Ra lệnh “hạ” tướng Iran, ông Trump “gây bão” trên chính trường Mỹ
VOV.VN - Cuộc không kích của Mỹ tại Iraq khiến tướng Iran thiệt mạng đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc giữa lãnh đạo các đảng phái tại quốc hội Mỹ.
Cái chết của tướng Qassim Soleimani – chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran trong cuộc không kích của Mỹ hôm 3/1, đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc giữa lãnh đạo các đảng phái tại quốc hội Mỹ và làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu Quốc hội có nên kiềm chế quyền lực phát động chiến tranh của Tổng thống hay không.
Tướng Iran Qassem Soleimani. (Ảnh: Reuters). |
Phe Dân chủ và phe Cộng hòa tranh cãi kịch liệt
Cuộc không kích mà Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết do Tổng thống Donald Trump ra lệnh nhằm “ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai” là một bước leo thang đang kể trong chiến dịch gây sức ép tối đa của chính quyền Mỹ đối với Tehran.
“Đây là kịch bản mà tôi đã từng nghĩ đến trong nhiều năm qua. Nó có thể dẫn đến bạo lực và sự hỗn loạn mà chúng ta đang cố gắng tránh xa. Những giờ và những ngày sắp tới sẽ rất quan trọng”, ông Andy Kim, nghị sỹ Dân chủ tại bang New Jersey, từng là cựu chỉ huy chiến dịch tại Iraq dưới thời chính quyền Tổng thống Obama cho biết.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi cho rằng, cuộc không kích được thực hiện “mà không có sự tham vấn của Quốc hội”. “Ưu tiên cao nhất của các nhà lãnh đạo Mỹ là bảo vệ cuộc sống và lợi ích của người dân Mỹ. Do đó chúng ta không thể để mạng sống của các quân nhân, các nhà ngoài giao và những công dân Mỹ bị nguy hiểm bằng cách tham gia vào các hành động khiêu khích và không tương xứng. Cuộc tấn công vừa qua đã kích động sự leo thang bạo lực nguy hiểm”.
Trái ngược với quan điểm của phe Dân chủ, các nghị sỹ Cộng hòa ca ngợi Tổng thống Trump đã ra lệnh thực hiện cuộc không kích, nói rằng ông đã mang lại công lý cho nhiều gia đình của các quân nhân Mỹ. Nhiều quan chức Mỹ cáo buộc ông Soleimani phải chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng trăm binh sỹ Mỹ trong cuộc chiến tranh Iraq cũng như những hoạt động “thù địch” của Iran trên khắp Trung Đông.
“Cái chết của Soleimani giúp Iraq có cơ hội quyết định tương lai của chính nước này, bằng cách thoát khỏi sự kiểm soát từ phía Iran. Như tôi đã cảnh báo chính phủ Iran, họ không nên nhầm lẫn sự kiềm chế có mức độ của chúng ta đối với các cuộc tấn công trước đây mà họ thực hiện, là điểm yếu của Mỹ”, Thượng nghị sỹ Jim Risch – Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ cho biết.
Thượng nghị sỹ Cộng hòa bang Florida Marco Rubio cũng đăng dòng Tweet, ca ngợi Tổng thống Trump đã thực hiện “biện pháp kiềm chế đáng ngưỡng mộ trong khi thiết lập ranh giới đỏ rõ ràng và cảnh báo hậu quả nếu Iran vượt qua ranh giới này”.
Ông Trump đã vượt quyền hạn của Quốc hội?
Bất chấp những lý lẽ bênh vực ông Trump của đảng Cộng hòa, đảng Dân chủ vẫn tỏ ra lo ngại về hậu quả của cuộc không kích hôm 3/1. “Câu hỏi mà chúng ta phải đối mặt trong nhiều năm qua là làm thế nào để tiêu diệt những kẻ khủng bố nhiều hơn số lượng khủng bố mà chúng ta đã tạo ra. Đó là một câu hỏi chưa có lời đáp, khi chúng ta chờ đợi phản ứng của Iran trước hành động gây leo thang căng thẳng mà Tổng thống Trump thực hiện. Hành động này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh trong khu vực, trong khi đó, chính quyền vẫn không có bất cứ chiến lược nào”, Hạ nghị sĩ Seth Moulton, đảng Dân chủ ở bang Massachusetts nhấn mạnh.
Các nhà lập pháp khác, trong đó có Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Tom Udall cáo buộc Tổng thống Trump đưa Mỹ đến bờ vực của một cuộc chiến tranh với Iran. Một hành động bất cẩn, gây leo thang thù địch như vậy nhiều khả năng đã vi phạm thẩm quyền ban bố chiến tranh của Quốc hội, cũng như thỏa thuận đặt căn cứ của Mỹ với Iraq, khiến các lực lượng và công dân Mỹ gặp nguy hiểm và rất có thể nhấn chìm chúng ta vào một cuộc chiến thảm khốc khác tại Trung Đông mà người dân Mỹ không đòi hỏi và không ủng hộ”, ông Udall nói trong một tuyên bố.
Ông Udall là nằm trong nhóm các nghị sỹ lưỡng đảng hồi năm 2019 đã đấu tranh đòi thông qua nghị quyết yêu cầu Tổng thống Trump phải xin phép Quốc hội trước khi tấn công Iran. Tuy nhiên, nghị quyết này đã bị Thượng viện Mỹ bác bỏ hồi tháng 6/2020.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ Chris Murphy cũng đăng tải dòng Tweet nói rằng: “Soleimani là kẻ thù của nước Mỹ. Đó không phải là câu hỏi. Câu hỏi ở đây là việc Mỹ thực hiện cuộc tấn công tiêu diệt nhân vật quyền lực thứ hai tại Iran mà không có sự ủy quyền của Quốc hội, liệu có gây ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn trong khu vực hay không?”.
Bất chấp sự chỉ trích từ phe Dân chủ, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố cơ quan này “sẽ thực hiện mọi hành động cần thiết để bảo vệ người dân và các lợi ích của Mỹ ở bất cứ nơi nào trên thế giới”. Ngay sau tin tức về cái chết của ông được công bố, Tổng thống Trump đã đăng tải hình ảnh lá cờ Mỹ trên Twitter mà không đưa ra bất cứ bình luận nào.
Cuộc không kích của Mỹ vào sân bay tại thủ đô Baghdad của Iraq khiến tướng Soleimani thiệt mạng đánh dấu bước đi táo bạo của Tổng thống Trump, người trước nay luôn tỏ tín hiệu muốn ngoại giao chứ không phải chiến tranh với Iran, thậm chí còn ngó lơ khi Iran hạ một máy bay không người lái của Mỹ vào tháng 6/2019
Nhiều nhà quan sát lo ngại nguy cơ xuất hiện một cuộc chiến hoàn toàn mới trong khu vực. “Tổng thống Trump - người vừa tuyên bố sẽ giữ Mỹ tránh xa khỏi bất cứ cuộc chiến tranh nào tại Trung Đông, giờ đây lại có thể là người ban bố chiến tranh. Một cuộc không kích mà chính quyền ông Trump cho là chống lại các kế hoạch tấn công của Iran chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả ngoài ý muốn. Cái chết của Soleimani là một đòn giáng mạnh đối với Iran nhưng đây cũng là đòn giáng vào hy vọng giảm căng thẳng leo thang trong khu vực”, ông Robert Malley, chủ tịch Nhóm khủng hoảng quốc tế nhận xét./.
Mỹ đã có “chiếc ô pháp lý” để tấn công Iran, chiến tranh đang cận kề?
Mỹ đe dọa “đánh phủ đầu” nếu Iran tấn công các lực lượng Mỹ
Nga, Trung Quốc lên tiếng về vụ Mỹ không kích làm chết tướng Iran