Phương châm “tự chủ chiến lược” của Ấn Độ giữa vòng xoáy cạnh tranh nước lớn
VOV.VN - Ấn Độ thường từ chối bất kỳ hình thức liên minh chính thức nào cả ở phương Tây và phương Đông mà thay vào đó thúc đẩy vai trò của mình trong các tổ chức đa phương.
Ấn Độ tự chủ chiến lược
Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Washington để gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần này, phần lớn dư luận tập trung vào các thông báo liên quan đến mối quan hệ đối tác ngày càng phát triển giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, trong khi Nhà Trắng tìm cách cô lập Nga vì xung đột ở Ukraine thì New Delhi vẫn kiên định duy trì mối quan hệ sâu sắc với Moscow.
Mặc dù căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc - đối tác ngày càng thân cận của Nga, vẫn âm ỉ nhưng New Delhi coi động lực cho mối quan hệ với Moscow là để thúc đẩy các lợi ích của mình và thiết lập vùng đệm với Bắc Kinh. Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Nirupama Rao giải thích, "một phần lợi ích trong chiến lược của Ấn Độ nhằm đối phó với Bắc Kinh chạy qua Washington và cùng lúc đó nó cũng chạy qua Moscow".
"Tôi nghĩ Trung Quốc đang tự do hành động ở châu Á và khu vực Á - Âu, đặc biệt giữa bối cảnh tình hình ở Ukraine ngày càng xấu đi và Nga đang bị cô lập", cựu Ngoại trưởng Rao - người cũng từng là Đại sứ tại Mỹ, Trung Quốc và Sri Lanka đánh giá.
Theo bà: "Ở thời điểm hiện tại, Ấn Độ không thể phớt lờ quan hệ với Nga bởi tôi nghĩ mối quan hệ này là một phương tiện để đối phó với Trung Quốc, quốc gia mà ở một khía cạnh nào đó đang độc quyền ở không gian châu Á".
Động lực này cũng mở rộng sang các tổ chức đa phương mà Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là thành viên như BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
"Ấn Độ đang làm việc với BRICS và SCO. Như đã thấy, sự hiện diện này, đặc biệt trong bối cảnh xung đột ở Ukraine tiếp diễn đã khiến cho phương Tây ngạc nhiên".
Cựu Ngoại trưởng Rao cho rằng: "Ấn Độ nhận thấy sự cần thiết của việc duy trì mối quan hệ Á - Âu này".
"Tôi nghĩ nhiều nước Trung Á muốn Ấn Độ ở đây. Họ có phần e ngại các động thái của Trung Quốc trong khu vực cũng như những ý định không rõ ràng của Bắc Kinh. Vì thế, chúng tôi có những người bạn ở các quốc gia trên hoan nghênh sự tham gia của Ấn Độ".
Bà gọi Ấn Độ là "một quốc gia rất quan trọng trong khu vực", phù hợp để tham gia vào các cuộc trao đổi của BRICS về phát triển cũng như các cuộc thảo luận của SCO về kết nối và chống khủng bố.
Theo bà, ngày nay, một Ấn Độ mạnh mẽ sẽ "mang đến lợi ích cho Nga" và bất chấp mối quan hệ nồng ấm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tổng thống Putin và Thủ tướng Modi "có mối quan hệ mà tôi cho là tự do hơn nhiều so với quan hệ giữa ông Tập và ông Putin".
Một khía cạnh rõ ràng nhất cho sự hợp tác giữa Ấn Độ và Nga nằm ở lĩnh vực quốc phòng. Bà Rao đã đề cập đến việc các thiết bị của Nga chiếm khoảng 80% kho vũ khí của Hải quân Ấn Độ, 70% trong Không quân Ấn Độ, cũng như 60 - 65% trong Lục quân Ấn Độ.
"Chúng ta không thể nói Nga là quá khứ còn Mỹ là tương lai. Chúng ta thường muốn gọi những mối quan hệ này bằng các cụm từ đơn giản nhưng chúng không phù hợp. Tôi nghĩ quá khứ, hiện tại và tương lai đều pha trộn với nhau trong tình hình hiện nay".
Những con ngựa khác nhau cho các trường đua khác nhau
Thậm chí cả khi Ấn Độ đa dạng hóa kho vũ khí và tìm kiếm các thiết bị từ phương Tây thì bà Rao nhận định, nỗ lực này "không diễn ra dễ dàng". Bà cho biết Ấn Độ sẽ tiếp tục đầu tư vào mối quan hệ với Mỹ và Đối thoại An ninh 4 bên (QUAD), đồng thời duy trì quan hệ đối tác lịch sử với Nga.
Nandan Unnikrishnan, một học giả tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát tại New Delhi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Nga - Ấn khi nhận định "có nhiều mức độ mà Ấn Độ hưởng lợi", trong đó bao gồm các khía cạnh "chiến lược, chính trị và kinh tế".
Trong khi ông cho rằng "Ấn Độ nhận thấy mối quan hệ với Mỹ là có ảnh hưởng nhất hiện nay", một xu hướng mà theo ông "được dẫn dắt bởi sự nổi lên của Trung Quốc”, thì nhà quan sát này cũng có cùng quan điểm với cựu Ngoại trưởng Rao khi chỉ ra rằng, Nga đóng vai trò then chốt trong chiến lược của New Delhi.
"Một điều khiến phương Tây ngạc nhiên là Ấn Độ nhận thấy vai trò của Nga nhằm cân bằng với Trung Quốc, đặc biệt là tại Á - Âu. Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc là mối quan hệ được New Delhi theo dõi chặt chẽ giữa bối cảnh đối đầu Mỹ - Trung và xung đột ở Ukraine diễn ra", ông Unnikrishnan nhận định với Newsweek.
Theo nhà quan sát này: "Ấn Độ không coi địa chính trị là một trò chơi mà người ta phải chọn bên. Ấn Độ hiểu địa chính trị là một vũ đài mà tại đó, nước này phải bảo vệ các lợi ích của mình".
"Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ không thấy có sự mâu thuẫn khi cùng lúc là thành viên của QUAD tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, I2U2 (Ấn Độ, Israel, UAE và Mỹ) tại Trung Đông, SCO hay BRICS bởi về cơ bản, những con ngựa khác nhau sẽ dành cho các trường đua khác nhau".
Gleb Makarevich, học giả nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO) cũng có cùng quan điểm trên và cho rằng: "Giới lãnh đạo Nga cũng như cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự tự chủ chiến lược của Ấn Độ".
Ấn Độ thường từ chối bất kỳ hình thức liên minh chính thức nào cả ở phương Tây và phương Đông mà thay vào đó thúc đẩy vai trò của mình trong các tổ chức đa phương, trong đó có G20. Sau khi các ngoại trưởng G20 gặp nhau hồi tháng 3, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết, cuộc họp đã không thể đưa ra tuyên bố chung do những khác biệt về quan điểm trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông Makarevich nhận định: "Ấn Độ không chỉ trích các hành động của Nga ở Ukraine bởi cuộc xung đột này không ảnh hưởng đến các lợi ích quốc gia của nước này". Theo ông, Ấn Độ muốn duy trì và mở rộng sự hợp tác trên những khía cạnh truyền thống như hợp tác quốc phòng, năng lượng hạt nhân cũng như khám phá các lĩnh vực mới.
"Cùng lúc đó, Nga cũng muốn thúc đẩy thương mại nước ngoài, chủ yếu là dầu và khí đốt để thay thế các đối tác phương Tây cũng như chuyển hướng lâu dài sang phương Đông”.
Ấn Độ giữa vòng xoáy cạnh tranh nước lớn
Trong khi sự chuyển hướng này của Nga kéo theo gia tăng nhanh chóng tương tác với Trung Quốc thì ông Makarevich tin rằng, "việc tăng cường quan hệ Ấn - Mỹ và Nga - Trung sẽ không ảnh hướng đến quan hệ đối tác chiến lược Nga - Ấn".
Về phía Mỹ, nước này chủ yếu tránh chỉ trích trực tiếp mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nga. Washington đã quyết định không áp trừng phạt lên New Delhi vì mua dầu mỏ Nga giữa bối cảnh xung đột ở Ukraine, cũng như việc Ấn Độ tiếp nhận hệ thống tên lửa đất đối không S-400 như một phần trong thỏa thuận quốc phòng trị giá 5 tỷ USD giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Putin năm 2018.
Ấn Độ đã vượt Trung Quốc năm nay để trở thành nước đông dân nhất thế giới và đang tìm cách trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào cuối thập kỷ này.
Theo học giả Nivetida Kapoor tại Trường Kinh tế thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc gia ở Moscow, với tư cách là một quốc gia tầm trung, Ấn Độ sẽ đối phó với những hạn chế của mình bằng cách tránh tham gia vào các liên minh song sẽ tích cực hợp tác với các quốc gia khác dựa trên các lợi ích chung.
Tuy nhiên, quan điểm này có thể bị thách thức nếu môi trường địa chính trị giữa các nước lớn tiếp tục xấu đi.
"Việc ưu tiên giải quyết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc ở Ấn Độ đã gia tăng những lợi ích chung giữa New Delhi và Washington. Điều này không có nghĩa là Ấn Độ từ bỏ các mối quan hệ khác nhưng trong khi hợp tác song phương với Nga vẫn dựa trên lợi ích chung thì New Delhi sẽ gặp khó khăn hơn để mở rộng hợp tác khu vực và đa phương".
"Rất nhiều điều phụ thuộc vào việc sự đối đầu Mỹ - Trung sẽ diễn biến thế nào, quan hệ Nga và phương Tây phát triển ra sao, điều gì xảy ra với vị thế tương lai của Nga ở phương Đông và Trung Quốc sẽ hành xử thế nào với các nước láng giềng". Theo bà, "những nhân tố trên sẽ tác động đến chính sách của Ấn Độ với Trung Quốc và Nga".
Trung tâm lợi ích quốc gia của Ấn Độ là tránh để những tranh chấp biên giới với Trung Quốc biến thành một cuộc chiến toàn diện. Thay vì thúc đẩy vị thế của Ấn Độ, cuộc xung đột này sẽ phá hủy những mục tiêu mà nước này theo đuổi trên trường quốc tế.
"Không thể phủ nhận rằng Ấn Độ cần tập trung vào phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của hàng triệu người nếu muốn trở thành một quốc gia có tầm ảnh hưởng hơn trong hệ thống quốc tế. Vì thế, xung đột là điều hoàn toàn không mong muốn", chuyên gia Kapoor nói.