Nỗ lực của Mỹ tập hợp lực lượng chống Trung Quốc liệu có hiệu quả?

VOV.VN - Trung Quốc có thể sẽ gia tăng sự quyết đoán, cứng rắn hơn nhiều so với thời điểm hiện nay, buộc Mỹ phải điều chỉnh lại một số chính sách và chiến lược.

Mỹ nên chuẩn bị cho khả năng chiến lược “tập hợp đồng minh để đối đầu với Trung Quốc” của nước này có thể không thành công trong việc gây sức ép buộc Trung Quốc thay đổi hành xử. Ông Kurt Campbell - Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhận định với Financial Times hôm qua (4/5).

Theo các đánh giá, nhận định của giới phân tích, nghiên cứu về Trung Quốc thì Bắc Kinh có thể sẽ thay đổi các chính sách và hành xử nếu vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia khác.

Ông Kurt Campbell tin rằng có một số hy vọng cho nhận định này; song cũng nhấn mạnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang trong giai đoạn phát triển rất đáng lưu tâm. Hoàn toàn có thể xảy ra khả năng Trung Quốc sẽ không quay lại giai đoạn “giấu mình chờ thời”; thay vào đó sẽ gia tăng các chính sách và hành xử mang tính quyết đoán hơn, buộc Mỹ phải có những điều chỉnh trong các chiến lược và chính sách ngoại giao của mình.

Từ bỏ hay kế thừa cách tiếp cận của chính quyền Trump?

Khi chính quyền Tổng thống Joe Biden xây dựng chiến lược, chính sách về Trung Quốc, các quan chức cấp cao đã nhiều lần nhấn mạnh cần tập trung vào việc tăng cường quan hệ đối tác với các đồng minh để đối đầu với Bắc Kinh, tránh xa cách tiếp cận đơn độc của chính quyền Tổng thống Donal Trump.

Trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã gặt hái được một số thành công. Việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương đã giúp Mỹ tăng cường phối hợp với các đồng minh đề ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Trung Quốc như việc Mỹ, Liên minh Châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc liên quan vấn đề Tân Cương; Mỹ và Nhật Bản ra tuyên bố chung khẳng định tầm quan trọng của hòa bình ở Eo biển Đài Loan. Trong tuần này, Ngoại trường các nước G7 dành phần lớn thời lượng để thảo luận về các thách thức mà Trung Quốc đặt ra.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc không có dấu hiệu chùn bước trước áp lực gia tăng, thay vào đó nước này công bố các biện pháp trừng phạt trả đũa của riêng mình, cáo buộc những chỉ trích là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Các quan chức ngoại giao hàng đầu nước này còn tận dụng cuộc họp song phương ở Alaska, Mỹ (20/3) để chỉ trích gay gắt quan điểm và chính sách của Mỹ về Trung Quốc. Thậm chí, Thời báo Hoàn cầu - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc còn cho rằng: “Rất có thể khi nhìn lại, cuộc gặp Alaska sẽ trở thành cột mốc lịch sử. Đó là cuộc đối mặt chưa từng có tiền lệ, điều chỉnh những hiểu biết và thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc. Cuộc gặp đó nói rằng thời đại mà Mỹ có thể chỉ tay vào Trung Quốc đã hết, rằng nếu muốn cùng giải quyết vấn đề với Trung Quốc, Mỹ nên học cách cư xử bình đẳng và tôn trọng”.

Ông Kurt Campbell nhận định, viễn cảnh một Trung Quốc ngày càng bất chấp áp lực quốc tế đã và đang hiện hữu. Tuy vậy, ông Kurt Campbell tái khẳng định Mỹ cần tiếp tục duy trì cách tiếp cận như hiện nay đó là củng cố và tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia cùng chí hướng; nhấn mạnh cách tiếp cận này sẽ giúp Mỹ và các đồng minh bảo vệ lợi ích của mình tốt hơn trong trường hợp Trung Quốc ngày càng quyết đoán và cứng rắn hơn.

Bà Elizabeth Economy - chuyên viên cấp cao nghiên cứu về Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho rằng Chính quyền Mỹ cần duy trì, tiếp nối nhiều “di sản” của Chính quyền Trump trong các vấn đề từ quốc phòng đến thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc…

Bà Elizabeth Economy khẳng định Trung Quốc sẽ buộc phải có những điều chỉnh nếu ngày càng nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia Trung Đông và châu Phi tham gia vào một “liên minh quốc tế” do Mỹ dẫn dắt phản đối các hành động của Trung Quốc trong một loạt các vấn đề như Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bất chấp nỗ lực của ông Duterte, Trung Quốc đẩy Philippines ngày càng xích lại gần Mỹ
Bất chấp nỗ lực của ông Duterte, Trung Quốc đẩy Philippines ngày càng xích lại gần Mỹ

VOV.VN - Trong 1 năm qua, Tổng thống Duterte dường như đã thay đổi hẳn thái độ với Trung Quốc và khiến Bắc Kinh ngày càng thất vọng trong nỗ lực lôi kéo Manila khỏi quỹ đạo chiến lược của Washington.

Bất chấp nỗ lực của ông Duterte, Trung Quốc đẩy Philippines ngày càng xích lại gần Mỹ

Bất chấp nỗ lực của ông Duterte, Trung Quốc đẩy Philippines ngày càng xích lại gần Mỹ

VOV.VN - Trong 1 năm qua, Tổng thống Duterte dường như đã thay đổi hẳn thái độ với Trung Quốc và khiến Bắc Kinh ngày càng thất vọng trong nỗ lực lôi kéo Manila khỏi quỹ đạo chiến lược của Washington.

Nga-Ấn Độ thiết lập cơ chế Đối thoại “2+2”, gửi thông điệp ngầm đến Mỹ và Trung Quốc
Nga-Ấn Độ thiết lập cơ chế Đối thoại “2+2”, gửi thông điệp ngầm đến Mỹ và Trung Quốc

VOV.VN - Chuyên gia Kupriyanov nhấn mạnh, Đối thoại 2+2 có thể coi là một công cụ hiệu quả để Nga và Ấn Độ giải quyết những hiểu lầm và hợp tác trong các lĩnh vực mà cả hai nước cùng quan tâm.

Nga-Ấn Độ thiết lập cơ chế Đối thoại “2+2”, gửi thông điệp ngầm đến Mỹ và Trung Quốc

Nga-Ấn Độ thiết lập cơ chế Đối thoại “2+2”, gửi thông điệp ngầm đến Mỹ và Trung Quốc

VOV.VN - Chuyên gia Kupriyanov nhấn mạnh, Đối thoại 2+2 có thể coi là một công cụ hiệu quả để Nga và Ấn Độ giải quyết những hiểu lầm và hợp tác trong các lĩnh vực mà cả hai nước cùng quan tâm.

Vì sao EU muốn “nhập cuộc sâu” trong mặt trận chống Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương?
Vì sao EU muốn “nhập cuộc sâu” trong mặt trận chống Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương?

VOV.VN - Từ mối quan hệ thiên về kinh tế, sự trỗi dậy của Trung Quốc và những hành động quyết đoán của nước này đã khiến EU phải thay đổi chiến lược để “nhập cuộc sâu hơn” ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Vì sao EU muốn “nhập cuộc sâu” trong mặt trận chống Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương?

Vì sao EU muốn “nhập cuộc sâu” trong mặt trận chống Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương?

VOV.VN - Từ mối quan hệ thiên về kinh tế, sự trỗi dậy của Trung Quốc và những hành động quyết đoán của nước này đã khiến EU phải thay đổi chiến lược để “nhập cuộc sâu hơn” ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.