Singpore lên phương án chung sống với Covid-19, coi Covid-19 là bệnh đặc hữu
VOV.VN - Singapore đang có kế hoạch để coi Covid-19 như một loại bệnh ít đe dọa hơn, giống như bệnh cúm và không còn gây ra tình huống làm tê liệt cuộc sống bình thường.
Trong nhiều tháng, Singapore đã thực thi các quy tắc nghiêm ngặt để giữ cho con số lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 càng gần mức 0 càng tốt. Phần lớn biên giới của nước này vẫn được đóng kín. Trong hai tuần qua, Singapore đã ghi nhận từ 4 đến 20 ca mắc mới trong nước mỗi ngày – con số đủ để áp tiêu chuẩn rủi ro ở mức thấp, theo đó người dân không được phép dùng bữa tại nhà hàng với nhóm nhiều hơn 2 người.
Giờ đây, với gần 40% dân số được tiêm chủng đầy đủ, Singapore đang có kế hoạch chuyển sang một giai đoạn mới — giai đoạn mà họ không còn cố gắng truy vết mọi trường hợp để chấm dứt mọi khả năng lan truyền dịch bệnh. Thay vào đó, Covid-19 được coi như một loại bệnh ít đe dọa hơn, giống như bệnh cúm và không còn gây ra tình huống làm tê liệt cuộc sống bình thường. Nói cách khác, Covid-19 sẽ trở thành một bệnh đặc hữu như nhiều chuyên gia y tế cộng đồng đã nói từ lâu.
Mọi người đang cảm thấy mệt mỏi khi phải chiến đấu với đại dịch, nhóm các bộ trưởng trong Chính phủ Singapore viết trong một bài xã luận gần đây trên tờ Straits Times. “Tất cả đều đang hỏi: Khi nào thì đại dịch kết thúc và nó sẽ kết thúc như thế nào?”, bài viết nêu vấn đề và tự đưa ra câu trả lời. “Tin xấu là Covid-19 có thể không bao giờ biến mất. Tin tốt là chúng ta có thể chung sống bình thường với nó”.
Mỹ và một số quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn so với Singapore, họ đã và đang nới lỏng các hạn chế vì dịch bệnh để thúc đẩy sự hồi phục kinh tế. Singapore thay đổi kế hoạch ứng phó sau khi chính phủ nước này thừa nhận ngay cả khi tiêm vaccine cho người dân thì Covid-19 sẽ không sớm bị xóa xổ. Thực tế là SARS-CoV-2 đã sản sinh ra nhiều biến thể, trong đó có một số biến thể khó ngăn chặn hơn so với các phiên bản virus trước đó, cộng thêm việc chậm cung cấp vaccine cho các quốc gia đang phát triển đang tạo điều kiện cho SARS-CoV-2 có cơ hội tiến hóa.
Mặc dù vậy, các nhà hoạch định chính sách cũng thấy rằng vaccine có thể làm cho mức độ đe dọa của Covid-19 ít nghiêm trọng hơn. Các con số thống kê cho thấy, những người đã tiêm vaccine nếu nhiễm bệnh thường không bị nặng và ít phải đối mặt nguy cơ tử vong.
Tại Mỹ, nơi có 46% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, số ca tử vong do Covid-19 đã giảm xuống dưới 300 ca mỗi ngày – mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, theo Our World in Data. Ở Vương quốc Anh, mặc dù có sự gia tăng gần đây của các ca nhiễm biến thể Delta, tỷ lệ tử vong vẫn tương đối thấp. Nadhim Zahawi, quan chức giám sát việc triển khai vaccine ở Anh, hồi tháng 5 cho biết, chính phủ đang lên kế hoạch cho năm tới “để đối phó với Covid-19, như đối phó với bệnh cúm, thông qua các chương trình tiêm chủng hàng năm”.
Kế hoạch táo bạo
Kế hoạch thay đổi chiến lược đối phó từ mức độ đại dịch sang coi Covid-19 như một bệnh đặc hữu dường như sẽ theo kịch bản như sau: hầu hết 5,7 triệu dân Singapore sẽ được tiêm vaccine – nước này đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 2/3 dân số vào đầu tháng 8 – làm cho virus khó lây truyền hơn, và quan trọng là giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng và giảm số người tử vong. Một số người có thể vẫn sẽ mắc Covid-19 nhưng khi đó, hầu hết trong số họ sẽ tự khỏi bệnh tại nhà. Nhà chức trách sẽ ít phải truy vết các ca bệnh, cách ly ít người hơn...
Viễn cảnh là khá khả quan nhưng mọi mặt của đời sống, xã hội Singapore chắc chắn sẽ khó có thể trở lại ngay như trước khi dịch bệnh bùng phát. Du lịch sẽ không sớm dễ dàng trở lại, mặc dù việc đi lại có thể được nới lỏng với những người có giấy chứng nhận đã tiêm vaccine. Test nhanh Covid-19 cũng sẽ được tiến hành ở khắp mọi nơi, từ sân bay đến các toà nhà văn phòng, trung tâm thương mại hay trường học. Tuy nhiên, thay vì tăm bông, việc xét nghiệm sẽ được xử lý rất nhanh chóng bằng máy kiểm tra hơi thở.
Con đường để trở lại cuộc sống bình thường được đánh giá là sẽ rất dài và lắm chông gai. Mặc dù một số nước giàu đang bắt đầu khép lại những ngày tháng đen tối nhất của đại dịch, nhưng virus SARS-CoV-2 chết người vẫn chưa được kiểm soát ở phần lớn các nước trên thế giới. Các quốc gia có dân số đông như Indonesia hay Bangladesh đang phải đối mặt với những đợt bùng phát mới. Ấn Độ thì phát đi cảnh báo một làn sóng dịch bệnh mới có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Số ca tử vong cũng tăng nhanh ở nhiều nơi trên lục địa châu Phi. Trung bình trên toàn cầu vẫn có khoảng 8.000 người chết mỗi ngày vì Covid-19.
Điều đó đồng nghĩa với việc thế giới sẽ còn chứng kiến tỷ lệ mắc và số người chết vì Covid-19 rất khác nhau giữa các nước trong một thời gian dài.
Giáo sư Yik-Ying Teo, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock của Singapore nói: “Các quốc gia có những loại vaccine hiệu quả sẽ có điều kiện tốt hơn để thoát khỏi đại dịch. Trong khi đó, các nước thu nhập thấp và trung bình có thể buộc phải áp dụng ‘thế trận’ chống dịch lâu hơn, đơn giản vì họ vẫn chưa thể tiếp cận các loại vaccine an toàn, hiệu quả để tiêm cho phần lớn người dân”.
Catherine Bennett, chủ nhiệm bộ môn dịch tễ học tại Đại học Deakin của Australia cho rằng một nỗ lực toàn cầu là cần thiết để giúp tất cả các quốc gia tiêm chủng cho người dân của họ ở mức độ cao; đồng thời nhận định đại dịch Covid-19 đang trên đà trở thành bệnh đặc hữu.
Tuy nhiên, bà Bennett lưu ý, các chính phủ và giới chuyên gia y tế công cộng cần phải theo dõi Covid-19 – không phải bằng cách truy vết mọi trường hợp lây nhiễm hoặc cố để tìm hiểu có bao nhiêu ca mắc trong cộng đồng mà bằng cách cập nhật liên tục các biến thể đang lưu hành. Theo bà Bennett, các thế hệ vaccine mới có thể được phát triển để ngăn chặn virus và làm chậm tốc độ đột biến của nó.
“Bất kỳ ai vẫn phủ nhận và nghĩ rằng có thể bạn không cần tiêm vaccine vì bạn có thể tự ngăn chặn virus thì giờ phải nghĩ khác đi”, bà Bennett cảnh báo./.