Sai lầm của Trung Quốc và cách Tổng thống Biden đưa nước Mỹ “trở lại đường đua”

VOV.VN - Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội để gia tăng ảnh hưởng như thế nào trong những năm qua và Tổng thống Biden đang làm gì để đưa nước Mỹ trở lại đường đua?

Cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ - Trung

Phát biểu tại văn phòng Liên Hợp Quốc ở Thụy Sĩ hồi tháng 1/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khắc họa Trung Quốc như một nước lớn trỗi dậy hòa bình, một quốc gia mà các quốc gia khác có thể tin tưởng là sẽ làm những điều đúng đắn cho thế giới.

"Chúng tôi sẽ xây dựng vòng tròn bạn bè trên khắp thế giới. Trung Quốc chưa bao giờ tìm kiếm sự bành trướng, bá quyền hay phạm vi ảnh hưởng", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói.

Vào một tuần sau đó, ông Donald Trump đứng trước Tòa nhà Quốc hội đọc bài phát biểu nhậm chức. Các nhà lãnh đạo toàn cầu và người dân của họ đều tin rằng vị Tổng thống kế nhiệm của nước Mỹ sẽ thúc đẩy những tuyên bố mang đậm chủ nghĩa dân tộc và dân túy, điều đã góp phần đưa ông vào Nhà Trắng.

"Một tầm nhìn mới sẽ dẫn dắt đất nước chúng ta từ hôm nay tới mai sau: Đó sẽ là chỉ duy nhất Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Trump khẳng định.

Thông điệp rút ra đã rõ ràng. Trung Quốc vươn ra thế giới trong khi Mỹ hướng về trong nước, rút khỏi vị thế mà nước này từng tự tuyên bố là quyền lực "không thể thay thế" duy nhất trong các vấn đề toàn cầu.

Từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ không chỉ là nền kinh tế lớn nhất, sở hữu quyền lực quân sự mạnh nhất mà còn có vị thế ngoại giao độc nhất. Không có quốc gia nào có thể sánh với Mỹ về các liên minh truyền thống hay mạng lưới các đại sứ quán và lãnh sự quán trên toàn cầu. Khi xung đột nổ ra ở khu vực Balkan, châu Phi hay Trung Đông, thế giới đều nhìn về phía Mỹ khi nước này ra quyết định.

Tuy nhiên, sau vụ khủng bố 11/9, Chiến tranh Iraq và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, quyền lực của Mỹ nay đã bị phân tán, chia rẽ và suy giảm phần nào.

Theo nhà phân tích Matthew Knott nhận định trên Sydney Morning Herald, trong những hiệu sách ở Washington, không khó để bắt gặp những quyển sách với tiêu đề như: Nước Mỹ đang rút lui (America in Retreat), Thế giới hậu Mỹ (The Post-American World) hay Sự chấm dứt của Kỷ nguyên Mỹ (The End of the American Era). 4 năm nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump hay sự phản ứng ban đầu của Mỹ trước đại dịch Covid-19 chỉ khiến những cảm nhận trên trở nên sâu sắc.

Trong khi đó, Trung Quốc mở rộng mạng lưới ngoại giao trên khắp thế giới và nỗ lực này được tăng cường mạnh mẽ dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Năm 2016, Trung Quốc có mạng lưới ngoại giao lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Pháp. Năm 2019, nước này đã vượt Pháp và theo đà đó tiếp tục vượt Mỹ về số lượng các vị trí ngoại giao, Viện Lowy cho hay.

Cùng với việc gia tăng các đại sứ quán, Trung Quốc cũng "đổ" tiền vào những nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin.

Chiến lược gia tăng ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc được thể hiện rõ qua Sáng kiến Vành đai và Con đường - một dự án khổng lồ trải rộng khắp châu Á, Thái Bình Dương và châu Âu nhằm kết nối các mạng lưới số, vận tải, thương mại và cơ sở hạ tầng. Mặc dù các quan chức Trung Quốc sẽ không bao giờ nói công khai nhưng họ kỳ vọng rằng sự lớn rộng của những dự án của Trung Quốc sẽ giúp các nước nhận được hỗ trợ đứng về Bắc Kinh trong những tranh chấp địa chính trị.

Năm 2019, khi 22 quốc gia, trong đó có Australia, Đức và Anh, gửi một bức thư chung lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Tân Cương, Trung Quốc đã phản ứng lại bằng cách tự gửi một bức thư khác với chữ ký của 50 quốc gia, bác bỏ những cáo buộc mà nước này cho là "vô căn cứ", đồng thời "phản đối mạnh mẽ hành vi của các nước liên quan" khi chính trị hóa vấn đề nhân quyền bằng cách nêu tên và công khai gia tăng sức ép với các quốc gia khác.

Đáng chú ý, trong số 23 quốc gia ủng hộ Trung Quốc có cả những nước với đa số là người Hồi giáo và 3 nước ký vào lá thư của Trung Quốc có Bahrain, Kuwait và Saudi Arabia - 3 quốc gia đều có các căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ của họ.

Elizabeth Economy, học giả cấp cao nghiên cứu về Trung Quốc tại Hội đồng Đối ngoại cho biết: "Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện toàn cầu gấp 10 lần kể từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền". Trong khi đó, chuyên gia này cho rằng: "Tổng thống Trump đã không đánh giá cao các liên minh, các thể chế đa phương và sự lãnh đạo của nước Mỹ trước những thách thức toàn cầu".

Cơ hội bị bỏ lỡ của Trung Quốc

Tuy nhiên, trong khi dưới thời cựu Tổng thống Trump, vị thế của nước Mỹ ngày càng lung lay trong mắt các đối tác và đồng minh thì một điều khác đã xảy ra. Đó là Trung Quốc đang tự phá hủy những tham vọng ngoại giao của mình và trong một vài tình huống, thậm chí Bắc Kinh đã đẩy những quốc gia khác xích lại gần Washington.

Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc không tìm cách trở thành bá chủ thế giới hay mở rộng phạm vi ảnh hưởng nhưng những gì mà thế giới chứng kiến lại không như vậy. Bonnie Glaser, giám đốc Chương trình châu Á tại Quỹ Marshall của Đức tại Mỹ nhận định: "Tôi không nghĩ Trung Quốc thực sự tận dụng được những cơ hội mà chính quyền Tổng thống Trump đã vô tình trao cho họ".

Nhà quan sát Elizabeth Economy thì nhận định: "Rõ ràng, sự gia tăng thương mại và đầu tư của Trung Quốc không đi cùng với sự mở rộng ảnh hưởng và thiện cảm. Trung Quốc thậm chí đã tự bắn vào chân mình".

Nhà quan sát Luke Patey thì nhận định trong cuốn sách "Trung Quốc đang thua như thế nào: Trở lực ngăn cản những tham vọng toàn cầu của Trung Quốc" (How China Loses: The Pushback against Chinese Global Ambitions) xuất bản năm 2020 rằng, những nỗ lực bành trướng về quân sự, hung hăng trong ngoại giao hay xây dựng một đế chế kinh tế của Trung Quốc đang làm suy yếu tham vọng của Trung Quốc trong việc chi phối các vấn đề thế giới.

Mặc dù ban đầu hầu hết các nước thu nhập thấp hoan nghênh những khoản đầu tư của Trung Quốc nhưng kết quả các dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường không phải lúc nào cũng được nhìn nhận một cách tích cực.

Việc chính phủ Sri Lanka cho Trung Quốc thuê một cảng biển trong 99 năm sau khi không thể trả nợ cho nước này đã khiến một số quốc gia khác giảm quy mô hoặc hủy các dự án của họ trong Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm tránh rơi vào "ngoại giao bẫy nợ".

Dù vậy, không phải tất cả các nhà phân tích đều cho rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường là "cái bẫy" với những nước đang phát triển. Nhà quan sát Shahar Hameiri đến từ Đại học Queensland cho rằng, việc Sri Lanka không thể quản lý các khoản tài chính mới là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến việc không thể trả nợ chứ không phải hoàn toàn từ phía Trung Quốc.

Rượu ngon và súng ống

Trung Quốc đang áp dụng hướng tiếp cận gia tăng sự đối đầu để truyền tải thông điệp của mình, thường được gọi với cái tên "ngoại giao chiến lang".

Những nhận định của Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển Gui Congyou năm 2019 là điển hình cho hướng tiếp cận này: "Chúng tôi đối xử với bạn bè bằng rượu ngon nhưng với kẻ thù thì sẽ dùng súng ống".

Ông Gui Congyou đưa ra nhận định trên sau khi giải thưởng văn học PEN của Thụy Điển được trao cho Gui Minhai - một nhà xuất bản sách người Thụy Điển gốc Hoa, người đã bị Trung Quốc tuyên án 10 năm tù giam.

Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã cố gắng sử dụng ảnh hưởng để ngăn các quan chức Thụy Điển tham dự sự kiện này, một chiến dịch mà đích thân Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven đã lên tiếng rằng: "Chúng tôi sẽ không đầu hàng trước kiểu đe dọa này. Không bao giờ".

Thụy Điển, quốc gia được biết tới với cam kết trung lập trong các vấn đề quốc tế, hiện là một trong những nước có lập trường cứng rắn nhất với Trung Quốc ở châu Âu. Nước này đã chấm dứt tất cả thỏa thuận với Học viện Khổng Tử và dừng các thỏa thuận thành phố kết nghĩa với Trung Quốc. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy quan điểm tiêu cực về Trung Quốc ở Thụy Điển đã tăng từ 49% năm 2017 lên 85% năm 2020.

Tại Australia, một trong những quốc gia kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19, quan điểm tiêu cực về Trung Quốc đã tăng từ 32% lên 81% trong 3 năm. Tại Canada, tỷ lệ này tăng từ 40% lên 73% sau những tranh cãi về thương mại và việc bắt giữ nhà ngoại giao Canada Michael Kovrig ở Bắc Kinh với những cáo buộc về tội gián điệp.

Thái độ tiêu cực về Trung Quốc cũng tăng cao ở Anh, Đức, Hà Lan và Pháp. Phần lớn người dân ở các nước này đều nói họ không cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ làm điều đúng đắn cho thế giới.

"Thời điểm mà châu Âu ngây thơ đã chấm dứt. Trong nhiều năm qua, chúng ta có một hướng tiếp cận rời rạc và Trung Quốc đã tận dụng sự chia rẽ của chúng ra", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định năm 2019.

Cùng năm đó, Liên minh châu Âu lần đầu tiên công khai gọi Trung Quốc là "địch thủ mang tính hệ thống" trong khi liên minh NATO cũng có lập trường ngày càng cứng rắn hơn.

Biden đưa nước Mỹ “trở lại đường đua”

Herve Lemahieu, giám đốc chương trình nghiên cứu ngoại giao và quyền lực tại Viện Lowy nhận định: "Trung Quốc chủ động và đa dạng quan hệ ngoại giao hơn so với Mỹ. Nước này có nhiều quan hệ đối tác với các nước hơn nhưng đây chủ yếu là những mối quan hệ bề mặt. Các mối quan hệ đối tác của Mỹ ít hơn nhưng sâu sắc hơn và nhiều quốc gia quan trọng hơn".

Elizabeth Economy, một học giả cấp cao về Trung Quốc tại Viện Hoover của Đại học Standford thì cho rằng: "Tôi không thấy nhiều bằng chứng về việc Trung Quốc có thể mang các quốc gia lại gần nhau và tăng cường sự nhất trí đối với các thách thức toàn cầu". Sự thất bại của nước này trong việc khẳng định sự lãnh đạo toàn cầu về vấn đề biến đổi khí hậu dưới thời cựu Tổng thống Trump là chỉ là một ví dụ, chuyên gia này đánh giá.

Đặc biệt, từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã tập trung vào việc sửa chữa quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống. Nhà lãnh đạo Mỹ nhận được hoan nghênh khi nhanh chóng khôi phục vị thế nhà lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ. Ông đưa Mỹ quay lại Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Tổng thống Biden cũng tổ chức và dự hàng loạt Thượng đỉnh với nhiều nhà lãnh đạo thế giới nhằm giải quyết các vấn đề, từ cam kết cắt giảm khí thải carbon, cho tới những nỗ lực đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương. Ông cũng thông báo sẽ dành 80 triệu liều vaccine Covid-19 để hỗ trợ cho các quốc gia khác.

"Mặc dù vẫn cần tiếp tục xây dựng sự tin tưởng lớn hơn nữa nhưng chính quyền Tổng thống Biden đã đưa nước Mỹ quay lại cuộc đua một cách rất hiệu quả", bà Elizabeth Economy nhận định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thành lập “NATO thương mại” chống Trung Quốc: Nói dễ hơn làm
Thành lập “NATO thương mại” chống Trung Quốc: Nói dễ hơn làm

VOV.VN - Các quan chức Mỹ và Anh đề xuất thành lập “NATO thương mại” nhằm đối phó với Trung Quốc nhưng liệu các quốc gia có đồng lòng để biến ý tưởng này thành hiện thực khi mỗi bên lại có những toan tính và lợi ích khác nhau?

Thành lập “NATO thương mại” chống Trung Quốc: Nói dễ hơn làm

Thành lập “NATO thương mại” chống Trung Quốc: Nói dễ hơn làm

VOV.VN - Các quan chức Mỹ và Anh đề xuất thành lập “NATO thương mại” nhằm đối phó với Trung Quốc nhưng liệu các quốc gia có đồng lòng để biến ý tưởng này thành hiện thực khi mỗi bên lại có những toan tính và lợi ích khác nhau?

Các nước Thái Bình Dương lo ngại bị cuốn vào “trò chơi địa chính trị” giữa Mỹ - Trung Quốc
Các nước Thái Bình Dương lo ngại bị cuốn vào “trò chơi địa chính trị” giữa Mỹ - Trung Quốc

VOV.VN - Nhiều quốc gia ở Thái Bình Dương đã tỏ ra lo ngại khi cuộc tranh giành ảnh hưởng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực ngày càng gay gắt.

Các nước Thái Bình Dương lo ngại bị cuốn vào “trò chơi địa chính trị” giữa Mỹ - Trung Quốc

Các nước Thái Bình Dương lo ngại bị cuốn vào “trò chơi địa chính trị” giữa Mỹ - Trung Quốc

VOV.VN - Nhiều quốc gia ở Thái Bình Dương đã tỏ ra lo ngại khi cuộc tranh giành ảnh hưởng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực ngày càng gay gắt.

Mâu thuẫn giữa chính quyền Biden và Quốc hội về ngân sách cho sáng kiến đối phó Trung Quốc
Mâu thuẫn giữa chính quyền Biden và Quốc hội về ngân sách cho sáng kiến đối phó Trung Quốc

VOV.VN - Mâu thuẫn giữa chính quyền Tổng thống Biden với nhiều thành viên Quốc hội, về Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI) cho thấy sự bối rối Mỹ trong thực hiện chiến lược đối phó với Trung Quốc.

Mâu thuẫn giữa chính quyền Biden và Quốc hội về ngân sách cho sáng kiến đối phó Trung Quốc

Mâu thuẫn giữa chính quyền Biden và Quốc hội về ngân sách cho sáng kiến đối phó Trung Quốc

VOV.VN - Mâu thuẫn giữa chính quyền Tổng thống Biden với nhiều thành viên Quốc hội, về Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI) cho thấy sự bối rối Mỹ trong thực hiện chiến lược đối phó với Trung Quốc.