Quân đội Myanmar không hề hấn gì bất chấp biểu tình và trừng phạt?
VOV.VN - Sau đảo chính, có nhiều dấu hiệu cho thấy quân đội Myanmar đang nỗ lực để cộng đồng thế giới chỉ dừng lại ở “lời nói cứng rắn, đưa ra một số lệnh trừng phạt kinh tế, và áp đặt lệnh cấm đi lại”. Về cơ bản, họ vẫn không hề hấn gì bất chấp biểu tình và trừng phạt.
Sau khi quân đội Myanmar lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính vào ngày 1/2/2021, đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình trên khắp lãnh thổ nước này trong suốt hơn 1 tháng qua. Hàng chục người biểu tình đã thiệt mạng khi đụng độ với lực lượng an ninh Myanmar.
Trước thực trạng đó, cộng đồng thế giới đã phản ứng lại chủ yếu bằng một số lời lẽ cứng rắn và sự đe dọa sẽ trừng phạt Myanmar. Cơ bản chỉ vậy, không có gì khác.
Quân đội Myanmar đang nắm lợi thế lớn để ứng phó với biểu tình
Trong cuộc đối đầu giữa chính quyền quân sự và lực lượng biểu tình dân sự, phe quân đội đang chiếm thế thượng phong. Cụ thể, quân đội có vũ khí hiện đại, có mạng lưới điệp viên rộng khắp, và có khả năng cắt đứt viễn thông. Ngoài ra quân đội Myanmar còn sở hữu kinh nghiệm hàng thập kỷ trong việc đối đầu với xung đột và nổi loạn.
Bill Richardson – một cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc có kinh nghiệm lâu năm làm việc với Myanmar, nói như sau với hãng thông tấn AP về tình hình hiện nay: “Chúng ta đang ở điểm khủng hoảng. Cộng đồng quốc tế cần phản ứng mạnh mẽ hơn nữa, nếu không thì tình hình này sẽ xấu hơn nữa, rồi rơi vào trạng thái vô chính phủ và bạo lực”.
Nhưng chính quyền quân sự Myanmar liệu có nao núng?
Thực tế là bất chấp những sự phê phán từ khắp nơi trên thế giới, ít có khả năng các áp lực đó sẽ thay đổi tiến trình tại Myanmar. Bởi vì: Thứ nhất, khả năng Liên Hợp Quốc phối hợp hành động để tung ra lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu với Myanmar là khó xảy ra. Vì Nga và Trung Quốc vẫn bán vũ khí cho Myanmar. Trung Quốc là bên ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Myanmar. Nga và Trung Quốc đều có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và có thể phủ quyết bất cứ lời kêu gọi cấm vận nào tại đây.
Trong khi đó các nước ASEAN theo đuổi chính sách “không can thiệp” vào công việc nội bộ của nhau.
Do đó, lệnh trừng phạt sẽ chủ yếu đến từ Mỹ và các nước phương Tây.
Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên Myanmar ngay sau cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1/2. Mỹ tăng thêm áp lực sau khi một đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar tuyên bố có tới 38 người thiệt mạng do sự trấn áp của an ninh Myanmar chỉ riêng ngày 3/3.
Anh áp lệnh trừng phạt lên 3 vị tướng và 6 thành viên thuộc chính quyền quân sự Myanmar để đáp lại cuộc đảo chính và hoạt động trấn áp biểu tình sau đó.
Liên minh châu Âu (EU) thì đang vạch ra các biện pháp đối phó với cuộc đảo chính nói trên.
Giới quân sự Myanmar cũng không “ngán” các lệnh trừng phạt
Các lệnh trừng phạt nói trên được đánh giá là chỉ có thể gây khó khăn cho cuộc sống người dân ở Myanmar chứ không gây hề hấn gì cho giới quân sự cầm quyền ở nước này. Chính quyền quân sự Myanmar trước kia đã vượt qua hàng thập kỷ chịu đựng các lệnh trừng phạt như vậy, và hiện nay quân đội Myanmar đang bàn tới kế hoạch “tự lực cánh sinh”.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, đã nói với phóng viên vào tuần qua rằng bà cảnh báo giới quân sự Myanmar về các lệnh trừng phạt sắp xảy ra nhưng phản ứng từ giới tướng lĩnh Myanmar là họ biết cách “tự đi mà chỉ cần một vài người bạn”.
Ronan Lee, một học giả tham gia một sáng kiến tại trường Queen Mary University of London cho biết, lịch sử Myanmar chỉ ra rằng quân đội nước này sẽ dùng ngày càng nhiều các biện pháp cứng rắn để trấn áp phong trào biểu tình, sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được mục tiêu của mình.
Triển vong u ám của phe biểu tình dân sự
Trước quyết tâm đó từ phía quân đội Myanmar, một số nhà quan sát đặt câu hỏi là liệu phong trào biểu tình ở Myanmar sẽ kéo dài được bao lâu.
John Lichtefeld, Phó Chủ tịch hãng tư vấn The Asia Group, phân tích: “Quân đội Myanmar có lợi thế lớn về nguồn lực trước người biểu tình. Họ đã thể hiện rằng mình sẵn sàng áp dụng các biện pháp hết sức cứng rắn để buộc dân chúng phải tuân thủ mình”.
Lichtefeld dự báo tình hình có thể sẽ trở nên tệ hơn. Ông nói, quân đội Myanmar “là một lực lượng rất kiêu hãnh và có thể các nhân vật cứng rắn hơn trong quân đội bắt đầu giành được ảnh hưởng lớn hơn trong thể chế này và thúc đẩy cách phản ứng quyết liệt hơn”.
Giới chức Liên Hợp Quốc từng lên tiếng về bạo lực chết người nhằm vào hàng ngàn người Hồi giáo Rohingya thiểu số ở Myanmar vào năm 2017 nhưng rốt cuộc, quân đội Myanmar không hề hấn gì.
Học giả Lee cho rằng quân đội Myanmar đang tránh để thế giới vượt qua mức phê phán nặng nề bằng lời, áp đặt một số lệnh trừng phạt kinh tế, và thực hiện các lệnh cấm đi lại đối với Myanmar. Ông này dự đoán, quân đội Myanmar sẽ kiềm chế hơn trong việc trấn áp biểu tình, để giữ cho bạo lực ở mức độ không cần đến hành động can thiệp từ bên ngoài./.