Singapore có nên lo lắng khi số ca mắc Covid-19 trước nguy cơ tăng theo cấp số nhân?

VOV.VN - Theo các chuyên gia, hệ số lây nhiễm SARS-CoV-2 của Singapore hiện gần 1,5, nghĩa là khoảng 2 người mắc bệnh đang lây nhiễm virus cho 3 người khác. Con số này cảnh báo nguy cơ số ca mắc Covid-19 sẽ “tăng theo cấp số nhân”.

Ngày 6/9, Lawrence Wong, đồng chủ tịch lực lượng chống Covid-19, đã nói về một con số hiếm khi được nhắc đến từ trước đến nay trong cuộc chiến chống đại dịch của Singapore.

“Điều chúng tôi quan tâm không chỉ là số ca mắc bệnh mà còn là tốc độ lây lan của virus. Tốc độ lây lan của Covid-19 được biểu hiện qua hệ số R”, ông Wong nói, đồng thời cảnh báo về khả năng số ca mắc bệnh tại Singapore sẽ “tăng theo cấp số nhân”.

“Hiện tại hệ số R ở Singapore là hơn 1. Số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang tăng gấp đôi mỗi tuần. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục đi theo quỹ đạo này, chúng ta có thể ghi nhận 1.000 ca mắc bệnh mỗi ngày trong 2 tuần hoặc có thể là 2.000 ca mắc bệnh mỗi ngày trong 1 tháng”, ông Wong đánh giá.

Ông Wong cho biết, điều quan trọng là phải giảm hệ số R và ngăn chặn số ca nhiễm virus tăng cao. Số ca mắc bệnh tăng lên sẽ dẫn đến một số lượng đáng kể những người bị bệnh nặng và tử vong do Covid-19.

“Chúng tôi sẽ cố gắng giảm hệ số R mà không cần đưa ra các cảnh báo nâng cao khác. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tiến hành truy vết tiếp xúc, khoanh vùng các ổ dịch và thúc đẩy xét nghiệm diện rộng”, ông Wong nói thêm.

Hệ số R là gì?

Trong dịch tễ học, hệ số lây nhiễm (hệ số R) là số người mà một người mắc bệnh sẽ lây truyền virus sang.

Có hai loại hệ số R là R0 và Rt.

R0 là hệ số lây nhiễm cơ bản. Đó là số lượng trung bình người bị nhiễm SARS-CoV-2 sẽ truyền virus cho người khác khi không có miễn dịch hoặc các biện pháp phòng dịch.

“R0 sẽ xác định mức độ lây truyền cơ bản của virus và tình hình sẽ tồi tệ như thế nào nếu chúng ta không áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh”, Alex Cook, Phó trưởng khoa nghiên cứu trường Y tế cộng đồng Saw Swee Hock, cho biết.

Theo các tài liệu gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, R0 của biến thể Delta là từ 5-9. R0 đối với bệnh sởi ở những cộng đồng không có miễn dịch là 15.

Tuy nhiên, khi các chính trị gia và các nhà khoa học nói về hệ số R, họ thường nhắc đến Rt – số ca lây nhiễm SARS-CoV-2 thay đổi theo thời gian.

“Rt tăng lên và giảm xuống khi khả năng miễn dịch và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh thay đổi. Rt thể hiện mức độ lây lan của virus ở thời điểm hiện tại. Khi số ca mắc bệnh tăng lên, hệ số Rt sẽ lớn hơn 1”, chuyên gia Alex Cook nói.

Theo các chuyên gia, Rt của Singapore hiện gần 1,5, nghĩa là khoảng 2 người mắc bệnh đang lây nhiễm virus cho 3 người khác. Con số này giải thích cho khả năng số ca mắc bệnh tăng theo cấp số nhân mà ông Wong đã cảnh báo.

Ông Cook cho biết, trong khoảng thời gian tăng cường cảnh báo về dịch bệnh vừa qua và số ca mắc bệnh giảm, Rt là dưới 1. Đây là mức phù hợp trong một đại dịch vì số ca lây nhiễm mới thấp hơn mức cần thiết để kiểm soát đợt bùng phát dịch mới.

Có nên lo ngại về hệ số R?

Giáo sư Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội châu Á - Thái Bình Dương về vi sinh và lây nhiễm lâm sàng, cho biết, mặc dù hệ số R đưa ra một số dấu hiệu về cách thức lây lan của virus nhưng nó “không có tác động đáng kể” nếu coi Covid-19 là một căn bệnh đặc hữu ở Singapore.

“Ví dụ, R0 đối với bệnh cúm mùa được ước tính là khoảng 1,4, nhưng điều đó dường như không làm chúng ta bận tâm nhiều. Chúng ta đều biết rằng, đối với bệnh cúm mùa, nếu một người trong văn phòng ho và hắt hơi, thì hầu hết những người xung quanh đều có thể lây bệnh”, ông Tambyah nói.

Giáo sư Dale Fisher, cố vấn cấp cao của khoa bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Đại học Quốc gia, cho biết, hệ số R sẽ “không quá quan trọng” nếu Singapore ngừng xét nghiệm diện rộng và thống kê số ca mắc bệnh.

“Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chúng tôi không muốn R0 tăng cao. Chúng tôi không muốn thấy số ca mắc bệnh tăng nhanh vì chúng tôi muốn thoát khỏi đại dịch một cách từ từ để giảm thiểu mọi rủi ro có thể gặp phải”, ông Fisher nói.

Tại sao hệ số R tăng?

Chuyên gia Alex Cook cho rằng, sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây truyền cao “có thể tăng gấp đôi” cả hệ số R0 và Rt.

“Nếu hệ số R không tăng gấp đôi, các biện pháp phòng dịch và mức độ bảo vệ hiện tại từ vaccine có thể giúp tình hình dịch bệnh dịu lại. Tôi nghĩ rằng, việc người dân tham gia các hoạt động xã hội trở lại là một trong những lý do chính khiến Rt tăng lên. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, Rt tăng do khả năng bảo vệ của vaccine đang giảm dần”, ông Cook nói.

Ông Tambyah cho biết, những dữ liệu hiện có về vaccine mRNA, bao gồm cả vaccine Pfizer-BioNTech được sử dụng ở các nước như Singapore, Israel và Mỹ, cho thấy, vaccine có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng và nhập viện do Covid-19 hơn là chống lây nhiễm SARS-CoV-2.

“Do đó, R0 có thể vẫn tăng dù tỷ lệ tiêm chủng cao vì vaccine đang ngăn ngừa mắc Covid-19 nghiêm trọng”, ông Tambyah giải thích.

Chuyên gia Cook dự đoán rằng, nếu Rt tăng tới mức 2, phần lớn dân số Singapore sẽ lây nhiễm SARS-CoV-2 ngay cả khi đất nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, dù hầu hết sẽ là các ca mắc bệnh nhẹ.

“Nếu số ca mắc Covid-19 tăng lên trong khi 10% số người cao tuổi vẫn chưa được tiêm chủng, thì số người bị bệnh nặng sẽ tăng lên”, ông Cook nói.

Giáo sư Tambyah cho rằng, chúng ta có thể dần dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế và tập trung bảo vệ những người dễ bị tổn thương, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng và đảm bảo hệ thống y tế hoạt động tốt dù số ca mắc bệnh tăng.

Hệ số R có thể giảm không?

Ông Cook cho biết, một trong những biện pháp để giảm Rt mà không phải trở lại trạng thái cảnh báo dịch bệnh cao là tiêm mũi vaccine tăng cường.

“Đã có rất nhiều tranh luận về mặt đạo đức của việc tiêm liều vaccine thứ ba trong bối cảnh vẫn còn rất nhiều người trên thế giới chưa được tiêm chủng, nhưng mũi tiêm tăng cường sẽ giúp ngăn chặn sự suy giảm về hiệu quả của vaccine”, ông Cook nói.  

“Các biện pháp khác để giảm Rt là đeo khẩu trang và giảm tiếp xúc xã hội”, ông Cook nói thêm.

Giáo sư Tambyah cho rằng, mọi người không cần phải làm gì thêm để giảm hệ số R ngoài việc tuân theo những khuyến cáo và quy tắc phòng dịch hiện tại.

“Chúng ta chỉ cần làm những gì chúng ta đang thực hiện bây giờ, học cách sống chung với dịch bệnh, tiêm chủng cho người cao tuổi và tuân theo các quy tắc phòng dịch”, ông Tambyah nói.

Giáo sư Ooi Eng Eong tại chương trình các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y Duke-NUS cho rằng, hệ số R sẽ không thể giảm xuống dưới 1.

“Đối với tôi, ý tưởng cố gắng giữ hệ số R dưới 1,5 hoặc dưới 1,2 ở một thời điểm nào đó là điều mà xã hội sẵn sàng chấp nhận”, ông Ooi Eng Eong nói với CNA.

“Covid-19 sẽ không biến mất. Chúng ta có thể xóa sổ dịch bệnh ở Singapore, nhưng nó sẽ quay trở lại vì chúng ta không thể đóng cửa biên giới mãi được”, ông Eong nói thêm./.

"Chìa khóa" giúp Singapore chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid-19

VOV.VN - Cách ly các ca mắc Covid-19 tại bệnh viện hoặc các cơ sở tập trung từng là nền tảng cho thành công của Singapore. Tuy nhiên, với hơn 80% dân số đã được tiêm chủng hiện nay, Singapore phải chuyển hướng vì việc cách ly tại các cơ sở tập trung sẽ tạo ra gánh nặng quá mức cho hệ thống y tế.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Singapore: Tỷ lệ tiêm vaccine 80% vẫn “quá thấp” để trở lại cuộc sống bình thường
Singapore: Tỷ lệ tiêm vaccine 80% vẫn “quá thấp” để trở lại cuộc sống bình thường

VOV.VN - Với 80% dân số đã được tiêm vaccine, câu chuyện của Singapore cho thấy việc đạt được dấu mốc này không đảm bảo cho việc trở lại cuộc sống bình thường trước đại dịch.

Singapore: Tỷ lệ tiêm vaccine 80% vẫn “quá thấp” để trở lại cuộc sống bình thường

Singapore: Tỷ lệ tiêm vaccine 80% vẫn “quá thấp” để trở lại cuộc sống bình thường

VOV.VN - Với 80% dân số đã được tiêm vaccine, câu chuyện của Singapore cho thấy việc đạt được dấu mốc này không đảm bảo cho việc trở lại cuộc sống bình thường trước đại dịch.

Singapore hướng tới sống chung với Covid-19 nhưng không chạy đua để dẫn đầu
Singapore hướng tới sống chung với Covid-19 nhưng không chạy đua để dẫn đầu

VOV.VN - Chứng kiến số ca mắc tăng cao hơn so với dự kiến, Singapore đang thận trọng đánh giá tình hình trong hành trình sống chung với Covid-19 và chuẩn bị về khả năng y tế.

Singapore hướng tới sống chung với Covid-19 nhưng không chạy đua để dẫn đầu

Singapore hướng tới sống chung với Covid-19 nhưng không chạy đua để dẫn đầu

VOV.VN - Chứng kiến số ca mắc tăng cao hơn so với dự kiến, Singapore đang thận trọng đánh giá tình hình trong hành trình sống chung với Covid-19 và chuẩn bị về khả năng y tế.

Con đường sống chung với Covid-19 của Singapore và cách thức các nước khác thực hiện
Con đường sống chung với Covid-19 của Singapore và cách thức các nước khác thực hiện

VOV.VN - Các quốc gia lần lượt chuyển hướng sang “Sống chung với Covid-19” nhưng rồi đều nhận ra quá trình này chưa thể thực hiện ngay lập tức mà phải tiến hành với thái độ thận trọng.

Con đường sống chung với Covid-19 của Singapore và cách thức các nước khác thực hiện

Con đường sống chung với Covid-19 của Singapore và cách thức các nước khác thực hiện

VOV.VN - Các quốc gia lần lượt chuyển hướng sang “Sống chung với Covid-19” nhưng rồi đều nhận ra quá trình này chưa thể thực hiện ngay lập tức mà phải tiến hành với thái độ thận trọng.