Nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng châu Âu khó khăn của Thụy Điển

VOV.VN - Hôm 1/1/2023, Thụy Điển đã chính thức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng.

Giữ vai trò dẫn dắt EU trong 6 tháng đầu năm 2023, Thụy Điển sẽ tiếp tục chương trình nghị sự kéo dài 18 tháng từ 2 quốc gia đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên trước đó là Pháp và Cộng hòa Séc. Rất nhiều trọng tâm ưu tiên đã được đặt ra như an ninh, thống nhất nội bộ, khả năng phục hồi..., cũng chính là những thách thức và khó khăn trong nhiệm kỳ sắp tới của Thụy Điển. Giới phân tích nhận định 6 tháng tới không phải là chặng đường dễ dàng đối với quốc gia Bắc Âu này, khi các thành viên EU còn khác biệt trong nhiều vấn đề.

Các mục tiêu của Thụy Điển

Thuỵ Điển chính thức nhậm chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu trong vòng 6 tháng, kể từ ngày 1/1/2023 và những gì mà Thuỵ Điển thừa hưởng từ 2 nhiệm kỳ trước trong năm 2022 của CH Séc và Pháp là vô cùng phức tạp, trong đó chủ đề gai góc nhất, bao trùm hầu như tất cả mọi hành động cũng như tư duy chiến lược của châu Âu là cuộc xung đột Nga-Ukraine cùng tất cả những hệ luỵ của xung đột này, từ khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực cho đến làn sóng tị nạn gia tăng.

Do đó, mục tiêu cao nhất của Thuỵ Điển, như chính Thủ tướng Thuỵ Điển, ông Ulf Kristersson công bố cách đây vài tuần trước Nghị viện Thuỵ Điển, đó là đảm bảo duy trì được mặt trận đoàn kết của các nước Liên minh châu Âu – EU trong việc hỗ trợ Ukraine và ứng phó với tất cả các thách thức khó lường từ xung đột Nga-Ukraine. Ông Ulf Kristersson cũng thừa nhận rằng, hiện tại Thuỵ Điển không thể tính được hết tất cả những bất trắc mà cuộc xung đột tại Ukraine có thể tạo ra trong những tháng tới, không thể lường được các diễn biến của xung đột này và điều duy nhất mà Thuỵ Điển có thể làm, đó là chuẩn bị sẵn một tâm thế sẵn sàng hành động một cách nhanh chóng và quyết liệt ngay khi thách thức xuất hiện.

Ngoài vấn đề an ninh, ông Ulf Kristersson cũng nêu các ưu tiên khác mà Thuỵ Điển muốn tập trung thúc đẩy trong 6 tháng tới là sự bền bỉ, thịnh vượng của các nền kinh tế châu Âu và các vấn đề về dân chủ, nhà nước pháp quyền.

Đối với sáng kiến “La bàn chiến lược” thì đây là một chiến lược dài hạn của châu Âu nhằm xây dựng một sức mạnh cứng về an ninh và quốc phòng của châu Âu từ nay đến năm 2030, với các mục tiêu tương đối cụ thể như việc thành lập một lực lượng quân đội phản ứng nhanh 5.000 quân có năng lực tác chiến từ 2025, triển khai ít nhất 200 đội chuyên gia về an ninh-quốc phòng có sự phối hợp quân sự-dân sự, đẩy mạnh đầu tư vào các dự án quốc phòng chung của châu Âu hay xây dựng các quan hệ đối tác với các thiết chế lớn như NATO, Liên Hợp Quốc, OSCE hay kể cả các tổ chức khu vực như ASEAN. Về tổng thể thì “La bàn chiến lược” là một chiến lược dài hơi mà châu Âu sẽ vừa triển khai vừa sửa đổi cho phù hợp với các biến động địa chính trị tại châu lục và trên thế giới.

Do đó, ưu tiên của Thuỵ Điển có lẽ sẽ không tập trung vào một chiến lược dài hơi như thế bởi thời gian 6 tháng làm chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu là rất ngắn, chỉ đủ để quốc gia giữ vai trò chủ tịch thúc đẩy một số ưu tiên nhất định và trong bối cảnh địa chính trị hiện nay tại châu Âu, ưu tiên hàng đầu bây giờ là xây dựng một mặt trận đoàn kết phản ứng linh hoạt với tất cả những biến động từ xung đột Ukraine.

Thách thức với chính sách chung của EU

Đây chính là một vấn đề lớn tạo ra các hoài nghi về khả năng thành công của Thuỵ Điển trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu 6 tháng tới. Trước hết cần nói rõ rằng, đảng cực hữu Dân chủ Thuỵ Điển (SD) không tham gia trong chính phủ cầm quyền hiện nay của Thuỵ Điển nhưng đảng này về nguyên tắc là duy trì một sự ủng hộ có điều kiện đối với chính phủ. Với việc đảng SD giành đến 20% tổng số phiếu trong cuộc bầu cử lập pháp tại Thuỵ Điển vào tháng 09/2022 thì sự ủng hộ của SD là cực kỳ quan trọng, thậm chí là có tính quyết định, đối với các chương trình hành động mà chính phủ gồm 3 đảng trung hữu của Thuỵ Điển đưa ra.

Do đó, trong các chủ đề như tị nạn thì chắc chắn đảng SD sẽ có tác động rất lớn đến chính phủ Thuỵ Điển bởi cương lĩnh chính trị của đảng cực hữu SD là bài ngoại, chống người nhập cư, tị nạn, chống châu Âu, coi Liên minh châu Âu là nguồn gốc của mọi vấn đề khó khăn về kinh tế-xã hội mà Thuỵ Điển đang phải ứng phó, đặc biệt là tình trạng tội phạm. Ở đây cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng trong vài năm qua Thuỵ Điển đang dần đánh mất hình ảnh của một quốc gia Bắc Âu thịnh vượng và yên bình, hay nói cách khác là “mô hình Thuỵ Điển” vốn được tôn sùng trên thế giới vài thập kỷ qua đang có dấu hiệu phai nhạt.

Tầng lớp trung lưu Thuỵ Điển đang có xu hướng bị nghèo hoá trong khi tình trạng bạo lực, tội phạm có tổ chức trong xã hội gia tăng. Một con số thống kê cho thấy, trong năm 2022 Thuỵ Điển ghi nhận đến 378 vụ nổ súng khiến 60 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương, trong khi các nước Bắc Âu láng giềng ghi nhận tỷ lệ tội phạm thấp hơn nhiều lần, như Đan Mạch và Na Uy chỉ có 4 vụ giết người hay Phần Lan chỉ có 2 vụ. Đây chính là một thực tế xã hội đã nuôi dưỡng sự thăng tiến thần tốc của đảng SD. 

Tiếp đến, Đảng SD cũng rất thù địch với các vấn đề về môi trường, phủ nhận sự tồn tại của tình trạng biến đổi khí hậu. Với tất cả những quan điểm đó, đảng SD là một đồng minh tự nhiên với các đảng có khuynh hướng chính trị tương tự tại Hungary, tại Italia hay tại Pháp và trên thực tế, đảng SD cũng đã nhiều lần phản đối việc EU có ý định trừng phạt Hungary với các cáo buộc về vi phạm các nguyên tắc dân chủ, nhà nước pháp quyền châu Âu.

Các đối tác châu Âu sẽ dần dần khám phá ra những bất cập về đảng SD trong thời gian tới nhưng trong nội bộ Thuỵ Điển, rất nhiều đảng đối lập đã lên tiếng cho rằng chính phủ Thuỵ Điển hiện quá phụ thuộc vào đảng SD và sẽ không thể thực hiện nổi các cam kết về bảo vệ nhà nước pháp quyền nếu vẫn giữ sự phụ thuộc vào đảng SD như hiện nay. Riêng với chủ đề người tị nạn, chắc chắn đảng SD sẽ gây sức ép để chính phủ Thuỵ Điển thúc đẩy các chính sách cứng rắn hơn ở phạm vi châu Âu. Nhưng đây không phải là vấn đề của riêng Thuỵ Điển bởi rất nhiều nước EU khác cũng có các đảng phái, thậm chí là đảng cầm quyền, có quan điểm tương tự, như Italia, Hungary, Ba Lan, Hy Lạp… và vấn đề tị nạn vốn là bài toán khó dai dẳng của châu Âu cả thập kỷ qua, không thể hy vọng giải quyết dứt điểm chỉ trong vài tháng.

EU dưới 6 tháng điều hành của CH Séc

VOV.VN - Đến thời điểm này có thể đánh giá nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu của Séc khá thành công khi quốc gia Đông Âu này nhận được sự khen ngợi từ các nhà quan sát quốc tế về những thành tựu và khả năng lãnh đạo trong 6 tháng qua.

Giải pháp đối với Thụy Điển

Sự chia rẽ trong nội bộ chính trường Thuỵ Điển đã tạo ra các hoài nghi lớn tại châu Âu từ trước khi Thuỵ Điển nhậm chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu. Sự chia rẽ này có thể khiến chính phủ Thuỵ Điển của Thủ tướng Ulf Kristersson không có đủ vốn liếng chính trị cần thiết để theo đuổi các tham vọng lớn ở phạm vi châu Âu. Giới phân tích tại châu Âu cho rằng, qua những phát biểu của Thủ tướng Ulf Kristersson thì có lẽ Thuỵ Điển sẽ tập trung ưu tiên vào chủ đề đang tạo sự đồng thuận lớn nhất trong EU, đó là duy trì mặt trận đoàn kết ứng phó với xung đột Nga-Ukraine, hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine, tiếp đến là giải quyết các thách thức của khủng hoảng năng lượng hiện vẫn chưa kết thúc.

Đối với các chủ đề dễ gây tranh cãi và bất đồng như tị nạn, nhà nước pháp quyền… nhiều khả năng Thuỵ Điển sẽ né tránh hoặc để lại cho các nước EU sau đó tiếp quản, dù hiện nay ngoài các nước tiếp nhận ban đầu ở Nam Âu như Italia, Hy Lạp, Tây Ban Nha thì Hà Lan và Áo cũng đang gây sức ép rất mạnh để buộc EU phải siết chặt các chính sách tị nạn do hai nước này đánh giá làn sóng tị nạn đổ về các nước này đã gần bằng khủng hoảng tị nạn 2015.

Tuy nhiên, 6 tháng là thời gian không dài và trong bối cảnh có rất nhiều dự báo từ giới quân sự phương Tây rằng xung đột Nga-Ukraine có thể leo thang lên các cấp độ mới từ mùa Xuân 2023 sau khi tạm “đóng băng” tương đối trong mùa Đông, chủ đề xung đột Ukraine có lẽ sẽ chiếm phần lớn thời gian và nguồn lực của Thuỵ Điển. 

Đối với xung đột này, có lẽ cũng cần nhắc lại một vướng mắc khác của Thuỵ Điển, đó là cho tới nay hồ sơ xin gia nhập NATO của Thuỵ Điển và Phần Lan vẫn đang bị Thổ Nhĩ Kỳ cản trở. Mục đích chính của Thổ Nhĩ Kỳ đương nhiên là đòi hỏi các nhượng bộ từ Thuỵ Điển liên quan đến việc dẫn độ các thành viên người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ xếp vào thành phần khủng bố, chống đối, nhưng đối với xung đột Nga-Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong những nước can dự tích cực nhất và tìm kiếm lợi ích quyết liệt nhất, do đó không thể loại trừ các kịch bản Thuỵ Điển bị “bó tay, bó chân” khi xử lý xung đột Nga-Ukraine nếu vướng phải các phản đối hay đòi hỏi từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tất nhiên, ngoài chuyện an ninh, tị nạn… chính phủ Thuỵ Điển cũng đã công bố một chương trình hành động dày đặc, với dự kiến trên 2.000 phiên họp về 300 chủ đề, trong đó có những chủ đề khác cũng rất quan trọng như xây dựng sự tự chủ của châu Âu trong công nghiệp bán dẫn; đáp trả đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ hay thúc đẩy các cam kết đến năm 2030 châu Âu cắt giảm được 55% khí thải./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Động thái của Thụy Điển và Phần Lan để cánh cửa gia nhập NATO rộng mở
Động thái của Thụy Điển và Phần Lan để cánh cửa gia nhập NATO rộng mở

VOV.VN - Phát biểu trong chuyến thăm Ankara hôm qua (8/12), Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen cho biết sẽ xem xét cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ trên cơ sở từng trường hợp cụ thể - động thái cho thấy Phần Lan sẵn sàng đáp ứng các điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm sớm gia nhập NATO.

Động thái của Thụy Điển và Phần Lan để cánh cửa gia nhập NATO rộng mở

Động thái của Thụy Điển và Phần Lan để cánh cửa gia nhập NATO rộng mở

VOV.VN - Phát biểu trong chuyến thăm Ankara hôm qua (8/12), Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen cho biết sẽ xem xét cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ trên cơ sở từng trường hợp cụ thể - động thái cho thấy Phần Lan sẵn sàng đáp ứng các điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm sớm gia nhập NATO.

Phần Lan, Thụy Điển chờ Hungary, Thổ Nhĩ phê chuẩn hồ sơ gia nhập NATO
Phần Lan, Thụy Điển chờ Hungary, Thổ Nhĩ phê chuẩn hồ sơ gia nhập NATO

VOV.VN - Phần Lan và Thụy Điển đang trông đợi Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ - 2 thành viên cuối cùng trong NATO phê chuẩn nốt hồ sơ xin gia nhập liên minh quân sự của họ.

Phần Lan, Thụy Điển chờ Hungary, Thổ Nhĩ phê chuẩn hồ sơ gia nhập NATO

Phần Lan, Thụy Điển chờ Hungary, Thổ Nhĩ phê chuẩn hồ sơ gia nhập NATO

VOV.VN - Phần Lan và Thụy Điển đang trông đợi Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ - 2 thành viên cuối cùng trong NATO phê chuẩn nốt hồ sơ xin gia nhập liên minh quân sự của họ.

Hungary sẽ phê chuẩn hồ sơ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO vào tháng 2
Hungary sẽ phê chuẩn hồ sơ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO vào tháng 2

VOV.VN -Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto ngày 30/11 cho biết Chính phủ Hungary đã cam kết sẽ phê chuẩn hồ sơ xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) của Phần Lan và Thụy Điển vào đầu tháng 2 năm 2023.

Hungary sẽ phê chuẩn hồ sơ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO vào tháng 2

Hungary sẽ phê chuẩn hồ sơ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO vào tháng 2

VOV.VN -Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto ngày 30/11 cho biết Chính phủ Hungary đã cam kết sẽ phê chuẩn hồ sơ xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) của Phần Lan và Thụy Điển vào đầu tháng 2 năm 2023.

Thụy Điển phát hiện dấu vết thuốc nổ trong đường ống Dòng chảy phương Bắc
Thụy Điển phát hiện dấu vết thuốc nổ trong đường ống Dòng chảy phương Bắc

VOV.VN - Hôm 18/11 một công tố viên Thụy Điển cho hay, các nhà điều tra vừa phát hiện dấu vết của thuốc nổ tại nơi đường ống Dòng chảy phương Bắc bị hư hại, cho thấy có sự phá hoại ngầm.

Thụy Điển phát hiện dấu vết thuốc nổ trong đường ống Dòng chảy phương Bắc

Thụy Điển phát hiện dấu vết thuốc nổ trong đường ống Dòng chảy phương Bắc

VOV.VN - Hôm 18/11 một công tố viên Thụy Điển cho hay, các nhà điều tra vừa phát hiện dấu vết của thuốc nổ tại nơi đường ống Dòng chảy phương Bắc bị hư hại, cho thấy có sự phá hoại ngầm.