Phương Tây có “vũ khí” nào để chặn đứng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine?
VOV.VN - Sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, nhiều nhà phân tích đã đặt câu hỏi phương Tây sẽ hành động ra sao để chặn đứng chiến tranh?
Sau nhiều tháng tập kết vũ khí và quân đội gần biên giới Ukraine, cuối cùng Tổng thống Nga Putin đã chính thức tiến hành cuộc tấn công từ nhiều hướng nhằm vào quốc gia láng giềng? Câu hỏi lớn đối với Mỹ và phương Tây lúc này là liệu họ có thể chấm dứt cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và họ sẽ làm điều đó như thế nào?
Sáng 24/2 (theo giờ Nga), Tổng thống Putin đã công bố hoạt động quân sự đặc biệt nhằm mục đích “phi quân sự hóa” Ukraine. Sau tuyên bố của ông Putin, Nga đã tiến hành tấn công vào nhiều thành phố của Ukraine. Một loạt vụ nổ lớn đã được ghi nhận tại một số thành phố quan trọng gồm Kiev, Odessa, Kharkiv và Mariupol.
Mỹ, Liên minh châu Âu và NATO đã kịch liệt phản đối hành động của Nga và công bố những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất đối với nước này.
Trừng phạt và cung cấp vũ khí cho Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và lãnh đạo EU đã thông qua các biện pháp trừng phạt đối với nhiều cá nhân, tổ chức của Nga Nga sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tổng thống Biden cho biết các lệnh trừng phạt sẽ bao gồm phong tỏa tài sản nhiều ngân hàng lớn của Nga và cắt giảm xuất khẩu công nghệ cao tới nước này.
Liên minh châu Âu cũng công bố các biện pháp trừng phạt mới, nhằm vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng, vận tải và chính sách thị thực của Nga, trong đó có biện pháp kiểm soát xuất khẩu và cấm tài trợ xuất khẩu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, các biện pháp trừng phạt sẽ "tác động tối đa đến nền kinh tế và giới chính trị Nga".
Vẫn chưa rõ những biện pháp này có đủ sức răn đe đối với Nga hay không, vì loạt biện pháp trừng phạt trước đây mà phương Tây áp đặt đối với Nga sau sự kiện nước này sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014 đã không làm Tổng thống Putin lùi bước. Phương Tây cũng đưa ra một số lời hứa sẽ cung cấp nhiều khí tài quân sự cho Ukraine để tự vệ nhưng không rõ nước này có thể chống chịu bao lâu trước sức mạnh quân sự của Nga.
Ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại Công ty Bluebay Asset Management (Anh) cho rằng: "Tổng thống Putin đang tạo ra một bức rèm sắt trên khắp châu Âu, khiến khu vực trở nên kém an toàn hơn”.
Về phần mình, Ukraine đang khẩn thiết kêu gọi sự giúp đỡ từ châu Âu, từ hỗ trợ tài chính đến hỗ trợ quân sự. Mỹ và Anh và nhiều quốc gia khác trước đó đã cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine để củng cố ảnh hưởng của NATO ở khu vực Đông Âu. Nhưng Ukraine không phải là thành viên của EU hay NATO vì thế NATO không có nghĩa vụ ràng buộc phải bảo vệ nước này.
Nhiều nhà phân tích đang đặt câu hỏi phương Tây sẽ sẵn sàng hành động đến đâu để ngăn chặn chiến tranh và Mỹ và EU có sẵn sàng đáp trả bằng các hành động quân sự hay không? Nhà phân tích Henry Rome thuộc Eurasia nhận định, chắc chắn sẽ có những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn, trong đó có biện pháp loại Nga ra khỏi Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), nhiều khả năng gây thiệt hại lớn về kinh tế của nước này trong tương lai gần.
Một cuộc chiến tranh Lạnh mới
Theo ông Henry Rome, cuộc tấn công mới nhất của Nga và các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ có "tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu", đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh Lạnh mới, có thể đóng băng quan hệ giữa Washington và Moscow vốn chìm trong hoài nghi và mâu thuẫn.
“Cuộc tấn công cũng sẽ đánh dấu sự trở lại của một đường biên giới được quân sự hóa ở châu Âu, làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và NATO. Xung đột có thể tràn sang Ba Lan, Hungary, Romania, có nguy cơ kéo theo các thành viên của NATO. Cuối cùng, là một cuộc khủng hoảng nhân đạo và cuộc khủng hoảng người tị nạn”, ông Rome cảnh báo.
Hiện vẫn chưa rõ ý đinh thực sự của Nga khi tiến hành tấn công Ukraine. Nhưng Andrius Tursa, nhà nghiên cứu Trung và Đông Âu tại Teneo Intelligence, cho rằng mục tiêu của Nga có thể là buộc Ukraine phải nhượng bộ trước các yêu cầu mà nước này đặt ra.
“Hồi tuần này, Tổng thống Putin đã vạch ra một loạt yêu cầu mới đối với Kiev, bao gồm, công nhận Crimea và Sevastopol là lãnh thổ của Nga; từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO; phi quân sự hóa đất nước; đàm phán về tình hình ở Donbas”, ông Andrius Tursa nói.
Để đạt được các mục tiêu của mình, Nga có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, "trong đó có cả hành động quân sự nhằm làm suy giảm khả năng phòng thủ của Ukraine và gây thiệt hại cho các cơ sở hạ tầng quan trọng với hy vọng phía Ukraine nhanh chóng nhượng bộ”./.