Sau giải phóng Ghouta, Syria tính bước hòa bình tiếp theo
VOV.VN - Cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran mới chỉ là bước đầu, bởi vì trên thực địa, chiến trường Syria đang bị chia nhỏ thành nhiều "mặt trận".
Ngày 4/4, các nhà lãnh đạo của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran có cuộc gặp thượng đỉnh tại thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) để bàn thảo tiến trình an ninh và việc thành lập một thể chế mới tại Syria.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã giành những bước tiến lớn. Ảnh: AP
Cuộc gặp thượng đỉnh đưa 2 nước đồng minh lớn của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là Nga và Iran cùng với một trong những nước đối đầu lớn nhất với chính phủ của ông al-Assad là Thổ Nhĩ Kỳ, ngồi vào bàn thảo luận. Sự hợp tác giữa các bên đối đầu quan điểm mang lại hy vọng về hòa bình và ổn định cho Syria sau 7 năm xung đột, làm 500.000 người thiệt mạng và hơn một nửa dân số tại quốc gia Trung Đông này bị mất nhà cửa.
Dù vậy, cuộc gặp thượng đỉnh mới chỉ là bước đầu, bởi vì trên thực địa chiến trường Syria đang bị chia nhỏ thành nhiều “mặt trận”.
Mâu thuẫn đan xen
Quân đội Syria với sự hỗ trợ của Iran trên bộ và yểm trợ trên không từ Nga đã giải phóng Đông Ghouta-vùng ngoại ô thủ đô Damascus, cũng là một trong 4 điểm giảm căng thẳng được đưa ra trong những thỏa thuận hòa bình cho Syria.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án mạnh mẽ chiến dịch giải phóng Đông Ghouta của quân đội Syria, vốn biến khu vực này thành “chảo lửa”, đẩy người dân thường mắc kẹt trong vùng chiến sự vào “địa ngục trần gian”. Cùng với đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch “Nhành Ôliu” nhắm vào lực lượng người Kurd ở Afrin, phía Tây Bắc Syria. Tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng chiến dịch về phía Đông và đánh chiếm thị trấn Tel Rifaat đã khiến phía Iran “nóng mặt”.
“Bất kể là vì mục đích gì, các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, từ chiến dịch tại Afrin đến Tel Rifaat hay bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Syria, đều phải chấm dứt càng sớm càng tốt”, một quan chức cấp cao của Iran nói.
Iran là đồng minh hỗ trợ tích cực nhất cho chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad trong cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 7. Lực lượng được Iran hậu thuẫn tại Syria đã góp công cho những bước tiến ban đầu của quân đội Syria trước các nhóm phiến quân đối lập. Sau đó, đến năm 2015, Nga mới đưa quân tới hỗ trợ chính phủ của Tổng thống al-Assad, tạo bước đột phá quyết định cho các bước tiến của quân đội Syria trên các mặt trận.
Theo nguồn tin từ Ankara, tại cuộc gặp thượng đỉnh với sự tham dự của Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp nước chủ nhà Tayyip Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Nga gây sức ép để chính phủ của ông al-Assad cho phép tiếp cận nhân đạo hơn nữa tại Ghouta và kiềm chế các vụ không kích nhằm vào các khu vực do lực lượng phiến quân kiểm soát.
“Chúng tôi hy vọng Nga có ảnh hưởng lớn hơn với chính quyền Syria”, nguồn tin từ Ankara nhấn mạnh.
Quan hệ Moscow và Ankara sụp đổ cùng trong năm 2015, khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-25 của Nga ở khu vực biên giới Syria. Đến tháng 11/2017, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã khôi phục hoàn toàn quan hệ, đồng thái khiến các đồng minh phương Tây của Ankara không khỏi lo ngại.
Đến nay, giữa lúc căng thẳng ngoại giao Nga với Mỹ và châu Âu leo thang liên quan vụ đầu độc cựu điệp viên 2 mang tại Anh, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số ít các nước là đối tác của NATO không tiếp bước Anh trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Quan hệ chính trị cải thiện giữa Moscow-Ankara còn được chứng minh qua thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 của Nga, cùng các kế hoạch để tập đoàn ROSATOM của Nga xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Với Iran, dù quan hệ từ lâu nay là không hề mặn mà, song Thổ Nhĩ Kỳ và nước Cộng hòa Hồi giáo vừa qua đã có chuyến thăm trao đổi giữa giới chức quân sự hàng đầu 2 bên.
Từ trái qua phải là nhà lãnh đạo của Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP |
“Điều kiện cần” cho hòa bình Syria
Đứng ra dàn xếp các cuộc hòa đàm cho Syria, việc Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran cải thiện quan hệ không phải là “điều kiện đủ” để có thể chuyển biến thành một thỏa thuận rộng lớn hơn cho tương lai hòa bình của Syria.
Đến nay, Iran vẫn một mực muốn Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại vị trong thể chế mới tại quốc gia Trung Đông này. Nga thì không còn nhắc nhiều đến cam kết đảm bảo vị trí quyền lực cho ông al-Assad. Còn Thổ Nhĩ Kỳ thì tuyên bố chức danh Tổng thống Syria hiện không còn tính pháp lý, song Ankara cũng không còn giục giã ông al-Assad phải ngay lập tức từ chức.
Tại cuộc đàm phán hòa bình Syria diễn ra 2 tháng trước đây ở Sochi, Nga, một số nước phương Tây đã từ chối tham gia, cho rằng tiến trình hòa bình này nên do Liên Hợp Quốc dẫn đầu. Các cường quốc phương Tây và một số nước Arab tin rằng, cuộc đàm phán Sochi nhằm đặt nền tảng cho một giải pháp có lợi cho Tổng thống Bashar al-Assad và các đồng minh Nga và Iran. Do đó, phe đối lập Syria cũng đã tẩy chay cuộc cuộc hòa đàm này. Dù vậy, cuộc đàm phán cũng nhất trí việc thành lập một ủy ban để đánh giá lại tình hình và thể chế hiện tại của Syria, đồng thời kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ.
Sau diễn biến này, cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran cũng tập trung thảo luận việc thiết lập ủy ban này, các vấn đề nhân đạo và các diễn biến tại khu vực Idlib, ở miền Bắc Syria, nơi đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng đối lập và các nhóm phiến quân Hồi giáo.
Giới quan sát cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên này mang tính chất như “điều kiện cần” để giải quyết vấn đề Syria, trong khi “điều kiện đủ” để quyết định tương la và hòa bình nằm trong tay người Syria.
“Vấn đề là 3 nước với 3 nền chính trị khác nhau sẽ thảo luận về Syria. Nhìn chung, mục tiêu của cuộc gặp là tìm một nền tảng chung và các kế hoạch để cải thiện trước tiên tình hình hiện nay tại Syria”, nguồn tin từ Ankara nhận định./.
Chiến trường Syria: Mỹ ra, Pháp vào đều ảo tưởng như nhau
Tổng thống Nga Putin tuyên bố IS đã bị đánh bại ở Syria