Phương Tây lo sốt vó vì Ukraine đổi chiến thuật giữa lúc nước sôi lửa bỏng
VOV.VN - Sau 3 tháng phản công, các bước tiến chậm chạp của Ukraine trên chiến trường cùng việc Kiev đổi chiến thuật đã khiến phương Tây "đứng ngồi không yên".
Mâu thuẫn giữa Ukraine và phương Tây
Đã hơn một năm rưỡi kể từ khi Tổng thống Nga Putin phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, mọi dấu hiệu đều cho thấy cuộc xung đột đang ở ngã rẽ nguy hiểm và có thể tiếp tục kéo dài sang năm thứ ba.
Mỹ và NATO luôn khẳng định sẽ hỗ trợ cho Ukraine “chừng nào còn cần thiết”. Nhưng Tổng thống Zelensky lại tỏ ra lo lắng vì nhận thấy quyết tâm của phương Tây đang bắt đầu suy giảm. Trả lời phỏng vấn tờ Economist, ông Zelensky nói rằng, ông có thể cảm nhận được điều này khi nói chuyện với những nước đối tác đã khẳng định “chúng tôi sẽ luôn ở bên cạnh các bạn”.
“Qua việc đọc, nghe và nhìn vào mắt họ, trực giác của tôi mách bảo họ, họ sẽ không ở đây, không sát cánh cùng chúng tôi”, ông Zelensky nói.
Tại Quốc hội Mỹ, các thành viên đảng Cộng hòa cực hữu tại Hạ viện đang tranh luận để cắt giảm 24 tỷ USD hỗ trợ quân sự và kinh tế mà Tổng thống Joe Biden đề xuất trong gói viện trợ bổ sung khẩn cấp dành cho Ukraine.
Tổng thống Zelensky hy vọng vào một bước đột phá lớn trong cuộc phản công để thúc đẩy sự ủng hộ của phương Tây và nâng cao tinh thần chiến đấu của các binh sỹ. Nhưng thời gian không còn nhiều khi thời tiết dần chuyển sang mùa Thu với những cơn mưa lớn khiến mặt đất lầy lội gây khó khăn cho các phương tiện khi di chuyển.
“Tôi cảm ơn các đối tác, cảm ơn Mỹ, EU và nhiều nước khác. Tôi rất biết ơn Tổng thống Biden và Quốc hội, nhưng thực sự, chúng tôi đã chờ đợi rất lâu”, ông Zelensky phát biểu với CNN.
Trước thời điểm Ukraine tiến hành phản công, Mỹ đã hợp tác chặt chẽ với các chỉ huy quân sự của Ukraine để lên kế hoạch kỹ lưỡng cho chiến dịch, dựa trên chiến thuật tác chiến cơ động, được thiết kế để nhanh chóng xuyên thủng tuyến phòng thủ nhiều lớp với Nga.
Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo trên chiến trường cho Ukraine và phối hợp với các đồng minh huấn luyện chiến thuật vũ trang tổng hợp kiểu phương Tây cho 17 lữ đoàn của Kiev với quân số lên đến 60.000 người, đồng thời trang bị cho họ xe tăng hiện đại, pháo binh và thiết bị rà phá bom mìn.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley cũng thường xuyên liên lạc với Tướng Valery Zaluzhny, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine để đưa ra lời khuyên về cách thức thực hiện kế hoạch phản công. Mỹ được cho là đã hỗ trợ Ukraine vạch kế hoạch chiến đấu với niềm tin rằng, có nhiều điểm yếu trong mạng lưới phòng tuyến của Nga gồm các chiến hào, bãi mìn và bẫy xe tăng mà Kiev có thể chọc thủng hoặc chia cắt. Lầu Năm Góc khẳng định, lực lượng Ukraine có những phương tiện và vũ khí cần thiết để thành công.
Nhưng mọi thứ lại không diễn ra theo mong đợi của Mỹ và Ukraine.
Phương Tây lo ngại việc Ukraine đổi chiến thuật
Khi Ukraine lần đầu cố gắng chọc thủng phòng tuyến của Nga vào đầu tháng 6/2023, lực lượng của nước này đã chịu thương vong nặng nề. Bị cản bước bởi các “vùng đệm” đầy rẫy mìn chống tăng và mìn chống bộ binh, các đoàn xe thiết giáp của họ phải hứng chịu hỏa lực dữ dội từ trực thăng Nga trang bị tên lửa chống tăng tầm xa mới và các loạt đạn pháo.
Trả lời phỏng vấn Washington Post vào cuối tháng 6/2023, ông Zaluzhny bày tỏ sự thất vọng sâu sắc trước việc các lực lượng Ukraine không thể chống lại lợi thế về pháo binh và không quân của Nga một cách hiệu quả. Một phần do được yêu cầu tiến hành cuộc tấn công lớn trên bộ mà không có sự hỗ trợ từ trên không. Thiếu các máy bay hiện đại và tiên tiến, Ukraine không thể ngăn cản được trực thăng và chiến đấu cơ hiện đại như tiêm kích Su-35 của Nga.
“Chúng tôi rất cần máy bay, dù là số lượng nhỏ. Nếu không có chúng, cuộc phản công của chúng tôi như thể sử dụng nỏ và cung tên vậy”, ông Zaluzhny nhấn mạnh.
Sau đó Ukraine đã từ bỏ chiến thuật của phương Tây và chuyển sang chiến thuật thận trọng hơn, thăm dò phòng tuyến của Nga bằng các nhóm bộ binh nhỏ, đồng thời cố gắng hạn chế thương vong ở mức tối thiểu khi chiến đấu trên hai mặt trận Bakhmut ở phía Đông và Zaporizhia ở phía Nam.
Sự thay đổi này đã giúp Kiev đạt được một số bước tiến khiêm tốn ở phía Nam, chọc thủng được tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga và đang gây sức ép lên tuyến phòng thủ thứ 2. Nhưng tiến độ chậm hơn nhiều so với dự đoán của Mỹ.
“Luôn có sự khác biệt lớn giữa việc hoạch định kế hoạch tấn công trên bàn giấy và tình huống giao tranh thực tế. Trên thực địa, các binh sỹ và phương tiện phải tiến qua những bãi mìn lớn, đối mặt với nguy hiểm và chết chóc”.
Cách tiếp cận ít gây thương vong hơn này của Ukraine đã khiến Mỹ sốt ruột. Một số chiến lược gia của Mỹ nhận định với New York Times rằng các chỉ huy Ukraine đã “mắc sai lầm” khi phân bổ các đơn vị chiến đấu, dàn lực lượng quá mỏng dọc trên hầu khắp các mặt trận.
Nhưng ông Jack Keane, cựu Phó tham mưu trưởng quân đội Mỹ lại cho rằng cách tiếp cận mà Washington khuyến nghị Ukraine thực hiện là “sơ suất” về mặt quân sự. Ông lưu ý: “Ngày nay, không một chỉ huy nào trong quân đội lại thiết kế các hoạt động cơ giới hóa quy mô lớn chống lại một đối thủ nguy hiểm có các hệ thống phòng thủ toàn diện như vậy”.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba thậm chí còn phản bác mạnh mẽ hơn. “Tôi mong rằng tất cả những ai chỉ trích chúng tôi hãy đến Ukraine và tự giải phóng từng cm vuông lãnh thổ. Khi đó họ sẽ hiểu điều chúng tôi làm”.
Bốn tuần nữa sẽ là thời điểm rất quan trọng trong cuộc chiến khi mùa mưa bắt đầu ở Ukraine, mặt đất trở nên lầy lội khiến việc di chuyển binh sỹ và thiết bị trở nên khó khăn hơn. Chưa kể, khi cây cối rụng lá và các cánh rừng trơ trọi, việc ẩn nấp để tránh đạn pháo, tên lửa của đối phương ngày càng khó khăn hơn.
Tổng thống Zelensky hiểu rằng ông không thể để mất động lực vì điều này không chỉ khiến các đối tác thất vọng và hiểu sai mục tiêu của Ukraine, mà còn giúp quân đội Nga có thời gian để tái tập hợp lực lượng và củng cố các tuyến tiếp tế.
Theo Tướng Mark Milley xung đột sẽ không kết thúc nếu không có bất cứ bên nào chịu nhượng bộ.
“Đến thời điểm hiện tại, cả Nga và Ukraine vẫn chưa đạt được các mục tiêu chính trị thông qua biện pháp quân sự. Xung đột sẽ chỉ tiếp diễn cho đến khi một bên đạt được mục tiêu này, hoặc khi cả hai bên xác định đã đến lúc phải ngồi vào bàn đàm phán”.