Phát triển năng lượng bền vững trong ngành hàng không: Bài toán khó của Pháp

VOV.VN - Câu chuyện phát triển năng lượng bền vững ngành hàng không tại Pháp lại không hề đơn giản, thậm chí vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Một chiếc máy bay của hãng hàng không Air France-KLM mới đây đã thực hiện chuyến bay đường dài đầu tiên từ Pháp đến Canada bằng nhiên liệu có thành phần là dầu ăn đã qua sử dụng. Đại diện của hãng khẳng định, chuyến bay thể hiện tham vọng trong việc loại bỏ khí CO2 trong vận tải hàng không, phát triển chuỗi cung ứng nhiên liệu bền vững, từ đó có trách nhiệm hơn với môi trường.

Không phủ nhận, đây là nỗ lực đáng kể trong bối cảnh ngành công nghiệp toàn thế giới đang từng bước thử nghiệm các loại nhiên liệu thay thế. Tuy nhiên, câu chuyện phát triển năng lượng bền vững ngành hàng không tại Pháp lại không hề đơn giản, thậm chí vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Nỗ lực của Pháp trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu        

Đối với ngành hàng không Pháp nói riêng cũng như xã hội Pháp và châu Âu nói chung, vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chống hiện tượng trái đất nóng lên ngày càng trở thành một chủ đề quan trọng hàng đầu, hiện diện trong hầu như mọi chính sách của nước Pháp cũng như châu Âu. Liên minh châu Âu đã xây dựng “Thỏa thuận Xanh”, theo đó đến năm 2030 sẽ cắt giảm 65% khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính và đến năm 2050 sẽ biến châu Âu thành châu lục không có khí phát thải CO2. Vì thế, mọi ngành kinh tế tại châu Âu đều đang vận động theo hướng chuyển đổi sinh thái, trong đó có ngành hàng không bởi một máy bay chở khách thải ra lượng khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều gấp nhiều lần các phương tiện khác như ô tô hay mô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Việc ngành hàng không Pháp thử nghiệm “nhiên liệu hàng không bền vững” (SAF) là một bước đi thể hiện cam kết đó, do đây là nhiên liệu được coi là “sinh thái” vì được làm ra từ dầu ăn đã qua sử dụng hoặc từ mỡ động vật hoặc qua quá trình xử lý chất thải đô thị và nông nghiệp. Tuy nhiên, đây không phải là nhiên liệu “sạch” 100% vì vẫn có 50% phải pha trộn với kerosene, tức nhiên liệu hàng không truyền thống.

Mục tiêu mà ngành hàng không Pháp đặt ra là từ đầu năm 2022, loại nhiên liệu bền vững này phải chiếm ít nhất 1% tổng số nhiên liệu trong ngành hàng không và đến năm 2030 sẽ tăng lên 5% và cái đích cuối cùng là đến năm 2050, ngành hàng không sẽ cắt giảm được 50% lượng phát thải CO2 so với mức năm 2005. Đây là giải pháp được coi là thân thiện với môi trường trong thời gian chờ đợi ngành công nghiệp hàng không có các đột phá trong việc chế tạo động cơ máy bay chạy bằng điện hoặc bằng hydrogen. Do đó, dù chỉ là một bước đi rất nhỏ và vẫn còn rất nhiều trở ngại phía trước nhưng đây cũng là một tín hiệu tích cực.

Thách thức đối với Pháp và châu Âu

Có hai vấn đề lớn đặt ra đối với loại nhiên liệu bền vững, thân thiện hơn với môi trường này. Thứ nhất, đó là năng lực sản xuất đối với loại nhiên liệu này hiện vẫn rất thấp. Từ nay đến năm 2025, chỉ có khoảng tối đa là 3 tỷ lít nhiên liệu loại này được sản xuất, tức chỉ chiếm khoảng 1% lượng nhiên liệu hàng không tiêu thụ mỗi năm. Quan trọng nhất, đó là giá thành. Để thực hiện mục tiêu từ năm 2022 nâng lượng tiêu thụ nhiên liệu bền vững này lên 1% thì mỗi hãng hàng không hoạt động trên lãnh thổ Pháp phải chi thêm 100 triệu euro. Giá thành loại nhiên liệu này đắt hơn 4-5 lần nhiên liệu truyền thống.

Vì thế, thách thức đặt ra với chính quyền Pháp là phải có các chính sách trợ giá lâu dài và bền vững để khuyến khích các hãng hàng không sử dụng nhiều hơn loại nhiên liệu thân thiện với môi trường này, bởi trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hầu như tất cả các hãng hàng không đều phải chịu các thiệt hại khổng lồ mà theo tính toán phải mất 5 năm mới có thể hồi phục như trước đại dịch. Ngoài ra, cũng không nên đặt ra quá nhiều kỳ vọng vào loại nhiên liệu này bởi đây vẫn là loại nhiên liệu được pha trộn với kerosene, tức nhiên liệu truyền thống, nên vẫn gây tác hại đến môi trường, chỉ là ở mức thấp hơn.

Nhìn chung, sự kiện vừa qua là một bước đi đáng khích lệ nhưng vẫn còn có quy mô và tầm vóc rất nhỏ để có thể sớm tác động một cách toàn diện đến cách thức vận hành của ngành hàng không tại Pháp. 

Mục tiêu đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của châu Âu

Hiện nay châu Âu cùng các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vào các chương trình môi trường và nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ là một trong các trọng tâm cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc, là nơi thể hiện ưu thế công nghệ cũng như thu về các lợi ích kinh tế. Do đó, châu Âu đặt tham vọng rất lớn trong các chính sách môi trường.

Cụ thể là châu Âu và Mỹ đều cam kết đến năm 2050 sẽ đưa mức phát thải CO2 về 0, sớm hơn 10 năm so với cam kết của Trung Quốc. Thế mạnh của châu Âu đó là ý thức về môi trường của dân chúng cũng như chính phủ các nước đang ở mức rất cao, nhiều đảng phái chính trị coi môi trường là vấn đề quan trọng hàng đầu, và thực tế là nhiều đảng Xanh tại châu Âu đang thăng tiến cực nhanh trong vài năm qua, đặc biệt là tại Đức - cường quốc kinh tế số 1 châu Âu. Do đó, châu Âu có tham vọng, có quyết tâm chính trị và có sự ủng hộ rộng rãi của dư luận để chuyển đổi sinh thái.

Đối với ngành hàng không, hướng nghiên cứu bảo vệ môi trường của châu Âu không chỉ tập trung vào nhiên liệu bền vững mà còn ở việc cải thiện công nghệ chế tạo máy bay, sử dụng vật liệu composite mới để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu của máy bay. Ngày nay các đội tàu bay mới đều hướng mục tiêu giảm khoảng 25% nhiên liệu. Đó là lí do mà vài năm qua tập đoàn Airbus của châu Âu dành ưu tiên cho các loại máy bay nhỏ hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn như Airbus A350, đồng thời chấm dứt sản xuất siêu máy bay Airbus A380. Giới chuyên gia cho rằng, việc đổi mới công nghệ của máy bay có thể có tác dụng tốt hơn là việc đổi mới về nhiên liệu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đảo điện gió nhân tạo: Nguồn năng lượng bền vững
Đảo điện gió nhân tạo: Nguồn năng lượng bền vững

VOV.VN - Trung tâm Năng lượng gió có công suất 10 - 30 GW sẽ chuyển đổi và lưu trữ năng lượng dưới dạng hydro một cách kinh tế nhất.

Đảo điện gió nhân tạo: Nguồn năng lượng bền vững

Đảo điện gió nhân tạo: Nguồn năng lượng bền vững

VOV.VN - Trung tâm Năng lượng gió có công suất 10 - 30 GW sẽ chuyển đổi và lưu trữ năng lượng dưới dạng hydro một cách kinh tế nhất.

Khai thác than đảm bảo an ninh năng lượng bền vững
Khai thác than đảm bảo an ninh năng lượng bền vững

VOV.VN - Phó Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị khai thác tập trung đầu tư xây dựng cơ bản, chuẩn bị tài nguyên, thúc đẩy công tác tìm kiếm thăm dò.

Khai thác than đảm bảo an ninh năng lượng bền vững

Khai thác than đảm bảo an ninh năng lượng bền vững

VOV.VN - Phó Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị khai thác tập trung đầu tư xây dựng cơ bản, chuẩn bị tài nguyên, thúc đẩy công tác tìm kiếm thăm dò.

Hoàng Anh tham dự hội thảo về năng lượng bền vững
Hoàng Anh tham dự hội thảo về năng lượng bền vững

(VOV) -Trong buổi hội thảo, các người đẹp đã được giới thiệu những kiến thức để sử dụng nguồn năng lượng bền vững nhằm bảo vệ môi trường.

Hoàng Anh tham dự hội thảo về năng lượng bền vững

Hoàng Anh tham dự hội thảo về năng lượng bền vững

(VOV) -Trong buổi hội thảo, các người đẹp đã được giới thiệu những kiến thức để sử dụng nguồn năng lượng bền vững nhằm bảo vệ môi trường.