Phản ứng của Nga và phương Tây đằng sau cuộc thảo luận đưa quân vào Ukraine
VOV.VN - Bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng các nước NATO điều quân tới Ukraine đã khiến Điện Kremlin đưa ra cảnh báo và các nhà lãnh đạo châu Âu vội vã bày tỏ lập trường về chủ đề này.
Phản ứng của Nga và phương Tây
Thông điệp không rõ ràng của các nước phương Tây đã nhấn mạnh việc các đối tác của Ukraine đang gặp khó khăn trong việc thống nhất những cách thức mới để hỗ trợ Kiev giữa bối cảnh quyết tâm của Mỹ đang suy yếu và Nga không ngừng tiến công trên chiến trường.
Điện Kremlin ngày 27/2 cảnh báo sự can thiệp trên thực địa của bất kỳ quốc gia NATO nào sẽ dẫn đến đối đầu trực tiếp giữa liên minh quân sự phương Tây này và gọi cuộc thảo luận cởi mở về bước đi như vậy là “một yếu tố mới rất quan trọng”.
"Điều này dĩ nhiên không nằm trong lợi ích của những quốc gia này", Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo giới.
Cảnh báo trên được đưa ra 1 ngày sau khi ông Macron cho rằng "không có gì bị loại trừ" khi nói về khả năng một nước NATO đưa quân vào Ukraine mặc dù nhà lãnh đạo Pháp nhận định vẫn chưa có sự nhất trí về vấn đề này.
"Mọi thứ đều có thể xảy ra nếu nó giúp ích để chúng tôi đạt được mục tiêu", ông Macron phát biểu sau cuộc gặp của các nhà lãnh đạo châu Âu tại Paris về tương lai hỗ trợ cho Kiev. Nhắc nhở các nhà lãnh đạo rằng phương Tây về những điều mà cách đây 2 năm, họ không tưởng tượng được mình đã làm, chẳng hạn như cung cấp tên lửa tiên tiến và xe tăng hạng nặng, Tổng thống Macron cho biết mục tiêu hiện nay là đảm bảo "Nga không thể giành chiến thắng cuộc xung đột này".
Ba Lan, Đức, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Italy và Cộng hòa Séc nhanh chóng nhấn mạnh họ không cân nhắc đến việc đưa quân tới Ukraine. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nói với AP rằng liên minh này không có các kế hoạch như vậy.
Pháp đã làm rõ rằng ông Macron đang cố gắng nhấn mạnh châu Âu phải cân nhắc đến những hành động mới để hỗ trợ Ukraine.
Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné cho rằng, sự hỗ trợ mới cho Ukraine trong các lĩnh vực như dọn mìn, an ninh mạng và sản xuất vũ khí "có thể đòi hỏi sự hiện diện trên lãnh thổ Ukraine song không vượt qua ngưỡng tham chiến".
"Không có gì bị loại trừ. Điều này đã và vẫn là lập trường của Tổng thống", ông Séjourné nói.
Những tuyên bố trên đã nêu bật việc NATO vẫn đang chật vật tìm kiếm các giải pháp ở Ukraine. Các nước phương Tây có một số lựa chọn ngoài việc đưa bộ binh vào khu vực xung đột. Ukraine đã yêu cầu thêm máy bay chiến đấu, tên lửa tầm xa, đạn dược và hệ thống phòng không, trong thời điểm quân đội của nước này đối mặt với cuộc tiến công của Nga, khiến Kiev phải rút lui khỏi thành phố chiến lược Avdiivka trong tháng này.
Những tranh cãi gay gắt giữa Nga và phương Tây trở nên phổ biến trong cuộc xung đột kéo dài 2 năm qua ở Ukraine. Điện Kremlin thường phản ứng trước những hành động của phương Tây bằng những cảnh báo về nguy cơ đối đầu, trong đó có việc nhắc nhở các đối thủ về rủi ro sử dụng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo mạnh mẽ đó, nước này vẫn kiềm chế tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các đối tác của Ukraine, bao gồm cả các địa điểm cung cấp vũ khí cho Kiev.
Đằng sau cuộc thảo luận đưa quân vào Ukraine
Cuộc thảo luận về khả năng can thiệp vào Ukraine của một nước thành viên NATO, vốn là điều được hầu hết các nhà phân tích cho là khó có thể xảy ra, đã phủ bóng lên những câu hỏi ngày càng cấp bách về những giới hạn trang thiết bị quân sự mà Ukraine sử dụng trên tiền tuyến. Ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu đang chật vật để đáp ứng các cam kết về đạn dược của mình chứ chưa nói bù đắp khoảng trống Mỹ để lại.
Liên minh châu Âu cũng thừa nhận đã bỏ lỡ mục tiêu cung cấp 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine vào 1/3. Tổng thống Macron ngày 26/2 cho rằng, "đó có lẽ là một cam kết thiếu khôn ngoan", đồng thời nhận định, châu Âu không có đủ kho vũ khí hay khả năng sản xuất để đáp ứng mục tiêu này.
Andrew S. Weiss, Phó Chủ tịch nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết: “Nói về khả năng triển khai lực lượng của các nước thành viên NATO tới Ukraine có vẻ giống như đang đánh lạc hướng. Câu hỏi thực sự mang tính quyết định là châu Âu có thể làm gì để bù đắp cho việc thiếu hỗ trợ quân sự của Mỹ”.
Tổng thống Macron tuyên bố ông hoan nghênh việc các nước châu Âu mua đạn dược cho Ukraine từ các nước ngoài EU. Cộng hòa Séc đang thúc đẩy việc mua bán này để hỗ trợ những thiết hụt khẩn cấp của Kiev giữa bối cảnh đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ trì hoãn cung cấp gói hỗ trợ mới.
"Châu Âu đã có hai năm để cùng nhau hành động và huy động cơ sở công nghiệp của họ. Mọi thứ khác chỉ là thứ đánh lạc hướng khỏi hạn chế đó”, ông Weiss nói,
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hai năm trước, Mỹ và hầu hết các đồng minh châu Âu đã loại trừ khả năng quân đội NATO can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột, cảnh báo rằng một bước đi như vậy có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
Tổng thống Biden công khai tuyên bố quân đội Mỹ sẽ không được triển khai tới Ukraine thậm chí từ những tuần trước xung đột và nhà lãnh đạo Mỹ đã lặp lại lập trường này cả trong thời gian sau đó, Ngày 27/2, Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết: "Tổng thống Biden đã có quan điểm rất rõ ràng từ giai đoạn đầu của cuộc xung đột này: Đó là sẽ không có quân đội Mỹ tham gia chiến đấu ở đây".
Câu hỏi về việc một nước NATO đưa quân tới Ukraine đã nhận được sự chú ý ngày 26/2 trước Hội nghị Thượng đỉnh ở Paris khi Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói rằng, các quốc gia khác trong NATO đang thảo luận về các thỏa thuận song phương để đưa bộ binh vào Ukraine - một bước đi mà ông khẳng định Slovakia sẽ không tiến hành.
Tổng thống Macron cũng đưa ra các tuyên bố sau đó, gọi việc đánh bại Nga là "không thể thiếu được" cho an ninh châu Âu. Ông từ chối nêu những quốc gia nào đang cân nhắc điều động bộ binh và nhận định "sự mơ hồ chiến lược" là cần thiết để khiến Nga phải suy đoán.
Tuy nhiên, sự phủ nhận nhanh chóng của các nhà lãnh đạo châu Âu đã đặt câu hỏi về sự đoàn kết của liên minh và việc liệu những tuyên bố của ông Macron có phải là những đe dọa sáo rỗng.
"Một điều rõ ràng là sẽ không có bộ binh từ các nước châu Âu thuộc NATO" ở Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho hay trên mạng xã hội X.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Prague, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và người đồng cấp Cộng hòa Séc Petr Fialia tuyên bố họ không cân nhắc đến lựa chọn này. Thụy Điển và Tây Ban Nha cũng đều bác bỏ động thái như vậy.
Một quan chức quân đội châu Âu có liên quan đến các cuộc thảo luận ở Paris cho biết "một số nước Baltic và Bắc Âu" ủng hộ lựa chọn đưa quân vào Ukraine. Trong khi đó, ông Kestutis Budrys - Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Litva thông báo, nước này đang cân nhắc triển khai quân nhân tới để huấn luyện binh lính Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov cho rằng các nước NATO có rất nhiều lựa chọn nhưng lại thiếu sự nhất trí về chủ đề này.
Ông Peskov nói: “Toàn bộ những người tham gia sự kiện trên ở Paris đều có đánh giá đủ tỉnh táo về những nguy cơ tiềm ẩn của những hành động như vậy và những nguy cơ tiềm ẩn khi tham gia trực tiếp vào một cuộc xung đột nóng trên chiến trường”.
Tuy nhiên, ông Peskov cho rằng, việc NATO can thiệp trực tiếp vào thực địa đang được thảo luận “tất nhiên là một yếu tố mới rất quan trọng” được Điện Kremlin quan tâm.