Obama cứng rắn trong diễn văn nhậm chức, tỏ rõ cam kết
(VOV) - Lễ nhậm chức của Tổng thống Obama rơi vào đúng ngày dành riêng cho nhà hoạt động dân quyền da đen - Mục sư Luther King.
Khi tuyên thệ, ông Obama đã đặt tay lên cuốn kinh thánh của Luther King, người đấu tranh không mệt mỏi cho quyền bình đẳng của người Mỹ gốc Phi.
Ngay đầu diễn văn, ông Obama đã khéo léo đề cập đến những lời bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, đó là “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng” và Tạo hóa cho họ “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Trên nền đó, ông phát triển thêm rằng các bậc tiền bối của Cách mạng Mỹ đã chiến đấu không phải để thay thế chế độ chuyên chế phong kiến bằng các đặc quyền hay sự thống trị của một thiểu số. “Họ đã trao cho chúng ta một nước Cộng hòa, một chính quyền của dân, do dân và vì dân”.
Tổng thống Obama đặt tay trái lên các cuốn kinh thánh của Luther King và Abraham Lincoln để tuyên thệ (ảnh: Getty Images) |
Qua nhiệm kỳ thứ 1 làm Tổng thống và cuộc đua lần 2 vào Nhà Trắng, Barack Obama luôn tỏ ra là một người thiên tả trong con mắt cử tri Mỹ. (Thực tế trong giai đoạn tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2, ông đã bị phe hữu trong chính trường Mỹ coi là người theo đường lối XHCN-ND) Và khi trúng cử rồi thực hiện tuyên thệ nhậm chức trước công chúng, ông đã không né tránh việc tái khẳng định một cách rõ ràng các quan điểm của mình đã nêu trong cương lĩnh tranh cử.
Phát biểu một cách đầy cảm xúc và cố gắng kêu gọi sự đoàn kết các nhóm chính trị nhưng ông Obama vẫn không ngại thẳng thắn bảo vệ quan điểm của mình.
Tự do, bình đẳng, và phúc lợi cho số đông
Obama nhiều lần nhắc lại cụm từ “chúng ta, những người dân”. Ông cũng khẳng định, tự do và bình đẳng không phải dành riêng cho số ít hoặc những người may mắn, và đất nước không thể thành công nếu chỉ có một số ít ỏi thành công trong khi những người khác bị gạt sang bên lề – sự thịnh vượng của nước Mỹ phải dựa vào số đông, vào tầng lớp trung lưu.
Tổng thống Obama thực hiện bài phát biểu nhậm chức (ảnh: MCT) |
Và do vậy, Tổng thống Obama lập luận, phải bảo đảm tiền lương xứng đáng cho người lao động và gia đình của họ, phải cải cách “chính quyền, hệ thống thuế, và trường học” và cung cấp các kỹ năng cần thiết cho các công dân để giúp họ có điều kiện “làm việc cần mẫn hơn, học được nhiều hơn và thành công cao hơn”.
Vị Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ tiếp tục khẳng định trong diễn văn, mỗi công dân xứng đáng được sống an toàn và có phẩm giá, và vì vậy phải bảo đảm an sinh xã hội cùng các chương trình chăm sóc và trợ giúp y tế cho họ - những điều này theo Obama không làm giảm tính chủ động của nước Mỹ, mà ngược lại còn làm cho nước này mạnh lên.
Dân quyền cho phụ nữ và giới đồng tính
Một nét nổi bật trong phát biểu lần này của Obama là sự nhấn mạnh đến quyền bình đẳng dành cho những người đồng tính. “Hành trình của chúng ta chưa hoàn tất chừng nào các người anh em cũng như chị em đồng tính của chúng ta còn chưa được đối xử như những người khác trước pháp luật – nếu chúng ta thực sự sinh ra bình đẳng, thì tình yêu thương chúng ta dành cho nhau cũng phải thực sự bình đẳng.”
Tổng thống Obama liên tục lặp lại điệp khúc “hành trình chưa hoàn tất” để chỉ ra hàng loạt nhiệm vụ mà cả thế hệ người Mỹ phải thực hiện nhằm bảo đảm phụ nữ có mức lương ngang với nam giới, sinh viên và các kỹ sư tìm được việc ngay trên đất Mỹ, trẻ em được chăm sóc và che chở, và những người nhập cư sẽ được đón nhận và giúp đỡ tốt hơn. Và một lần nữa ông lại gắn kết những kêu gọi của mình với các giá trị như quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc.
Đối ngoại tích cực nhưng “rắn” nếu cần thiết
Tổng thống Hoa Kỳ khẳng định nước này sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao hòa bình, và cho rằng các cuộc chiến liên miên không phải là cách bảo vệ an ninh và hòa bình dài lâu. Ông còn nêu ra bài học lịch sử về việc đổi thù thành bạn.
Vị lãnh đạo Mỹ tiếp tục nêu rõ sẽ giải quyết khác biệt với các quốc gia khác thông qua đối thoại, luật pháp và các phương tiện hòa bình, coi đây là giải pháp căn cơ.
Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ vẫn là chỗ dựa tin cậy cho các liên minh vững chắc trên toàn cầu và sẽ đổi mới các thể chế sẵn có để mở rộng khả năng của nước này trong xử lý các khủng hoảng ở nước ngoài. Như thường lệ, ông tái khẳng định “sứ mạng” của nước Mỹ trong việc hỗ trợ dân chủ ở một loạt nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ và Trung Đông, xuất phát từ “lợi ích và lương tâm của chúng ta”.
Ông Obama vẫy tay với các công dân Mỹ dự buổi lễ nhậm chức Tổng thống tại khu vực Đồi Capitol (ảnh: Reuters) |
Dù cố gắng mềm mỏng, Obama cũng không quên nhắc nhở: “Chúng ta mãi cảnh giác trước những kẻ sẽ làm hại chúng ta… Chúng ta sẽ bảo vệ dân chúng và giương cao các giá trị của mình thông qua sức mạnh của vũ trang… chúng ta không ngây ngơ về các hiểm nguy mà mình đối diện…”
Kiên quyết trong vấn đề môi trường
Với tư cách người quyền lực nhất nước Mỹ, Obama đã cam kết sẽ đi đầu trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Điều này có ý nghĩa lớn trong bối cảnh Mỹ là một nước gây nhiều ô nhiễm nhưng chưa thực sự “sốt sắng” trong việc cắt giảm khí thải.
Trong diễn văn của mình, ông Obama chỉ rõ, không xử lý được vấn đề biến đổi khí hậu là phản bội các thế hệ tương lai của đất nước, và nước Mỹ không thể cưỡng lại được xu thế hướng tới các nguồn năng lượng bền vững. Đồng thời ông gắn việc bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế bền vững, sử dụng các công nghệ giúp tạo ra các công việc và ngành nghề mới.
Và tất nhiên, để đạt tất cả các mục tiêu trên, ông đã nhiều lần kêu gọi toàn thể người dân Mỹ đoàn kết lại thành một khối thống nhất. Trong bài phát biểu hơn 2.000 từ của mình, ông cũng kêu gọi các chính trị gia, đặc biệt trong Quốc hội, thay vì sa vào các tranh cãi, hãy hợp lực lại vì lợi ích chung của đất nước.
“Giờ đây các quyết định đang đợi chờ chúng ta, và chúng ta không thể trì hoãn thêm nữa… Chúng ta phải hành động, dù rằng công việc sẽ chưa được hoàn hảo,” ông Obama thống thiết kêu gọi. “Chiến thắng hôm nay chỉ là một phần nhỏ thôi, và… [tinh thần bất hủ của những người viết lên bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ] sẽ được thúc đẩy tùy thuộc vào những người đứng ở đây [Đồi Capitol] trong 4 năm tới, 40 năm tới và 400 năm nữa.”/.