Pháp cân nhắc khả năng can thiệp quân sự vào Libya để chống IS
VOV.VN - Lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Pháp đề cập tới khả năng can thiệp quân sự tại Libya.
Chưa bao giờ giới quan sát quốc tế lại nhắc nhiều tới khả năng một cuộc can thiệp quân sự của Pháp tại Libya như lúc này, quốc gia chỉ cách các vùng bờ biển châu Âu vài trăm kilomet.
Quân nhân Pháp. Ảnh: Janes. |
Trong bối cảnh nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang ngày càng mở rộng hoạt động và nuôi tham vọng biến Libya thành một công cụ để gây bất ổn các nước biên giới và cấu kết với nhóm cực đoan khu vực, loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris vừa qua được xem như chất xúc tác cho những kế hoạch chống khủng bố của Pháp.
Lãnh đạo 24 thành phố ở Libya hôm qua (22/12) đã ký vào thỏa thuận do Liên Hợp Quốc bảo trợ về việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Động thái diễn ra chỉ vài ngày sau khi hai quốc hội đối địch ở Libya ký văn kiện này. Đây được xem là bước đi đầu tiên hướng tới một mặt trận chung trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang lợi dụng bất ổn chính trị tại Libya để tăng cường ảnh hưởng và nhất là mở rộng quyền kiểm soát ra nhiều vùng lãnh thổ của nước này.
Thủ đoạn của IS
Hiện nay, nhóm nổi dậy đã chiếm quyền kiểm soát thành phố Sirte, cùng ít nhất 200km duyên hải Libya.
Theo chiến lược đang được áp dụng tại Iraq và Syria, nhóm Nhà nước Hồi giáo cũng đồng thời tìm cách chiếm các khu vực dầu mỏ chiến lược.
Cùng với đó, để duy trì ảnh hưởng và cũng giống như những gì al-Qaeda bán đảo Arab từng làm tại dải Sahen và Sahara, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang âm mưu thành lập liên minh với các bộ lạc địa phương. Nếu không làm gì, Nhà nước Hồi giáo sẽ tìm cách biến Libya thành công cụ để gây bất ổn các nước láng giềng và liên kết với các nhóm cực đoan khu vực.
Khả năng Pháp can thiệp
Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã không loại trừ khả năng về một cuộc can thiệp quân sự tại Libya.
Theo ông, không chỉ nước Pháp, mà cộng đồng thế giới đều đang trong một cuộc chiến, có chung một kẻ thù là nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng và cần phải chiến đấu để truy quét và tiêu diệt hoàn toàn nhóm cực đoan tại Syria, Iraq và hiện nay là tại Libya.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Pháp đề cấp tới khả năng can thiệp quân sự tại Libya. Trước đó không lâu, ông từng khẳng định, tình hình tại Libya chắc chắn là hồ sơ lớn trong những tháng tới. Còn Tổng thống Pháp Francois Hollande dù không công khai, song cũng gián tiếp coi vấn đề Libya là một ưu tiên hàng đầu của mình.
“Chúng ta cần phải đưa ra những sáng kiến ngoại giao nhằm giải quyết 2 vấn đề lớn đó là nguồn gốc của những thử thách mà chúng ta đang phải đối mặt và trên hết là những gì mà người dân khu vực đang phải trải qua. Tại Libya, chúng ta cần phải giúp người dân nơi đây đạt được những điều mà họ đã mong chờ quá lâu, một chính phủ đoàn kết dân tộc và bảo vệ lãnh thổ, mà khẩn cấp lúc này là ngăn chặn nhóm nhà nước Hồi giáo tự xưng củng cố mở rộng ảnh hưởng.”
Hành động thực tế
Cần phải nhắc lại rằng, từ tàu sân bay Charles de Gaulle, Pháp đã tiến hành các sứ mệnh trinh sát tại miền Đông Libya ngay sau khi được triển khai trên Địa Trung Hải.
Không chỉ Pháp, mà Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng không hề sao nhãng những gì đang xảy ra tại Libya và đây chính là động lực cho những kế hoạch chống khủng bố tham vọng của Pháp.
Kể từ khi phát động chiến dịch không kích chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Iraq và Syria, quân đội Mỹ cũng đã tiến hành 2 vụ không kích tại Libya.
Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cộng đồng thế giới không được phép để cho những căng thẳng tại Libya tiếp diễn và trở nên tồi tệ hơn.
“Chúng ta không thể cho phép tình trạng hiện nay tại Libya tiếp tục. Nó nguy hiểm cho sự tồn tại của Libya, nguy hiểm cho người dân Libya, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang ngày càng gia tăng sự hiện diện. Điều này là nguy hiểm cho tất cả mọi người.”
Tuy nhiên, để tiến hành một cuộc can thiệp như thế, Pháp sẽ cần phải được Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc bật đèn xanh dù nguy cơ cao sẽ bị Nga hoặc Trung Quốc phủ quyết và cũng không thể không kể đến phản ứng của những nước láng giềng như Algeria và Tunisia lo ngại nguy cơ bị trả đũa.
Theo một báo cáo thông qua mới đây của Ủy ban đối ngoại thuộc Quốc hội Pháp, cần phải cân nhắc những hậu quả của cuộc can thiệp. Đối với Libya, một quốc gia đang trong tình hình xung đột, một cuộc can thiệp vũ trang có thể làm phân cực hơn nữa tình hình chính trị đất nước, thậm chí là phá hủy các nỗ lực của Liên Hợp Quốc khôi phục ổn định đất nước./.