Obama sẽ "mạnh tay" hơn với Syria sau khi tái cử?
(VOV) - Cùng với việc ông Obama tái đắc cử, nước Anh tin tưởng rằng, chính quyền Mỹ sẽ can dự tích cực hơn vào Syria.
Ngày 7/11, Anh đã lên tiếng kêu gọi Mỹ và các đồng minh khác cần làm nhiều hơn nữa để giúp phe đối lập Syria tập hợp thành một lực lượng thống nhất, đồng thời cho rằng, việc ông Barack Obama tái đắc cử Tổng thống Mỹ là một cơ hội để cộng đồng quốc tế có hành động mạnh mẽ hơn nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 20 tháng qua tại Syria.
Thủ tướng Anh David Cameron trong chuyến thăm trại tị nạn dành cho người Syria tại Jordan (Ảnh: Reuters) |
Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tên lửa Patriot gần biên giới Syria
Ngày 7/11, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các thành viên NATO - trong đó có Mỹ đã thảo luận việc triển khai các hệ thống tên lửa Patriot dọc theo biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa rõ việc bố trí các tên lửa này nhằm mục đích thiết lập một vùng an toàn bên trong lãnh thổ Syria hay để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ từ các cuộc tấn công từ Syria.
Tuyên bố trên từ các đồng minh của Mỹ được dự đoán sẽ có một cách tiếp cận mới, táo bạo hơn từ ông Obama sau khi ông chính thức trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai.
"Cùng với việc ông Obama tái đắc cử, phía Anh tin tưởng rằng, chính quyền Mỹ sẽ can dự tích cực hơn vào Syria", ông Shashank Joshi - một nhà phân tích thuộc Viện United Services London, một tổ chức chuyên nghiên cứu về an ninh cho biết.
Theo các nhà hoạt động, cuộc nội chiến tại Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 36.000 người kể từ tháng 3/2011. Đây là cuộc xung đột kéo dài và làm chết người nhiều nhất của Phong trào Mùa xuân Arab. Cho đến nay, các cường quốc trên thế giới vẫn không mặn mà lắm với giải pháp can thiệp quân sự vào Syria, bởi có nhiều mối lo ngại cho rằng, việc vũ trang cho phe đối lập có thể phản tác dụng, và các loại vũ khí hạng nặng có thể rơi vào tay của những kẻ cực đoan.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chính quyền Obama đang xem xét việc triển khai các tên lửa Patriot dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - điều mà Mỹ đã từng thực hiện trước đó trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1990, cũng như vào thời điểm bắt đầu của cuộc chiến tranh Iraq năm 2003.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, việc đề xuất triển khai tên lửa Patriot đã được các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra cách đây vài tuần tại cuộc họp của NATO. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có yêu cầu chính thức từ Ankara. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh rằng, Patriots là tên lửa phòng thủ và sẽ không được sử dụng để giúp thực thi một khu vực cấm bay bên trong lãnh thổ Syria.
"Chúng tôi đã làm việc với NATO và Thổ Nhĩ Kỳ để xem xét một hệ thống phòng thủ khác và sẵn sàng hỗ trợ khi Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết.
Trước đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã có cuộc thảo luận về việc triển khai tên lửa Patriot giữa nước này và các đồng minh NATO, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch triển khai tên lửa Patriot nhằm bảo vệ một khu vực an toàn bên trong lãnh thổ Syria đã tạm dừng lại để chờ kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot có thể là một sự động viên, khích lệ cho lực lượng đối lập tại Syria. Kể từ mùa Hè vừa qua, chính quyền của Tổng thống al-Assad đã gia tăng đáng kể việc sử dụng sức mạnh không quân nhằm tiêu diệt phiến quân trong bối cảnh quân chính phủ phải bố trí dàn trải trên nhiều mặt trận.
Cho đến nay, NATO vẫn tiếp tục khẳng định sẽ không can thiệp vào Syria mà không có sự đồng ý của Liên Hợp Quốc.
Anh cố gắng thuyết phục Mỹ “mạnh tay” hơn với Syria
Trong chuyến thăm người tị nạn Syria ở Jordan ngày 7/11, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố, Anh sẽ làm việc trực tiếp với các nhà lãnh đạo quân sự của quân nổi dậy Syria. Trước đây, Anh và Mỹ chỉ liên lạc với các nhóm lưu vong và các nhân vật đối lập chính trị ở bên ngoài lãnh thổ Syria.
"Đang có một cơ hội để Anh, Mỹ, Saudi Arabia, Jordan và các đồng minh cùng chí hướng ngồi với nhau và cố gắng giúp thống nhất các lực lượng đối lập cả trong và ngoài Syria", ông Cameron nói. "Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một Syria không có ông al-Assad".
Cũng giống như đồng minh Anh, các quan chức Mỹ trong đó có cựu Đại sứ Mỹ tại Syria, Robert Ford đã tiếp xúc với các thành viên của lực lượng Quân đội Syria Tự do và những cuộc tiếp xúc như vậy sẽ tiếp tục - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không thay đổi chính sách là chỉ cung cấp sự trợ giúp không gây chết người cho phe đối lập tại Syria.
Ngoại trưởng Anh William Hague cũng cho biết, các cuộc hội đàm với lãnh đạo quân sự của phe nổi dậy không liên quan đến việc tư vấn về chiến thuật quân sự hoặc hỗ trợ cho các hoạt động của họ. Ông Hague cũng nhấn mạnh rằng, Anh sẽ không xem xét việc cung cấp vũ khí phe đối lập Syria.
Ông Hague cũng cho biết, các nhà ngoại giao Anh cũng yêu cầu chỉ huy của quân nổi dậy tôn trọng nhân quyền khi bắt giữ những người trung thành với Tổng thống al-Assad, trong bối cảnh đang có những lo ngại về việc vi phạm nhân quyền của cả hai bên.
Thủ tướng Anh David Cameron đang có kế hoạch triệu tập một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia nhằm thảo luận làm thế nào Anh có thể thuyết phục Tổng thống Obama theo đuổi một chiến lược trực tiếp hơn.
"Một trong những điều đầu tiên tôi muốn nói với ông Barack Obama là làm thế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria", ông Cameron nói. “Chúng tôi sẽ phải làm nhiều hơn để giúp Syria đạt được quá trình chuyển tiếp chính trị", ông Cameron nói thêm./.