Sắc lệnh động viên một phần có giúp Nga lật ngược thế cờ?
VOV.VN - Bầu không khí chính trị đã nóng thêm một vài độ trong tuần này sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh động viên một phần cho phép Nga huy động thêm quân nhân dự bị cho chiến dịch quân sự tại Ukaine.
Sắc lệnh mà Tổng thống Putin ban bố cung cấp rất ít chi tiết, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, lệnh động viên một phần nói trên sẽ cho phép nước này huy động thêm 300.000 người từ lực lượng dự bị, tương đương hơn 1% tiềm lực tổng động viên của Nga. Một số người cho rằng, do cung cấp rất ít chỉ dẫn nên sắc lệnh này sẽ tạo điều kiện cho cho cơ quan chức năng mở rộng phạm vi hoạt động khi triển khai.
Trước mắt, những người từng phục vụ trong quân đội, có kinh nghiệm chiến đấu hoặc kỹ năng quân sự chuyên biệt sẽ được điều động. Còn sinh viên hoặc những người thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong 12 tháng sẽ được loại trừ. Các lực lượng dự bị sẽ phải trải qua khóa huấn luyện và đào tạo trước khi được triển khai đến Ukraine. Các nhà phân tích quân sự phương Tây dự đoán, quá trình này có thể kéo dài vài tháng.
Động thái của ông Putin tiết lộ điều gì về cuộc xung đột tại Ukraine?
Tuyên bố của Tổng thống Putin được đưa ra một ngày sau khi 4 khu vực gồm Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng ở vùng Donbass và các khu vực do Nga kiểm soát ở Kherson, Zaporizhzhia của Ukraine công bố quyết định tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về sáp nhập Nga.
Nếu người dân tại 4 khu vực đồng ý sáp nhập vào Nga thì học thuyết về vũ khí hạt nhân của Nga sẽ được áp dụng tại các vùng lãnh thổ này. Điều đó có nghĩa là nếu quân đội Ukraine tấn công các vùng lãnh thổ đó, Điện Kremlin sẽ coi đây là cuộc tấn công vào nước Nga và có cơ sở sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ.
“Theo tính toán của Nga, việc thực hiện sắc lệnh điều động một phần là hợp lý, đặc biệt dựa trên những gì xảy ra ở Kharkov và điều này đóng vai trò là chất xúc tác tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong cuộc chiến”, Tiến sĩ Marina Miron, thuộc Trung tâm Đạo đức Quân sự, Đại học King's College London nhận định, ý nói đến cuộc phải công của Ukraine ở phía Đông Bắc, nơi quân đội nước này tuyên bố đã giành được 8.000 km2 lãnh thổ.
Bà Marina Miron nhấn mạnh: “Số lượng quân nhân dự bị cần được huy động dường như đã được tính toán cẩn thận và Nga cho thấy họ sẵn sàng chi các nguồn lực cần thiết để bảo vệ những khu vực mà nước này đang kiểm soát”.
Sắc lệnh trên cũng nhằm đưa chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trở thành tâm điểm chú ý đối với công chúng Nga, khiến người dân quan tâm đến cái mà Moscow cho là “tính chính nghĩa” của cuộc chiến.
“Nga đã cố gắng phát huy tinh thần dân tộc trong nhiều năm qua. Theo logic này, việc huy động quân nhân dự bị được coi là cách thức để tuyển mộ thêm nhiều binh sỹ bảo vệ Nga và các vùng lãnh thổ thuộc Nga. Trong mắt Điện Kremlin, cuộc xung đột tại Ukraine không chỉ là cuộc chiến giữa Nga với Ukraine, mà xét rộng và là cuộc chiến giữa Nga với cả phương Tây”.
Cùng chung quan điểm này, Nikolay Petrov – nhà nghiên cứu về Nga và Á-Âu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Chatham House ở London cho rằng, bài phát biểu của Tổng thống Putin khi ban bố sắc lệnh động viên một phần là nỗ lực đưa cuộc chiến tại Ukraine thành một cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, đồng thời góp phần xoa dịu những lo ngại của các đồng minh cả trong lẫn ngoài nước.
“Thời gian gần đây, Tổng thống Putin đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác. Những nhà lãnh đạo này đã công khai bày tỏ lo ngại cuộc chiến có thể kéo dài, đồng thời kêu gọi Nga nhanh chóng chấm dứt chiến tranh. Đây cũng có thể là một yếu tố quan trọng chi phối quyết định của Moscow”, ông Nikolay Petrov lưu ý. Bên cạnh đó, nhiều chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc đã kêu gọi chính phủ ban bố lệnh động viên suốt nhiều tháng qua, chỉ ra rằng Ukraine đã có một số lợi thế về nhân lực nhờ huy động và huấn luyện hàng trăm binh sỹ kể từ tháng 2.
Nga có thể thay đổi cục diện?
Một số người đã đặt câu hỏi liệu sắc lệnh động viên một phần có giúp làm xoay chuyển cuộc chiến hay không. Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ cho rằng, việc huy động một phần có thể giúp Nga đảm bảo nguồn nhân lực quân sự với mức độ hiện tại cho đến năm 2023 bằng cách bù đắp cho con số thương vong, nhưng khó tạo ra sự thay đổi lớn trên chiến trường.
Vào ngày 21/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo, gần 6.000 binh sỹ Nga đã thiệt mạng trong cuộc chiến với Ukraine. Con số này nhỏ hơn nhiều so với đánh giá của phương Tây. Hồi tháng 8 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính con số thương vong về phía Nga là khoảng 80.000 người kể từ khi xung đột bắt đầu vào ngày 24/2.
Nhà phân tích Orysia Lutsevych thuộc Viện nghiên cứu Chatham House của Anh cũng cho rằng việc huy động một phần sẽ khó giúp Nga lật ngược tình thế bởi phần lớn các tân binh đều chưa có kinh nghiệm dày dặn trong chiến đấu.
Còn theo chuyên gia Marina Miron, kết quả của việc Nga thực thi sắc lệnh điều động một phần sẽ quyết định điều gì xảy ra tiếp theo. “Vẫn còn phải xem xét bao nhiêu binh sỹ sẽ được huy động và con số này có đủ để Nga đạt được các mục tiêu trong chiến dịch quân sự hay không”.
“Nếu Nga ban bố sắc lệnh tổng động viên hoàn toàn thì đây không khác gì lời tuyên chiến. Vì thế sắc lệnh động viên một phần được cho là lựa chọn thích hợp nhất để tránh gây xáo trộn đối với nền kinh tế, xã hội và cuộc sống của người dân Nga, đồng thời củng cố năng lực quân sự của Moscow trên các mặt trận tại Ukraine. Chưa kể nếu Lugansk, Donetsk hoặc một số khu vực khác quyết định sáp nhập Nga, Moscow cần phải có sự hiện diện thường trực để bảo vệ các vùng lãnh thổ này”.
Trong trường hợp sự hỗ trợ của phương Tây đối với Ukraine sụt giảm trong mùa Đông và nguồn cung vũ khí bị gián đoạn, cuộc phản công của Ukraine chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn và cán cân lực lượng sẽ nghiêng về phía Nga./.