Siết vòng trừng phạt thứ 7 với Nga, châu Âu có gặp khó?
VOV.VN - Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua gói trừng phạt thứ 7 với Nga, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu vàng của Moscow. Vòng trừng phạt này không cấm nhập khẩu khí đốt và cũng không có các biện pháp trừng phạt bổ sung với dầu của Nga.
So với 6 vòng trừng phạt trước đó, các lệnh cấm vận mới nhất được cho là có quy mô nhỏ nhất. Phải chăng EU cũng gặp khó khi tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga? Bộ trưởng Ngoại giao Séc, quốc gia đang giữ vị trí chủ tịch luân phiên của EU thì cho rằng Liên minh châu Âu cần xác định lại mối quan hệ với Moscow sau cuộc xung đột ở Ukraine.
Mục tiêu của châu Âu lần này
Mới đây các nước thành viên EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 7 với Nga, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga.
Gói trừng phạt thứ 7 cũng sẽ mở rộng danh sách các mặt hàng lưỡng dụng bị cấm xuất khẩu sang Nga, đồng thời bổ sung thêm danh sách 48 các cá nhân bao gồm các nhà lãnh đạo chính trị và 9 thực thể có liên quan đến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mục đích của Liên minh châu Âu (EU) khi nhắm trừng phạt tới các nhóm đối tượng này nhằm tiếp tục đánh vào các nguồn tài chính trụ cột của Nga.
Vàng là mặt hàng đại diện cho hoạt động xuất khẩu phi năng lượng lớn nhất của Nga. Hàng năm Nga xuất khẩu mặt hàng này trị giá hàng tỷ euro. Vương quốc Anh là thị trường lớn nhất khi chiếm khoảng 90% lượng xuất khẩu của Nga. Ngoài ra, gói trừng phạt mới này cũng được cho là bước đi nhằm bịt lỗ hổng của các biện pháp trừng phạt đã được thông qua trước đó, chẳng hạn như bằng cách bổ sung một số sản phẩm cụ thể vào danh mục hàng hóa bị cấm. Gói trừng phạt này cũng liên quan đến các công bố gần đây của Ủy ban châu Âu (EC) về các mặt hàng bị cấm vận chuyển tới vùng Kalingrad của Nga.
Động thái trừng phạt mới này được dựa trên sự đồng thuận của các quốc gia thành viên EU là Pháp, Đức và Italy cùng các đối tác gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản và Anh nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm này chủ yếu mang tính biểu tượng vì các biện pháp trừng phạt trước đó nhằm vào Nga đã phát huy tác dụng trong việc đóng cửa các thị trường châu Âu và Mỹ, kể cả các trung tâm thương mại tại London. Đặc biệt, khi nhìn chi tiết vào gói trừng phạt thứ 7, có thể thấy, lệnh cấm chỉ áp dụng đối với việc mua, nhập khẩu hoặc chuyển nhượng trực tiếp hoặc gián tiếp vàng nếu nó có nguồn gốc từ Nga hoặc xuất khẩu từ Nga vào Liên minh EU. Nhưng phần phụ lục của tài liệu này cho thấy, lệnh cấm chỉ áp dụng đối với vàng ở dạng bột, chưa gia công hoặc bán thành phẩm mà không áp dụng dưới dạng trang sức như dây chuyền vàng, nhẫn vàng... Điều này có thể là một kẽ hở trong gói trừng phạt lần này.
EU cân nhắc yếu tố gì đối với khả năng cấm nhập khẩu khí đốt của Nga
Một số quốc gia thành viên EU, nhất là các quốc gia Đông Âu, đang tiếp tục thúc đẩy việc bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt về năng lượng cho các gói tiếp theo. Tuy nhiên, trong gói trừng phạt thứ 7 đã không đề cập đến lệnh cấm đối với lĩnh vực này bởi những lẽ sau đây:
EU đang nhận ra những bất cập xuất hiện qua 6 gói trừng phạt trước đó. Các quốc gia ủng hộ trừng phạt Nga phần nào thấy được các lệnh cấm đã gây ra một số tác động đối với Nga tuy nhiên mức độ lại không đúng như kỳ vọng, trong khi ở chiều ngược lại thì gây ra ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế của EU như lạm phát gia tăng, khủng hoảng năng lượng – lương thực vẫn tiếp tục lan rộng trên toàn châu Âu. Trên thực tế, bất chấp những đòn trừng phạt liên tiếp từ phương Tây trong gần 5 tháng qua, Nga vẫn tiếp tục thu về hàng tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng, trong khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở miền Đông Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc. Cho đến nay, Nga vẫn đủ sức chịu đựng về tài chính dù các gói trừng phạt của EU lần lượt được áp đặt trong thời gian qua.
Việc chứng kiến lạm phát tăng kỷ lục ở toàn châu Âu, đồng euro lần đầu ở mức gần tương đương với đồng USD sau hai thập kỷ đã phần nào khiến lãnh đạo EU phải cân nhắc các gói trừng phạt cho phù hợp. Dù giới chức EU nhấn mạnh sự đoàn kết trong lập trường về Ukraine, tuy nhiên lãnh đạo các nước thành viên trong khối dường như đang có xu hướng ưu tiên tập trung giải quyết các khó khăn và thách thức trong nước. Điều này làm dấy lên nhiều hoài nghi về sự đoàn kết và tương lai nỗ lực hỗ trợ Ukraine của châu Âu.
Một nguyên nhân khác khiến việc cấm khí đốt của Nga chưa được đưa vào gói thứ 7 là do trong EU còn nhiều quốc gia vẫn chưa thực sự sẵn sàng với quyết định này như Séc, Hungary. Thủ tướng Cộng hòa Séc, quốc gia giữ vai trò chủ tịch luân phiên EU cũng đã lên tiếng cho rằng gói trừng phạt thứ 7 đối với Nga không hạn chế nhập khẩu khí đốt vì nhiều quốc gia thành viên không thể thích ứng kịp như một số các quốc gia Đông Âu, Baltic đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn khí đốt từ Nga. Mặt khác, nguyên tắc khi áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga phải có tác động tới Nga lớn hơn so với các nước áp đặt lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, nền kinh tế nhiều nước ở phía Đông châu Âu lại đang thiệt hại nặng nề ở mức khó kiểm soát. Thủ tướng Séc Fiala cũng nhấn mạnh Séc cũng như các quốc gia phải phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga vẫn đang tìm cách giảm sự phụ thuộc này nhưng rõ ràng quá trình này cần phải có thời gian và tiềm lực tài chính. Do đó, việc các nước đề xuất áp đặt trừng phạt năng lượng của Nga sẽ là điều khó khả thi vào lúc này.
Thậm chí, theo Ủy ban châu Âu, việc hết khí đốt của Nga có thể làm giảm GDP của EU tới 1,5% đặc biệt trong mùa đông tới. Việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt từ Nga hiện đã ảnh hưởng đến 12 quốc gia thành viên EU và một số quốc gia trong đó có Đức và Hungary đã phải buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp về vấn đề năng lượng.
Thế khó của EU trong trừng phạt Nga
Gói trừng phạt này mới này chắc chắn gây ra một số tác động với Nga, nhưng phạm vi ảnh hưởng của nó có lẽ không đủ mạnh. Nhìn vào gói trừng phạt mới cũng phản ánh nỗi lo ngày càng lớn của EU về cách ứng phó với Nga trong điều kiện không gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế của khối. Những thách thức hiện tại của EU xảy ra vào thời điểm khu vực này vẫn chưa kịp phục hồi do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 và việc các chuỗi cung ứng gián đoạn, sản xuất bị đình trệ trước đó đang gây ra tổn thất to lớn cho kinh tế chung của khối.
Theo một cuộc thăm dò dư luận ở 10 quốc gia châu Âu vào đầu tháng này cho thấy nội bộ EU đang có chia rẽ về phản ứng với cuộc chiến ở Ukraine. 35% những người được hỏi muốn hòa bình sớm nhất có thể, thậm chí cả khi cái giá phải trả là Ukraine nhượng bộ Nga, trong khi 22% những người tham gia khảo sát tin rằng chiến thắng Nga là con đường duy nhất để đạt được hòa bình. Điều này đang làm dấy lên nhiều hoài nghi về tương lai nỗ lực hỗ trợ Ukraine của châu Âu, khi các nước đang phải gồng mình ứng phó với tình trạng lạm phát chưa từng có trong lịch sử.
Một yếu tố khác cũng khiến EU đang rơi vào thế khó là lạm phát tăng cũng khiến gia tăng thêm tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Nhiều cuộc biểu tình, đình công đã diễn ra ở một số quốc gia để đòi chính phủ các nước mở rộng biện pháp hỗ trợ, trợ cấp cho người dân như Tây Ban Nha, Bỉ, Hungary… Trong bối cảnh niềm tin của người dân châu Âu đang bị sụt giảm, mỗi cá nhân - gia đình vẫn phải tiếp tục đương đầu với chi phí sinh hoạt tăng cao đột biến, tiền lương không theo kịp đà tăng lạm phát và nguy cơ đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong mùa đông tới sẽ đặt ra nhiều thách thức cho chính phủ các quốc gia thành viên EU.
Mặc dù thừa nhận các lệnh cấm vận không chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, tuy nhiên châu Âu vẫn tiếp tục theo đuổi các biện pháp trừng phạt với mục tiêu trước mắt làm suy yếu nền kinh tế Nga. Bởi lẽ phương Tây hiểu rằng một kết quả có lợi cho Nga sẽ làm thay đổi cơ bản trật tự Á – Âu mà điều này không phải mong muốn của EU. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để châu Âu có biện pháp thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào dầu mỏ và khí đốt từ Nga. Đây cũng được coi là mục tiêu quan trọng trong dài hạn của khối./.