Quốc hội Mỹ muốn coi Wagner là tổ chức khủng bố, vì sao chính quyền Biden nói không?
VOV.VN - Hiện đang có một cuộc tranh cãi giữa nhiều thành viên trong Quốc hội Mỹ và chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc có nên chỉ định công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga là tổ chức khủng bố hay không.
Mặc dù chính quyền Biden đã liệt công ty Wagner là “tổ chức tội phạm xuyên quốc gia”, nhưng các nhà lập pháp Mỹ vẫn muốn Bộ Ngoại giao nước này tiến một bước xa hơn với việc đưa lực lượng này vào danh sách “tổ chức khủng bố nước ngoài”. Sự chia rẽ cho thấy những mâu thuẫn âm ỉ trên chính trường Mỹ liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine: Quốc hội Mỹ chỉ trích chính quyền Biden chậm chạp trong việc ủng hộ Ukraine, còn chính quyền cho biết, họ muốn hạn chế gây leo thang tình hình và tránh những phản ứng tiêu cực có thể xảy ra.
Phát biểu với The Hill, Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen – thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho biết: “Chúng ta đã nhiều lần chứng kiến Quốc hội đi trước Nhà Trắng trong nỗ lực ủng hộ Ukraine, đặc biệt, kể từ khi xung đột nổ ra. Trước đó, vào năm 2014, Nhà Trắng đã từ chối hỗ trợ vũ khí sát thương cho Kiev. Tôi hy vọng, lần này chính quyền và Bộ Ngoại giao sẽ có sự thay đổi lập trường”.
Ông Jeanne Shaheen cùng với 6 thượng nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa đã ký một bản thảo có tên Dự luật buộc lực lượng đánh thuê Nga phải chịu trách nhiệm (viết tắt là HARM), nhằm kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ coi Wagner là tổ chức khủng bố nước ngoài (FTO). Những người ủng hộ cho rằng, với dự luật, Wagner sẽ phải trả giá đắt hơn so với cách gọi hiện tại là “tổ chức tội phạm xuyên quốc gia”.
Các nhà lập pháp cho rằng, việc chỉ định Wagner là FTO sẽ giúp gia tăng đáng kể nguồn lực của Mỹ nhằm phá vỡ các hoạt động của Wagner, ngăn chặn sự hợp tác giữa các tổ chức hoặc chính phủ với nhóm này và mở ra đường hướng mới cho các hành động pháp lý. “Đây sẽ là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi”, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham lưu ý.
Vì sao chính quyền Biden phản đối?
Một trợ lý trong Quốc hội tiết lộ với The Hill rằng, chính quyền phản đối dự luật này vì lo ngại nó có thể cản trở nỗ lực của Mỹ trong việc thuyết phục các quốc gia châu Phi chấm dứt mối liên hệ hoặc sự phụ thuộc vào lực lượng Wagner. Các chuyên gia cho biết, Wagner có mối liên hệ với nhiều quốc gia như Sudan, Libya, Cộng hòa Trung Phi, Mozambique, Mali, Burkina Faso, Cameroon. Công ty này thường cung cấp lực lượng bổ sung cho quân đội của những quốc gia đó.
“Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại, nếu chỉ định Wagner vào danh sách FTO thì chính phủ các nước đó cũng sẽ bị trừng phạt. Các quan chức của họ không được phép đến Mỹ và tài sản của họ cũng sẽ bị tịch thu do có mối liên hệ với FTO. Đây là gốc rễ của vấn đề”, nguồn tin cho biết.
Chính quyền Biden cho rằng, nếu chỉ xét riêng về nỗ lực ủng hộ Ukraine, họ sẽ không phản đối việc đưa Wagner vào danh sách tổ chức khủng bố, nhưng xét đến khu vực châu Phi, điều này sẽ đặt ra thách thức lớn, nguồn tin lưu ý.
Những người ủng hộ HARM nhấn mạnh nếu chính quyền Biden thông qua dự luật thì điều này sẽ giúp gửi thông điệp chính trị quan trọng, trong khi tổng thống vẫn có quyền trì hoãn thực thi nội dung dự luật. Ngoài ra, văn bản cũng bao gồm một điều khoản cho phép tổng thống từ bỏ các lệnh trừng phạt trong trường hợp xuất hiện lo ngại về an ninh quốc gia.
Dự luật có thể làm thay đổi trạng thái của Nga?
Justyna Gudzowska – cựu quan chức phụ trách vấn đề trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, Wagner “bề ngoài là công ty quân sự tự nhân, nhưng thực sự hoạt động như cánh tay nối dài của Điện Kremlin”.
Những người ủng hộ HARM hy vọng, dự luật sẽ tạo cơ sở để đưa Nga vào danh sách “nhà nước tài trợ khủng bố” – một động thái mà chính quyền Biden đã nhiều lần phản đối vì lo ngại có thể dẫn đến hậu quả khó lường, chẳng hạn như khiến việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine trở nên khó khăn hơn do sự phong tỏa của Hải quân Nga ở Biển Đen.
Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal tin tưởng dự luật sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện trong một đến hai tuần tới.
Nhưng một trợ lý trong Quốc hội cho biết, dự luật khó có thể được thông qua vì nó sẽ phải đối mặt một trận chiến khó khăn do các thủ tục của Thượng viện và những thách thức khác nhằm đưa vào chương trình nghị sự của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cùng với thách thức trong cơ chế thực hiện hành động pháp lý. “Ngay cả khi HARM được thượng viện thông qua, không ai dám chắc dự luật sẽ được thực thi. Chính quyền Tổng thống Biden không nhất trí với dự luật này nên họ có thể bác bỏ nó chỉ trong một đêm”, quan chức này lưu ý./.