Những bất đồng khó tìm tiếng nói chung giữa Mỹ và châu Âu

VOV.VN - Trong chuyến thăm 8 ngày tới châu Âu, Tổng thống Joe Biden hy vọng có thể củng cố lại các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nhưng đó là một nhiệm vụ không dễ dàng khi Mỹ và châu Âu vẫn còn những bất đồng khó tìm tiếng nói chung.

Dù việc ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ có thể khiến các nhà lãnh đạo châu Âu cảm thấy “nhẹ nhõm” hơn so với người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng Mỹ và châu Âu vẫn chia rẽ về nhiều vấn đề chính sách chủ chốt, từ những đòn thuế quan thương mại thời chính quyền Trump cho tới việc đánh thuế nhằm vào những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ, bằng sáng chế vaccine hay dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Cuộc chiến thuế thương mại

Chính quyền mới tại Mỹ hiện vẫn chưa “đụng chạm” tới nhiều chính sách thương mại thời Tổng thống Donald Trump, trong đó có cả thuế thép, nhôm.

Xu hướng của ông Biden về chính sách “mua hàng Mỹ”, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Mỹ, là một trong những lý do khiến EU đang chuẩn bị một công cụ pháp lý mới nhằm đảm bảo sự nhượng bộ lẫn nhau trong các hợp đồng lớn.

Sau gần một thập kỷ “hòa hợp”, EU cuối cùng tiến hành kế hoạch hỗ trợ các ngành công nghiệp của khối và điều này có thể gây hại cho các công ty Mỹ.

EU và Mỹ đã đồng ý tạm ngừng áp thuế với cả thép và nhôm cũng như thuế quan đối với Airbus-Boeing. Nhưng việc giải quyết những tranh chấp thương mại kéo dài này sẽ là phép thử thực sự cho những tuyên bố về việc làm mới lại mối quan hệ tốt đẹp xuyên Đại Tây Dương.

Bỏ bằng sáng chế vaccine

Quyền sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề mới phát sinh giữa Mỹ và châu Âu. Mỹ tuyên bố ủng hộ việc bỏ bằng sáng chế đối với vaccine ngừa Covid-19, nhưng EU lại phản đối vấn đề này.

Việc Mỹ ủng hộ bỏ bản quyền vaccine ngừa Covid-19 là để tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất trong bối cảnh thế giới vẫn đang phải đối phó với đại dịch và nhiều nước, vẫn đang rơi vào tình trạng khan hiếm vaccine.

EU tuyên bố sẽ không ủng hộ ý định của Mỹ. Tuy nhiên, cũng có sự rạn nứt trong nội bộ EU khi cả Italy và Bỉ đều ủng bộ việc bỏ bảo hộ bằng sáng chế vaccine ngừa Covid-19.

Thương mại với Trung Quốc

Tháng 12/2020, EU ký thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc. Đây được xem như chiến thắng lớn đối với Bắc Kinh giữa lúc nước này bị chỉ trích về các vấn đề Hong Kong, Tân Cương cũng như nguồn gốc virus SARS-CoV-2 và đại dịch Covid-19.

Ở thời điểm EU ký thỏa thuận này với Trung Quốc, ông Biden vẫn chưa nhậm chức tổng thống Mỹ, nhưng nhóm của ông đã phá vỡ sự im lặng và lên tiếng cảnh báo EU về “cái ôm” với Trung Quốc.

Thỏa thuận hiện đã bị đóng băng do sự phản đối từ Nghị viện châu Âu. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Mỹ và EU ở cùng chiến tuyến khi nói đến vấn đề thương mại với Trung Quốc.

Mỹ đã cấm nhập khẩu các sản phẩm từ Tân Cương, nhưng EU lại không đưa ra những hạn chế tương tự.

Đánh thuế Big Tech

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là các nhà đàm phán dự kiến sẽ đạt được một thỏa thuận toàn cầu nhằm cải thiện hệ thống thuế quan của thế giới.

Sau khi chính quyền Biden công bố các đề xuất mới - nhắm đến 100 công ty hàng đầu thế giới chứ không chỉ những tên tuổi lớn nhất của Thung lũng Silicon – đã có sự bất đồng giữa Mỹ và EU trong vấn đề này.

Nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Pháp, mong muốn đưa tất cả các công ty công nghệ lớn (Big Tech) của Mỹ vào khuôn khổ này và sẵn sàng thỏa hiệp với Mỹ về những công ty khác cần phải được đưa vào đề xuất mới.

Nhưng không có gì là chắc chắn. Các quan chức Mỹ đã đưa ra - và nhanh chóng hoãn lại - các mức thuế trả đũa trị giá hàng tỷ USD đối với các quốc gia, bao gồm nhiều nước ở Châu Âu, theo đó áp thuế dịch vụ kỹ thuật số quốc gia của những nước đó. Các quy định này sẽ vẫn được áp dụng cho đến khi một thỏa thuận toàn cầu được thực hiện.

Ủy ban châu Âu cũng chuẩn bị công bố mức thuế kỹ thuật số của riêng mình và điều này có thể làm phức tạp những ngày cuối cùng của các cuộc đàm phán. Các nhà lập pháp Mỹ đã quá chú ý đến các cuộc đàm phán quốc tế về thuế doanh nghiệp đa quốc gia đến mức hầu hết đã bỏ qua thuế kỹ thuật số mà các nhà hoạch định chính sách của EU sẽ đề xuất riêng.

Brussels khẳng định sáng kiến của EU, dự kiến đưa ra vào tháng 7 tới, không phải là vấn đề lớn. Nhưng nhiều người cho rằng điều này có thể cản trở một thỏa hiệp toàn cầu.

Định giá carbon

Mỹ và EU có các mục tiêu khí hậu tương đồng nhau và để đạt được các mục tiêu này sẽ đòi hỏi cắt giảm mạnh lượng khí thải carbon. Nhưng hai bên lại khác biệt cơ bản trong cách tiếp cận.

Công cụ chính của EU để giảm thiểu ô nhiễm là định giá khí thải. Việc buộc những người gây ô nhiễm phải trả một khoản chi phí ngày càng tăng thông qua Hệ thống Mua bán Khí thải của EU đã giúp giảm hơn 1 tỷ tấn CO2 và đang thúc việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch khỏi hệ thống điện, đồng thời buộc các nhà sản xuất thép và các ngành công nghiệp nặng carbon khác phải “dọn dẹp” các nhà máy của họ.

Giá phát thải carbon bắt đầu tăng vào năm 2020, sau khi các nhà lập pháp đồng ý về các mục tiêu tham vọng hơn của EU vào năm 2030.

Tại Mỹ, Quốc hội vẫn kiên quyết phản đối kế hoạch định giá carbon của liên bang, mặc dù điều này được sự ủng hỗ rộng rãi từ ngành công nghiệp và các nhóm hoạt động bảo vệ môi trường. Nhiều bang cũng đã áp dụng biện pháp định giá carbon của riêng mình.

Dòng chảy phương Bắc 2

EU cho đến nay vẫn không thể tìm ra giải pháp hợp lý để xóa bỏ dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên dưới biển từ Nga sang Đức. Các nước công khai phản đối như Ba Lan, Latvia, Litva và Estonia đã hy vọng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ giúp họ xóa bỏ dự án do Gazprom hậu thuẫn này.

Những giấc mơ đó đã “tiêu tan” vào cuối tháng 5, khi ông Biden không áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Cả Berlin và Moscow đều hoan nghênh động thái này.

Ukraine đã rất giận dữ khi nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin giờ đã có lợi thế lớn để đàm phán về cuộc xung đột ở Donbas trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Biden-Putin sắp tới tại Geneva.

Các nhà lập pháp Mỹ cũng không hài lòng về động thái của ông Biden, bởi việc trừng phạt nhằm vào dự án này nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 7/6 cho biết các lệnh trừng phạt đối với Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ tạo ra “một cái giếng nhiễm độc với một trong những đối tác thân cận nhất của chúng tôi, Đức”.

Dù ông Biden có thể làm hài lòng Berlin, danh tiếng của ông với tư cách là đồng minh của các nước hậu Xô Viết ở châu Âu đã bị suy giảm nghiêm trọng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Video: Tổng thống Biden đặt chân đến Anh, bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên
Video: Tổng thống Biden đặt chân đến Anh, bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên

VOV.VN - Chuyên cơ chở Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden tối muộn 9/6 (theo giờ địa phương) đã hạ cánh xuống sân bay Cornwall Newquay ở Tây Nam nước Anh, bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức.

Video: Tổng thống Biden đặt chân đến Anh, bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên

Video: Tổng thống Biden đặt chân đến Anh, bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên

VOV.VN - Chuyên cơ chở Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden tối muộn 9/6 (theo giờ địa phương) đã hạ cánh xuống sân bay Cornwall Newquay ở Tây Nam nước Anh, bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức.

Tổng thống Mỹ Biden gửi lời cảnh báo mạnh mẽ tới Nga trước cuộc gặp thượng đỉnh
Tổng thống Mỹ Biden gửi lời cảnh báo mạnh mẽ tới Nga trước cuộc gặp thượng đỉnh

VOV.VN - Trong một phát biểu trên hành trình tới Anh ngày 9/6, bắt đầu chuyến thăm các nước châu Âu, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ đáp trả kiên quyết nếu Nga có các hành động gây hại.

Tổng thống Mỹ Biden gửi lời cảnh báo mạnh mẽ tới Nga trước cuộc gặp thượng đỉnh

Tổng thống Mỹ Biden gửi lời cảnh báo mạnh mẽ tới Nga trước cuộc gặp thượng đỉnh

VOV.VN - Trong một phát biểu trên hành trình tới Anh ngày 9/6, bắt đầu chuyến thăm các nước châu Âu, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ đáp trả kiên quyết nếu Nga có các hành động gây hại.

Lịch trình và trọng tâm chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden
Lịch trình và trọng tâm chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới châu Âu kéo dài 8 ngày để tham gia hàng loạt Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng nhằm tập hợp đồng minh, đối phó với các thách thức ngày càng gia tăng.

Lịch trình và trọng tâm chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Lịch trình và trọng tâm chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới châu Âu kéo dài 8 ngày để tham gia hàng loạt Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng nhằm tập hợp đồng minh, đối phó với các thách thức ngày càng gia tăng.