Phương Tây “vỡ mộng” trừng phạt vì không thể ngáng đường Nga
VOV.VN - 15 tháng áp lệnh trừng phạt với những biện pháp được cho là mạnh mẽ chưa từng có nhưng phương Tây vẫn không thể đạt được mục đích, đó là làm suy yếu kinh tế và cản trở chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ và nhiều đồng minh đã áp lệnh trừng phạt được cho là mạnh mẽ chưa từng thấy lên Moscow.
Các biện pháp này cũng đã được thắt chặt trong thời gian qua, từ hạn chế khả năng Nga giao dịch với các ngân hàng trên thế giới cho tới áp lệnh cấm nhập khẩu công nghệ, tẩy chay các sản phẩm năng lượng và áp giá trần dầu mỏ nhằm ngăn chặn nguồn doanh thu hàng đầu của Moscow.
Tuy nhiên, Nga vẫn trụ vững trước các biện pháp trừng phạt. Ông Ian Bremer, Chủ tịch Eurasia Group, nhận định tại hội nghị thường niên của Viện Milken tại Los Angeles rằng: " Nga không đứng trước sức ép kinh tế như Mỹ dự đoán".
GDP của Ukraine giảm 29% vào năm 2022 khi xung đột nổ ra nhưng GDP của Nga chỉ giảm 2% vào năm ngoái nhờ nguồn doanh thu lớn từ dầu mỏ và khí tự nhiên sau khi trao đổi với các nước không tham gia vào lệnh trừng phạt của phương Tây.
"Các lệnh trừng phạt của chúng ta có kiềm chế đáng kể khả năng tiến hành chiến dịch quân sự của Nga hay không? Câu trả lời là không", Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế cho hay.
The chuyên gia này: "Các lệnh trừng phạt tài chính của chúng ta không ngăn cản Nga thu về nguồn tiền từ xuất khẩu năng lượng".
Nhà quan sát Rick Newman thì cho rằng các nước phương Tây có thể làm nhiều hơn thế nhưng có những rủi ro và hệ quả khôn lường trước nếu họ thực sự "mạnh tay" với Nga. Phương Tây muốn hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga nhưng lại không thực sự muốn buộc dầu Nga biến mất khỏi thị trường bởi điều đó sẽ làm tăng giá năng lượng ở mọi nơi và phá hủy sự ủng hộ của công chúng với các biện pháp trừng phạt.
Giá trần đối với việc mua dầu mỏ Nga đã được một số nước lớn thực hiện với mức 60 USD/thùng. Tuy nhiên, Moscow vẫn đang bán hàng tấn dầu mỏ sang các nước không tham gia vào kế hoạch áp giá trần, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, xuất khẩu dầu mỏ Nga thậm chí đã tăng vọt vào tháng 4.
Nga cũng dần tìm ra các biện pháp hiệu quả hơn để thích nghi với các biện pháp trừng phạt. Để nhận được vi mạch máy tính cũng như các thành phần quan trọng khác, Nga hiện đang tăng cường nhập khẩu các sản phẩm lưỡng dụng, vừa sử dụng cho thương mại, vừa sửa dụng cho quân sự. Trong số đó có các chất bán dẫn vốn là thành phần thiết yếu trong nhiều hệ thống vũ khí. Nhiều sản phẩm cũng được trao đổi qua "vô số nhà cung cấp giấu tên cũng như các hành lang trên đất liền", Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho hay.
Iran cũng là một đối tác quan trọng của Nga. Một số bài báo cho biết Tehran đã gom được các phương tiện quân sự phương Tây ở Iraq và các thiết bị thương mại ở nhiều nơi khác và vận chuyển chúng qua biển Caspia tới các cảng biển của Nga. Moscow và Tehran cũng đang xây dựng một tuyến đường sắt nhằm đối phó với lệnh trừng phạt của phương Tây quanh biển Caspia, cho phép Nga tiếp nhận các sản phẩm từ Ấn Độ. Ngoài ra, tuyến đường này cũng cho phép Iran cung cấp UAV và các phương tiện khác cho Nga.
Mặc dù Trung Quốc không hỗ trợ vũ khí cho Nga nhưng Bắc Kinh cung cấp cho Moscow các công nghệ lưỡng dụng. CSIS cho biết: "Nga đã lập các công ty ở châu Âu, châu Á và châu Phi để mua các thiết bị công nghệ bị cấm".
CSIS kết luận: "Nga vẫn có khả năng thích nghi hiệu quả với các lệnh trừng phạt phương Tây. Phạm vi của cuộc xung đột này đang buộc Moscow phải thực hiện việc đó với quy mô chưa từng có".
Nhà phân tích Dara Massicot thuộc Rand Corporation đã thừa nhận rằng, hầu như không có khả năng các lệnh trừng phạt làm suy yếu khả năng kinh tế của Nga như Ukraine và phương Tây kỳ vọng./.