Phương Tây tiến thoái lưỡng nan khi Nga chuẩn bị cuộc tấn công mùa hè Ukraine
VOV.VN - Trong khi Nga đã bước vào giai đoạn đầu của cuộc tấn công mùa hè và gia tăng sức ép lên Ukraine dọc tiền tuyến trải dài hơn 1.000km thì phương Tây đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc cung cấp cho Kiev vũ khí để “mạnh tay” hơn với Moscow.
Nga bắt đầu chiến dịch mùa hè, gây sức ép dọc tiền tuyến Ukraine
Nga hiện đã bước vào giai đoạn đầu của chiến dịch mùa hè với các cuộc tấn công mới vào khu vực Kharkov. Trong một vài tuần qua, quân đội Nga đã vượt biên vào Ukraine và giành được một số ngôi làng. Mặc dù Ukraine đã dành một vài tháng để củng cố Kharkov nhưng quân đội Nga dường như có nhiều lợi thế hơn các lực lượng của Kiev.
Mùa hè này, mọi thứ đang nóng dần lên. Tổng thống Volodymyr Zelensky đang trông đợi vào sự hỗ trợ của phương Tây cũng như nhận được nhiều sự cho phép hơn để vượt qua một số lằn ranh đỏ nhất định, trong đó có việc sử dụng vũ khí phương Tây nhằm vào các địa điểm quân sự bên trong lãnh thổ Nga, được sử dụng để nhắm vào Ukraine.
Trong khi phương Tây sẵn sàng cung cấp thêm vũ khí và tiếp tục trừng phạt Nga thì một số ý kiến đã chỉ ra tương lai ảm đạm của Ukraine: Đó là Kiev khó có thể giành lại các vùng lãnh thổ đã mất và vì vậy, đàm phán với Moscow dường như là lựa chọn duy nhất.
Theo Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), các lực lượng của Nga tham gia vào chiến dịch quân sự ở Ukraine hiện đã tăng lên 510.000 binh lính. Điều đó tức là Nga đã thiết lập được ưu thế đáng kể về số lượng so với Lực lượng Vũ trang Ukraine. Moscow đang tiến hành các cuộc tấn công quy mô trung đội và đại đội nhằm vào một số địa điểm thay vì các chiến dịch cấp lữ đoàn và sư đoàn. Với ưu thế lớn về số lượng, Nga hiện đang kéo căng các lực lượng của Ukraine trên tiền tuyến và tận dụng hạn chế của đối phương làm lợi thế cho mình.
Tiền tuyến ở Ukraine trải dài gần 1.200km. Dọc biên giới phía Bắc Ukraine gần Chernihiv, quân đội Nga liên tục thăm dò các vị trí của Ukraine. Một đợt tập trung lực lượng quy mô lớn gần Belgorod dường như đang chuẩn bị cho cuộc tiến công theo hướng Sumy hoặc Kharkov.
Trọng tâm chính của Nga là ở Donbass nhưng tại phía Nam, các lực lượng của Moscow cũng đang tiến hành các cuộc giao tranh dọc mặt trận Zaporizhzhia và các cuộc cuộc tấn công đổ bộ dọc sông Dnipro. Quy mô của các cuộc tấn công đã khiến quân đội Ukraine phải điều chỉnh lực lượng dọc giới tuyến và buộc phải trải rộng pháo binh, cũng như tiêu hao đạn dược để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga.
Trên thực tế, phòng tuyến của Ukraine hiện đang quá mỏng. Tại Vovchansk, cách Kharkov 64km về phía Tây Bắc, theo Denys Yaroslavsky, một chỉ huy của Ukraine: "Phòng tuyến đầu tiên bao gồm các công sự và các bãi mìn không tồn tại".
Với việc các lực lượng của Ukraine bị phân tán, những dấu hiệu của cuộc tấn công mùa hè của Nga ngày càng dễ nhận thấy. Các lực lượng của Moscow có thể tấn công vào Ukraine với mục tiêu kéo căng quân đội nước này dọc tiền tuyến trải rộng và duy trì sức ép để làm suy yếu phòng tuyến của Ukraine.
Trọng tâm dường như tập trung vào Chasov Yar, nơi tồn tại triển vọng cho một cuộc tiến công đáng kể và mặt trận phía Tây Avdiivka, nơi quân đội Nga có thể đạt được những thành quả chiến lược trong những tuần gần đây. Cũng có thể sẽ có một cuộc tấn công vào Kharkov, buộc Ukraine phải huy động lực lượng để bảo vệ thành phố lớn thứ hai đất nước này. Nga cũng sẽ gia tăng áp lực ở những nơi khác trên tiền tuyến, đe dọa Zaporizhzhia. Để ngăn chặn những cuộc tấn công này, Ukraine sẽ cần bổ sung lực lượng.
Trong khi đó, nỗ lực chính của Nga vẫn là mở rộng cuộc tấn công vào Donbass. Trục này đang đạt được tiến triển chậm mà chắc với mục tiêu rõ ràng là cắt đứt tuyến tiếp tế của Ukraine nối Kostiantynivka và Kramatorsk. Nga hy vọng khi Ukraine mất những tuyến đường từng cho Kiev lợi thế về liên lạc, Moscow có thể tiến công về phía Bắc và phía Nam, chia cắt pháo binh Ukraine. Nga sẽ tiếp tục gia tăng sức ép cho đối phương, đồng thời tiến công chậm mà chắc dọc tiền tuyến.
Theo Oleksandr Lytvynenko, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine: "Chiến lược của Nga hiện nay khá dễ hiểu. Họ đang cố gắng giành nhiều lãnh thổ nhất có thể, đồng thời tiêu diệt các lực lượng và tìm kiếm điểm yếu của chúng ta".
Tấn công theo chiều rộng và chiều sâu
Nga không chỉ duy trì các cuộc tấn công tầm xa dọc tiền tuyến mà còn mở rộng các cuộc tấn công vào sâu phòng tuyến của Ukraine. Điều khiến thách thức của quân đội Ukraine trở nên nghiêm trọng hơn hiện nay chính là tình trạng cạn kiệt các hệ thống phòng không. Sự hao hụt các hệ thống tên lửa đất đối không chiến thuật của Kiev đã cho phép lực lượng không quân Nga thả bom lượn nhằm vào các vị trí của Ukraine. Moscow cũng sử dụng vũ khí này, cùng với đạn tấn công trực diện để áp đảo phòng không Kiev.
Khi mối đe dọa trên không bị xóa bỏ, Nga có thể tiếp cận gần hơn các mục tiêu của Ukraine và vì thế, mức độ chính xác cũng như tính sát thương của các cuộc tấn công này sẽ tăng lên. Việc Ukraine thiếu sự bảo vệ của các hệ thống tên lửa đất đối không cũng gây ra một hệ quả khác. Trước đó, Nga tính toán rằng các hoạt động trinh sát và tấn công sẽ cho phép quân đội nước này phát hiện chính xác và phá hủy các mục tiêu phía sau tiền tuyến của đối phương, song điều này bị cản trở bởi các hệ thống phòng không của Ukraine. Tuy nhiên, hiện nay, Ukraine đang phải để dành các tên lửa đất đối không để ngăn chặn chiến đấu cơ Nga. Kết quả là các UAV của Moscow xuất hiện rộng rãi dọc tiền tuyến và đang bay khắp Kharkov cũng như Zaporizhzhia.
Khi sự bảo vệ của các hệ thống phòng thủ bị lung lay, quân đội Ukraine phải đánh đổi. Ukraine tập trung các hệ thống phòng không quanh các cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng như các trạm điện hay sẽ di chuyển chúng tới bảo vệ chiến trường. Việc Nga duy trì chiến dịch tấn công tầm xa cũng đồng nghĩa rằng tiền tuyến của Ukraine không chỉ bị kéo căng theo chiều rộng mà còn cả chiều sâu.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của phương Tây
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Ukraine có được phép sử dụng các vũ khí phương Tây cung cấp để "vô hiệu hóa" các căn cứ quân sự của Nga, được sử dụng để phóng tên lửa vào Ukraine hay không. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong khi thảo luận về vấn đề này cho biết: "Chúng tôi không cho phép họ đụng đến các mục tiêu khác ở Nga, và rõ ràng đó là các cơ sở dân sự".
Dù vậy, phát biểu tại cuộc họp báo ở Meseberg, Đức, nhà lãnh đạo Pháp nhận định: "Làm thế nào chúng ta có thể giải thích với Ukraine rằng họ cần bảo vệ các thành phố của mình nhưng không có quyền tấn công các địa điểm phóng tên lửa? Điều đó như thể chúng ta đang nói với họ rằng, chúng tôi cho bạn vũ khí nhưng bạn không thể sử dụng chúng để tự vệ”.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz dường như cũng ủng hộ Ukraine về vấn đề này khi cho biết ông có cùng quan điểm với Tổng thống Pháp miễn là Ukraine tôn trọng các điều kiện của các nhà cung cấp vũ khí. Tuy nhiên, Đức từ chối cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình Taurus có khả năng tấn công mạnh mẽ vào các vị trí của Moscow trong lãnh thổ Ukraine và sâu trong nước Nga.
The Economist dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các nước thành viên nên cho phép Ukraine tấn công sâu vào nước Nga bằng vũ khí phương Tây. Ngày 27/5, Hội đồng Nghị viện NATO thông qua tuyên bố kêu gọi các nước NATO ủng hộ "quyền lợi quốc tế" của Ukraine trong việc tự vệ bằng cách dỡ bỏ "các hạn chế" về việc Kiev sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga. Dù vậy, Nhà Trắng đã bác bỏ một khả năng như vậy đối với các vũ khí do Mỹ cung cấp.
"Chúng tôi không có sự thay đổi về chính sách trong thời điểm hiện tại. Chúng tôi không khuyến khích hay tạo điều kiện sử dụng các vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công vào nước Nga", ông John Kirby, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia nói.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo "những hậu quả nghiêm trọng" nếu Nga bị tấn công bằng vũ khí phương Tây.
Một số nhà quan sát cho rằng triển vọng của Ukraine không mấy sáng sủa. Khả năng tự vệ của Kiev chủ yếu phụ thuộc vào những quyết định của phương Tây. Gói hỗ trợ trị giá 61 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng trước sau một thời gian dài trì hoãn vẫn chưa giúp Ukraine ổn định được tình hình chiến trường.