Phương Tây ồ ạt bơm vũ khí vào chiến trường Ukraine, chiến sự thêm phức tạp
VOV.VN - Mỹ, nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, đang dẫn đầu nỗ lực của các nước NATO trong việc cung cấp một số lượng lớn vũ khí cho chính phủ Ukraine để đẩy lùi cuộc tấn công của Nga.
Sự hỗ trợ về an ninh lớn chưa từng có trong lịch sử đương đại
Nếu chính quyền Biden vẫn phản đối đối lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Zelensky về thành lập vùng cấm bay tại quốc gia này do lo ngại bùng phát một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc hạt nhân, thì việc chuyển giao vũ khí cho thấy sự can dự của phương Tây vào cuộc xung đột gia tăng đáng kể.
Washington đã đẩy nhanh tốc độ viện trợ vũ khí cho Ukraine kể từ cuối tháng 2 vừa qua. Gần đây nhất, ngày 6/5 Tổng thống Biden đã công bối gói viện trợ vũ khí mới trị giá 150 triệu USD cho Ukraine. Theo các quan chức Mỹ, gói này bao gồm 25.000 viên đạn dùng cho lựu pháo Howitzer, thiết bị gây nhiễu, radar chống đạn pháo, các thiết bị điện tử và phụ tùng thay thế khác.
Đây là lô vũ khí thứ 9 mà Mỹ chuyển giao cho Ukraine kể từ tháng 8/2021. Trước đó, Washington đã cung cấp nhiều loại vũ khí hiện đại như pháo hạng nặng, tên lửa phòng không vác vai Stinger, hệ thống vũ khí chống tăng Javelin và máy bay không người lái.
“Mỹ đã cung cấp một sự hỗ trợ về an ninh lớn chưa từng có trong lịch sử cho Ukraine với tốc độ nhanh chóng. Chúng tôi đang gửi các loại vũ khí và thiết bị mà Quốc hội ủy quyền đến các tiền tuyến ở Ukraine”, ông Biden khẳng định.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden cho biết, nguồn tài trợ hiện tại đã “gần cạn kiệt” và để Ukraine chiến thắng, Mỹ cùng đồng minh phải giữ cho “dòng chảy vũ khí, đạn dược đến Ukraine không bị gián đoạn”. Ông Biden hối thúc Quốc hội nhanh chóng thông qua khoản các khoản tài trợ mới để giúp tăng cường sức mạnh cho Ukraine trên chiến trường và trên bàn đàm phán. Và Quốc hội Mỹ đã nhanh chóng hành động.
Lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã thông qua gói viện trợ quân sự và nhân đạo khẩn cấp có tổng trị giá lên đến 40 tỉ USD dành cho Ukraine, nhiều hơn so với mức đề xuất 33 tỉ USD mà Tổng thống Biden đưa ra. Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, các bệ phóng tên lửa chẳng hạn như MLRS và hệ thống pháo sẽ nằm trong gói viện trợ mới nhất của Mỹ.
Nhưng Washington không đơn độc trong nỗ lực viện trợ vũ khí cho Ukraine. Danh sách các nước viện trợ quân sự cho Ukraine không chỉ gói gọn trong NATO, mà còn mở rộng ra những quốc gia bên ngoài khối. Trong một động thái đáng chú ý, Đức đã phá vỡ chính sách truyền thống của nước này là không gửi vũ khí đến các khu vực xung đột, để chuyển giao bệ phóng tên lửa, tên lửa Stinger và tên lửa vác vai Strela có từ thời Liên Xô, pháo phòng không tự hành Gepard cho Ukraine.
Slovakia chuyển giao hệ thống tên lửa S-300. Còn Ba Lan đề xuất cho phép tất cả máy bay chiến đấu Mig-29 của nước này – một loại máy bay mà các phi công Ukraine quen sử dụng được chuyển giao thông qua một căn cứ không quân của Mỹ ở Đức. Đề xuất này bị Mỹ phản đối, nhưng Washington đã gửi máy bay trực thăng Mi-17 có từ thời Liên Xô đến Ukraine.
Các quốc gia khác như Estonia, Phần Lan và Italy, gần đây cũng đã bắt đầu chuyển giao cho Kiev các loại pháo cỡ lớn dùng cho chiến tranh trên bộ.
Có rất nhiều lý do được đưa ra để biện minh cho hành động này. Một số người cho rằng, sự hỗ trợ của Mỹ và đồng minh cho Ukraine có thể khiến Nga phải thay đổi tính toán và nhanh chóng rút lui tại Ukraine. Ý kiến khác lại cho rằng, điều đó sẽ buộc Nga phải trả giá cho chiến dịch quân sự của nước này, khiến Nga hao tổn binh lực và khí tài, cũng như gây ra các vấn đề chính trị trong nước cho Tổng thống Putin. Nhưng không một lập luận nào trong số này đủ sức thuyết phục.
Liều thuốc giải hay chất kịch độc?
Giới quan sát cho rằng, việc phương Tây ồ ạt bơm vũ khí và tăng cường hỗ trợ thông tin tình báo cho Ukraine không phải là đòn bẩy hữu hiệu để chấm dứt chiến tranh, thay vì đó có thể đổ thêm “dầu vào lửa”. Chính phủ Nga nhiều lần chỉ trích việc Mỹ và đồng minh cung cấp vũ khí cho Ukraine là hành động nguy hiểm, đồng thời cảnh báo bất cứ lô vũ khí nước ngoài nào vào Ukraine cũng có thể trở thành "mục tiêu hợp pháp" của lực lượng Nga.
Theo một số nhà phân tích, những loại vũ khí mà phương Tây viện trợ chắc chắn sẽ giúp Ukraine đạt một số bước tiến trên chiến trường, nhưng rất khó đánh bại Nga về mặt quân sự. Nếu Nga thành công trong việc kiểm soát các thành phố lớn của Ukraine, thậm chí lật đổ chính quyền Kiev, vũ khí của phương Tây có thể sẽ được sử dụng trong một cuộc nổi dậy vũ trang kéo dài.
Tarek Megerisi, chuyên gia nghiên cứu chương trình Bắc Phi và Trung Đông tại Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, cảnh báo với việc bơm vũ khí và đưa các tay súng nước ngoài vào Ukraine, các nhà lãnh đạo phương Tây có thể khiến các cuộc xung đột trong tương lai bùng phát và biến Ukraine thành “Syria hoặc Libya tiếp theo”.
Giống như ở Trung Đông và Bắc Phi, dòng chảy vũ khí từ phương Tây có thể gieo mầm cho các cuộc khủng hoảng mới trong 10 năm tới do sự thiếu kế hoạch và thiếu tầm nhìn lâu dài. “Trước khi Nga vượt qua ranh giới đỏ, phương Tây đã gửi cho Ukraine tất cả những gì họ cần”, ông Tarek Megerisi lưu ý.
Theo chuyên gia này, quy mô và tốc độ của việc vận chuyển vũ khí tới Ukraine có thể được cho là "lớn nhất và nhanh nhất trong lịch sử đương đại”.
Mỹ và đồng minh đã cung cấp cho Ukraine hầu như mọi thứ cần thiết để giành lợi thế trong một cuộc chiến tranh hiện đại, ngay cả những vũ khí có sức tàn phá ghê gớm như tên lửa Javelin và Stinger. Tuy vậy, nước này có rất ít cách thức để theo dõi việc sử dụng số lượng lớn loại vũ khí chuyển giao cho Ukraine.
Theo các nhà phân tích quốc phòng và nhiều quan chức Mỹ, rủi ro là một số vũ khí có thể rơi vào tay quân đội của những nước khác hoặc các lực lượng khác mà Washington không có kế hoạch trang bị. Lịch sử các cuộc xung đột liên quan đến Mỹ cho thấy, trong nhiều trường hợp các lô vũ khí của Washinngton đã bị chuyển hướng khi đến quốc gia tiếp nhận hoặc rơi vào tay những kẻ buôn lậu trên thị trường chợ đen. Kết quả là các tổ chức khủng bố, cực đoan các nhóm bán quân sự hoặc băng đảng ma túy có thể mua các loại vũ khí đó một cách bất hợp pháp. Washington từng chứng kiến điều này trong một số cuộc chiến mà nước này tham gia, đặc biệt là ở Afghanistan và Syria.
“Bằng cách đưa các vũ khí tiên tiến trị giá hàng tỷ USD vào chiến trường Ukraine, phương Tây đã góp phần lật đổ quân cờ domino ban đầu, khiến các nhóm khủng bố tương lai hoặc các tổ chức phi nhà nước khác có cơ hội sở hữu chúng một khi chiến tranh Nga-Ukraine lắng xuống”, ông Tarek Megerisi nhận định.
Chưa kể, nhiều chuyên gia quân sự cũng nghi ngờ tính hiệu quả của việc sử dụng vũ khí phương Tây ở Ukraine. Ông Scott Ritter, một cựu sĩ quan tình báo của Thủy quân lục chiến Mỹ cho rằng: “Kiev không có khả năng bảo trì và sửa chữa các vũ khí phức tạp của Mỹ và NATO vì thế nếu bị hỏng chúng sẽ trở nên vô dụng”.
Ông chỉ ra rằng đối với mỗi thiết bị hạng nặng mà quân đội Ukraine sắp nhận được như một phần của kế hoạch viện trợ quân sự khổng lồ do Mỹ cung cấp, vấn đề bảo trì và vẫn chưa được xem xét kỹ lưỡng. Chẳng hạn pháo M777 155mm, xe bọc thép chở quân M113 đều có những khiếm khuyết đáng kể và yêu cầu quy trình bảo dưỡng rất nghiêm ngặt. Điều đó khiến quân đội Ukraine gặp nhiều khó khăn khi sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả.
Trên thực tế, bằng cách cung cấp cho Ukraine những khí tài quân sự hiện đại trong khi không giúp phát triển cơ sở hạ tầng sẵn có để bảo trì và sửa chữa, phương Tây không làm gì hơn ngoài việc khiến Ukraine ngày càng lún sâu vào xung đột. Chưa kể điều đó còn gây ra mối đe dọa cho các quốc gia khác.
Một số nhà phân tích cho rằng, việc bơm vũ khí cho Ukraine đang kéo dài “sự đau khổ của người dân nước này”. Nếu Ukraine không có được sự hỗ trợ từ phương Tây họ chắc chắn sẽ phải sớm ngồi vào bàn đàm phán với Nga và hai bên có thể sớm tìm ra các biện pháp hòa bình nhằm chấm dứt xung đột. Nga có lẽ cũng không muốn chiến tranh kéo dài quá lâu. Nhưng mọi thứ lại không đơn giản như vậy./.