Nhiều nghi vấn bao trùm vụ UAV tấn công Moscow
VOV.VN - Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào thủ đô Moscow của Nga rạng sáng 30/5 đã làm rộ lên nhiều nghi vấn, đồng thời gây lo ngại về việc xung đột Nga-Ukraine sẽ leo thang hơn nữa.
Vụ việc xảy ra chỉ vài tuần sau khi 2 UAV lao vào Điện Kremlin và bị bắn hạ. Giới chức Nga gọi đây là một cuộc tấn công khủng bố, còn Tổng thống Putin và Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm. Theo ông Putin đây có thể là đòn đáp trả của Kiev sau khi quân đội Nga tập kích sở chỉ huy của Cục Tình báo quốc phòng Ukraine. Ukraine phủ nhận liên quan đến vụ việc, nhưng cố vấn tổng thống Ukraine dự đoán sẽ ngày càng có nhiều vụ tấn công như vậy. Hiện có rất nhiều câu hỏi xoay quanh vụ việc này.
Loại UAV nào thực hiện vụ tấn công?
Nhà chức trách và các phương tiện truyền thông Nga cho biết, có 8 UAV thực hiện vụ tấn công này. Trong đó, 3 chiếc đã bị áp chế bằng các biện pháp tác chiến điện tử, mất kiểm soát và lao chệch mục tiêu. 5 UAV còn lại bị hệ thống phòng không Pantsir-S và hệ thống pháo hoạt động bên ngoài Moscow bắn hạ.
Trong khi đó truyền thông Nga dẫn nguồn tin từ cơ quan an ninh cho biết, con số này cao hơn gấp nhiều lần, ước tính có khoảng 30 chiếc. Một số tòa nhà bị hư hại nhẹ, nhưng không có báo cáo về thương vong.
Dựa trên hình ảnh và video tại hiện trường do các phương tiện truyền thông công bố, một số chuyên gia cho rằng, trong số các UAV này có thể có UAV UJ-22 do công ty Ukrjet của Ukraine sản xuất. UJ-22 có khả năng cất cánh và hạ cánh trên đường băng dài 100m. UJ-22 có tầm bay 800km, có thể bay liên tục 6 giờ đồng hồ, mang theo tải trọng vũ khí 20kg, chủ yếu là lựu đạn và mìn, trong đó có 6 lựu đạn RPG-7VM, hoặc bốn quả mìn cối 82 mm. Nhưng cũng có ý kiến không đồng ý, cho rằng đây là mẫu máy bay không người lái khác, viện dẫn sự khác biệt về hình dạng.
Theo nhiều nhà phân tích quân sự, UAV được triển khai để tấn công Moscow chắc chắn phải có tầm hoạt động tương đối xa, mặc dù không rõ nó có nguồn gốc từ Nga hay từ Ukraine.
Hình ảnh về các tòa nhà bị hư hại cho thấy, những UAV này có thể có tải trọng nhỏ hơn đáng kể so với UAV Shahed do Iran chế tạo mà Nga được cho là đã sử dụng trong các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine thời gian gần đây.
Liệu Ukraine có phải là “thủ phạm”?
Kiev được cho là đã tiến hành một số cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trên lãnh thổ của Nga và những khu vực do Moscow kiểm soát ở Ukraine. Hầu hết các cuộc tấn công bằng UAV như vậy đều tập trung vào các khu vực của Nga gần biên giới Ukraine hoặc căn cứ quân sự, cơ sở hậu cần, thậm chí các nhà máy lọc dầu.
Tuy vậy, Ukraine từng nhiều lần úp mở ý định tấn công các mục tiêu nằm sâu bên trong nước Nga bằng máy bay không người lái. Hồi tháng 2 vừa qua, một máy bay không người lái (UAV) chứa thuốc nổ đã rơi ở khu vực cách Moscow khoảng 100km. Chiếc UAV được cho là do Ukraine thiết kế và mang 17kg thuốc nổ C4.
Vài tuần sau vụ UAV tấn công Điện Kremlin, New York Times dẫn các nguồn tin từ cơ quan tình báo Mỹ cho biết, Ukraine nhiều khả năng đứng sau vụ tấn công này, mặc dù họ không chắc chắn về bằng chứng cho thấy lệnh tấn công là do Kiev ban bố. Điều đó đã khiến một số quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden lo ngại cuộc chiến có nguy cơ vượt ra khỏi biên giới Ukraine.
Trong trường hợp Ukraine nhận trách nhiệm về vụ tấn công Moscow, thì động cơ này có thể là nhằm chứng minh rằng Kiev hoàn toàn có khả năng vượt qua các hệ thống phòng không tiên tiến, hiện đại của Nga.
Một số nhà phân tích phương Tây suy đoán, vụ việc có thể do chính Moscow dàn dựng. John Spencer – cựu sỹ quan Mỹ, hiện là chuyên gia nghiên cứu chiến tranh độ thị tại Viện chiến tranh hiện đại cho rằng, những UAV sử dụng trong cuộc tấn công không thể được phóng từ lãnh thổ Ukraine. Dù là những UAV tầm xa thì chúng chắc chắn sẽ phải vượt qua rất nhiều tuyến phòng thủ của Nga từ khu vực biên giới đến thủ đô và khả năng sống sót khi qua các lớp phòng thủ đầu tiên sẽ rất thấp.
Nga sẽ đáp trả ra sao?
Liên quan tới vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Moscow, Tổng thống Putin cho rằng, hành động của Kiev đang đe dọa công dân Nga vì thế giới lãnh đạo Nga phải đưa ra phản ứng tương tự. Tuy nhiên, ông Putin được cho là đã giảm thiểu những lo ngại liên quan đến vụ tấn công này.
Trong bài bình luận trên Telegram, nhà phân tích chính trị người Nga Tatiana Stanovaya, thành viên cấp cao tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga, cho rằng sự bình tĩnh đáng ngạc nhiên của tổng thống giúp tạo ấn tượng rằng ông “không hề lo sợ” trước một cuộc tấn công nhằm “tạo ra sự hoảng loạn bên trong nước Nga”.
Còn Tim White – một chuyên gia kiêm nhà báo Ukraine cho rằng: “Ông Putin có thể đáp trả bằng quân sự, tăng cường hơn nữa các cuộc tấn công vào Ukraine. Vấn đề là kho vũ khí của Nga còn lại bao nhiêu. Thời gian gần đây, Nga đã tăng cường sử dụng máy bay không người lái. Chiến thuật này chủ yếu là xác định vị trí các hệ thống phòng không của Ukraine, đặc biệt là các hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ cung cấp và khiến Ukraine cạn kiệt kho tên lửa phòng không của mình”./.