Quyết định chặn thanh toán của Mỹ có đẩy Nga đến bờ vực vỡ nợ?
VOV.VN - Quyết định của Mỹ chấm dứt cơ chế miễn trừ cho phép Nga thanh toán nợ nước ngoài cho nhà đầu tư có thể khiến Moscow đối mặt nguy cơ vỡ nợ, một số nhà phân tích nhận định.
Bộ Tài chính Mỹ đã đặt ra một điều khoản miễn trừ khi sau khi áp một loạt lệnh trừng phạt với Nga vào cuối tháng 2/2022 liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine, cho phép Ngân hàng trung ương Nga xử lý các khoản thanh toán cho các trái chủ bằng USD thông qua Mỹ và các ngân hàng quốc tế, tùy theo từng trường hợp cụ thể. Điều này giúp Nga có thể đáp ứng thời hạn thanh toán các khoản nợ còn tồn đọng, mặc dù Moscow buộc phải khai thác kho dự trữ ngoại tệ của mình.
Tuy nhiên, Văn phòng Quản lý Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã quyết định chấm dứt điều khoản miễn trừ này. Tuyên bố của cơ quan này nêu rõ: “0h sáng ngày 25/5 (giờ New York) là thời gian lệnh miễn trừ của Mỹ với Nga hết hiệu lực. OFAC sẽ không gia hạn".
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng: “Nếu Nga không thể tìm ra cách hợp pháp để thực hiện các khoản thanh toán này, thì về mặt kỹ thuật, họ sẽ vỡ nợ".
Tuy nhiên, ông Hassan Malik - nhà phân tích tại Loomis Sayles & Co (Boston, Mỹ) nhận định, quyết định của Mỹ có thể tạo ra hiệu ứng ngược, khi vừa khiến nhà đầu tư nước ngoài khó được thanh toán, lại chưa chắc khiến Nga vỡ nợ.
Nga đã tích lũy dự trữ ngoại tệ đang kể trong những năm gần đây và có đủ tiền thanh toán cho các chủ nợ nước ngoài, vì thế Moscow có thể phản đối bất cứ tuyên bố vỡ nợ nào với lý do họ đã cố gắng thanh toán nhưng bị cản trở bởi các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt.
Nga có một loạt khoản nợ sắp đến hạn thanh toán trong năm nay. Ngày 27/5, nước này phải thanh toán 100 triệu euro tiền lãi cho hai loại trái phiếu. Một loại yêu cầu thanh toán bằng đồng USD, bảng Anh hoặc đồng Franc của Thụy Sỹ. Trái phiếu còn lại có thể trả bằng đồng rúp. Reuters và Nhật báo phố Wall ngày 25/5 đưa tin, Bộ Tài chính Nga đã chuyển tiền để thực hiện các khoản thanh toán này, sớm hơn so với thời hạn.
Nhưng Nga vẫn còn khoản lãi 400 triệu USD nữa cần phải trả vào cuối tháng 6 tới. Sau khoản thời gian ân hạn tối đa 30 ngày kể từ thời điểm lỡ hạn thanh toán, nước này có thể sẽ bị tuyên bố là vỡ nợ. Lần gần đây nhất Nga vỡ nợ nội địa là vào năm 1998, khi nước này rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng do giá cả hàng hóa sụt giảm. Việc vỡ nợ có thể khiến một số ít các nhà đầu tư nước ngoài còn lại rời khỏi Nga, làm gia tăng những thách thức mà nền kinh tế Nga đang phải đối mặt.
Câu hỏi còn bỏ ngỏ
Hiện nhiều chuyên gia tài chính đã đặt câu hỏi liệu Nga có chấp nhận bị vỡ nợ hay không nếu nước này không thể thanh toán các khoản vay sau quyết định của OFAC? Ông Adam Solowsky – thành viên trong Nhóm Công nghiệp Tài chính tại công ty luật Reed Smith nhận định, Nga có thể lập luận rằng, nước này không bị vỡ nợ do mất khả năng thanh toán vì họ luôn có sẵn nguồn tài chính.
“Chúng tôi đã thấy lập luận này trước khi OFAC ra quyết định thu hồi điều khoản miễn trừ. Nga từng tuyên bố rằng họ không vỡ nợ vì họ đã cố gắng thực hiện việc thanh toán nhưng quá trình này bị chặn”, ông Adam Solowsky lưu ý. “Họ có khả năng xem xét một kịch bản kiện tụng kéo dài trong khi cố gắng xác định liệu có thực sự rơi vào tình trạng vỡ nợ hay không”.
Chuyên gia Adam Solowsky cho rằng, tình hình hiện tại của Nga không giống quy trình thông thường của một vụ “vỡ nợ cấp quốc gia” (tức là vỡ nợ khi một chính phủ không trả được nợ quốc gia). Dẫu sao thì điều này vẫn sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu của Nga.
“Trước mắt, có thể Nga vẫn chưa vỡ nợ. Đây là một nền kinh tế lớn trên thế giới. Nhưng tôi cho rằng, tác động có thể được cảm nhận trong nhiều năm tới”, ông Adam Solowsky nhấn mạnh.
Đốt cháy những cây cầu
Giám đốc chương trình dự báo toàn cầu của EIU (The Economist Intelligence Unit) Agathe Demarais nhận định, do nợ công của Nga tương đối thấp và đã giảm khá nhiều trước khi nước này chiến dịch quân sự tại Ukraine, nên nguy cơ vỡ nợ nếu xảy ra có thể không đặt ra vấn đề lớn với Nga. Theo JPMorgan, tính đến thời điểm cuối năm 2021, Nga chỉ có khoảng 40 tỷ USD nợ ngoại tệ và khoảng một nửa trong số đó do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ.
“Đối với tôi, đó là phép thử cho thấy liệu Nga có sẵn sàng để đốt cháy tất cả các cây cầu kết nối giữa nước này với phương Tây và các nhà đầu tư tài chính hay không. Thông thường, một quốc gia sẽ luôn cố gắng hết sức để tránh bị vỡ nợ”.
Chuyên gia Agathe Demarais lưu ý: “Tất cả những động thái mà tôi chứng kiến vào lúc này cho thấy Nga không thực sự lo ngại về một vụ vỡ nợ, có lẽ bởi họ không hy vọng sẽ có bất cứ sự cải thiện quan hệ nào với phương Tây trong thời điểm trước mắt”.
EIU dự đoán rằng, chiến tranh Nga-Ukraine có thể kéo dài đến hết năm nay và tiếp theo là những cuộc xung đột nhỏ giữa hai bên. Khi đó, Nga và phương Tây sẽ phải cơ cấu lại chuỗi cung ứng để thích nghi với các biện pháp trừng phạt thay vì tìm cách chấm dứt nó. Nga vẫn đang có nguồn doanh thu đáng kể từ hoạt động xuất khẩu năng lượng và đang cố gắng buộc các nhà nhập khẩu châu Âu trả tiền mua dầu mỏ và khí đốt bằng đồng rúp để giảm thiểu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt./.