Nhiều nước NATO cân nhắc đưa lực lượng quân sự tới Ukraine
VOV.VN - Canada là quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp theo đánh tiếng về khả năng cử lực lượng quân sự đến Ukraine.
Bất chấp các nỗ lực quốc tế tìm kiếm giải pháp hòa bình thời gian qua, cuộc xung đột tại miền đông Ukraine đang đứng trước nguy cơ bị đẩy lên một nấc thang căng thẳng mới. Trong khi đó, Mỹ-NATO và Nga liên tục tổ chức tập trận quân sự tại các khu vực được xem là nhạy cảm đối với nhau.
Mặc dù nhấn mạnh chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra nhưng chính phủ Canada đang để ngỏ khả năng trên bên cạnh việc tiếp tục cung cấp các thiết bị quân sự phi sát thương cho Ukraine.
Như vậy, sau tuyên bố lấp lửng của chính giới Anh, Canada là quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp theo đánh tiếng về khả năng cử lực lượng quân sự đến Ukraine.
Trong số các nước NATO, Mỹ là quốc gia đầu tiên cam kết cử khoảng 800 binh sỹ đến để huấn luyện cho 3 tiểu đoàn Ukraine tại miền tây nước này.
Trước đó, phát biểu trong một phiên họp của ủy ban quốc hội Anh hôm 24/2, Thủ tướng David Cameron công khai cho biết, trong tháng tới, nước này sẽ cử khoảng 75 cố vấn quân sự tới Ukraine để hỗ trợ huấn luyện.
Ông Cameron nói: “Trong tháng tới, chúng ta sẽ triển khai các binh sỹ Anh để thực hiện hoạt động cố vấn cũng như huấn luyện tình báo chiến thuật, hậu cần và chăm sóc y tế. Chúng ta cũng sẽ triển khai chương trình huấn luyện lục quân với quân đội Ukraine để nâng cao năng lực chiến đấu cho các lực lượng này”.
Giới chức quốc phòng Anh ngay sau đó cũng tuyên bố nước này không cử binh sỹ chiến đấu nhưng khẳng định sẽ cử cố vấn quân sự đến hỗ trợ cho quân đội Ukraine.
Trong khi đó, giới chức quân sự Mỹ cho biết, Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra quyết định viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine và thừa nhận rằng không thể dự đoán phản ứng của Nga liên quan đến hành động trên.
Tư lệnh các lực lượng NATO tại châu Âu tướng Philip Breedlove hôm 25/2 cho biết, Lầu Năm Góc đã đề xuất về một loạt vũ khí mà lực lượng Ukraine yêu cầu, từ vũ khí hạng nhẹ đến những loại vũ khí tinh vi hơn, đòi hỏi phải huấn luyện, đào tạo thì mới sử dụng được. Theo đó, nếu được cung cấp và trang bị vũ khí sát thương, Ukraine có thể làm thay đổi những tính toán của Nga. Ngoài ra, tướng Breedlove còn cảnh báo rằng Nga có thể đưa Moldova vào tầm ngắm để ngăn chặn nước này ngả theo phương Tây sau Ukraine.
Trả lời báo giới về các bước tiếp theo của Mỹ tại Ukraine, tướng Philip Breedlove cho biết: “Chúng tôi hiện nay đang thực hiện các biện pháp cấm vận. Đây là công cụ kinh tế. Chúng tôi có các viện trợ phi sát thương cho Ukraine từ nhiều quốc gia. Đây là công cụ quân sự. Chúng tôi hiện vẫn có các công cụ ngoại giao và thông tin để áp dụng. Tôi cho rằng Nga đang chịu áp lực trên tất cả bốn yếu tố của sức mạnh quốc gia là ngoại giao, thông tin, quân sự, kinh tế liên quan đến tình hình Ukraine. Bốn công cụ này có thể sẽ làm thay đổi tính toán của lãnh đạo Nga khi đưa ra quyết định hành động tại phía đông Ukraine”.
Nguy cơ leo thang căng thẳng giữa Mỹ-NATO và Nga còn thể hiện trên thực địa khi hai bên liên tục tổ chức các cuộc tập trận tại các khu vực nhạy cảm mà theo giới chuyên gia quân sự là nhằm nắn gân lẫn nhau. Truyền thông Nga hôm nay (26/2) cho biết, các máy bay chiến đấu của Nga đang tham gia các cuộc tập trận với khoa mục không chiến trên biển Barents. Cùng ngày, khoảng 2.000 lính dù Nga cũng tham gia tập trận tại khu vực phía tây nước này, giáp với biên giới Latvia và Estonia. Đây được xem là đợt tập trận đổ bộ đường không đánh chiếm các mục tiêu như sân bay quân sự giả định lớn nhất của quân đội Nga ở khu vực này nhiều năm qua.
Ngay trước đó, Mỹ và Lithuania, một trong ba nước vùng Baltic gần với Nga cũng tổ chức cuộc tập trận quân sự trong kế hoạch phản ứng nhanh của NATO nhằm đối phó với khủng hoảng Ukraine. Đợt tập trận này có sự tham gia của khoảng 250 binh sỹ Mỹ triển khai tại đây cùng với xe tăng chủ lực chiến trường M1 và nhiều xe chiến đấu khác./.