Phong trào phản chiến khiến ông Biden lâm nguy, mở “lối thoát” cho ông Trump
VOV.VN - Cuộc biểu tình của các sinh viên đại học đang khiến Tổng thống Biden phải “đau đầu” tìm cách giải quyết, nhưng cũng có thể là lối thoát chính trị dành cho ông Trump khi có vẻ như ông chủ cũ của Nhà Trắng đang ở “kèo dưới” trong cuộc chiến pháp lý.
Con đường trở về Nhà Trắng trở nên hẹp dần với ông Biden
Làn sóng biểu tình lan rộng khắp các trường đại học tại Mỹ đang đe dọa khả năng ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, đặc biệt trong bối cảnh Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ sẽ diễn ra trong vài tuần nữa. Theo thống kê, hơn 2.000 người đã bị bắt tại các trường cao đẳng và đại học Mỹ kể từ ngày 18/4, khi làn sóng biểu tình ủng hộ Palestine, phản đối Israel lan rộng khắp nước Mỹ. Dưới áp lực chính trị ngày càng lên cao, lần đầu tiên, ông Biden đã buộc phải lên tiếng nhằm chấm dứt tình trạng này.
“Nước Mỹ tôn trọng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân, nhưng điều này không có nghĩa là chính phủ Mỹ cho phép công dân thực hiện quyền tự do một cách vô tổ chức. Quyền tự do phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật và không đi kèm với bạo loạn”, ông Biden nói trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 2/5, đồng thời yêu cầu những người biểu tình phải ngừng việc phá hủy tài sản công cộng tại khuôn viên trường học.
Cuộc biểu tình của những cử tri sinh viên bắt nguồn từ sự phẫn nộ trước cuộc chiến ở Gaza đã khiến 34.000 người thiệt mạng, theo thống kê mới nhất của Cơ quan y tế địa phương. Trong một cuộc thăm dò gần đây của CNN, 81% cử tri dưới 35 tuổi không tán thành cách thức chính quyền ông Biden xử lý xung đột Israel-Hamas, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ ký thông qua dự luật viện trợ quân sự nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó có 17 tỷ USD dành cho Israel. Vị thế của ông Biden sẽ ngày càng bấp bênh nếu Nhà Trắng không thể thuyết phục Tổng thống Israel Benjamin Netanyahu từ bỏ kế hoạch tấn công thành phố Rafah, khiến con số thương vong tiếp tục gia tăng.
Nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại James Traub cho rằng ông Biden đang phải đối mặt với tình thế khó khăn và nên cẩn thận trước các phát ngôn trong thời điểm nhạy cảm, bởi những chỉ trích mạnh mẽ “không chỉ đẩy cơn giận của sinh viên đại học đi xa”, mà còn có khả năng khiến các cử tri ôn hòa quay lưng lại với ông chủ Nhà Trắng.
“Cơ hội ở lại Nhà Trắng của ông Biden đang trở nên hẹp dần. Điều tốt nhất ông ấy cần làm bây giờ là nên cẩn trọng”, ông Traub nói.
Ông Trump tìm thấy lối thoát trong cơn hỗn loạn
Vụ án “chi tiền bịt miệng” một ngôi sao khiêu dâm hồi năm 2016 đã khiến ông Trump trở thành cựu Tổng thống đầu tiên phải ra hầu tòa. Quá trình xét xử đã bước sang tháng thứ hai, và có vẻ như lợi thế không nghiêng về phía ông Trump. Cựu Tổng thống Mỹ tiếp tục mất thêm 9.000 USD trong hôm 30/4 vì vi phạm lệnh cấm ngôn và thẩm phán Juan Merchan đang xem xét các hình phạt bổ sung khác dành cho ông. Một cựu luật sư của ông Trump đã nhận 6 tội hỗ trợ ông chủ cũ của Nhà Trắng trong âm mưu lật đổ kết quả cuộc bầu cử ở bang Georgia vào tháng 1/2021, khiến hình ảnh chính trị của ông trở nên xấu đi trong mắt công chúng.
Buộc phải hầu tòa New York 4 ngày/tuần để phục vụ quá trình điều tra, thứ Tư là thời gian duy nhất mà cựu Tổng thống có thể tận dụng để tiếp tục chiến dịch tranh cử và nỗ lực ghi điểm trước cử tri.
Hôm 1/5, ông Trump đã có mặt tại các sự kiện tranh cử tại Wisconsin và Michigan. Ông chủ cũ của Nhà Trắng đã không ngần ngại tấn công đối thủ Biden bằng cách dẫn chứng tình trạng hỗn loạn trong khuôn viên đại học đang trở nên trầm trọng do các cuộc biểu tình phản chiến của sinh viên.
“Nước Mỹ đang bị bao vây bởi những kẻ cực đoan đang khủng bố trong các khuôn viên trường học”, ông Trump nói, ngầm chỉ trích chính quyền ông Biden đã thất bại trong việc ổn định tình hình an ninh của đất nước. Ca ngợi công lao của các cảnh sát trong việc giải tán cuộc biểu tình tại Đại học Columbia hôm 1/5, ông Trump cũng hứa hẹn sẽ “ngăn chặn tình trạng cướp bóc, phá hủy của công, giải quyết tình trạng nhập cư và quản lý tốt hơn giáo dục đại học” khi trở lại nhiệm sở.
Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy ông Trump vẫn đang dẫn trước đối thủ Biden về mức độ tín nhiệm tại hầu hết các vấn đề: kinh tế, nhập cư và xung đột Israel-Hamas. Ông chủ cũ của Nhà Trắng cũng không loại trừ khả năng cắt khoản viện trợ quân sự cho Israel nếu tái đắc cử, nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Trung Đông. Thái độ với Israel của ông Trump được cho là đã thay đổi hoàn toàn so với thời điểm đương nhiệm.
Cựu chiến lược gia cấp cao của Tổng thống Barack Obama, ông David Axelrod cho rằng “một kỷ nguyên chính trị bình thường” có thể sẽ khiến ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử; nhưng ở thời điểm hiện tại, tình trạng hỗn loạn do phong trào phản chiến lên cao có thể mở ra “một lối thoát” dành cho cựu Tổng thống trên đường đua trở lại Nhà Trắng.