Nước Pháp và những thách thức hậu khủng bố

VOV.VN-Nhiệm vụ quan trọng với chính quyền Đảng Xã hội của Pháp là làm sao biến khối đoàn kết quốc gia thành sức mạnh chiến thắng chủ nghĩa khủng bố...

Một tuần đã qua kể từ ngày nước Pháp chứng kiến cuộc khủng bố tàn bạo nhất trên đất nước này trong nửa thế kỷ. Ba ngày đã qua kể từ ngày nước Pháp chứng kiến cuộc xuống đường đông đảo nhất trong lịch sử của nền Cộng hòa.

Sau tất cả, nước Pháp không chỉ đứng vững mà còn lớn mạnh. Chưa có một thời điểm nào mà niềm tự hào dân tộc, khối đoàn kết quốc gia tại Pháp lại mạnh như những ngày qua. Tất cả, không phân biệt đảng phái, sắc tộc, tôn giáo, lứa tuổi… đã xuống đường để bảo vệ những giá trị căn bản nhất của nền cộng hòa mà nước Pháp đã theo đuổi nhiều thế kỷ qua.

Làn sóng 1,5 triệu người ở Paris, 4 triệu người trên khắp nước Pháp hôm Chủ nhật mang đến sức mạnh to lớn về chính trị, xã hội. Nhưng vấn đề là phải sớm nắm bắt được nó trước khi sự hưng phấn của chủ nghĩa dân tộc xẹp xuống và nhường chỗ cho những bất an vốn vẫn hiện diện triền miên suốt nhiều năm qua về một nền kinh tế suy thoái và một xã hội bất ổn. 

Thách thức trước mắt với nước Pháp, vì thế, vẫn vô cùng nặng nề.


Hoa tưởng niệm trước trụ sở tòa soạn Charlie Hebdo (Ảnh: Thùy Vân)

Làm sao để bảo đảm an ninh?

Sự hoảng sợ đã qua đi nhưng nỗi lo khủng bố vẫn còn nguyên. 10.000 lính đã được chính phủ Pháp tăng cường để bảo vệ các địa điểm nhạy cảm trong suốt thời gian tới. Mức độ cảnh báo an ninh ở vùng Ile-de-France và Picardi vẫn ở thang cao nhất của chương trình Vigipirate. Tất cả đều có lí do. Sau khi cuộc diễu hành lịch sử hôm Chủ nhật kết thúc trong trật tự, an toàn, các lực lượng an ninh Pháp lại phải lao vào cuộc điều tra để truy tận gốc những kẻ đã tham gia vào 3 ngày khủng bố làm náo loạn Paris.

Những đối tượng bị truy đuổi gắt gao nhất hiện tại là bạn gái của tên Amedy Coulibaly, người đang được cho là ở Syria, và những kẻ đã tung lên mạng video của tên Coulibaly, trong đó tên này thừa nhận là kẻ nổ súng ở Montrouge. Các nguồn tin khác nhau từ báo chí Pháp cho biết có thể có ít nhất khoảng 6 tên đồng phạm của anh em Kouachi và Coulibaly hiện vẫn đang nằm ngoài vòng pháp luật. Chưa hết, vụ tấn công một người chạy bộ ở Fontenay-aux-Roses, ngoại ô Paris hôm 9/1, cũng có thể đến từ một trong những tên khủng bố. Nhưng chúng là ai?

Khi tất cả những câu hỏi này chưa có lời giải đáp thì an ninh của các công dân Pháp đều đang bị đe dọa. Các chuyên gia chống khủng bố đều đã đi đến nhận định rằng chuỗi tấn công khủng bố ở Paris nhằm vào tòa soạn Charlie Hebdo, cảnh sát và cửa hàng Do Thái, là một kế hoạch đã được chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng và tất cả những kẻ tham gia đều được huấn luyện kỹ càng, trang bị vũ khí cẩn thận và chắc chắn có một mạng lưới đông đảo trợ giúp. Việc mới tiêu diệt được 3 tên (2 anh em Kouachi và tên Amedy Coulibaly) chỉ là bước đầu, cần phải truy ra tận gốc rễ của mạng lưới này nếu không muốn hứng chịu một đợt tấn công khác.

Bài học từ nước Mỹ - nước Pháp sẽ làm gì ?

Song hành cùng các chiến dịch này, các chiến lược lâu dài chống chủ nghĩa khủng bố cần phải được nhanh chóng khởi động. Đây sẽ là một bước ngoặt lớn cả về đối ngoại lẫn đối nội, mà bài học của nước Mỹ năm 2001 là sự tham khảo cần thiết. Năm 2001, sau vụ 11/9,  nước Mỹ đã thay đổi hoàn toàn chính sách đối nội và đối ngoại của mình, đưa vào thực hiện “Patriot Act” (Đạo luật Ái quốc), tiến hành chiến tranh ở Afghanistan và Iraq và tuyên chiến với thế giới Hồi giáo cực đoan. Tác động và hậu quả của những chính sách đó còn kéo dài đến tận ngày nay.

Câu hỏi với nước Pháp, vì thế, là phải hành động ra sao trong bối cảnh mới. Các đảng đối lập như UMP và FN đang gia tăng sức ép buộc chính quyền đảng Xã hội của Tổng thống Francois Hollande phải áp dụng các biện pháp cứng rắn. Đảng FN đòi nước Pháp đóng cửa biên giới, ngưng áp dụng Hiệp ước Schengen về tự do di chuyển trong EU để có thể kiểm soát tốt an ninh. UMP, với người đứng đầu là cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, đang vận động để lưỡng viện quốc hội Pháp thảo luận về một “Đạo luật ái quốc” tương tự dành cho nước Pháp. Một đạo luật như  thế nếu ra đời sẽ gia tăng quyền lực cho các cơ quan an ninh trong việc thu thập tin tình báo, tiến hành nghe trộm, bắt giữ không cần truy xét những nghi can khủng bố… Lý luận của ông Sarkozy là “để đảm bảo an ninh, một số quyền tự do có thể dễ dàng bị loại bỏ”.

Tuy nhiên, đây là một vấn đề nhạy cảm chắc chắn sẽ gây tranh cãi cực lớn trong xã hội Pháp bởi áp dụng “Đạo luật ái quốc” đồng nghĩa với việc từ bỏ nhiều khía cạnh về quyền tự do, nhân quyền, về quyền của tù binh… những điều mà người Pháp luôn rất coi trọng. Trên hết, nói như cựu Thủ tướng Lionel Jospin thì nước Pháp vẫn còn bài học Guantanamo của nước Mỹ để nhìn vào. Vì thế, đây sẽ là nghị trình vô cùng phức tạp và khó khăn mà chính phủ của ông Hollande sẽ phải đối mặt ngay trong những ngày tới.

Về đối ngoại, với nguồn lực hạn chế của mình, nước Pháp không thể đơn phương tiến hành những cuộc chiến quy mô ở Trung Cận đông và châu Phi như nước Mỹ ngày trước để tiêu diệt tận hang ổ chủ nghĩa khủng bố. Thắc mắc chỉ là nước Pháp liệu có tham gia một cách mạnh mẽ hơn hay không vào các chiến dịch chống IS và các nhóm Djihad ở vùng cận Sahara? Trong ngày hôm qua, Quốc hội Pháp đã thông qua nghị quyết cho phép quân đội Pháp tiếp tục vào Iraq. Nhiều chính khách Pháp cho rằng đó là điều không thể không làm bởi “không phải nước Pháp rút lui thì khủng bố sẽ không tấn công nước Pháp”, như lời Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian tuyên bố. Chỉ còn chờ xem, cường độ tham chiến của quân đội Pháp sẽ được đẩy đến mức nào.

Khi cuộc sống trở lại bình thường

Thách thức lớn thứ hai với Chính phủ Pháp là làm thế nào để tận dụng được tinh thần đoàn kết quốc gia đang vô cùng lớn mạnh này để đưa đất nước ra khỏi bờ vực suy thoái kinh tế.

Sau những ngày sống trong cảm xúc mãnh liệt để bảo vệ các quyền tự do khi phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố, người dân Pháp sẽ quay trở lại với cuộc sống thường nhật. Ở đó, họ phải đối diện với những khó khăn mãn tính của một nền kinh tế gần như không tăng trưởng suốt mấy năm qua, nơi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 10,4% và GDP chỉ tăng quanh mức 0,1-0,2%.

“Luật Macron” sẽ được đưa ra tranh luận lần cuối tại quốc hội trong tuần này. Nếu được thông qua, nó được chờ đợi sẽ tạo nên những cú hích đáng kể đối với sức mua của thị trưởng và đầu tư của các doanh nghiệp. Nhưng có ít nhất 178 điểm mà các nghị sĩ đã đưa ra đòi phải sửa đổi. Sau thất bại của “Hiệp ước trách nhiệm”, việc thông qua luật Macron sẽ có ý nghĩa sống còn với chính quyền của ông Hollande trong cuộc chiến kinh tế.

Tranh thủ tinh thần ái quốc của người Pháp

Thuận lợi với vị Tổng thống Pháp là hình ảnh và uy tín của ông đang tăng nhanh trở lại sau khi thể hiện tốt vai trò của một nhà lãnh đạo thời chiến vào thời khắc mà nước Pháp đối mặt với các thách thức an ninh nghiêm trọng. Việc thu hút được đến gần 50 nhà lãnh đạo thế giới đến với cuộc tuần hành lịch sử ở Paris là một thắng lợi cá nhân ngoạn mục của ông Hollande. Người Pháp giờ chắc chắn đang có những suy nghĩ khác về ông, theo hướng tích cực hơn. Vấn đề của ông Hollande, là phải nhanh chóng tận dụng được cảm tình lớn lao của thời điểm này để đẩy mạnh các cải cách mà mình mong muốn bởi nếu không, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, khi cơn xúc động qua đi, người Pháp sẽ lại chỉ đánh giá ông trên những gì ông làm được với cuộc chiến kinh tế.

Đó hoàn toàn không phải là một bài toán giản đơn. Các biện pháp an ninh sắp được bổ sung đồng nghĩa với các gánh nặng kinh tế mà nếu không biết cách cân bằng, nó sẽ làm nền kinh tế càng chìm sâu thêm vào khủng hoảng. Các nhà kinh tế đã nghiên cứu từ nhiều thập kỷ nay các hậu quả kinh tế của một đợt tấn công khủng bố, từ New York qua Bali, từ Madrid đến London… và đưa ra 2 kết luận. Một, tinh thần ái quốc có thể vực dậy kinh tế rất nhanh, như trường hợp nước Mỹ sau vụ 11/9, chỉ mất một quý suy giảm kinh tế rồi bật tăng. Hai, những vụ tấn công đơn lẻ nhưng thường xuyên sẽ khiến sự hoảng sợ và bất an lan rộng, các nhà đầu tư bỏ chạy và kinh tế lao dốc.

Nhiệm vụ của chính phủ Pháp là bằng mọi giá không để kịch bản thứ hai xảy ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên