Saudi Arabia lập tân Thái tử 31 tuổi khiến kẻ khóc người cười
VOV.VN - Việc Saudi Arabia lập Thái tử mới đã khiến có những luồng dư luận khác nhau trong và ngoài nước này.
Hôm qua (21/6), Quốc vương Saudi Arabia Salman bất ngờ ra sắc lệnh phế truất cháu trai Mohammed bin Nayef khỏi vị trí Thái tử và lập con trai là Mohammed bin Salman lên thay thế.
Thái tử Salman. Ảnh: AWD.
Với tư tưởng và các chính sách đối nội của mình, vị Tân Thái tử Saudi Arabia ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ từ phía người dân, trong đó đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, với lập trường đối ngoại cứng rắn trong một số vấn đề của khu vực, thì việc ông Salman được lập làm Thái tử sẽ gây ảnh hưởng nhất định tới một số quốc gia.
Theo sắc lệnh của Quốc vương Saudi Arabia đưa ra ngày hôm qua, đương kim Thái tử Mohammed bin Nayef đã bị phế truất, đồng thời bị tước đi cả chức vụ Bộ trưởng Nội vụ, bất chấp việc ông từng ghi “dấu ấn” trong các chiến dịch truy quét mạng lưới khủng bố al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trong khi đó, Phó thái tử Mohammed bin Salman, con trai Quốc vương đã được đưa lên thay thế, làm Thái tử của Saudi Arabia. Vị Tân Thái tử 31 tuổi cũng được bổ nhiệm thêm chức vụ Phó Thủ tướng, đồng thời vẫn giữ nguyên vị trí Bộ trưởng Quốc phòng cũng như phụ trách các vấn đề năng lượng và một số chương trình cải tổ kinh tế quốc gia.
Theo hãng thông tấn Saudi Arabia (SPA), 31 trong tổng số 34 thành viên của Hội đồng Trung thành, đơn vị có chức năng xử lý các vấn đề về kế vị của nước này, đã ủng hộ quyết định của Quốc vương. Cựu Thái tử Mohammed bin Nayef cũng đã tuyên thệ trung thành với tân Thái tử.
Việc lập Thái tử mới của Quốc Vương Saudi Arabia ngay lập tức được nhiều người dân nước này đón nhận.
Ý kiến một người dân: “Là một người dân Saudi Arabia, chúng tôi rất vui mừng về những thay đổi này. Chúng tôi vui vì một sức trẻ mới sẽ dẫn dắt Chính phủ, đất nước bước vào một kỷ nguyên mới – ở đó có tới 70% dân số Saudi Arabia dưới độ tuổi 35.
Chúng tôi thức dậy và các quyết định bất ngờ đã được đưa ra. Tuy nhiên, các quyết định này sẽ phục vụ cho tương lai của giới trẻ. Chúng tôi luôn ủng hộ quyết định của Quốc vương Salman bất chấp đó là những quyết định gì”.
Theo hãng tin Reuters của Anh, vị tân Thái tử của Saudi Arabia có chủ trương cải cách kinh tế nhằm giúp nước này không phải phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ, đồng thời áp dụng đường lối cứng rắn trong một số vấn đề khu vực - đặc biệt là với đối thủ Iran và gần đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao với Qatar. Cú sốc mới ở vùng Vịnh khi Saudi Arabia cáo buộc Iran âm mưu khủng bố
“Đảo chính” nội bộ?
Phản ứng trước sự kiện này, truyền thông nhà nước Iran hôm 21/6 ngay lập tức đã gọi đây là một “cuộc đảo chính mềm” khi đăng tải bài viết có nhan đề: “Đảo chính mềm ở Saudi Arabia - Con trai trở thành người kế vị vua cha”.
Bài viết nhận định, việc Mohammed bin Salman lên làm Thái tử chắc chắn sẽ khiến mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran trở nên căng thẳng hơn. Hiện mối quan hệ này cũng đang rơi vào tình trạng bế tắc do những quan điểm bất đồng giữa hai nước liên quan tới các cuộc xung đột đang diễn tại một số điểm nóng của khu vực như Syria, Iraq và Yemen.
Trái ngược với phản ứng của Iran, truyền thông Israel lại tỏ ra lạc quan trước vụ việc. Kênh truyền hình 10 của Israel nhận định, việc Mohammed bin Salman được phong Thái tử sẽ có lợi cho nước này bởi những tư tưởng hiện đại, được cho là thân phương Tây và Mỹ, vốn là các đồng minh của Israel.
Với tiêu đề “Thái tử mới, một tin vui với Israel và Mỹ”, tờ báo Harts của Israel đã ca ngợi vị tân Thái tử của Saudi Arabia là một nhà lãnh đạo thực sự, có quyền quyết định các chính sách đối ngoại của nước này. Theo bài báo, với lập trường cứng rắn với Iran, Mohammed bin Salman sẽ là một đối tác quan trọng của Israel khi ông kế vị Vua cha.
Kể từ khi Quốc vương Salman lên nắm ngôi vị từ người anh cùng cha khác mẹ của mình vào năm 2015, con trai ông - tân Thái tử Mohammed bin Salman đã được giao nhiều trọng trách liên quan đến quân sự và kinh tế của Saudi Arabia.
Với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, Mohammed bin Salman đang đảm nhận trách nhiệm giám sát các chiến dịch quân sự của liên quân quốc tế do Saudi Arabia dẫn đầu trong việc hỗ trợ chính phủ Yemen chống lại phiến quân Houthi. Còn với tư cách là Phó Thái tử, hồi tháng 4/2016, Mohammed bin Salman đã đưa ra kế hoạch “Tầm nhìn về Vương quốc Saudi Arabia” được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao, nhằm giúp nền kinh tế nước này giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ./.