Rút quân khỏi Afghanistan giúp Mỹ tập trung nguồn lực đối phó Trung Quốc và Nga
VOV.VN - Giới ngoại giao và truyền thông Trung Quốc đang "hân hoan" khai thác chủ đề Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, nhưng Tổng thống Joe Biden khẳng định, điều này giúp Mỹ tập trung hơn vào đối phó Trung Quốc và bảo vệ Đài Loan.
Giới quan sát ngoại giao nhận định việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan có thể không phải là tin tức tốt lành đối với Trung Quốc nếu như động thái này giải phóng các nguồn lực quân sự của Mỹ và cho phép Washington tập trung vào cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã bảo vệ quyết định của mình bằng việc nói rõ rằng việc rút quân sẽ mang lại cho Mỹ cơ hội tập trung vào việc đối phó Trung Quốc và Nga.
Trong khi ấy, truyền thông và giới ngoại giao Trung Quốc thời gian qua tận dụng mọi cơ hội có được để nhấn mạnh hình ảnh hàng ngàn người Afghanistan, bao gồm cả những nhân viên làm việc cho Mỹ, chen nhau trên đường băng sân bay quốc tế Kabul khi các máy bay vận tải của Mỹ cất cánh, coi đó như bằng chứng chứng minh Washington ích kỷ và không đáng tin cậy đối với các đồng minh và đối tác của họ ở cả châu Âu lẫn châu Á.
Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan được xem là đòn giáng mạnh vào uy tín của Mỹ.
Mỹ và Trung Quốc sẽ lại cạnh tranh trong vấn đề Afghanistan theo một hình thức mới
Nhưng việc rút quân nói trên cũng có tiềm năng biến Afghanistan - nơi từ lâu được coi là khu vực hợp tác chính yếu giữa Washington và Bắc Kinh, thành một đấu trường mới nhất cho thế đối đầu giữa đôi bên.
Derek Grossman - một nhà phân tích quốc phòng ở tập đoàn RAND, cho rằng duy trì ổn định ở Afghanistan là ưu tiên hàng đầu của cả Bắc Kinh và Washington. Nhưng các sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng bộc lộ rõ sau khi Trung Quốc tuyên bố họ sẵn sàng cho mối quan hệ "thân thiện và hợp tác" với tổ chức Hồi giáo cực đoan Taliban (lực lượng vừa lên nắm quyền ở Afghanistan từ ngày 15/8/2021).
Grossman cho rằng Mỹ sẽ chỉ chấp nhận một "Taliban có trách nhiệm và đã cải thiện thì mới được cai quản đất nước này". Trong khi đó, Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến sự ổn định khu vực. Theo Grossman, chính sự khác biệt chính yếu này có khả năng dẫn tới quan hệ Mỹ-Trung Quốc ngày càng xa cách trong vấn đề Afghanistan".
Trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào hôm 16/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cam kết sẽ làm việc với phía Mỹ để thúc đẩy một "sự hạ cánh nhẹ nhàng".
Còn khi được hỏi liệu có phải Trung Quốc đang cười Mỹ hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã đáp lại rằng: "Chúng tôi đâu cần phải chế giễu... Đây là vấn đề cũ của Mỹ, họ không tìm kiếm nguyên nhân cho các vấn đề của riêng họ, và không cố gắng giải quyết gốc rễ của vấn đề mà tiếp tục đổ lỗi cho thế giới bên ngoài".
Hiện vẫn chờ xem liệu Trung Quốc có tận dụng được việc Mỹ rút quân hay không.
Trung Quốc chưa thể vội vui
Trong lúc đó, Mỹ đang phải cố gắng giữ hình ảnh của mình.
Vào hôm 18/8, Tổng thống Biden nói với hãng truyền thông ABC rằng những gì xảy ra với Afghanistan sẽ không xảy đến với các đồng minh của Mỹ.
Ông Biden nói: "Chúng tôi có một cam kết thiêng liêng với Điều 5 (của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), đó là nếu ai đó xâm lược hoặc có hành động chống lại các đồng minh NATO, chúng tôi sẽ phản ứng. Tương tự như với Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan".
Việc ông Biden đề cập Đài Loan (hòn đảo được Bắc Kinh coi là một bộ phận lãnh thổ của mình) đã hối thúc Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định rằng chính sách của Mỹ đối với hòn đảo này là không thay đổi. Chính sách này thường được xem là có tính mập mờ chiến lược.
Trong một diễn biến liên quan, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã lên đường đi thăm Đông Nam Á nhằm nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với khu vực.
Shi Yinhong - một chuyên gia quốc tế tại Đại học Nhân dân, cho biết Bắc Kinh đang cẩn thận theo dõi những diễn biến ở Afghanistan.
Shi nói: "Hẳn là phải có lợi ích chiến lược nào đó cho Mỹ sau khi rút khỏi cuộc chiến 20 năm. Mỹ đã nói rõ rằng họ sẽ tập trung các lực lượng chiến lược vào Trung Quốc, tôi tin rằng Trung Quốc đang lắng nghe và theo dõi".
Lu Xiang, một chuyên gia các vấn đề về Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng châu Á-Thái Bình Dương có thể là ưu tiên hàng đầu trong chính sách nghị sự của Nhà Trắng.
Theo Lu, Mỹ luôn tìm cách gây khó dễ cho Trung Quốc thông qua các vấn đề Biển Đông và Đài Loan.
Chen Xiangmiao, nghiên cứu viên tại Viện quốc gia Trung Quốc nghiên cứu Đông Nam Á, có trụ sở ở Hải Nam, phán đoán Trung Quốc có thể đối mặt với áp lực lớn hơn từ Mỹ sau khi nước này rút hết quân khỏi Afghanistan.
Chẳng hạn, Mỹ có thể gây sức ép thêm với Trung Quốc về vấn đề Myanmar, đồng thời tăng cường giao lưu với Malaysia và Philippines trong vấn đề Biển Đông./.