Phe đối lập Syria lật đổ Tổng thống Assad nhanh chóng nhờ vào yếu tố nào?
VOV.VN - Chỉ trong một thời gian ngắn, các lực lượng vũ trang của phe đối lập Syria đã làm tan rã phòng tuyến của lực lượng chính phủ và lật đổ chế độ lâu năm của Tổng thống Assad. Chiến thắng này đến từ sự hội tụ của nhiều biến chuyển trong tình hình địa chính trị khu vực và thế giới.
Thắng lợi chóng vánh của phe đối lập Syria
Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã kiềm chế lực lượng phiến quân trong hơn một thập kỷ nhờ vào sự ủng hộ quân sự của Iran và Nga. Nhưng nay, chính quyền đó đã sụp đổ với tốc độ nhanh bất ngờ vào sáng 8/12/2024 sau khi phe đối lập tiến vào thủ đô Damascus từ nhiều hướng. Cuộc tiến công của phe nổi dậy Syria kéo dài chưa tới 2 tuần.
Tổng thống Assad đã buộc phải rời khỏi Syria khi lực lượng nổi dậy bao vây thủ đô. Tối 8/12, truyền thông nhà nước Nga và 2 quan chức Iran thông báo rằng ông Assad đã tới Nga. Truyền thông Nga cũng cho biết, ông Assad và gia đình của ông đã được trao quyền tị nạn chính trị. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa thể xác minh độc lập thông tin này.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, ông Assad đã “quyết định rời bỏ vị trí tổng thống và rời khỏi đất nước” sau khi có các cuộc nói chuyện với “các bên khác trong cuộc xung đột”. Ông Assad cũng đưa ra những hướng dẫn về chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, vẫn theo Bộ Ngoại giao Nga.
Hiện chưa có bình luận nào từ vị Tổng thống Assad vừa bị lật đổ tại Syria. Thủ tướng Syria, Mohammad Ghazi al-Jalali, ở lại và tuyên bố rằng ông sẵn sàng hợp tác với lực lượng phiến quân. Tràn vào thủ đô Damascus, các lực lượng chống chính phủ chỉ vấp phải chút ít kháng cự từ quân đội Syria. Họ giành được quyền kiểm soát đối với các trụ sở chính phủ và đài phát thanh - truyền hình quốc gia.
Bước nhảy vọt cho lực lượng nổi dậy
Nội chiến Syria bùng phát cùng với phong trào Mùa xuân Arab vào năm 2011 và tiếp tục đầy bạo lực cho đến năm 2017. Từ sau năm 2017, cuộc nội chiến vẫn chưa được giải quyết nhưng khá trầm lắng.
Sau đó, vào tháng 10/2023, tổ chức vũ trang Hồi giáo Hamas (Palestine) đã tấn công vào lãnh thổ Israel. Cuộc chiến sau đó giữa Hamas và Israel đã đảo ngược bàn cờ Trung Đông. Phiến quân Syria tấn công vào thời điểm mà các đồng minh chính của ông Assad (bao gồm Iran, Nga và Hezbollah) đang gặp khó khăn.
Sức mạnh của Iran bị suy giảm do xung đột với Israel. Nhóm Hezbollah - lực lượng ủy nhiệm chính của Iran trong vùng từng giúp đỡ rất nhiều cho chính quyền Assad, cũng chịu hiệt hại lớn trong cuộc đối đầu vũ trang với Israel. Tại châu Âu, xung đột Nga - Ukraine đã làm hao mòn nhân lực, vũ khí khí tài và các nguồn lực khác của quân đội Nga.
Trong lúc đó, Hayat Tahrir al-Sham đã “đợi sẵn trong cánh gà”. Hayat Tahrir al-Sham là một nhóm Hồi giáo chủ nghĩa từng có liên hệ với tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda. Nhóm này về sau tham gia liên minh với các đối tác trung dung hơn nhưng vẫn bị Mỹ và các nước khác xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố. Hayat Tahrir al-Sham duy trì sự cai trị cứng rắn đối với tỉnh Idlib ở Tây Bắc Syria trong nửa thập kỷ, đánh thuế lên các cư dân tại đó để duy trì hoạt động của mình. Tổ chức này vẫn theo đuổi các nguyên tắc Hồi giáo hà khắc khi đối xử với những nhóm thiểu số tại đây
Cách đây khoảng một năm, Hayat Tahrir al-Sham bắt đầu chuẩn bị cho chiến dịch tiến công lớn về phía Nam, tới thủ đô Damascus.
Giới phân tích cho rằng liên minh của Hayat Tahrir al-Sham nhận được sự hậu thuẫn ngầm từ Thổ Nhĩ Kỳ, thành lập được một học viện quân sự đào tạo ra những sĩ quan và binh lính có kỷ luật và đông cơ chiến đấu cao.
Abu Mohammed al-Jolani - chỉ huy các đơn vị phiến quân, phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình: “Cách mạng đã chuyển từ trạng thái hỗn loạn và ngẫu nhiên sang trạng thái trật tự”.
Trong khi đó, điện Kremlin vừa bận rộn với xung đột Ukraine vừa mệt mỏi trước việc Tổng thống Assad khước từ tương tác với Thổ Nhĩ Kỳ, chứ chưa nói đến phe đối lập, để giải quyết xung đột tại nước này.
Phiến quân Syria tiến đánh như chẻ tre
Liên minh của ông al-Jolani phát động cuộc tiến công chớp nhoáng vào ngày 27/11/2024, ban đầu họ chiếm được thành phố Aleppo lớn nhất Syria. Lực lượng nổi dậy xốc tới chiếm tiếp thành phố Hama - vốn chưa từng thất thủ trước đó trong nội chiến Syria. Sau đó đến lượt Homs - thành phố chiến lược nằm cách thủ đô khoảng 160km.
Thi thoảng chính lực lượng nổi dậy cũng cảm thấy bất ngờ về thành công của mình, tương tự như phần còn lại của thế giới.
Trái lại, các lực lượng chính phủ Syria hầu như không làm được gì để đổi mới và tăng sức mạnh cho bản thân. Ibrahim Hamidi - tổng biên tập tạp chí thời sự Al Majalla ở London (Anh) đánh giá: “Họ có nhuệ khí thấp, ít được huấn luyện, thiếu vũ khí, thiếu chuỗi chỉ huy và đối mặt tình trạng tham nhũng lan tràn”.
Thiếu sự hậu thuẫn của các binh sĩ Hezbollah và Iran, nhận được ít sự yểm trợ từ các cuộc không kích của Nga, cuối cùng lực lượng quân sự của chính phủ Syria đã sụp đổ tan hoang. Ngay cả Sư đoàn thiết giáp số 4 và lực lượng Vệ binh Cộng hòa - những lực lượng tinh nhuệ chuyên về chống đảo chính, cũng dường như biến mất.
Mona Yacoubian - giám đốc Trung tâm Trung Đông và Bắc Phi tại Viện Hòa bình Mỹ nhận định: “Chúng ta đã được chứng kiến nhà nước Syria bị ruỗng dần từ bên trong”.
Về phần mình, Mỹ cũng khá dửng dưng với tình hình ở Syria. Mỹ cảnh giác về kịch bản thay đổi chế độ tại đây có thể kéo theo việc hình thành một chính quyền Hồi giáo cực đoan ở Damascus - điều mà chính quyền Tổng thống Mỹ Obama trước đây từng gọi là “thành công mang tính thảm họa”.
Hiện Mỹ chỉ có khoảng 900 quân nhân được triển khai ở Đông Bắc Syria để hậu thuẫn cho lực lượng dân quân người Kurd tại đó trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan IS. Tổng thống đắc cử Mỹ Trump hiện nay nhiều lần nhắc lại rằng Mỹ sẽ không dính líu vào Syria nữa.
Hiện không rõ loại hình chính quyền nào sẽ xuất hiện tại Syria sau khi ông Assad ra đi. Tuy nhiên cựu Đại sứ Mỹ tại Syria từ năm 2011-2014, Robert S. Ford, cho rằng dù kết quả như thế nào thì Washington vẫn phải xác định dứt khoát một lần về mục tiêu chủ yếu của họ tại Syria.