Phiến quân Syria chưa chắc đã được yên sau khi rời khỏi Đông Ghouta
VOV.VN - Lực lượng phiến quân Syria đang rút lui hàng loạt khỏi Đông Ghouta với sự hỗ trợ tích cực từ chính phủ Syria và quân đội Nga. Điều gì đang đợi chờ họ?
Dọn đường cho phiến quân rút đi
Một tổ chức theo dõi tình hình chiến sự ở Syria thông báo vào hôm 24/3 rằng quân đội Syria đã ngừng oanh tạc khu vực Douma, thành trì cuối cùng của phiến quân nước này ở gần thủ đô Damascus.
Động thái ngừng bắn này là để tạo điều kiện cho phiến quân rút khỏi thành trì của họ ở Đông Ghouta.
Truyền thông nhà nước cho hay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất để các chiến binh trên di tản khỏi Đông Ghouta (nằm sát thủ đô Damascus).
Xe bus tiến vào khu vực Harasta ở Đông Ghouta, ngoại vi Damascus (Syria), vào ngày 23/3. Ảnh: Reuters. |
Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga, một hành lang nhân đạo đã được thiết lập ở Đông Ghouta vào hôm 24/3 để tạo điều kiện cho các chiến binh và gia đình họ di tản.
Theo truyền thông nhà nước, các phiến quân rời khỏi Đông Ghouta sẽ thả vài ngàn binh sĩ Syria bị họ bắt làm tù binh từ trước đó.
Chính phủ Syria cũng đã đàm phán với nhóm nổi dậy Jaish al-Islam kiểm soát Douma (thuộc Đông Ghouta) để nhóm này thả các tù binh Syria.
Hàng ngàn chiến binh và gia đình họ đã rời thị trấn Harasta cạnh đó bằng xe bus vào hôm 23/3 sau một thỏa thuận với chính phủ, mà theo đó phiến quân chấp nhận trao trả thị trấn này.
Phiến quân Syria ở một số thị trấn khác thuộc Đông Ghouta cũng đã nhất trí những thỏa thuận tương tự.
Clip video trên truyền hình Syria cho thấy cảnh xe tải xuất hiện tại các giao lộ vốn từng là chiến địa và cảnh máy móc được huy động để dỡ bỏ các chướng ngại vật tại một số đoạn đường.
Theo truyền thông Syria, quân đội nước này đang tiến vào tiếp quản các thị trấn mà phiến quân vừa rút đi.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, gần 5.000 chiến binh và gia đình họ đã sơ tán khỏi Harasta.
Quân đội Nga hôm 24/3 nói rằng hơn 105.000 người đã rời khỏi Đông Ghouta, trong số này có hơn 700 người rời đi vào ngày 24/3.
Ngoài các chiến binh và người thân của họ, còn có một bộ phận dân thường khác không muốn nằm dưới sự quản lý của chính quyền Syria đã rời khu vực Đông Ghouta bắt đầu từ ngày 24/3.
Nhưng di tản về đâu?
Lực lượng phiến quân, người thân của họ và các nhóm bất đồng chính kiến sẽ di chuyển về tỉnh Idlib ở tây bắc Syria, điểm tập kết cho nhiều tay súng Syria sau khi bị bao vây và tấn công trên bộ ở vô số nơi bên trong lãnh thổ nước này.
Tuy nhiên Idlib cũng không hẳn là nơi an toàn cho họ. Quân đội Syria và Nga đã gia tăng các hoạt động không kích nhằm vào tỉnh này trong tuần qua.
Đã vậy, bản thân tỉnh Idlib cũng đầy bất ổn do các cuộc chém giết giữa chính các nhóm phiến quân ở đây. Hôm 24/3, một vụ nổ tại trụ sở một nhóm phiến quân từng liên kết với tổ chức khủng bố al-Qaeda đã khiến ít nhất 7 người chết và 25 người bị thương.
Vẫn còn những chỉ trích
Để tái chiếm Đông Ghouta, quân đội Syria đã mở các đợt oanh tạc lớn nhất của họ trong 7 năm nội chiến Syria, sử dụng cả máy bay cánh cố định, máy bay trực thăng và đại bác.
Một số nhóm nhân quyền tố cáo chính phủ Syria sử dụng bom thùng, khí chlorine và bom cháy để tấn công các mục tiêu nhưng chính quyền Syria và Nga phủ nhận điều này và tuyên bố cuộc tiến công của họ là cần thiết nhằm chấm dứt sự cai trị của các chiến binh Hồi giáo cực đoan.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, tướng Valery Gerasimov. Ảnh: TASS. |
Trong khi đó, cũng trong ngày 24/3, Thứ trưởng Quốc phòng Nga đồng thời là Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, tướng Valery Gerasimov tuyên bố tất cả các nhóm khủng bố ở Syria đã nhận vũ khí, tiền bạc cũng như chỉ thị từ nước ngoài.
Trước đó, vào đầu tháng 3, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin tố cáo các lực lượng quân sự Mỹ đã góp phần tạo ra một nơi trú ngụ an toàn cho lực lượng khủng bố ở tây Syria.
Đồng thời phía Nga khẳng định các lực lượng quân sự của họ tham chiến ở Syria là theo đề nghị của ông Bashar al-Assad – Tổng thống hợp pháp hiện nay tại Syria.
Tình hình ở Đông Ghouta đã căng thẳng trong vài tháng qua, với việc đôi bên liên tục bắn phá nhau.
Trước tình hình căng thẳng leo thang ở đây, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2401 hối thúc các bên trong xung đột Syria ngừng ngay tình trạng giao tranh và tuân thủ lệnh ngừng bắn nhân đạo trong ít nhất 30 ngày trên toàn thể lãnh thổ Syria để bảo đảm việc phân phát hàng nhân đạo an toàn và thông suốt, cũng như việc sơ tán những người bị thương tới nơi điều trị./.
Cận cảnh đoàn xe bus chở phiến quân Syria rút chạy khỏi Đông Ghouta