Nhiều người Trung Quốc ủng hộ tiêm vaccine Covid-19 sớm dù tính hiệu quả còn bỏ ngỏ

VOV.VN - Sau một năm khởi phát tại Vũ Hán dựa trên các số liệu công bố chính thức của giới chức địa phương, đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Giờ đây, vaccine phòng ngừa căn bệnh này đang là chủ đề rất được quan tâm cả ở Trung Quốc và thế giới. Nếu dự báo của các chuyên gia Trung Quốc là chuẩn xác, vaccine ngừa Covid-19 của nước này rất có thể sẽ có mặt trên thị trường trong tháng 12 này. Mặc dù tất cả các loại vaccine vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và mới chỉ được cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, nhưng câu chuyện tiêm vaccine đã nóng lên ở Trung Quốc từ hồi tháng 10, khi tỉnh Chiết Giang, miền Đông Nam nước này trở thành địa phương đầu tiên cung cấp dịch vụ tiêm vaccine Covid-19 cho công chúng.

"Cuối cùng cũng đã tiêm xong vaccine Covid-19"

Đây là tiêu đề của không ít bài đăng trên ứng dụng RED (Xiaohongshu), một ứng dụng khá giống với Douyin (phiên bản nội địa của TikTok) ở Trung Quốc. Chủ nhân bài đăng hôm 26/11 có tên "bbbboey" cho biết mình là một nghiên cứu sinh sắp sang Anh du học vào tháng 12, do vậy cần tiêm gấp vaccine ngừa Covid-19.

Chủ tài khoản này đã ghi lại chi tiết quá trình từ khi đặt lịch tại quê nhà là một thị trấn nhỏ ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang hôm 16/10, đến khi được tiêm mũi đầu ngày 23/10 và hoàn thành mũi tiêm còn lại hôm 26/11 vừa qua.

Theo đó, quy trình tiêm vaccine Covid-19 tương tự các loại vaccine khác. Người tiêm sẽ được theo dõi 30 phút sau khi tiêm. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 14 đến 28 ngày, nhưng tốt nhất vẫn là 28 ngày. Chủ tài khoản cho biết, cảm nhận sau tiêm không có gì đặc biệt, chỉ hơi buốt cánh tay. Nhiều người bạn của du học sinh này cũng đã tiêm và chưa xuất hiện vấn đề gì về sức khỏe.

Một chủ tài khoản nữ cũng đã hoàn thành việc tiêm vaccine tại Ninh Ba, một thành phố khác của tỉnh Chiết Giang, trong bài đăng hôm 25/11 cho biết thêm, chi phí cho mỗi lần tiêm là 200 nhân dân tệ (hơn 700.000 đồng Việt Nam) tiền mua vaccine và 28 nhân dân tệ (khoảng 100.000 đồng Việt Nam) tiền phí tiêm.

Còn theo một tài khoản nữ khác có tên "ava Vương Điềm Điềm", những người tiêm tại Ôn Châu đa số là thương nhân người Hoa kinh doanh ở nước ngoài, có hộ chiếu, visa hoặc thẻ cư trú sở tại và có nhu cầu xuất ngoại trong thời gian gần sắp tới. Người đăng ký tiêm phải ở độ tuổi từ 18 đến 59. Những người đã có vé máy bay có thể rút ngắn thời gian tiêm giữa hai mũi xuống còn 14 ngày.

Trong phần bình luận của những bài đăng này, đa phần ủng hộ việc tiêm vaccine sớm, nhưng cũng có những người đặt các câu hỏi về hiệu quả của vaccine, bởi các công ty Trung Quốc đến nay đều chưa công bố dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III trên người, trong khi thế giới cũng chưa đưa ra bất cứ kết luận nào về thời gian duy trì kháng thể của vaccine.

Cũng có người trong phần bình luận cho biết, vaccine của Công ty công nghệ sinh học Sinovac (Sinovac Biotech) hiệu quả cao hơn của Tập đoàn Y dược Trung Quốc (Sinopharm) khi sau 1 tuần tiêm mũi thứ 2 đều cho kết quả IgG dương tính với số lượng kháng thể khá lớn, trong khi một số trường hợp tiêm vaccine của Sinopharm lại cho kết quả âm tính.

Mặc dù vậy, với những người có nhu cầu phải ra nước ngoài trong thời gian này, họ vẫn sẵn sàng tìm đến "cò" và bỏ ra một số tiền lớn để được tiêm vaccine khẩn cấp, bởi theo truyền thông Trung Quốc, sau một thời gian cho phép người dân ở tất cả các nơi đến tiêm, các trung tâm tiêm chủng ở Chiết Giang đã quá tải và giờ đây họ chỉ tiêm cho người dân địa phương.

Theo thông tin từ ông Trần Quảng Thắng, Phó Tổng thư ký chính quyền tỉnh Chiết Giang, tỉnh này đã tiến hành tiêm vaccine Covid-19 cho 743.000 lượt người chỉ từ tháng 9 đến khoảng giữa tháng 10. Loại vaccine được sử dụng chính ở đây là của Sinovac Biotech.

Vaccine Covid-19 của Trung Quốc hiệu quả ra sao?

Trung Quốc hiện có 5 loại vaccine Covid-19 thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn III, trong đó vaccine của Sinopharm và Sinovac Biotech được chọn để sử dụng khẩn cấp ở nước này từ hồi tháng 7. 

Theo đánh giá của Viện sĩ Chung Nam Sơn, chuyên gia nổi tiếng đã trải qua hai kỳ đại dịch ở Trung Quốc gồm SARS và Covid-19, nếu vaccine của Pfizer đạt hiệu quả ngăn chặn virus ở mức 90%, thì trình độ nghiên cứu và phát triển vaccine của Trung Quốc cũng tương đương. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, cần phải có kết quả thử nghiệm mới có thể công bố số liệu chính xác.

Hôm 25/11 vừa qua, Sinopharm cho biết, đã nộp hồ sơ lên Cục Quản lý giám sát Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc để đưa loại vaccine ngừa Covid-19 do Sinopharm phát triển ra thị trường. Đây là loại vaccine Covid-19 đầu tiên của Trung Quốc hoàn tất hồ sơ để chuẩn bị tung ra thị trường tính đến thời điểm này.

Trước đó, tập đoàn này từng khẳng định, các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới do Công ty công nghệ sinh học Trung Quốc (CNBG) của Sinopharm nghiên cứu và phát triển "tốt hơn dự kiến", nhưng không cho biết cụ thể về các dữ liệu này. 

Mới đây, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Sinopharm Lưu Kính Trinh cũng cho biết, đến nay, việc nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất và sử dụng khẩn cấp của loại vaccine này đều đang "dẫn đầu toàn cầu".

Theo ông, gần 1 triệu người đã sử dụng khẩn cấp vaccine của Sinopharm và chưa trường hợp nào có phản ứng nghiêm trọng, chỉ có 1 vài người xuất hiện các "triệu chứng nhẹ". Bản thân ông cùng khoảng 56.000 người gồm các nhân viên ngoại giao, du học sinh và các chuyên gia của Trung Quốc đã tiêm vaccine này trước khi ra nước ngoài và tất cả đều khỏe mạnh, chưa ai mắc Covid-19.

Trong khi đó, Sinovac Biotec cũng mới công bố kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II tại Trung Quốc cho hơn 700 người trên tạp chí y khoa The Lancet Infectious Diseases hôm 17/11. Theo đó, vaccine ngừa Covid-19 có tên CoronaVac do công ty này phát triển có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch nhanh chóng. Tuy nhiên, mức độ kháng thể tạo ra lại thấp hơn ở những bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh.

Kết quả này cho thấy, CoronaVac có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch trong vòng 4 tuần sau khi tiêm phòng 2 liều vaccine cách nhau 14 ngày.

Một nhà nghiên cứu còn khẳng định, loại vaccine này có thể được lưu trữ ở tủ đông thông thường và giữ nguyên trạng thái ổn định lên đến 3 năm. Trong khi đó, thời hạn trữ vaccine của công ty Pfizer trong tủ đông thông thường chỉ là 5 ngày và vaccine của công ty Moderna là 30 ngày.

Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh giai đoạn III mới đóng vai trò quan trọng để xác minh liệu một loại vaccine có đủ khả năng bảo vệ con người khỏi SARS-CoV-2 gây Covid-19 hay không. Giáo sư Naor Bar-Zeev của Đại học Johns Hopkins còn cảnh báo, ngay cả khi có kết quả thử nghiệm giai đoạn III cũng vẫn nên xem xét cẩn trọng, bởi Covid-19 có thể gây tổn thương cho con người bằng nhiều cách./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Những đối tượng được ưu tiên sử dụng vaccine ngừa Covid-19 ở Mỹ
Những đối tượng được ưu tiên sử dụng vaccine ngừa Covid-19 ở Mỹ

VOV.VN - Ngày 1/12, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã bỏ phiếu xác định các đối tượng được ưu tiên sử dụng vaccine ngừa Covid-19 trong thời gian tới.

Những đối tượng được ưu tiên sử dụng vaccine ngừa Covid-19 ở Mỹ

Những đối tượng được ưu tiên sử dụng vaccine ngừa Covid-19 ở Mỹ

VOV.VN - Ngày 1/12, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã bỏ phiếu xác định các đối tượng được ưu tiên sử dụng vaccine ngừa Covid-19 trong thời gian tới.

Pháp sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 đại trà từ tháng 4/2021
Pháp sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 đại trà từ tháng 4/2021

VOV.VN - Các lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên dự kiến sẽ được giao tới Pháp vào giữa tháng 1 năm sau, việc tiêm chủng đại trà sẽ chỉ được tiến hành từ khoảng tháng 4/2021.

Pháp sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 đại trà từ tháng 4/2021

Pháp sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 đại trà từ tháng 4/2021

VOV.VN - Các lô vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên dự kiến sẽ được giao tới Pháp vào giữa tháng 1 năm sau, việc tiêm chủng đại trà sẽ chỉ được tiến hành từ khoảng tháng 4/2021.

Vaccine Covid-19 của Moderna đạt hiệu quả 100% trong ngăn các ca bệnh chuyển nặng
Vaccine Covid-19 của Moderna đạt hiệu quả 100% trong ngăn các ca bệnh chuyển nặng

VOV.VN - Công ty dược phẩm Moderna của Mỹ ngày 30/11 đã nộp đơn lên Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) để xin cấp phép đưa vaccine của công ty này vào sử dụng.

Vaccine Covid-19 của Moderna đạt hiệu quả 100% trong ngăn các ca bệnh chuyển nặng

Vaccine Covid-19 của Moderna đạt hiệu quả 100% trong ngăn các ca bệnh chuyển nặng

VOV.VN - Công ty dược phẩm Moderna của Mỹ ngày 30/11 đã nộp đơn lên Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) để xin cấp phép đưa vaccine của công ty này vào sử dụng.