Sai lầm của Trung Quốc khiến Tổng thống Biden thu về “quả ngọt” sớm hơn dự kiến
VOV.VN - Trung Quốc tưởng như đã loại EU khỏi cuộc đối đầu Mỹ - Trung nhưng những tính toán sai lầm của nước này đang vô tình khiến Tổng thống Biden đạt được mục tiêu sớm hơn dự kiến.
Tính toán sai lầm của Trung Quốc
Vào ngày cuối cùng của năm 2020, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận đầu tư với Liên minh châu Âu (EU). Bắc Kinh khi đó dường như cảm thấy hài lòng khi kéo được EU về phía mình trước khi Tổng thống Biden bước vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, đến nay có thể thấy mọi việc không đơn giản như vậy.
Sự hăm hở của Trung Quốc trong việc ký kết "Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện" đã được thể hiện qua những nhượng bộ của nước này sau 11 giờ đàm phán với EU, trong đó bao gồm cả những nỗ lực bền vững trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về lao động.
Sở dĩ Trung Quốc gấp rút muốn thỏa thuận với EU nhanh chóng được hoàn tất bởi không giống như cựu Tổng thống Donald Trump với các chính sách "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Biden khẳng định ông muốn tái thiết lập các mối quan hệ và các liên minh, cũng như tập hợp một mặt trận phương Tây đoàn kết và mạnh mẽ nhằm chống lại Trung Quốc.
Khi EU phớt lờ những can ngăn của các cố vấn của chính quyền ông Biden về việc chờ tới khi chính quyền mới có cơ hội đánh giá về những mối lo ngại chung của Mỹ và EU về các chính sách kinh tế của Trung Quốc, Bắc Kinh tưởng như đã thành công trong việc chia rẽ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, điều kiện để thỏa thuận đầu tư EU - Trung Quốc có hiệu lực là sự thông qua cuối cùng của Nghị viện châu Âu.
Ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã cử các đặc phái viên tới các nước là những đồng minh truyền thống của Mỹ, tìm cách tái thiết lập các liên minh truyền thống và xây dựng một mặt trận chung nhằm đối phó với Trung Quốc trên một loạt vấn đề từ các chính sách kinh tế, Sáng kiến Vành đai và Con đường cho tới các vấn đề như Tân Cương và Hong Kong.
Vào tháng 3/2021, những nỗ lực này đã thu được thành quả khi EU cùng với Mỹ, Anh và Canada áp lệnh trừng phạt lên các cá nhân và thực thể Trung Quốc về vấn đề Tân Cương. Trung Quốc sau đó đã đáp trả bằng cách trừng phạt các nghị sĩ EU, một số cá nhân và tổ chức nghiên cứu châu Âu.
Theo nhà quan sát Stephen Bartholomeusz nhận định trên Sydney Morning Herald, đây là một tính toán sai lầm của Trung Quốc. Việc nhắm vào các cá nhân của Nghị viện châu Âu, cơ quan thông qua thỏa thuận đầu tư, có thể khiến các nghị sĩ khác giận dữ và đẩy châu Âu gần hơn với Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Sau 7 năm đàm phán và sự nhượng bộ vào phút chót, EU khẳng định rằng liên minh này sẽ không thông qua thỏa thuận nếu các lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức châu Âu vẫn chưa được dỡ bỏ. Thậm chí, nếu Trung Quốc dỡ bỏ trừng phạt, động thái này có lẽ cũng đã quá muộn màng để cứu vãn được thỏa thuận.
Đức là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và không mấy ngạc nhiên khi EU trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc thì Đức cũng chiếm tới 40% hàng hóa xuất khẩu của EU sang Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Đức chỉ sau Mỹ nhưng quy mô này đang phát triển ngày càng nhanh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn cố gắng tách rời các vấn đề kinh tế với các vấn đề chính trị trong mối quan hệ giữa EU với Trung Quốc nhằm bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế Đức.
Dù vậy, với việc bà Merkel sắp nghỉ hưu và Đảng Xanh hiện đang dẫn trước Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Đức trong các cuộc khảo sát, cuộc bầu cử vào tháng 9 tới có thể thay đổi lập trường của EU với thái độ hoài nghi Trung Quốc chiếm ưu thế hơn.
Cây cầu xuyên Đại Tây Dương “tan băng” sớm hơn dự kiến
Trên thực tế, quan điểm của EU về Trung Quốc đã thay đổi nhanh chóng trong những năm qua. Ngoài vấn đề Tân Cương và Hong Kong, EU đã tiết lộ một kế hoạch trong tuần này bao gồm các quy tắc mới đối với các công ty nước ngoài được nhà nước trợ cấp. Các quy tắc trên rõ ràng được cho là nhắm đến Trung Quốc.
EU cũng ngày càng hoài nghị về Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Điều này được minh chứng qua lời đề nghị hỗ trợ của Montenegro sau khi tham gia vào sáng kiến trên với khoản nợ gần 1 tỷ USD cho dự án xây đường cao tốc mới tới Serbia. Dự án xây dựng này được một công ty Trung Quốc thi công nhưng tiến độ đã chậm nhiều năm so với kế hoạch.
Quốc gia nhỏ bé vùng Balkan với GDP chỉ khoảng 5,5 tỷ USD này muốn EU hỗ trợ trả khoản nợ trên để tránh bị Trung Quốc lũng đoạn tài chính.
Montenegro là một nước thành viên của NATO và hiện đang muốn gia nhập EU. Mặc dù EU khẳng định khối này sẽ không hỗ trợ Montenegro trả khoản nợ trên nhưng vị trí chiến lược nhạy cảm của Montenegro khiến EU không thể “bỏ mặc” quốc gia này và cho biết có thể sẽ tái cấp tài chính cho Montenegro.
Các nền kinh tế thành viên châu Âu ngày càng cứng rắn trong cách tiếp cận với các thỏa thuận đầu tư của Trung Quốc, cũng như nỗ lực bảo vệ các công ty và tài sản sở hữu trí tuệ có liên quan đáng kể tới kinh tế và an ninh quốc gia. Sau khi chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, EU cũng đang nghĩ lại về việc độc lập trước Trung Quốc đối với những dây chuyền cung ứng quan trọng.
Cuộc họp Ngoại trưởng G7 tuần này ở London (gồm các nước Đức, Pháp, Italy, Canada, Nhật Bản, Anh và Mỹ) cũng tái khẳng định mối lo ngại về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, Sáng kiến Vành đai và Con đường, sự hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng như các hành vi cưỡng ép kinh tế của nước này.
Thủ tướng Merkel hiện đang thúc đẩy khả năng tiến hành một thỏa thuận thương mại giữa EU và Mỹ. Mỹ và EU đã dừng áp thuế lẫn nhau sau những tranh cãi liên quan đến vấn đề trợ giá cho Airbus và Boeing. Các quan chức thương mại cấp cao Mỹ tăng cường các chuyến làm việc xuyên Đại Tây Dương với các đối tác châu Âu. Mỹ cũng đang cố gắng xây dựng những mục tiêu chung trong những vấn đè liên quan đến Trung Quốc với các nước ở châu Á - Thái Bình Dương.
Tốc độ thực hiện và mức độ thành công của chính quyền Tổng thống Biden trong việc xây dựng lại mối quan hệ với các đồng minh truyền thống đã khiến giới lãnh đạo Trung Quốc kinh ngạc. Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu dưới thới cựu Tổng thống Trump đang tan băng nhanh hơn so với dự đoán và dường như Trung Quốc vô tình trở thành nhân tố thúc đẩy quá trình này./.