Những dấu mốc quan trọng trong vụ ông Bạc Hy Lai
VOV.VN - Ông Bạc từng được coi là một ngôi sao sáng trên bầu trời chính trị Trung Quốc nhưng đã bất ngờ “ngã ngựa”.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ ông Bạc Hy Lai vừa khép lại. Tuy nhiên, nhưng vụ bê bối chính trị lớn nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua vẫn được dư luận Trung Quốc và quốc tế quan tâm đặc biệt.
Tâm điểm của phiên tòa chính là cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, ông Bạc từng được cho là một ngôi sao sáng trên bầu trời chính trị Trung Quốc, nhưng đã vụt tắt sau một cú “ngã ngựa” đầy bất ngờ.
Ông Bạc Hy Lai thời kỳ hoàng kim (Ảnh: Reuters) |
Bạc Hy Lai sinh năm 1949 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Cha của ông là cố Phó thủ tướng Trung Quốc Bạc Nhất Ba.
Năm 1977, Bạc Hy Lai tốt nghiệp khoa Lịch sử quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh và chuyển sang theo học tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc để lấy bằng Cao học vào năm 1982.
Năm 1984, khi bước sang tuổi 35 tuổi, Bạc Hy Lai đã được bổ nhiệm làm Phó Bí thư huyện Jin, tỉnh Liêu Ninh (sau này được sáp nhập vào thành phố Đại Liên). Vị trí này đã đưa sự nghiệp chính trị của Bạc Hy Lai lên một nấc thang mới, và từ đây con đường tiến thân của ông bắt đầu lên “như diều gặp gió”.
Ông Bạc Hy Lai trở thành Thị trưởng thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh năm 1993. Sau đó ông trở thành Chủ tịch tỉnh Liêu Ninh, rồi giữ chức Bộ trưởng Thương mại cho đến khi được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh năm 2007. Ông được đánh giá là ứng cử viên nặng ký cho một vị trí trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc, khi quá trình chuyển tiếp quyền lực diễn ra vào cuối năm 2012.
Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của ông Bạc Hy Lai đã dừng lại khi ngày 10/4/2012, ông bị đình chỉ chức vụ trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vướng vào vòng kiện tụng và số phận khó đoán định.
Diễn biến chính vụ bê bối Bạc Hy Lai
Ngày 14/11/2011, doanh nhân người Anh Neil Heywood chết bất thường trong khách sạn hạng sang Lijing Holiday gần thành phố Trùng Khánh. Neil Heywood là người không hề xa lạ gì với gia đình ông Bạc Hy Lai. Doanh nhân người Anh này đã làm quen với vợ chồng Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai sau khi đến Đại Liên làm ăn vào đầu những năm 1990. Giới chức Trung Quốc khi đó cho biết Heywood chết vì bị ngộ độc rượu và xác ông này được hỏa táng.
Ngày 2/2/2012, Chính quyền thành phố Trùng Khánh thông báo rằng Giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân bị bãi chức. Vụ việc này được cho là đỉnh điểm mâu thuẫn giữa ông Bạc và ông Vương.
Ông Bạc Hy Lai tại phiên tòa xét xử ông ở Tòa án Nhân dân Trung Cấp Tế Nam (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Trong phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai vừa qua, Vương Lập Quân khai rằng ngày 18/1/2012 Vương Lập Quân đến gặp Bạc Hy Lai để thông báo về kết luận cái chết của Neil Heywood: đó là do bị đầu độc, mà thủ phạm không ai khác hơn là bà Cốc Khai Lai. Khi nghe cấp dưới báo cáo như vậy, Bạc Hy Lai đã nổi giận và đã đấm ông Vương. Tại tòa, ông Bạc thừa nhận tát Vương Lập Quân do giận dữ vì cấp dưới "hai mặt".
Ngày 6/2/2012, vị cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh này bí mật đến thành phố Thành Đô thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên và xin tị nạn tại cơ quan Ngoại giao Mỹ ở Thành Đô để tố cáo và cũng là để tránh đòn thù của ông Bạc Hy Lai.
Ông Bạc từng tuyên bố rằng mình nắm được tất cả mọi việc và chịu trách nhiệm về những gì xảy ra ở Trùng Khánh, nhưng cũng phải thừa nhận rằng ông đã bị bất ngờ trước nước cờ cực kỳ cao tay của Vương Lập Quân. Bạc Hy Lai đã phải thốt lên rằng ông không thể tưởng tượng nổi việc Vương Lập Quân chạy vào Lãnh sự quán Mỹ và cho rằng ông đã “đặt niềm tin vào nhầm người”.
Ngày 7/2/2012, cảnh sát vây quanh lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, Tứ Xuyên, yêu cầu giao nộp Vương Lập Quân. Sau đó, ông Vương đồng ý nộp mình cho các quan chức Bắc Kinh sau khi có được sự bảo đảm về tính mạng.
Ngày 8/2/2012, Chính quyền Trùng Khánh thông báo rằng do bị quá tải công việc nên ông Vương bị căng thẳng và được nghỉ dưỡng bệnh. Trên thực tế, ông này đã bị giam giữ để phục vụ công tác điều tra.
Ngày 14/3/2012, tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã gián tiếp chỉ trích ông Bạc về cách xử lý vụ việc của ông Vương Lập Quân. Đây là bình luận đầu tiên từ một lãnh đạo Trung Quốc về vụ việc, cho thấy ông Bạc đang ở trong tình thế nguy hiểm.
Ngày 15/3/2012, Trung Quốc thông báo rằng ông Bạc Hy Lai đã bị cách chức bí thư Trùng Khánh. Thông báo ngắn gọn được đưa ra trên các báo chính thống Trung Quốc cho hay, ông Bạc đã "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng". Ông Bạc không xuất hiện trước công chúng kể từ đó.
Ngày 10/4/2012, giới chức Trung Quốc thông báo, ông Bạc Hy Lai bị đình chỉ tất cả các chức vụ trong đảng. Bà Cốc Khai Lai bị tạm giữ để điều tra về nghi vấn liên quan cái chết của Heywood. Trước đó, một đoạn băng ghi âm bị rò rỉ cho thấy ông Bạc và ông Quân đã bất đồng khi ông Quân nói với ông Bạc về một cuộc điều tra nhằm vào gia đình ông Bạc.
Ngày 20/8/2012, Bà Cốc bị tuyên phạt án tử hình nhưng được hoãn thi hành án 2 năm vì tội sát hại Neil Heywood. Phiên tòa xét xử tội danh giết người của bà Cốc Khai Lai, đã kết thúc nhanh chóng chỉ sau 7 giờ xét xử. Bà Cốc đã không phản đối cáo trạng rằng bà đầu độc doanh nhân người Anh bởi cho rằng ông này có thể gây họa cho con trai bà.
Ngày 5/9/2012, Vương Lập Quân bị buộc tội đào ngũ, nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực.
Ngày 24/9/2012, Vương Lập Quân bị tuyên phạt 15 năm tù giam. Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, phiên tòa xét xử ông Vương diễn ra ở Tòa án Nhân dân trung cấp thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Thông tin cũng cho biết, tại phiên tòa, ông Vương Lập Quân đã bày tỏ không khiếu nại với phán quyết trên của tòa án.
Ngày 28/9/2012, ông Bạc Hy Lai bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngày 26/10/2012, ông Bạc bị bãi miễn khỏi Quốc hội, đồng nghĩa với việc ông không được hưởng quyền miễn tố.
Ngày 25/7/2013, ông Bạc Hy Lai bị truy tố về tội biển thủ công quĩ, nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực.
Ngày 22/8/2013, ông Bạc được đưa ra xét xử ở Tòa án Nhân dân Trung cấp thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Sau 5 ngày xét xử, Cơ quan công tố đã đề nghị áp dụng mức án “nghiêm khắc” đối với Bạc Hy Lai, tuy nhiên phán quyết cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Dù chưa biết phán quyết đối với ông Bạc Hy Lai được đưa ra như thế nào nhưng chặng đường từ một ngôi sao nghị trường trở thành “kẻ tội đồ” của ông vẫn sẽ là một chủ đề thu hút được sự quan tâm của dư luận Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới./.