Sẽ có một tiền lệ “khó chịu” trong việc cứu trợ Hy Lạp?
“Cái lắc đầu” của Slovakia không chỉ cho thấy mức độ tàn phá của “cơn sóng thần nợ công” mà nó còn cho thấy sự chia rẽ và mâu thuẫn trong EU đã và đang gặm nhấm lòng tin giữa các thành viên trong khối.
Cuối tuần qua, Quốc hội Slovakia phê chuẩn đề xuất của Thủ tướng Iveta Radicova “không tham gia đóng góp tài chính để cứu trợ Hy Lạp”. Đây là lần đầu tiên một nước thành viên khu vực đồng Euro từ chối hỗ trợ một thành viên khác trong khối. Dẫu không ai có thể can thiệp vào quyết định của Quốc hội Slovakia, nhưng giới phân tích lo ngại hành động của Slovakia sẽ tạo nên một “tiền lệ xấu”. Ngoài ra, cũng có thể nói rằng trong khi chưa đạt tới mục tiêu nhất thể hoá đề ra, thì đã có thêm rào cản mới đối với Liên minh châu Âu.
Việc Quốc hội Slovakia phê chuẩn đề xuất “không tham gia đóng góp để cứu trợ Hy Lạp” được đánh giá là một thắng lợi “kép” của tân Thủ tướng Iveta Radicova. Điều này tránh cho Slovakia một khoản đóng góp khổng lồ khi bản thân Slovakia cũng đang phải đối mặt với hệ luỵ từ cuộc khủng hoảng tài chính. Mặt khác, nó thể hiện được những cam kết tranh cử của nhà lãnh đạo này. Theo lập luận của Thủ tướng Iveta Radicova: “Slovakia không dư giả gì và cũng chẳng có tiền để trả cho những sai lầm về tài chính của Hy Lạp”. Đây cũng là một trong những cương lĩnh tranh cử của nhà lãnh đạo này trong cuộc đua vào chiếc ghế Thủ tướng Slovakia hồi tháng 6/210.
Ở thời điểm ấy, việc phục hồi nền kinh tế bị tác động mạnh của suy thoái toàn cầu là ưu tiên chính đặt ra đối với các ứng cử viên. Lẽ dĩ nhiên, lợi ích chung khó có thể bằng lợi ích riêng. Âu cũng là dễ hiểu khi Thủ tướng Iveta Radicova lựa chọn một “khẩu hiệu” như vậy.
Như vậy là Slovakia đã có câu trả lời dứt khoát trong vấn đề cứu trợ Hy Lạp. Dĩ nhiên, quyết định không hỗ trợ Hy Lạp là của riêng Slovakia và không ai có quyền can thiệp, nhưng câu trả lời này không khỏi khiến Liên minh châu Âu và các nước thành viên khác trong khu vực đồng Euro phiền lòng. Những lời mà người phát ngôn Liên minh châu Âu, ông Amadeu Altafaj-Tardio nói ra, cho thấy một sự thất vọng rõ rệt: “Quyết định này không ảnh hưởng đến việc hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp. Bây giờ là thời điểm các thành viên khu vực đồng Euro cần tính xem tiến trình hỗ trợ Hy Lạp ra sao. Tôi chỉ có thể nói rất lấy làm tiếc về tính đoàn kết trong khu vực này”.
Dù chưa đến mức phủ bóng cả bầu trời Liên minh châu Âu, nhưng đám mây màu xám Slovakia một lần nữa lại gợi lên những dự cảm không hay về tương lai chung của khối.
Với quyết định trên, Slovakia là thành viên đầu tiên, duy nhất ở khu vực đồng Euro không tham gia cứu trợ Hy Lạp. Tuy chỉ có một mình Slovakia từ chối và quyết định cứu trợ Hy Lạp đã được thông qua, nhưng như vậy thì trong tương lai ai dám đảm bảo rằng, một khi “nhà có chuyện” - tinh thần “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” vẫn sẽ được phát huy?!. Nói cách khác, sau lời từ chối của Slovakia, đã có không ít ý kiến lo ngại về nguy cơ một tiền lệ xấu. Cao uỷ phụ trách các vấn đề Kinh tế của Liên minh châu Âu, ông Olli Rehn đã phải thốt lên rằng, hành động này đang “hủy hoại tình đoàn kết trong EU”.
Câu chuyện Slovakia rồi sẽ đi vào quá khứ, nhưng một lần nữa, “hậu” khủng hoảng nợ công tiếp tục cho thấy rõ những “lỗ hổng” trong EU.
Thứ nhất, nó thử thách tính thống nhất của EU. Những tranh cãi dai dẳng về gói cứu trợ dài hạn EU/IMF trị giá 110 tỷ euro dành cho Hy Lạp, “cái lắc đầu” của Slovakia không chỉ cho thấy mức độ tàn phá của “cơn sóng thần nợ công” mà nó còn cho thấy sự chia rẽ và mâu thuẫn trong EU đã và đang gặm nhấm lòng tin giữa các thành viên trong khối. Rõ ràng, yếu điểm lớn nhất của EU qua các cuộc khủng hoảng này là sự thiếu thống nhất và ít có tiếng nói chung.
Điều này không chỉ phơi bày những yếu kém trong khâu quản lý, trong chính sách vay nợ, mà nó khiến dư luận thấy rằng “đoàn kết” vẫn là rảo cản lớn nhất đặt ra trên con đường nhất thế hoá của Liên minh châu Âu. Một khi “lợi ích chung vẫn bị che khuất bởi những lợi ích riêng”, thì mục tiêu này vẫn sẽ là con đường xa vời./.