Quan điểm an ninh trong Thông điệp Liên bang của ông Obama
(VOV) - Hải quân Mỹ có thể gặp khó khăn trong việc chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngày 13/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đọc Thông điệp Liên bang đầu tiên kể từ khi tái đắc cử. Thông điệp với nhiều nội dung, trong đó an ninh được coi là một trong những vấn đề quan trọng. Đây là định hướng chính sách về an ninh mà chính phủ Mỹ sẽ thực hiện trong những năm tới.
Không trực tiếp trấn áp al-Qaeda
Về an ninh đối ngoại, Tổng thống Obama khẳng định Mỹ sẽ rút 34.000 trong số 66.000 binh sỹ đang đồn trú tại Afghanistan trong vòng một năm tới. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ rút hết quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014, sau khi trao quyền đảm trách các chiến dịch tấn công cho chính quyền Kabul vào năm 2013.
Đối với cuộc chiến chống khủng bố, Tổng thống Obama cho biết Mỹ sẽ không đưa quân ra nước ngoài để trấn áp al-Qaeda và các phần tử cực đoan mà thay vào đó sẽ hỗ trợ các nước tự đảm bảo an ninh và trợ giúp các đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tổng thống Obama tuyên bố, sẽ giúp các đồng minh của Mỹ đối phó với các hiểm họa từ mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, song không nhất thiết phải triển khai hàng nghìn quân Mỹ ra nước ngoài. Ông cũng cam kết sẵn sàng hỗ trợ an ninh cho các nước Mali, Yemen, Libya và Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố và các tổ chức Hồi giáo cực đoan.
Vấn đề an ninh hạt nhân
Tổng thống Obama vẫn kêu gọi tiếp tục cắt giảm kho vũ khí hạt nhân trên toàn cầu sau khi Triều Tiên vừa tiến hành thành công vụ thử hạt nhân lần ba. Ông Obama tuyên bố sẽ cùng các đồng minh có “hành động cứng rắn” trước “các hành vi khiêu khích” của Triều Tiên.
(ảnh: Viện Hải quân Hoa Kỳ) |
Ông nói: “Các hành động khiêu khích vừa qua sẽ chỉ khiến Triều Tiên càng thêm bị cô lập. Washington sẽ cùng các đồng minh củng cố khả năng phòng thủ tên lửa, trong khi thế giới cần có hành động cứng rắn hơn nhằm đáp trả mối đe dọa này”.
Đối với Iran, ông Obama cho rằng cần chấm dứt tình trạng đối đầu về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Ông nhấn mạnh các nhà lãnh đạo Iran cần nhận thức rằng hiện giờ là thời điểm thích hợp cho một giải pháp ngoại giao. Tổng thống Obama cũng khẳng định sẽ hợp tác với Nga để cắt giảm kho vũ khí hạt nhân nhằm tránh để “nguyên liệu hạt nhân rơi vào tay các thế lực xấu”.
Ông Obama nhấn mạnh, Mỹ sẽ tiếp tục đi đầu trong các nỗ lực ngăn chặn việc phổ biến các loại vũ khí nguy hiểm, đồng thời cảnh báo cả Triều Tiên và Iran về những hành động cứng rắn của Washington và các nước đồng minh đối với tham vọng hạt nhân của các nước này.
Tổng thống Obama cho biết Mỹ sẽ tiếp tục tăng sức ép lên chính quyền Syria và sát cánh cùng Israel trong nỗ lực đảm bảo an ninh và một nền hòa bình bền vững tại Trung Đông.
An ninh mạng
Liên quan đến các cuộc tấn công mạng đang trở thành hiểm họa đe dọa an ninh Mỹ, Tổng thống Obama cho biết đã ký sắc lệnh bảo vệ tốt hơn các cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia trước sự tấn công của tin tặc.
“Sắc lệnh này sẽ giúp củng cố năng lực phòng thủ trong việc đối phó với các cuộc tấn công mạng nhằm vào nước Mỹ thông qua việc tăng cường chia sẻ thông tin, cũng như nâng cao các tiêu chuẩn để bảo vệ an ninh quốc gia, việc làm và quyền riêng tư của công dân Mỹ”.
Về đối nội, Tổng thống Obama cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm bảo vệ tốt hơn các cơ sở quan trọng trước sự xâm nhập của tin tặc. Ông Obama nêu rõ nước Mỹ đang phải đối mặt với “hiểm họa ngày càng tăng từ các vụ tấn công mạng”.
An ninh môi trường và nội địa
“Vì thế hệ tương lai, chúng ta phải hành động để chống biến đổi khí hậu”, Tổng thống Obama khẳng định. “Trong vòng 15 năm qua, chúng ta đã chứng kiến 12 năm nóng nhất trong lịch sử. Nắng nóng, hạn hán, cháy rừng và lũ lụt đang xảy ra thường xuyên hơn và ngày càng nghiêm trọng. Nếu Quốc hội không nhanh chóng hành động, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm ô nhiễm, giúp cộng đồng sẵn sàng đối phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng bền vững hơn”.
Tổng thống Obama kêu gọi Quốc hội mau chóng thông qua các biện pháp kiểm soát súng. Ông nhấn mạnh, cái chết của những người dân vô tội, trong đó có nhiều trẻ em, đã quá đủ để các biện pháp này nhận được phiếu phê chuẩn của từng nghị sỹ Mỹ.
Tránh cắt giảm ngân sách quốc phòng
Trong thông điệp liên bang, Tổng thống Obama kêu gọi Quốc hội Mỹ tránh tình trạng cắt giảm ngân sách bắt buộc dành cho chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương. Ông Obama kêu gọi các nghị sỹ đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của các chính đảng và thỏa hiệp với nhau, bắt đầu từ các quyết định liên quan đến ngân sách, trong đó có ngân sách quốc phòng.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng có khả năng Mỹ buộc phải cắt giảm ngân sách từ tháng 3 năm nay, nếu hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không thể thống nhất được về các biện pháp cải cách ngân sách.
Nếu tình huống trên xẩy ra, điều này có thể buộc Hải quân Mỹ phải trì hoãn kế hoạch chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vì Lầu Năm Góc buộc phải cắt giảm kế hoạch mua sắm máy bay trực thăng, giảm 30% số ngày hoạt động của tàu chiến và tần suất bay tại khu vực này, điều đó cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật và kế hoạch tăng cường quốc phòng của đồng minh Nhật Bản.
Như vậy, trên cơ sở coi khôi phục nền kinh tế Mỹ là nội dung chủ yếu, Thông điệp Liên bang của Tổng thống Obama cũng vạch ra những định hướng quan trọng cho chính sách an ninh nội địa và toàn cầu của chính quyền Mỹ trong những năm tới.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng trong bối cảnh mâu thuẫn giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, thì tính khả thi và hiệu quả của các giải pháp an ninh của Tổng thống Obama vẫn còn đang khó đoán định./.