Quan hệ đồng minh giữa Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ có dễ dàng đổ vỡ?
VOV.VN - Mối quan hệ giữa 2 đồng minh NATO không phải lần đầu sóng gió, nhưng những lần trước, sự bất đồng chỉ ở trong khuôn khổ có thể chấp nhận được.
Cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh NATO và cũng là đồng minh truyền thống trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông, đang leo thang nghiêm trọng. Đây không phải lần đầu tiên mối quan hệ giữa 2 đồng minh này gặp phải sóng gió. Những lần trước đây, cả 2 dường như cố giữ những bất đồng trong một khuôn khổ có thể chấp nhận được. Nhưng lần này có vẻ như không giống như thế.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Những bất đồng dai dẳng và sự mềm mỏng của Mỹ
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ bắt đầu căng thẳng từ giữa năm 2016, sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cáo buộc giáo sỹ Fethullah Gulen sống lưu vong ở Mỹ đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành, và muốn Mỹ dẫn độ giáo sỹ này về Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Mỹ không đồng ý và cũng lên tiếng chỉ trích các cuộc “trấn áp” và bắt bớ ở Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính bất thành giữa năm 2016.
Bất đồng lại tiếp diễn khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một nhà báo Mỹ hồi tháng 8/2016. Ngay khi đó, Mỹ lên tiếng phản đối. Đầu năm 2017, Quốc hội Mỹ đã có hành động mang tính biểu tượng, và Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích gay gắt hơn, nhưng mọi thứ lại được làm lắng dịu trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ khi đó Rex Tillerson tới Thổ Nhĩ Kỳ tháng 3/2017.
Tháng 10/2017 Mỹ mới quyết định dừng dịch vụ cấp thị thực ở các cơ quan ngoại giao tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng quyết định này được cho là quá muộn (hơn 1 năm sau các vụ bắt giữ nhà báo Mỹ). Tuy nhiên, cũng chỉ 2 tháng sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ bất ngờ nối lại hoạt động cấp thị thực mà chẳng có yêu cầu nào được đáp ứng.
Nhiều người từng đặt kỳ vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ xây dựng mối quan hệ nồng ấm hơn giữa hai đồng minh trong NATO. Tuy nhiên, hy vọng bị dập tắt khi Ankara giam giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson.
Có một số thông tin cho rằng, Nhà Trắng muốn đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về một thỏa thuận để trả tự do cho mục sư Brunson. Các điều khoản mà Mỹ có thể sẽ đồng ý như tìm cách giúp phóng thích một công dân Thổ Nhĩ Kỳ bị giam giữ ở Israel, hay đề xuất sớm trả tự do cho Hakaan Atilla, một thống đốc ngân hàng bị bắt giam ở Mỹ vì vi phạm các lệnh trừng phạt Iran, giảm nhẹ án phạt với ngân hàng Halkbank của Thổ Nhĩ Kỳ (cũng do vi phạm các lệnh trừng phạt Iran của Mỹ). Tuy nhiên, những điều kiện này có vẻ sẽ không được thực hiện khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ không có nhượng bộ nào đối với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vụ việc Brunson.
Nhân vật bí ẩn gây sóng gió trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ là ai?
Không nhượng bộ
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters ngày 20/8, Tổng thống Donald Trump đã loại trừ việc chấp nhận bất cứ yêu cầu nào từ Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy việc trả tự do cho mục sư Andrew Bruson. “Tôi nghĩ họ sẽ mắc sai lầm khủng khiếp. Sẽ không có sự nhượng bộ nào cả”, ông Trump nói.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ lại rớt giá so với đồng USD sau tuyên bố này của ông Trump. Trong phiên giao dịch sáng 21/8, tỷ giá đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ là 6,16 lira/USD khi các thị trường Thổ Nhĩ Kỳ bước vào ngày nghỉ đánh dấu lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo. Trong phiên giao dịch ngày 20/8, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giao dịch ở mức 6,0865 lira/USD.
Trong khi đó, cũng trong ngày 20/8, Tổng thống Tayyip Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không “bị buộc phải quỳ gối” bởi cuộc khủng hoảng đang làm suy yếu đồng lira.
Khoét sâu những tổn hại đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không phải lợi ích của Mỹ hay các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sử dụng chiêu bài thuế quan với nhiều nước khác, trong đó có cả Trung Quốc, Mexico, và Canada. Trong trường hợp này Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giành được sự ủng hộ của quốc tế nhiều hơn.
Theo các nhà quan sát, Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện một chính sách ngoại giao kiểu “ly thân” với các đồng minh truyền thống cũng như nhiều nước láng giềng của Ankara. Ankara cải thiện quan hệ với Iran, hỗ trợ các phong trào Hồi giáo ở Syria (trong đó một số nhóm được cho là có liên hệ với al Qaeda), có mối quan hệ gần gũi với phong trào Hamas ở dải Gaza của Palestine, và quan trọng nhất: Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xích lại gần hơn với Nga.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ vẫn có lý do để điều chỉnh mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ theo chiều hướng tích cực. Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Mỹ trong NATO, đóng vai trò tích cực trong các hoạt động của liên minh quân sự này. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng vai trò quan trọng trong các chính sách của Mỹ ở Trung Đông.
Mối quan hệ đổ vỡ với Mỹ cũng sẽ không khiến Thổ Nhĩ Kỳ điều chỉnh cách ứng xử theo hướng có lợi cho Washington. Mặt khác, Mỹ cũng không muốn đẩy Thổ Nhĩ Kỳ về phía Nga.
Các nhà quan sát nhận định rằng, dù tỏ ra cứng rắn, nhưng Mỹ sẽ vẫn tiếp tục tìm cách điều chỉnh mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, để những bất đồng vẫn nằm trong phạm vi có thể chấp nhận được, tránh đẩy mối quan hệ giữa 2 đồng minh trở thành “thù địch”./.
Vòng xoáy khủng hoảng trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ