Những thách thức chờ đợi chính phủ mới tại Sri Lanka

VOV.VN - Bất kỳ ai lên nắm quyền tại Sri Lanka trong những ngày tới sẽ đều phải đối mặt với một số nhiệm vụ khó khăn, bao gồm giải quyết tình trạng bất ổn kinh tế nghiêm trọng của đất nước và hàn gắn những chia rẽ chính trị sâu sắc.

Sri Lanka đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc sau khi hàng nghìn người biểu tình xông vào dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa vào cuối tuần trước.

Người dân Sri Lanka bày tỏ sự phẫn nộ ngày càng tăng đối với tình trạng bất ổn kinh tế nghiêm trọng, gây ra sự thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men. Các cuộc biểu tình lan rộng đã khiến Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải từ chức.

Ngày 11/7, ông Rajapaksa đã chính thức ký đơn từ chức. Đơn từ chức này sẽ được chuyển cho Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka để thông báo công khai vào ngày 13/7.

Người phát ngôn của Quốc hội Sri Lanka và văn phòng thủ tướng cho biết, Tổng thống Rajapaksa sẽ từ chức vào ngày 13/7, mặc dù cho đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức nào về kế hoạch của ông.

Sáng sớm nay (13/7), ông Rajapaksa cùng vợ và vệ sĩ đã sử dụng máy bay quân sự Antonov-32 của không quân Sri Lanka để tới Maldives.

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe tuyên bố sẽ rời nhiệm sở khi chính phủ mới được thành lập.

Giữa những xáo trộn về chính trị, chưa rõ tình hình ở quốc đảo 22 triệu dân sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới.

Hai nhà lãnh đạo Sri Lanka sẽ chính thức từ chức?

Mặc dù những người biểu tình đã yêu cầu tổng thống và thủ tướng Sri Lanka từ chức ngay lập tức, ông Rajapaksa và ông Wickremesinghe vẫn chưa chính thức từ chức.

“Tỷ lệ ủng hộ của họ đã rất thấp trong hơn 6 tháng. Nhưng họ chỉ đồng ý từ chức sau các cuộc biểu tình lớn. Và họ vẫn chưa chính thức từ chức”, Nishan de Mel, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Verite có trụ sở tại Colombo, Sri Lanka, cho biết.

Điều này đang làm dấy lên câu hỏi về việc liệu hai nhà lãnh đạo này có thực sự từ chức hay không hay chỉ đang trì hoãn.  

“Có thể các cuộc đàm phán đang diễn ra và họ có thể cố gắng trì hoãn để tìm ra các giải pháp khác thay vì từ chức”, Jayadeva Uyangoda, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Colombo, nói.

Jehan Perera, Giám đốc điều hành của tổ chức Hội đồng Hòa bình quốc gia Sri Lanka, cho rằng những lo ngại liên quan đến việc từ chức của hai nhà lãnh đạo là có nguyên nhân.

“Tổng thống Rajapaksa được cho là đã nói với người phát ngôn về quyết định từ chức, nhưng ông ấy không tự mình đưa ra thông báo đó. Thủ tướng Wickremesinghe nói rằng sẽ từ chức sau khi một chính phủ lâm thời được thành lập. Những người muốn ông ấy ở lại có thể trì hoãn quá trình thành lập chính phủ lâm thời”, ông Perera nhận định.

Tuy nhiên, Paikiasothy Saravanamuttu, Giám đốc điều hành Trung tâm Thay thế Chính sách (CPA), nói rằng Tổng thống Rajapaksa không thể nắm quyền lâu hơn.

“Tổng thống Rajapaksa sẽ không thể tại vị sau những sự kiện chưa từng có xảy ra gần đây. Ông ấy phải ra đi và dành chỗ cho những thay đổi mới”, ông Saravanamuttu nhấn mạnh.

Cheran Rudhramoorthy, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Sắc tộc Quốc tế ở Sri Lanka, cũng đồng tình với quan điểm trên của ông Saravanamuttu. Tuy nhiên, ông Rudhramoorthy lưu ý rằng quân đội vẫn là những người ủng hộ và bảo vệ trung thành cho tổng thống.

Theo hiến pháp Sri Lanka, nếu tổng thống từ chức, thủ tướng sẽ trở thành quyền tổng thống cho đến khi quốc hội họp và bầu ra tổng thống mới.

Nếu thủ tướng và tổng thống cùng từ chức, người phát ngôn của quốc hội sẽ trở thành quyền tổng thống trong thời gian tạm thời một tháng hoặc cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ của tổng thống.

“Nhiệm vụ đầu tiên của tân tổng thống là chọn một thủ tướng mới, một nội các mới, giúp thành lập một chính phủ lâm thời mới”, chuyên gia Uyangoda nói.

Chính trường Sri Lanka chia rẽ sâu sắc

Bất chấp các cuộc biểu tình lan rộng, đảng của ông Rajapaksa vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số trong quốc hội và có thể có tiếng nói trong việc ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của đất nước.

Với bối cảnh có sự phân cực sâu sắc trong chính trị, sẽ rất khó để các đảng hợp lực để thành lập một chính phủ lâm thời ổn định.  

“Hiện tại chúng ta có một quốc hội bị phân tán về mặt chính trị. Đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn cho nhà lãnh đạo mới”, ông Uyangoda nói.

Ngoài ra, chưa có sự chắc chắn rằng một chính phủ toàn đảng sẽ ổn định và thành công. “Điều chúng ta cần là một sự thay đổi toàn diện trong hệ thống”, ông Rudhramoorthy nói.

Chuyên gia Nishan de Mel nói rằng người dân Sri Lanka “cảm thấy tự hào” về các cuộc biểu tình. Họ tin rằng đó là “Ngày Độc lập” thực sự đối với họ. “Nhưng cho đến khi đất nước có được nhà lãnh đạo mới và những cải cách đảm bảo rằng sẽ không còn tình trạng tham nhũng, các vấn đề sẽ vẫn còn đó. Đó là một con đường khó khăn phía trước”, ông Nishan de Mel cho hay.

Sri Lanka cần cải cách

Bất kỳ ai lên nắm quyền tại Sri Lanka trong những ngày tới sẽ đều phải đối mặt với một số nhiệm vụ khó khăn, bao gồm giải quyết tình trạng bất ổn kinh tế nghiêm trọng của đất nước và hàn gắn những chia rẽ chính trị sâu sắc.

“Cần phải có một sự thay đổi trong cách thức điều hành chính trị ở Sri Lanka để giải quyết cuộc khủng hoảng. Người dân đang yêu cầu chính phủ có nhiều trách nhiệm hơn và ít tham nhũng hơn. Câu hỏi đặt ra là liệu các chính trị gia có thể vượt qua những thách thức này hay không. Nếu chính phủ mới không đưa ra các cải cách điều hành và chính sách thay đổi đáng kể, sẽ có những sự phản đối trong nước”, ông Uyangoda nói.

Một phái đoàn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đến thăm Colombo vào cuối tháng 6 để thảo luận về hỗ trợ tài chính cho Sri Lanka.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau đó, tổ chức tài chính toàn cầu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh cải cách cơ cấu để giải quyết vấn đề tham nhũng nhằm khai thác tiềm năng tăng trưởng đầy đủ của Sri Lanka.

“Để giải quyết nạn tham nhũng trong nước, các thể chế phải được tách rời khỏi sự can thiệp của chính trị”, Paikiasothy Saravanamuttu, Giám đốc sáng lập của Chương trình minh bạch Quốc tế Sri Lanka, cho biết.

Tuy nhiên, một thỏa thuận cứu trợ với IMF sẽ chỉ là một phần của giải pháp. Để giải quyết khủng hoảng kinh tế, chính phủ cần đưa ra các biện pháp để đảm bảo cải cách cơ cấu, tính bền vững của nợ công và trách nhiệm giải trình, cùng những thứ khác.

“Chúng ta phải chờ xem liệu các cuộc biểu tình có dẫn đến sự chuyển đổi về kinh tế và chính trị đáng kể ở Sri Lanka hay không”, ông Perera nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tổng thống Sri Lanka tháo chạy khỏi đất nước
Tổng thống Sri Lanka tháo chạy khỏi đất nước

VOV.VN - Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã rời khỏi đất nước bằng máy bay quân sự vào sáng sớm 13/7 (giờ địa phương).

Tổng thống Sri Lanka tháo chạy khỏi đất nước

Tổng thống Sri Lanka tháo chạy khỏi đất nước

VOV.VN - Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã rời khỏi đất nước bằng máy bay quân sự vào sáng sớm 13/7 (giờ địa phương).

Tổng thống Gotabaya bị chặn tại sân bay khi chuẩn bị rời Sri Lanka
Tổng thống Gotabaya bị chặn tại sân bay khi chuẩn bị rời Sri Lanka

VOV.VN - Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã thất bại trong khi tìm đường rời khỏi đất nước. Diễn biến này đặt trong bối cảnh người dân Sri Lanka bất bình với việc điều hành đất nước của ông và đòi nhà lãnh đạo này phải chịu trách nhiệm.

Tổng thống Gotabaya bị chặn tại sân bay khi chuẩn bị rời Sri Lanka

Tổng thống Gotabaya bị chặn tại sân bay khi chuẩn bị rời Sri Lanka

VOV.VN - Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã thất bại trong khi tìm đường rời khỏi đất nước. Diễn biến này đặt trong bối cảnh người dân Sri Lanka bất bình với việc điều hành đất nước của ông và đòi nhà lãnh đạo này phải chịu trách nhiệm.

Sri Lanka bước vào giai đoạn chuyển giao
Sri Lanka bước vào giai đoạn chuyển giao

VOV.VN - Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa có kế hoạch từ chức vào ngày 13/7; trong khi Thủ tướng nước này cũng tuyên bố Nội các sẵn sàng từ chức nếu các bên Sri Lanka đạt thỏa thuận thành lập chính phủ mới. Hiện Quốc hội đã lên kế hoạch họp khẩn và tổ chức cuộc bầu cử mới.

Sri Lanka bước vào giai đoạn chuyển giao

Sri Lanka bước vào giai đoạn chuyển giao

VOV.VN - Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa có kế hoạch từ chức vào ngày 13/7; trong khi Thủ tướng nước này cũng tuyên bố Nội các sẵn sàng từ chức nếu các bên Sri Lanka đạt thỏa thuận thành lập chính phủ mới. Hiện Quốc hội đã lên kế hoạch họp khẩn và tổ chức cuộc bầu cử mới.