Phong cách Macron sau lời mời ông Donald Trump dự Quốc khánh Pháp
VOV.VN - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump được mời và đã nhận lời mời dự lễ diễu binh ngày Quốc khánh Pháp 14/7 này lại là một hiện tượng lạ.
Thủ đô Paris của nước Pháp đang khẩn trương chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 14/7. Ngày lễ năm nay thu hút sự quan tâm lớn hơn, bởi đây là Quốc khánh đầu tiên của tân Tổng thống Emmanuel Macron và có sự hiện diện của vị khách mời đặc biệt, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP) |
Một người Mỹ ở Paris
Paris là thành phố du lịch hàng đầu thế giới. Có thể dễ dàng gặp ở nơi đây người Trung Hoa, người Nhật, người châu Phi... và dĩ nhiên cả người Mỹ.
Nhưng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump được mời và đã nhận lời mời dự lễ diễu binh ngày Quốc khánh Pháp 14/7 này lại là một hiện tượng lạ.
"Một người Mỹ ở Paris", tờ Le Monde đã mượn tiêu đề một cuốn sách nổi tiếng của văn hào Hemingway cách đây hơn nửa thế kỷ làm tít cho bài xã luận của mình.
Hiện tượng lạ, bởi trong bối cảnh chung hiện nay, nhất là sau Hội nghị thượng đỉnh G20 Hamburg, Tổng thống Mỹ Donald Trump là đối tượng không mấy thiện cảm với Liên minh châu Âu (EU) nói chung và với nước Pháp nói riêng.
Việc ông Donald Trump phê phán EU, ủng hộ nước Anh ra khỏi EU (Brexit), khích lệ phong trào dân túy và cực hữu châu Âu, đình chỉ đàm phán tiến tới Hiệp định tự do thương mại EU-Mỹ; áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch, và đặc biệt là quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu (Thỏa thuận COP 21) không khỏi khiến những người chủ trương nhất thể hóa châu Âu, ủng hộ việc áp dụng Thỏa thuận Paris, trong đó có tân Tổng thống Pháp, khó chịu.
Có lẽ sẽ là điều phản cảm khi nhân vật "không được ưa thích" ấy ngồi trên khán đài dành cho các vị khách quý trong ngày Quốc khánh long trọng của nước Pháp.
“Nghịch lý” dễ hiểu
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump được mời dự Quốc khánh Pháp do vậy được xem là tương đối “nghịch lý”, nối tiếp những bất ngờ mà ông Emmanuel Macron đã làm trong thời gian qua.
Sau khi vượt qua các ứng cử viên sừng sỏ của các đảng truyền thống để bước vào Điện Élysée, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời Tổng thống Nga Vladimir Putin, đang có những khúc mắc với EU, tới gặp gỡ, trao đổi tại cung điện Versailles và giờ là việc đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump, người "không được ưa thích", trong lễ diễu binh long trọng trên đại lộ Champs-Elysées nhân ngày Quốc khánh. Tân Tổng thống Pháp Macron khởi động với tác phong một tổng tư lệnh
Những động thái này tiếp tục khẳng định "phong cách Macron", đi thẳng vào những vấn đề khó khăn, bất bình thường để hóa giải chúng. Với một nước Pháp trì trệ và bế tắc bởi sự phân biệt tả - hữu, Macron thành lập phong trào “Tiến bước!” trung dung nhằm xóa bỏ nếp tư duy cũ, tận dụng ưu điểm của cả hai, đem lai một "luồng gió mới" cho đời sống chính trị.
Với vị Tổng thống đầy quyền lực Vladimir Putin đến từ Nga, ông Macron có thái độ cầu thị, thể hiện sự am tường mối quan hệ lịch sử truyền thống, cố kết của những quốc gia cùng châu lục, luôn cần đến nhau để giải quyết những thách thức chung, vì những lợi ích chung, nhưng vẫn giữ nguyên tắc của nước Pháp, của EU. Và không chỉ nước Pháp mà cả EU đều cảm thấy thuyết phục về những gì mà vị Tổng thống trẻ Macron thể hiện trước ông Putin tại Điện Versailles.
Việc mời Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân dịp Quốc khánh Pháp, với lễ diễu binh có sự tham gia của nhiều đơn vị Mỹ cùng quân đội Pháp trên đại lộ Champs Elysées, là để ghi dấu 100 năm ngày Mỹ tham dự Chiến tranh thế giới thứ Nhất.
Đây là một cử chỉ đầy ý nghĩa, thể hiện sự coi trọng mối quan hệ truyền thống giữa hai nước, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Bỏ qua những biểu hiện nhất thời không mấy dễ chịu của Donald Trump, Tổng thống Pháp Macron vẫn hy vọng ở một sự điều chỉnh và luôn coi Mỹ là đồng minh chiến lược, là đối tác quan trọng số một trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng như: cuộc xung đột Syria, chống khủng bố, tỵ nạn, và cả với Thỏa thuận Paris mà sự rút đi của Mỹ đang là nỗi thất vọng lớn.
Cầu thị, nhưng không hạ mình, động thái ấy của Tổng thống Pháp Macron đi đôi với sự khẳng định vị thế của một Ủy viên thường trực châu Âu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, củng cố trục Pháp - Đức trong xây dựng EU, tăng cường quan hệ đối tác với Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Ấn Độ.., bù đắp sự thiếu hụt từ sự co lại của Mỹ.
Trước mắt, ông Macron dự tính tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh thúc đẩy Thỏa thuận COP21 tại Pháp vào tháng 12 tới, đánh đi tín hiệu vắng Mỹ nhưng "chợ vẫn đông".
Cử chỉ của Tổng thống Pháp Macron được đưa ra rất đúng lúc, khi mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel đang căng thẳng, và chuyến thăm Anh của ông phải hoãn lại do sự phản đối của dân chúng và Thị trưởng London.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận lời tới Paris dự Quốc khánh Pháp do vậy không là điều quá ngạc nhiên. Mối quan hệ Mỹ-châu Âu luôn quan trọng, cần được hâm nóng lại. Và nước Pháp của tân Tổng thống Macron được lựa chọn làm điểm khởi động./. Cuộc gặp Macron – Putin: Cơ hội không thể tốt hơn cho Nga và Pháp