Những đòn trừng phạt phương Tây có thể áp đặt nếu Nga tấn công Ukraine
VOV.VN - Mỹ và châu Âu dọa sẽ áp các lệnh trừng phạt mới nếu Nga tấn công Ukraine. Theo một số nguồn tin, khả năng loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT đã được loại trừ. Vậy phương Tây có thể áp các đòn trừng phạt nào khác?
Các nhà ngoại giao Mỹ và châu Âu không ngừng đe dọa áp trừng phạt mới đối với Nga để ngăn chặn Moscow tiến hành một cuộc tấn công tiềm tàng nhằm vào Ukraine.
Trong chuyến thăm tới Kiev ngày 18/1, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cảnh báo Nga sẽ phải “trả giá đắt” nếu cuộc khủng hoảng hiện nay không được giải quyết bằng các biện pháp ngoại giao.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tháng trước cũng cảnh báo “hậu quả nghiêm trọng” nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh hành động quân sự nhằm vào Ukraine, sau khi Moscow tập trung 100.000 binh sỹ gần biên giới với nước láng giềng.
Không loại Nga khỏi SWIFT?
Thời điểm đó, có nhiều thông tin cho rằng Mỹ có thể theo đuổi “lựa chọn hạt nhân”, theo đó loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
SWIFT được hơn 11.000 thể chế tài chính ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sử dụng. SWIFT do ủy ban 25 thành viên điều hành, trong đó có 1 thành viên người Nga. Hệ thống này thực hiện khoảng 35 triệu giao dịch mỗi ngày, chuyển khoảng 5.000 tỷ USD trên khắp thế giới.
Theo các nhà phân tích tài chính, việc bị loại khỏi SWIFT có thể làm gián đoạn nghiêm trọng nền kinh tế Nga. Điều này cũng sẽ khiến các ngân hàng Nga gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thực hiện và nhận các khoản thanh toán quốc tế, làm suy yếu đáng kể đồng ruble của Nga. Các tập đoàn năng lượng lớn của Nga sẽ bị tác động đáng kể.
Mặc dù đây được xem là biện pháp hiệu quả trong việc buộc Moscow rút khỏi “bờ vực chiến tranh”, nhưng nhật báo kinh tế Handelsblatt của Đức ngày 17/1 dẫn các nguồn tin chính phủ nước này cho biết, các nước phương Tây đã từ bỏ kế hoạch loại Nga khỏi SWIFT.
Ông Brian O'Toole, nghiên cứu sinh tại Hội đồng Atlantic nhận định, việc loại Nga khỏi SWIFT sẽ chỉ gây gián đoạn tức thì, tác động có thể thu nhỏ theo thời gian.
“Một số hoạt động thanh toán sẽ bị trì hoãn và việc thực hiện lại giao dịch mới có thể làm phát sinh thêm nhiều chi phí, nhưng nhìn chung, điều này sẽ không làn sụp đổ hoạt động thương mại Nga chừng nào các hoạt động đó vẫn hợp pháp và không bị trừng phạt”, ông O’Toole nói.
Nhắm vào các ngân hàng Nga
Báo Handelsblatt cũng cho biết, giải pháp loại Nga khỏi SWIFT không được bàn đến vì làm như vậy cũng sẽ gây bất ổn cho các thị trường tài chính toàn cầu, trong khi thúc đẩy việc phát triển các hệ thống thanh toán thay thế khác không chịu sự giám sát của phương Tây. Thay vào đó, các ngân hàng Nga có thể là trở thành đối tượng bị trừng phạt.
Nga và Trung Quốc hiện đã phát triển hệ thống thanh toán riêng thay thế SWIFT, nhưng vẫn chưa có mức độ bao phủ toàn cầu tương tự như SWIFT.
Tuy nhiên, một người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ đã bác bỏ thông tin của Handelsblatt.
“Không thể loại trừ bất cứ phương án nào. Chúng tôi vẫn tiếp tục tham vấn chặt chẽ với các đối tác châu Âu về hậu quả nghiêm trọng đối với Nga nếu Moscow tấn công Ukraine”, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ nói với Reuters.
Dù vậy theo báo Handelsblatt, Đức muốn tránh việc siết chặt hạn chế tới mức điều đó có thể gây khó khăn cho chính châu Âu khi thanh toán các khoản nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Nga.
Cô lập như Triều Tiên, Iran?
Theo Financial Times, các lệnh trừng phạt Nga có thể tương tự như đòn trừng phạt Iran và Triều Tiên.
Tháng 3/2012, các nước phương Tây trừng phạt chương trình hạt nhân Iran bằng cách loại Tehran khỏi SWIFT, khiến nước này mất một nửa doanh thu xuất khẩu dầu mỏ và 30% ngoại thương.
Tuy nhiên, theo bà Maria Shagina tại Trung tâm Carnegie ở Moscow, nền kinh tế Iran nhỏ hơn và không có tầm quốc tế rộng rãi như nền kinh tế Nga. Mỹ và Đức sẽ chịu tổn thất nhiều nhất vì các ngân hàng của 2 nước này thường xuyên giao dịch qua SWIFT với các ngân hàng Nga.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trước đây đã áp trừng phạt nhằm vào các ngân hàng và công ty Nga sau khi Nga sáp nhập nhập bán đảo Crimea năm 2014. Các đòn trừng phạt chủ yếu nhằm vào lĩnh vực năng lượng và vũ khí của Nga, hạn chế Nga tiếp cận các thị trường tài chính Mỹ và EU.
Tuy nhiên, giới doanh nghiệp Đức sau đó đã kêu gọi nới lỏng các biện pháp trừng phạt do nền kinh tế số một châu Âu chịu nhiều thiệt hại từ chính các đòn trừng phạt nhằm vào Nga.
Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2
Dòng chảy phương Bắc 2 – đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức chạy qua biển Baltic – đã hoàn thành cuối năm 2021 nhưng vẫn chưa được chính quyền Đức cấp phép hoạt động.
Đường ống có thể gia tăng khối lượng khí đốt vận chuyển từ Nga tới Tây Âu. Tuy nhiên, những nước phản đối, trong đó có Ukraine và Mỹ, cho rằng, dự án này có thể khiến châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng Nga.
Hiện Đức đang chịu sức ép từ Mỹ và EU về việc đình chỉ phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2 như một phần nỗ lực trừng phạt Nga.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Đức Michael Roth phát biểu với Đài ARD rằng Berlin không thể loại trừ việc sử dụng đường ống này như một đòn bẩy chống lại sự gây hấn của Nga đối với Ukraine.
“Nếu thực sự phải đi đến các lệnh trừng phạt, tôi vẫn hy vọng chúng ta có thể tránh được điều đó. Dù vậy chúng ta không thể loại trừ bất cứ khả năng nào có thể được các đối tác EU đề nghị”, ông Roth nói.
Sự dè dặt đáng chú ý của Đức
Rafael Loss từ Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại cho rằng, Berlin “ít kiên quyết” trong việc giúp Ukraine răn đe Nga.
“Các cuộc thảo luận ở Berlin gần đây chủ yếu là về những gì Đức không sẵn lòng đặt lên bàn thảo luận để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, trong đó có Dòng chảy phương Bắc 2, vận chuyển vũ khí và SWIFT”, ông Rafael Loss nói.
Theo ông Rafael Loss, ở châu Âu hiện nay có quan điểm cho rằng các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Nga “đã bỏ qua châu Âu”. Ủy viên EU phụ trách chính sách đối ngoại Josep Borrell rất giận dữ vì Brusselss “không đóng bất cứ vai trò có ý nghĩa nào” trong các cuộc đối thoại đó.
Trong khi đó, Bộ trưởng tài chính Nga tuần trước cảnh báo, việc bị áp thêm các lệnh trừng phạt sẽ là điều khó chịu đối với Nga, nhưng Moscow có thể đối phó được.
“Tôi nghĩ các thể chế tài chính của chúng tôi có thể giải quyết được vấn đề nếu có các rủi ro phát sinh”, ông nói./.