Những “điểm nóng” xung đột âm ỉ trong lòng Syria sau nội chiến
VOV.VN - Nội chiến Syria dần kết thúc nhưng những vòng xoáy xung đột vẫn âm ỉ khi các nhân tố quốc tế và khu vực suy nghĩ lại về những chiến lược dài hạn.
Quyết định rút quân của Tổng thống Donald Trump càng góp phần thổi bùng lên ngọn lửa xung đột này. Rút quân khỏi Syria, Mỹ không chỉ để lại khoảng trống cho các đồng minh của Tổng thống Assad là Nga và Iran mà còn khiến Israel công khai đối đầu với Iran khi nước này tiến hành hàng hoạt các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu được cho là của Tehran ở Syria. Một số nhà phân tích cảnh báo rằng cuộc xung đột giữa hai quốc gia này có thể gây nên cuộc chiến tranh trong khu vực khi kéo theo cả Lebanon và Iraq tham chiến.
Một chiếc xe của quân đội Mỹ đi qua làng Baghuz ở Syria ngày 26/1. Ảnh: AFP |
Cùng thời điểm, các tay súng cực đoan của IS cũng đang cho thấy sự hồi sinh, dù là ở mức độ nhỏ khi chúng nhắm vào các lực lượng của Mỹ và người Kurd bằng những cuộc tấn công liều chết. Trong khi đó, trước mối đe dọa từ một cuộc tấn công dữ dội của Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng người Kurd ở Syria có thể sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ ông Assad và những đối tác quốc tế.
"Chúng ta không nên tự lừa dối bản thân và cho rằng cuộc chiến đã kết thúc. Cuộc chiến lớn đã qua. Nhưng thực tế là những cuộc đấu tranh chính trị và chiến lược ở Syria bị chi phối bởi những quốc gia trong khu vực vẫn đang nóng lên và không ngừng leo thang. Theo quan điểm của tôi, đây mới là giai đoạn nguy hiểm nhất trong cuộc xung đột Syria", Fawaz Gerges - một giáo sư nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London cho biết.
Dưới đây là những diễn biến và các nguy cơ tiềm tàng về những căng thẳng giữa các quốc gia tại Syria khi cuộc nội chiến đẫm máu 8 năm tại quốc gia Trung Đông này đến hồi kết.
Israel
Israel từng khẳng định trong một thời gian dài rằng sẽ không để Iran thành lập căn cứ quân sự ở Syria tại vị trí mà Israel có thể bị đe dọa tấn công. Tuy nhiên, trong một động thái mới đây nhất, Israel đã công khai tuyên bố về các cuộc tấn công những mục tiêu được cho là của Iran ở Syria sau nhiều năm im lặng hoặc lấp lửng thừa nhận.
Việc Mỹ rút quân theo kế hoạch tức là Israel có thể mất đi "người bảo vệ" mạnh nhất trong cuộc chiến chống Iran và các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực. Tham mưu trưởng quân đội Israel Gadi Eisenkot nhận định với tờ New York Times rằng Israel đã tiến hành hàng nghìn cuộc tấn công vào các mục tiêu của Iran tại Syria trong 2 năm qua dưới sự bảo hộ của chính quyền Tổng thống Mỹ.
"Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Israel nhằm ngăn chặn Tehran biến Syria thành Lebanon tiếp theo", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định trong một bài phát biểu tại Cairo vào tháng 1/2019. Tuyên bố của ông Pompeo ngầm nói đến ảnh hưởng quyền lực về mặt quân sự và chính trị của nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn tại Lebanon - lực lượng mà Israel luôn coi là kẻ thù hàng đầu.
Nguy cơ về một cuộc chiến toàn diện giữa Iran và Israel có thể vẫn chưa quá cao nhưng chiến tranh "đôi khi có thể xảy ra chỉ vì một tính toán sai lầm, do những biến số không lường trước được hoặc bởi một sự kiện khó đoán định nhưng lại có ảnh hưởng lớn và hậu quả nghiêm trọng", chuyên gia Gerdes nhận định. Mối đe dọa lớn nhất ở Syria chính là "cuộc chiến tranh giữa Israel và Iran bởi cuộc chiến này có thể dễ leo thang thành cuộc xung đột toàn diện trong khu vực".
Idlib
Moscow và Ankara đã nhất trí hồi tháng 9/2018 về một thỏa thuận nhằm tránh cuộc tấn công của chính phủ Syria vào thành trì Idlib của phe nổi dậy. Điều này cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ tránh được làn sóng tị nạn nếu gần 4 triệu người sống ở đây tràn sang. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi vào tháng 12/2018 sau khi các tay súng có liên hệ với al-Qaeda càn quét qua và cố giành lấy thị trấn này từ lực lượng đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã cho thấy Ankara có thể sẽ nhất trí với phương án tiến hành một cuộc tấn công hạn chế cùng với lực lượng chính phủ Syria do Nga ủng hộ nhằm giành lại Idlib. Đây sẽ là một sự đảo ngược chính sách quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia vốn luôn ủng hộ lực lượng đối lập trong suốt cuộc xung đột Syria. Đánh cược với khả năng chính phủ Syria sẽ nhượng lại vùng đất này, có thể thấy quân bài mặc cả của Thổ Nhĩ Kỳ rất hạn chế và dường như cách tốt nhất Tổng thống Erdogan có thể làm là thuyết phục Tổng thống Putin cân nhắc đến những lợi ích của Ankara trong khu vực.
Ngoại trưởng Nga Sergie Lavrov đã "nói rằng Nga sẽ cân nhắc các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng có vẻ như điều này chỉ là một cách diễn đạt lịch sự mang tính ngoại giao cho câu trả lời "không đời nào", Heiko Wimmen, giám đốc dự án Syria, Lebanon và Iraq tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế tại Beirut cho biết. Chuyên gia này cũng nhận định, trong khi Nga thậm chí còn muốn kiểm soát nhiều hơn lãnh thổ Syria thì quốc gia này sẽ "không đời nào" giúp Thổ Nhĩ Kỳ giành ảnh hưởng tại đây.
IS
Tổng thống Trump thông báo hồi tháng 12/2018 rằng quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Syria bởi vì IS bị đánh bại nhưng tổ chức khủng bố này đã cho thấy chúng vẫn là mối nguy hiểm tiềm tàng. Chỉ trong chưa đầy 1 tuần, chúng đã tiến hành 2 cuộc tấn công nhằm vào lực lượng quân đội Mỹ. Ngày 21/1, một vụ ném bom liều chết nhằm vào quân đội Mỹ dù không gây thương vong cho quân Mỹ nhưng đã khiến 5 tay súng người Kurd - đồng minh của Mỹ thiệt mạng. Tuần trước, 4 người Mỹ đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương sau một cuộc tấn công ném bom liều chết.
Mặc dù IS đã bị tiêu diệt phần lớn ở Iraq và Syria những việc Mỹ rút quân khi bất ổn vẫn còn có thể khiến tổ chức khủng bố này có cơ hội để khôi phục lực lượng hoặc thậm chí tuyển mộ thêm các tay súng.
"Khi IS không thể dựa vào lực lượng quân thường trực nữa, chúng sẽ tăng cường chuyển sang chiến tranh du kích và tiến hành các cuộc khủng bố đơn lẻ. Liên Hợp Quốc và Lầu Năm Góc ước tính lực lượng này vẫn còn khoảng 20.000 - 30.000 quân ở Iraq và Syria", Anthony Skinner, giám đốc công ty dự báo Verisk Maplecroft ở Anh cho biết.
Lực lượng người Kurd
Thông báo rút quân bất ngờ của Tổng thống Trump khiến nhiều người "đứng ngồi không yên" khi họ cho rằng đây được coi như "lời mời" để Iran lấp đầy khoảng trống của Washington ở đông bắc Syria, cũng như phản bội lại các đồng minh người Kurd đã sát cánh cùng Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại chào đón quyết định rút quân này. Sự hiện diện của quân đội Mỹ đã cản trở Ankara tấn công các tay súng người Kurd do Mỹ ủng hộ - một lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là có liên hệ với phong trào người Kurd đòi ly khai ở đông nam nước này.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Nga có đồng ý cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cuộc tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Syria hay không. Trong khi đó, những quan điểm khác nhau về thời hạn rút quân của Washington khiến quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình thế "dở dang". Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan đã tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kiểm soát thị trấn Manbij do lực lượng người Kurd nắm giữ ở phía bắc Syria và cuối cùng sẽ giao lại cho "những chủ nhân thực sự của nó".
Lực lượng dân quân người Kurd YPG trước lo ngại về việc rút quân của Mỹ đã hối thúc chính phủ Tổng thống Assad và Moscow điều thêm quân tới khu vực biên giới mà lực lượng này đã nắm giữ trong nhiều năm để tránh khỏi cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố Afrin đã khiến lực lượng người Kurd và dân thường phải rời khỏi đây năm 2018.
Ông Erdogan có thể làm hài lòng những người theo chủ nghĩa dân tộc trong cuộc bầu cử tháng 3/2019 bằng một cuộc tấn công vào lực lượng người Kurd nhưng sự lao dốc về kinh tế do căng thẳng leo thang với Mỹ có thể gây nên sự chia rẽ về quan điểm của nhiều người đối với cuộc tấn công này, chuyên gia Skinner phân tích.
Cũng theo ông Skinner, "có một điều rõ ràng là lực lượng YPG luôn là ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn tránh một cuộc tấn công quân sự bất ngờ vào lãnh thổ mà quân đội Mỹ vẫn hiện diện".
"Thật khó mà tưởng tượng rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tấn công mà không có sự nhất trí của Moscow hoặc chính phủ Syria sẽ không làm gì trước động thái này, trừ khi Ankara chắc rằng Mỹ sẽ không trừng phạt họ bằng những cuộc không kích dữ dội", chuyên gia Wimmen tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết.
"Tôi tin rằng Washington thực sự muốn tránh viễn cảnh Iran và các đồng minh sẽ nhảy vào thế chân Mỹ sau khi nước này rút quân nên sẽ chỉ cho phép chính phủ kiểm soát khu vực này. Có lẽ đó cũng là giải pháp để lực lượng người Kurd đạt được 1 thỏa thuận với chính quyền Syria nhưng Damascus chắc chắn sẽ không dễ khoan nhượng và càng có ít lý do để linh động giải quyết vấn đề này”, chuyên gia này nhận định thêm./.
Chính phủ Syria kiểm soát Manbij: Xung đột Syria sắp đến hồi kết?
Cuộc xung đột Syria đi về đâu sau Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ?