Phiên tòa luận tội Tổng thống: Phép thử với Trump, cơ hội cho Biden
VOV.VN - Trong lúc đối thủ đang phải bận rộn với phiên tòa luận tội Tổng thống, ông Joe Biden có thế tận dụng thời cơ để mở rộng quy mô chiến dịch tranh cử.
Phiên tòa luận tội Tổng thống Trump một lần nữa sẽ hướng sự chú ý “không mấy thoải mái” vào ứng viên Tổng thống phe Dân chủ Joe Biden và con trai ông, nhưng cũng tạo cho Biden cơ hội đặc biệt để tranh thủ sự ủng hộ của các cử tri trong bối cảnh đối thủ lớn nhất của ông phải đối mặt với cuộc chiến khốc liệt tại Thượng viện.
Tổng thống Trump. Ảnh: BBC. |
Cuộc chiến "nảy lửa" trước giờ G
Nghi thức của phiên tòa xét xử luận tội Tổng thống Trump tại Thượng viện đã được thực hiện vào ngày 16/1, tuy nhiên phải đến ngày 21/1 các cuộc tranh luận chính thức mới bắt đầu. Trước thời điểm này, các nghị sỹ Dân chủ dẫn đầu cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump đã công bố văn kiện luận tội dài 111 trang giúp củng cố lập luận của họ về cáo buộc ông Trump lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội.
“Thượng viện nên kết án và bãi nhiệm Tổng thống Trump để tránh gây tổn hại nghiêm trọng và lâu dài đến các giá trị dân chủ và an ninh quốc gia. Vụ kiện đối với Tổng thống Mỹ là điều rất đơn giản, sự thật không thể chối cãi và các bằng chứng đưa ra rất mạnh mẽ”, các nghị sỹ phe Dân chủ cho biết.
Văn kiện này giải thích lý do tại sao Hạ viện thông qua hai điều khoản luận tội Tổng thống và liệt kê bằng chứng hỗ trợ các cáo buộc. Bằng chứng bao gồm thông tin được công bố trong những ngày qua từ ông Lev Parnas, cộng sự của luật sư riêng Rudy Giuliani của ông Trump và bản đánh giá của Văn phòng giải trình trách nhiệm của chính phủ (GAO) cho rằng ông Trump đã vi phạm luật pháp khi “đóng băng” khoản viện trợ quân sự mà Quốc hội đã phê chuẩn cho Ukraine.
Tổng thống Trump bị cáo buộc giữ lại khoản kinh phí 391 triệu USD viện trợ an ninh nhằm gây sức ép buộc Kiev tiến hành điều tra đối thủ Joe Biden để gia tăng triển vọng tái thắng cử của ông trong năm 2020.
Trong khi đó, đội ngũ pháp lý của Tổng thống đã bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc được phe Dân chủ trình bày tại Thượng viện tuần trước khi thực hiện nghi thức của phiên tòa xét xử. Trong bản thảo dài 6 trang, các luật sư của ông Trump cho rằng các điều khoản luận tội là “vi hiến” và Tổng thống “không làm điều gì sai trái”.
"Đây là đòn tấn công nguy hiểm vào quyền của người dân Mỹ được tự do lựa chọn Tổng thống của họ, là âm mưu phi pháp và trơ trẽn nhằm đảo ngược kết quả bầu cử năm 2016 và can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 hiện chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra", bản thảo dài 6 trang của đội ngũ pháp lý Nhà Trắng công bố hôm 18/1 có đoạn viết.
Đây là lần đầu tiên đội ngũ pháp lý của Tổng thống Trump đưa ra phản ứng chính thức đối với 2 điều khoản luận tội là lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội mà Hạ viện do phe Dân chủ dẫn đầu thông qua. Đội ngũ pháp lý của ông Trump dự kiến công bố một văn kiện đáp trả văn kiện luận tội của phe Dân chủ vào hôm 20/1. Hiện họ đang thảo luận về mức độ chính trị của văn kiện này.
Cơ hội mở ra cho Joe Biden?
Trong khi chính quyền Tổng thống Trump đang phải dồn sức đối phó với bản cáo trạng của phe Dân chủ trước phiên tòa xét xử luận tội chính thức vào ngày 21/1, thì đội ngũ vận động tranh cử của cựu Phó Tổng thống Joe Biden nỗ lực tiến hành các hoạt động thu hút cử tri tại các bang Iowa và Nam Carolina.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Washington Post. |
Theo BBC, phiên tòa luận tội có thể kéo dài đến tháng 2 - thời điểm cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Dân chủ tìm ứng viên tranh cử Tổng thống bước vào giai đoạn then chốt.
Với tư cách là bồi thẩm đoàn, các ứng cử viên Tổng thống khác của phe Dân chủ là Elizabeth Warren và Bernie Sanders sẽ phải giảm quy mô vận động tranh cử để tham gia phiên tòa xét xử tại Washington. Giới quan sát cho rằng, trong lúc những ứng cử viên khác đang bị kiềm chân bởi phiên tòa luận tội, ông Joe Biden có thế tận dụng thời cơ để mở rộng quy mô chiến dịch tranh cử trước cuộc bỏ phiếu quyết định.
Trước đó hôm 17/1, Tổng thống Trump viết trên trang cá nhân Twitter rằng, đảng Dân chủ đã cố tình tạo ưu thế cho Joe Biden bằng cách đẩy Bernie Sanders và các ứng viên khác lệch khỏi tuyến đường đua. “Rất không công bằng nhưng đó là cách phe Dân chủ tham gia cuộc chơi”. Trong số các ứng viên chính của đảng Dân chủ, ông Biden luôn giữ được số phiếu ủng hộ ở mức ổn định, nằm trong khoảng 26% đến 30% kể từ tháng 9/2019.
Chưa vội ăn mừng
Bất chấp thời cơ nói trên, phiên tòa xét xử luận tội Tổng thống sẽ tạo cơ hội cho phe Cộng hòa công kích cựu Phó Tổng thống Joe Biden với những cáo buộc chưa rõ ràng về việc ông đã thay mặt chính quyền cựu Tổng thống Obama ra sức tác động để sa thải công tố viên Ukraine nhằm bảo vệ công ty năng lượng Burisma Holdings – nơi con trai ông Hunter Biden là một thành viên của hội đồng quản trị.
Một số nghị sỹ Dân chủ lo ngại rằng, phe Cộng hòa sẽ cố gắng “bôi nhọ” ứng viên của họ bằng những “tai tiếng xấu” như những gì đã xảy ra trong vụ bê bối email cá nhân của bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử 2016.
“Chưa biết thực hư như thế nào, song những cáo buộc liên quan đến email cá nhân của bà Hillary Clinton đã khiến bà bị nghi ngờ. Có rất nhiều câu hỏi đặt ra đối với bà và các nghi vấn tham nhũng xoay quanh gia đình Clinton đã ăn vào tiềm thức của một bộ phận dân chúng. Tuy nhiên, không có nghi vấn tham nhũng đối với ông Joe Biden trong số các cử tri. Điều đó như thế đang thuyết phục mọi người rằng “bầu trời vẫn xanh trong”, Ian Sams – người từng làm việc cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ cho biết.
Bên cạnh đó, tranh cãi giữa phe Dân chủ và phe Cộng hòa về việc có nên gọi các nhân chứng tham gia phiên tòa xét xử tại Thượng viện hay không đồng nghĩa với việc con trai ông là Hunter Biden có thể bị đặt vào tình thế “không thoải mái” khi buộc phải đứng ra làm chứng. Một số nghị sỹ Cộng hòa đe dọa sẽ triệu tập ông Hunter Biden nếu đảng Dân chủ yêu cầu các nhân vật như Cựu Cố vấn an ninh Quốc gia John Bolton và quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney ra làm chứng.
Theo giới quan sát, dù ông Hunter Biden có ra làm chứng hay không, phiên tòa xét xử luận tội Tổng thống Trump, vốn nhận được sự theo dõi chặt chẽ từ công chúng, sẽ tạo cho nhóm pháp lý của Tổng thống Trump cơ hội công kích ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ và tạo ra những tác động khó lường đối với dư luận.
Trump có dễ bị bãi nhiệm?
Tại trụ sở Quốc hội, mọi công việc đang được gấp rút tiến hành cho phiên tòa xét xử luận tội lần thứ 3 đối với Tổng thống Mỹ. Cũng đã có những phương án chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là ông Trump có thể bị bãi nhiệm. Các đối thủ của ông chờ đợi cơ hội này từ lâu và một số thậm chí nghĩ rằng đây là điều không thể tránh khỏi, tờ Guardian cho biết.
Tuy nhiên tại Nhà Trắng lại là một thế giới hoàn toàn khác biệt. Tổng thống đã tổ chức buổi lể ký kết thỏa thuận thương mại với Trung Quốc – “thỏa thuận lớn nhất mà bất kỳ ai cũng thấy”, ăn mừng khi Quốc hội thông qua thỏa thuận thương mại khác với Canada và Mexico. Với những nỗ lực vực dậy nền kinh tế suốt 3 năm qua, giờ đây, ông Trump có thể tự hào với những kỷ lục mới trên thị trường chứng khoán, tỷ lệ thất nghiệp thấp và sự giảm mạnh các vụ vượt biên bất hợp pháp tại biên giới phía nam. Những thành tựu này đã tạo điểm sáng cho ông trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, giúp ông có lợi thế lấn át trước phiên tòa xét xử tại Thượng viện.
“Nếu nhìn vào 3 trụ cột chính của một viễn cảnh khác biệt mà Tổng thống Trump cam kết mang lại khi bước vào Nhà Trắng: cứng rắn với người nhập cư, chống lại quan hệ thương mại thiếu công bằng và thúc dẩy chính sách “nước Mỹ trên hết” thì bạn sẽ phải nói rằng ông ấy đã thành công”, Bill Galston – thành viên tại Viện nghiên cứu Brookings nhận xét.
Để Tổng thống Donald Trump chính thức bị bãi nhiệm, phe Dân chủ cần phải có thêm ít nhất 20 phiếu thuận từ các nhà lập pháp đảng Cộng hòa để hội đủ đa số phiếu ủng hộ (67 phiếu thuận), nhưng khả năng này khó xảy ra bởi không thượng nghị sỹ Cộng hòa nào tuyên bố “quay mũi giáo” chống lại ông Trump./.
Thượng viện Mỹ bắt đầu mở phiên tòa xét xử luận tội ông Trump
Tổng thống Trump: Tôi bị luận tội vì một cuộc điện đàm hoàn hảo
Chuyển các điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump lên Thượng viện