranh cãi thương mại kéo dài nhiều tháng qua, vốn đã gây tổn hại đến quan hệ kinh tế song phương và có nguy cơ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cuộc gặp do ông Lee Ho-Hyeon – người đứng đầu Bộ phận chính sách thương mại quốc tế của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc và ông Yoichi Iida – Người đứng đầu Cục Kiểm soát thương mại Nhật Bản chủ trì.
Đây là cuộc đàm phán thương mại cấp cao đầu tiên giữa hai bên kể từ tháng 6/2016 và được xem là “rất quan trọng” đối với việc giải quyết xung đột thương mại giữa hai nước. Theo Bộ thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, tại cuộc gặp này, hai bên sẽ thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến các hệ thống kiểm soát xuất khẩu của mỗi nước, bao gồm quy định về các công nghệ nhạy cảm. Trong khi, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshi Kajiyama bày tỏ hy vọng cuộc gặp này sẽ là “điểm khởi đầu” cho việc nới lỏng kiểm soát xuất khẩu.
Từ Madrid, Tây Ban Nha, tối qua, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha cũng đã một cuộc gặp “chớp nhoáng” bên lề hội nghị bộ trưởng các nước Á – Âu.
Tại cuộc gặp kéo dài 10 phút này, hai Ngoại trưởng đã hoan nghênh việc 2 nước tổ chức Đối thoại chính sách quản lý xuất khẩu Hàn-Nhật tại Tokyo. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha một lần nữa kêu gọi Nhật Bản sớm rút lại những hạn chế đã áp đặt với hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ngoài ra, 2 Ngoại trưởng còn thảo luận về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên; việc 2 bên cùng phối hợp để chuẩn bị tốt cho hội nghị Thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In dự kiến diễn ra vào cuối tháng này tại Thành Đô (Chengdu), Trung Quốc.
Nhận định về các cuộc gặp, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm nay cho biết, sẽ khó có bất kỳ giải pháp nhanh chóng nào cho những tranh chấp hiện nay giữa nước này với Hàn Quốc. Và rằng 2 bên sẽ tiếp tục các cuộc đối thoại trong tương lai.
Căng thẳng giữa hai nước láng giềng ở Đông Bắc Á leo thang kể từ tháng 10/2018 khi tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945. Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao sau khi Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc, và loại Seoul ra khỏi “Danh sách Trắng” gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại.
Đáp lại, Hàn Quốc đã đưa ra các biện pháp đáp trả tương xứng, đồng thời tính đến quyết định không gia hạn Hiệp định chỉa sẻ thông tin tình báo (GSOMIA) với phía Nhật Bản. Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi Hiệp định này hết hiệu lực, ngày 22/11, Chính phủ Hàn Quốc quyết định gia hạn thỏa thuận này kèm theo một số điều kiện./.
Ngoại trưởng Nhật-Hàn hội đàm nhưng không đạt được kết quả đáng kể