Quan điểm của Tổng thống Putin về đối đầu Nga - NATO và xung đột Ukraine
VOV.VN - Hôm 21/12, Tổng thống Putin đã phát biểu trước hàng loạt tướng lĩnh cấp cao của quân đội Nga, đề cập nhiều điểm quan trọng về cuộc đối đầu giữa Nga và NATO, về hiện đại hóa quân đội và về cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong cuộc họp mở rộng của Hội đồng Bộ Quốc phòng Nga, Tổng thống Putin nói rằng nước Nga đang đối diện với gần như toàn bộ tiềm lực quân sự của liên minh NATO trong cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra tại Ukraine.
Nhà lãnh đạo Nga cũng bình luận về các nguyên nhân dẫn tới cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine. Ông lưu ý tầm quan trọng của việc hiện đại hóa tiềm lực hạt nhân của Nga nhằm “duy trì chủ quyền” của nước này.
Dưới đây là một số điểm chính trong diễn văn của Tổng thống Putin:
Đối đầu với phương Tây
Tổng thống Putin cho biết, “các đối thủ chiến lược” của Moscow đã luôn cố gắng “xẻ nhỏ” và “làm tan rã” nước Nga bởi vì họ tin rằng quốc gia này “quá lớn” và tạo ra một mối đe dọa cho họ. Ông lưu ý rằng đây là điều mà phương Tây đã cố gắng đạt được trong nhiều thế kỷ.
Trong khi đó, theo ông Putin, Nga luôn hy vọng và cố gắng trở thành một phần trong “thế giới văn minh” nhưng giờ thì nhận ra rằng mình đơn giản là không được hoan nghênh tại đó.
Ukraine với tư cách là một dân tộc anh em
Tổng thống Putin khẳng định, Nga đã dành nhiều năm làm mọi thứ có thể để xây dựng các mối quan hệ không chỉ là láng giềng mà còn là anh em với Ukraine nhưng không đạt được gì. Ông nói, “chúng ta luôn coi người Ukraine là một dân tộc anh em”.
Nhà lãnh đạo Nga nói tiếp: “Tôi vẫn tin vào điều đó. Mọi thứ đang xảy ra là một thảm kịch. Thảm kịch chung của chúng ta. Nhưng đó không phải là kết quả của chính sách của chúng ta”.
Ông Putin bổ sung rằng các đối thủ địa chính trị của Nga đã khởi động sử dụng một loạt các phương tiện để thúc đẩy mục tiêu của họ, bao gồm việc “can thiệp vào công việc nội bộ của các nước từng thuộc Liên Xô, đặc biệt là Ukraine, từ đó dẫn tới hậu quả là cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine”. Ông kết luật, kết cục đó là tất yếu.
NATO chống lại nước Nga
Tổng thống Putin tuyên bố NATO hiện đang sử dụng tiềm lực quân sự của gần như tất cả các nước thành viên của mình để chống lại Nga.
Tuy nhiên, ông Putin lưu ý rằng Nga đã học được nhiều điều từ các sai lầm của mình trong quá khứ và sẽ không tự hại bản thân bằng cách “quân sự hóa” nước Nga.
Nhà lãnh đạo Putin tuyên bố: “Chúng ta sẽ không quân sự hóa đất nước, cũng sẽ không quân sự hóa nền kinh tế”. Ông nhấn mạnh, trình độ phát triển hiện nay của nước Nga đơn giản là không cần đến các biện pháp như thế.
Tổng thống Nga nói thêm rằng giới chỉ huy quân sự Nga đã được trao nhiệm vụ nghiên cứu chiến thuật và năng lực của NATO. Ông cho biết, các tư lệnh Nga đã được yêu cầu tính đến yếu tố này trong công tác huấn luyện và trang bị cho các lực lượng vũ trang Nga.
Bộ ba hạt nhân
Theo ông Putin, kho hạt nhân của Nga là yếu tố chính đảm bảo chủ quyền của nước này. Ông lưu ý rằng các vũ khí mới sẽ nhanh chóng được đưa vào phục vụ trong quân đội, bảo đảm nâng cao năng lực phòng thủ của đất nước.
Tổng thống Putin cho biết, Nga sẽ tiếp tục duy trì và cải thiện bộ ba hạt nhân của mình, bao gồm tên lửa phóng từ máy bay, tên lửa phóng từ tàu ngầm, và tên lửa phóng từ các bệ phóng di động trên mặt đất và từ các hầm phóng tên lửa.
Hiện đại quân đội Nga
Ông Putin nhấn mạnh nhu cầu củng cố việc sử dụng máy bay không người lái (UAV) trong quân đội Nga. Ông cũng đề cập kinh nghiệm của Nga trong phát triển các thiết bị không người lái cả trên không và dưới nước (UUV). Ông cho rằng các thiết bị này cần được cải thiện để tạo ra các loại drone tiên tiến hơn.
Tổng thống Nga gợi ý hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc và tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong tất cả các cấp độ ra quyết định. Theo ông, các hệ thống nhanh và tự động tỏ ra hiệu quả nhất trên chiến trường.
Nhà lãnh đạo Nga cũng phê chuẩn một số thay đổi về cơ cấu do Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu đề xuất để phản ứng lại việc NATO củng cố lực lượng của họ ở vùng biên giới với Nga và khả năng khối quân sự này mở rộng thành viên, kết nạp thêm Phần Lan và Thụy Điển./.
>> Xem thêm: Lịch sử đầy chông gai của Ukraine kể từ khi tách khỏi Liên Xô năm 1991