Phương Tây đổi ý, cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa tấn công vào Nga?
VOV.VN - Một số nước phương Tây kêu gọi cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng các vũ khí mà họ đã cung cấp, giữa bối cảnh Nga tăng cường lực lượng ở biên giới để chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới.
Tình thế của Ukraine và lời kêu gọi mở rộng giới hạn sử dụng vũ khí
Ngày 28/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng Kiev nên được phép nhắm vào các địa điểm quân sự Nga sử dụng để phóng tên lửa và tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraine. Bình luận của ông được đưa ra sau những tuyên bố tương tự từ Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và các quan chức châu Âu của một số quốc gia như Ba Lan, Litva, Latvia và Thụy Điển.
Các quan chức Ukraine cho biết, Nga đã tập hợp khoảng 10.000 binh lính dọc khu vực Sumy ở Đông Bắc Ukraine nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ và Kiev đang bị hạn chế khả năng trừ khi có thể tấn công qua biên giới.
"Tại sao chúng tôi không thể sử dụng vũ khí để tấn công họ khi họ đang tập trung lực lượng", Tổng thống Volodymyr Zelensky đặt câu hỏi trong cuộc trả lời phỏng vấn với New York Times tuần trước.
Lời kêu gọi cho phép Ukraine mở rộng sử dụng vũ khí phương Tây chủ yếu hướng vào Mỹ - nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Kiev. Washington đã nhiều lần yêu cầu Ukraine không sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga do lo ngại leo thang xung đột, mặc dù đã có một cuộc thảo luận công khai trong chính quyền Tổng thống Biden về việc nới lỏng lệnh cấm trên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các nước phương Tây đang hỗ trợ Ukraine tấn công vào Nga nên nhận thức được "những gì họ đang chơi đùa". Ông nhận định, các nước nhỏ ở châu Âu kêu gọi tấn công trực tiếp vào Nga nên nhớ rằng họ là những nước đông dân và việc này đang tạo thành những điều đe dọa tới họ.
Trong những tháng gần đây, Ukraine đã phàn nàn rằng các điều kiện ràng buộc về cách sử dụng vũ khí cho phép các lực lượng của Nga tấn công từ trong lãnh thổ nước này mà không đối mặt với rủi ro và cản trở khả năng của Kiev trong việc đẩy lùi đối phương. Bất lợi đó đã trở nên rõ ràng trong tháng này khi Nga bắt đầu cuộc tấn công mới vào thành phố Kharkov nằm ở ngay phía Nam khu vực Sumy sau khi tập trung số lượng lớn quân đội và trang thiết bị dọc biên giới.
"Chúng tôi có thông tin từ các cơ quan tình báo về việc Nga tăng cường lực lượng ở bên kia biên giới nhưng chúng tôi không thể tấn công họ để ngăn cản cuộc tấn công này", Yehor Cherniev, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia thuộc Quốc hội Ukraine cho hay trong một cuộc trả lời phỏng vấn. Ông cho biết: "Chúng tôi phải chờ tới khi họ đi qua biên giới và phải trả giá bằng nhiều sinh mạng".
Hiện nay, quân đội Ukraine hạn chế sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga. Dù vậy, các quan chức Nga ngày 28/5 cho biết thành phố Lugansk do Nga kiểm soát ở phía Đông Ukraine đã bị tấn công 2 lần trong một đêm với các vụ nổ làm rung chuyển thành phố và các đám cháy bùng phát.
Artem Lysohor, Người đứng đầu chính quyền quân sự của Ukraine ở khu vực Lugansk tiết lộ, Ukraine đứng sau cuộc tấn công này. Ông đưa ra tuyên bố trên trong một bài viết trên mạng xã hội, đi kèm một video cho thấy đám lửa lớn cháy dữ dội ở đường chân trời và cho biết cuộc tấn công trên nhắm vào một nhà máy sửa chữa máy bay.
Bình luận của ông hiện chưa thể xác minh độc lập và chưa rõ loại vũ khí nào đã được sử dụng. Tuy nhiên, Lugansk nằm cách phòng tuyến Nga hơn 80km - một khoảng cách mà Ukraine có thể tấn công bằng kho tên lửa tầm trung đến tầm xa do phương Tây cung cấp. Các chuyên gia quân sự và các tổ chức nghiên cứu nhận định, Ukraine đã tấn công một bãi huấn luyện quân sự của Nga gần Lugansk trong tháng này, có thể là bằng tên lửa ATACMS tầm xa do Mỹ cung cấp.
Đằng sau sự thay đổi lập trường của phương Tây
Các quan chức Ukraine nhận định, những cuộc tấn công vào trong lãnh thổ Nga sẽ cho phép họ làm suy yếu khả năng của Moscow trong việc tiến hành các chiến dịch quân sự. Kiev đã sử dụng các UAV tầm xa nội địa để nhắm vào các sân bay và cơ sở hạ tầng năng lượng của Moscow nhưng chưa thể sản xuất được loại tên lửa hoặc pháo tầm xa đủ mạnh để phá hủy các tổ hợp quân sự quan trọng của đối phương.
Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics ngày 27/5 nói với CNN rằng những thành quả gần đây của Nga ở phía Đông Bắc là "hệ quả của việc không thể cung cấp vũ khí cho Ukraine" và những giới hạn về việc sử dụng "các vũ khí trên để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong nước Nga".
Latvia là một trong vài nước ở châu Âu gần đây kêu gọi cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để nhắm vào lãnh thổ Nga. Anh và Thụy Điển cũng tiến xa hơn một bước khi đề xuất Ukraine có thể sử dụng vũ khí của họ để tấn công vào Nga. Anh đã cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa Storm Shadow và Thụy Điển hỗ trợ Kiev một số hệ thống pháo tự hành.
Ngày 27/5, Hội đồng Nghị viện NATO cũng thông qua một tuyên bố hối thúc các thành viên NATO dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng vũ khí phương Tây tấn công Nga. Ông Stoltenberg ngày 28/5 cho biết mỗi quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể tự quyết định liệu có hạn chế việc sử dụng chúng hay không.
Quyền tự vệ của Ukraine bao gồm cả "tấn công các mục tiêu bên ngoài Ukraine, các mục tiêu hợp pháp bên trong nước Nga", ông Stoltenberg nói trước thềm cuộc gặp với Ngoại trưởng các nước EU ở Brussels.
Chính quyền Mỹ và Pháp - hai thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thường giữ thái độ thận trọng để tránh leo thang xung đột với Nga. Tuy nhiên, ông Macron tuyên bố tình hình đã thay đổi với việc Moscow ngày càng tăng cường tấn công vào Ukraine từ các căn cứ ở Nga.
"Chúng ta sẽ giải thích với người dân Ukraine như thế nào về việc họ phải bảo vệ các thành phố nhưng lại không được phép nhắm vào các điểm phóng tên lửa", ông Macron nói trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
"Chúng ta đang nói với họ: 'Chúng tôi cho các bạn vũ khí nhưng các bạn không thể sử dụng chúng để tự vệ'", ông Macron nói.
Nhà lãnh đạo Pháp cũng bày tỏ quan điểm: "Chúng tôi nghĩ ta nên cho phép họ vô hiệu hóa các địa điểm quân sự là nơi phóng tên lửa". Dù vậy, ông cho rằng Ukraine không được phép nhắm vào các địa điểm khác.
Pháp cùng với một số nước NATO khác hiện đang cân nhắc đưa chuyên gia quân sự tới Ukraine để hỗ trợ huấn luyện binh lính nước này. Động thái trên có thể đặt câu hỏi về việc các nước phương Tây sẽ phản ứng như thế nào nếu những chuyên gia này bị Nga tấn công.
Ngày 27/5, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Oleksandr Syrsky đã đăng tải một bài viết trên mạng xã hội hoan nghênh "sáng kiến của Pháp về việc đưa những chuyên gia hướng dẫn tới Ukraine để huấn luyện cho các binh lính nước này", đồng thời cho biết ông đã ký các tài liệu để tạo điều kiện cho động thái trên.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ukraine sau đó xác nhận chưa có quyết định nào được đưa ra và chính phủ Ukraine và Pháp "vẫn đang thảo luận" về vấn đề này.
Trong bình luận ngày 28/5, Tổng thống Putin cáo buộc các nước phương Tây đưa các chuyên gia huấn luyện tới Ukraine để hỗ trợ lực lượng của Kiev sử dụng vũ khí tầm xa.
Đối mặt những bước tiến của Nga trên chiến trường Ukraine, một số quốc gia đã tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev trong những tháng gần đây. Tổng thống Zelensky đã tới Tây Ban Nha ngày 26/5 và Bỉ ngày 27/5 để ký các thỏa thuận an ninh song phương.
Những thỏa thuận trên nằm trong số một loạt cam kết với Ukraine trong năm qua từ hơn 30 quốc gia. Chúng sẽ cung cấp cho Kiev đủ sự hỗ trợ an ninh để ngăn chặn các hành động của Nga, trong đó có việc cung cấp các vũ khí quan trọng, huấn luyện binh lính và chia sẻ thông tin tình báo.
Bỉ cũng cam kết cung cấp cho Kiev 30 tiêm kích F-16 trong 4 năm tới. Các quan chức Ukraine nhận định, những chiến đấu cơ này sẽ cho phép các lực lượng của họ bắn hạ các chiến đấu cơ mà Nga sử dụng để triển khai bom lượn từ trong lãnh thổ Nga.
Tổng thống Zelensky đã lặp lại lời kêu gọi "cho phép" tấn công vào Nga trong một cuộc họp báo ở Brussels sau khi ký kết thỏa thuận an ninh. Khi được hỏi liệu Ukraine có thể sử dụng F-16 để tấn công các máy bay trong không phận Nga hay không, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã trả lời rằng, chúng nên "được sử dụng trên lãnh thổ Ukraine".