Nước Mỹ dưới thời Joe Biden có dễ hàn gắn quan hệ với đồng minh?

VOV.VN - Thách thức lớn nhất đối với ông Biden sẽ là thuyết phục phần còn lại của thế giới, đặc biệt là những đồng minh thân cận nhất của Mỹ rằng Washington là một người bạn, một đối tác đáng tin cậy.

Mặc dù Tổng thống Donald Trump chưa chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua, nhưng nhiều chính phủ trên thế giới đã chúc mừng chiến thắng của ông Biden, đồng thời dự đoán rằng nhà lãnh đạo mới của Mỹ sẽ áp dụng một chính sách đối ngoại truyền thống hơn.

Khi lên nắm quyền, ông Biden sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đối ngoại, từ đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc đến Triều Tiên - quốc gia đang theo đuổi chương trình hạt nhân và có những động thái khó đoán.

Khôi phục sự tin tưởng của đồng minh

Nhưng khi Joe Biden nỗ lực xây dựng lại và tái gia nhập các liên minh, thách thức lớn nhất đối với ông sẽ là thuyết phục phần còn lại của thế giới, đặc biệt là những đồng minh thân cận nhất của Mỹ rằng Washington là một người bạn, một đối tác đáng tin cậy.

Các chính phủ nước ngoài đang để mắt đến hơn 72 triệu phiếu bầu mà ông Trump nhận được, xem đó là một sự ủng hộ lớn cho các chính sách của ông trong suốt 4 năm cầm quyền, bất chấp nhiều biến động và sóng gió trong lĩnh vực ngoại giao. Một số ý kiến đánh giá, đây có thể là chỉ dấu cho thấy hướng đi sắp tới của nước Mỹ, đồng thời đặt câu hỏi liệu ông Biden có đưa mọi thứ trở lại “bình thường” hoặc ông có tạo ra một “cơn địa chấn” khác hay không?

Một nhà ngoại giao Mỹ ở châu Âu cho biết: “Những người đồng cấp ở nước ngoài đều cho rằng, sẽ rất dễ dàng cho ông Biden để đảo ngược những chính sách từ thời chính quyền ông Trump mà không cần có sự phê chuẩn của Quốc hội và họ mong chờ điều đó. Nhưng tính lâu dài của động thái này là những gì khiến họ lo lắng, đặc biệt khi xét đến số lượng người đã bỏ phiếu cho ông Trump”.  

Một nhà ngoại giao khác của Mỹ lưu ý, trước mắt “có thể tương đối dễ dàng để khôi phục một bầu không khí tích cực trong các liên minh và khôi phục các mối quan hệ chủ chốt của Mỹ... bằng cách đưa nền dân chủ trở về trạng thái tốt đẹp vốn có, nhưng về lâu dài, các đối tác nước ngoài e ngại Mỹ có thể quay trở lại chủ nghĩa Trump, vì vậy họ phải thận trọng”.

Theo CNN, cộng đồng quốc tế đã hoan nghênh và chúc mừng chiến thắng của ông Biden một cách nồng nhiệt. Là một thành viên lâu năm của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, từng có hai nhiệm kỳ làm Phó Tổng thống, danh tiếng của Joe Biden cùng sự ủng hộ mạnh mẽ của ông đối với quan hệ liên minh và hội nhập kinh tế toàn cầu đã được biết đến rộng rãi ở các quốc gia khác. Bất chấp những lời chúc mừng nồng ấm, mối quan hệ giữa Washington với đồng minh đã bị tổn thương theo cách khó có thể hàn gắn hoàn toàn.  

Rạn nứt khó hàn gắn

Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew được công bố vào tháng 9/2020, trong số các cường quốc trên thế giới, uy tín của Mỹ đã sụt giảm đáng kể. Nhiều người tin rằng, Tổng thống Nga Putin sẽ xử lý các vấn đề trên thế giới tốt hơn ông Trump. Ở Anh, Pháp, Canada, Nhật Bản, Australia và Đức, số người có quan điểm ủng hộ Mỹ ở mức thấp chưa từng thấy kể từ khi các cuộc khảo sát về vấn đề này được tiến hành cách đây 2 thập kỷ.

Và khi ông Trump theo đuổi chiến lược “nước Mỹ trên hết”, nhiều nhà lãnh đạo quyết định đã đến lúc phải giảm sự phụ thuộc vào Washington.

Một nhà ngoại giao Mỹ tại châu Âu cho biết: “Nhiều người châu Âu nói rằng họ không thể quay lại quãng thời gian tốt đẹp mà họ từng được nước Mỹ che chở. Những gì người châu Âu đúc rút trong giai đoạn ông Trump nắm quyền đó là Tổng thống Mỹ có thể thúc đẩy chính sách đối ngoại mà họ lựa chọn bất kể dư luận đánh giá như thế nào”.

Vào năm 2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói với các đại sứ rằng, Pháp và châu Âu có thể không còn trông đợi vào Mỹ để đảm bảo an ninh. Cảnh báo này thậm chí được ông đưa ra mạnh mẽ hơn vào năm 2019. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đồng tình với quan điểm của ông Macron. Trong khi các đồng minh cốt lõi của Mỹ tại châu Á, chẳng hạn như Hàn Quốc và Nhật Bản, phải đối mặt với yêu cầu nâng mức đóng góp lên đến 400% để chi trả cho việc duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Phát biểu với CNN, cựu quan chức ngoại giao Mỹ Lewis Lukens nhận xét: “Ông Biden "cần phải ngay lập tức thiết lập lại các mối quan hệ và xây dựng lại lòng tin đối với nước Mỹ. Nhưng điều đó sẽ khó khăn vì hầu hết các đồng minh và đối tác đều lo ngại  “một Donald Trump khác” có thể xuất hiện trong chưa đầy 4 năm nữa”.

“Niềm tin của nhiều quốc gia đối với Mỹ như một đối tác đáng tin cậy đã bị lung lay do những biện pháp mà ông Trump thực hiện, không chỉ đối với các thể chế của Mỹ mà còn đối với các thể chế đa phương. Tổng thống Trump vẫn còn 2 tháng nắm quyền trước khi chính phủ mới nhậm chức và chưa biết ông sẽ có những động thái gì tiếp theo. Việc ông Trump không chấp nhận thất bại và từ chối chuyển giao quyền lực đang khiến các đồng minh của Mỹ bất an, còn đối thủ thì mừng thầm”.

Trung Quốc

Xử lý quan hệ với Trung Quốc có thể là điều khiến Joe Biden "đau đầu suy nghĩ". Ông Biden từng nói rằng có rất nhiều lĩnh vực mà Washington mong muốn hợp tác với Bắc Kinh, trong đó có biến đổi khí hậu và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Các cố vấn của Joe Biden cho biết, ông sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để tạo ra một mặt trận thống nhất giải quyết các vấn đề như công nghệ, đánh cắp tài sản trí tuệ, sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở các vùng biển châu Á và vấn đề Hong Kong.

Một nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, đây là “thách thức to lớn” và ông Biden phải xây dựng một liên minh thực sự gắn kết các quốc gia châu Âu và các quốc gia cùng chí hướng để xử lý những vấn đề nói trên. Một số nguồn tin khác nói rằng, các đồng minh của Mỹ mong muốn hợp tác với chính phủ mới của ông Biden để ứng phó Trung Quốc.

“Đội ngũ của ông Biden sẽ quyết tâm hơn trong việc xây dựng lại các liên minh để nhắc nhở Trung Quốc rằng một trong những tài sản lớn nhất mà Mỹ có được là sự hỗ trợ toàn cầu, mạng lưới đồng minh và đối tác rộng lớn mà không quốc gia nào có được. Đội ngũ của ông Biden cũng nhận thức đầy đủ rằng họ đang ở trong một cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Việc cạnh tranh rất quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều lĩnh vực mà hai bên cần phải hợp tác với nhau để giải quyết, chẳng hạn như biến đổi khí hậu”, CNN dẫn lời một nhà ngoại giao cho biết.

Triều Tiên

Tổng thống Trump đã có 3 cuộc gặp Thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Hai bên nhiều lần trao đổi thư từ và khẳng định xây dựng được mối quan hệ cá nhân rất tốt đẹp. Tuy nhiên, không một bước đi tích cực nào trong số này có thể ngăn cản việc Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân, hoặc phát triển những vũ khí có thể vươn tới lục địa Mỹ. Một số nhà phân tích cho rằng, sức mạnh quân sự của Triều Tiên đã gia tăng đáng kể so với trước kia, đặc biệt là vào cuối nhiệm kỳ của chính quyền ông Trump.

Joe Biden cho biết, ông sẽ không tiếp nối chính sách của Tổng thống Donald Trump đối với Triều Tiên. Thay vào đó, ông sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và Trung Quốc để kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, lập trường này của ông có thể gây căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ với Hàn Quốc, bởi Seoul luôn ủng hộ việc gây dựng một mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều.

Iran

Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại năm 2019, Joe Biden nhấn mạnh, ông sẽ tái tham gia thỏa thuận hạt nhân nếu Iran tuân thủ thỏa thuận này, một động thái mà các cố vấn của ông Biden cho rằng cần phải có sự hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và khởi động những cuộc đàm phán mới.

Sau khi chính quyền ông Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân và phát động chiến dịch gây sức ép tối đa, Iran tuyên bố nước này sẽ không bị ràng buộc bởi những điều khoản trong thỏa thuận. Đối với chính quyền mới của ông Biden, việc đàm phán để tái gia nhập thỏa thuận có vẻ như “dễ nói nhưng khó làm”.

Một cố vấn về chính sách đối ngoại của ông Biden cho biết: “Chúng tôi sẽ phải đưa ra kế hoạch về việc chúng tôi sẽ tiếp cận các cuộc đàm phán như thế nào và điều gì chúng tôi mong đợi Iran sẽ thực thực hiện, cũng như cách truyền đạt các thông tin đó”.  

Việc Mỹ tái gia nhập thỏa thuận cũng cần có sự đồng ý của Iran. Dù việc đó được cho là có thể thực hiện được trong tương lai, nhưng phần lớn sẽ phụ thuộc vào mức độ quyền lực mà phe cứng rắn của Iran giành được trong cuộc bầu cử năm 2021. Nếu Mỹ không tái tham gia thỏa thuận này thì chắc chắn các đồng minh của Washington sẽ thất vọng, một nhà ngoại giao đánh giá.

Afghanistan

Ông Biden tuyên bố rằng sẽ giảm bớt sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan. Nhưng điều này có thể là một thách thức vì vẫn chưa rõ Mỹ sẽ phải đối mặt với những tình huống nào. Các cố vấn của ông Biden đến nay vẫn chưa tiết lộ ông có ý định thực hiện kế hoạch ra sao.  

Khi còn làm việc trong chính quyền Tổng thống Obama, Joe Biden là một trong những quan chức đầu tiên thừa nhận sự cần thiết phải làm việc với Taliban để thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Afghanistan. Năm 2011, ông từng nói rằng “Taliban không phải là kẻ thù của chúng ta”. Vẫn chưa rõ, ông Biden sẽ có cách tiếp cận như thế nào đối với các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Taliban, vốn được khởi động dưới thời ông Trump nhưng đã gặp phải nhiều chỉ trích.

Yemen và Saudi Arabia

Ông Biden sẽ chấm dứt việc ủng hộ của Mỹ đối với sự can thiệp quân sự của Saudi Arabia vào Yemen. Đây là chính sách được phe cấp tiến trong đảng Dân chủ thúc đẩy và cũng là một cam kết được thêm vào cương lĩnh của đảng này hồi đầu năm nay.

Ngay cả khi đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng ông Biden sẽ có thể hoàn thành mục tiêu này vì phe Cộng hòa cũng ủng hộ quan điểm nói trên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thách thức lớn đối với ông Biden khi “khai tử” hàng loạt chính sách của ông Trump
Thách thức lớn đối với ông Biden khi “khai tử” hàng loạt chính sách của ông Trump

VOV.VN - Tổng thống đắc cử Joe Biden đang có kế hoạch phác thảo một loạt sắc lệnh hành pháp nhằm đảo ngược những chính sách gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Trump sau khi ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021.

Thách thức lớn đối với ông Biden khi “khai tử” hàng loạt chính sách của ông Trump

Thách thức lớn đối với ông Biden khi “khai tử” hàng loạt chính sách của ông Trump

VOV.VN - Tổng thống đắc cử Joe Biden đang có kế hoạch phác thảo một loạt sắc lệnh hành pháp nhằm đảo ngược những chính sách gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Trump sau khi ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021.

Khác biệt về chính sách vũ khí hạt nhân giữa Trump và Biden
Khác biệt về chính sách vũ khí hạt nhân giữa Trump và Biden

VOV.VN - Nếu đắc cử Tổng thống, ứng cử viên Joe Biden có thể cắt giảm chi tiêu dành cho việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân từ thời chính quyền Tổng thống Trump.

Khác biệt về chính sách vũ khí hạt nhân giữa Trump và Biden

Khác biệt về chính sách vũ khí hạt nhân giữa Trump và Biden

VOV.VN - Nếu đắc cử Tổng thống, ứng cử viên Joe Biden có thể cắt giảm chi tiêu dành cho việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân từ thời chính quyền Tổng thống Trump.

Chính sách của Biden với Triều Tiên: Sự trở lại “chiến thuật kiên nhẫn”
Chính sách của Biden với Triều Tiên: Sự trở lại “chiến thuật kiên nhẫn”

VOV.VN - Một số chuyên gia cho rằng, chính quyền ông Biden sẽ có đường lối cứng rắn với Triều Tiên, ít nhất là trong giai đoạn đầu.

Chính sách của Biden với Triều Tiên: Sự trở lại “chiến thuật kiên nhẫn”

Chính sách của Biden với Triều Tiên: Sự trở lại “chiến thuật kiên nhẫn”

VOV.VN - Một số chuyên gia cho rằng, chính quyền ông Biden sẽ có đường lối cứng rắn với Triều Tiên, ít nhất là trong giai đoạn đầu.