Số phận trẻ em gái ở Afghanistan: Cháu không thể mơ ước nữa vì Taliban đã quay lại

VOV.VN - Những người phụ nữ Afghanistan sinh con gái đều hy vọng rằng con cái họ sẽ có nhiều cơ hội hơn và vươn tới những tầm cao lớn hơn. Họ chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ phải chứng kiến những đứa trẻ của mình trải qua những điều mà họ từng trải qua dưới thời Taliban.

Lịch sử lặp lại

Bên trong căn hộ rộng rãi nằm ở tầng 3 của gia đình, Suraya đã dành nhiều năm để cố gắng thực hiện ước mơ trở thành một phi hành gia của NASA. Cô bé lớp 11 này là người duy nhất trong lớp có niềm đam mê với vật lý, thiên văn và có thể nói trôi chảy tiếng Anh.

Trong căn nhà nhỏ xập xệ, Susan mơ ước trở thành một bác sĩ. Cô bé lớp 7 muốn một ngày nào đó có thể giúp đỡ cho gia đình nghèo của mình.

Tuy nhiên, ngày 14/9, con đường đi tới ước mơ của cả hai đã bị chặn lại.

Các em biết rằng mình không được tới trường học nữa, giống như vô số trẻ em gái khác ở Afghanistan. Taliban đã ra lệnh chỉ có trẻ em trai từ lớp 7 - lớp 12 có thể quay lại trường vào tuần này. Đây là một dấu hiệu u ám khác cho tương lai mới của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan, nơi mà sự tự do giáo dục và những quyền lợi khác họ nhận được trong 2 thập kỷ qua đang dần sụp đổ.

"Nếu tôi không thể tiếp tục việc học, tôi không thể trở thành con người mà mình muốn trở thành. Điều đấy khiến tôi cảm thấy thật vô vọng", Suraya, 15 tuổi cho hay.

Người hiểu rõ nhất sự thất vọng của Suraya không ai khác chính là mẹ của em - Frozan. Frozan cũng từng bị Taliban cấm đến trường khi lực lượng này lần đầu tiên nắm quyền vào giữa những năm 1990.

Khi Taliban áp đặt các hạn chế về giáo dục, điều đó không chỉ bóp nghẹt thế hệ những trẻ em gái hiện nay ở Afghanistan mà còn làm dấy lên “ảo giác quen thuộc” (deja vu) với thế hệ trước. Nhiều người trong số các bà mẹ hiện nay ở Afghanistan từng ở độ tuổi thanh thiếu niên khi Taliban nắm quyền từ 1996 - 2001 và họ từng là mục tiêu của những quy định hà khắc dưới thời Taliban khi bác bỏ gần như mọi quyền lợi cơ bản của phụ nữ.

"Tôi đã đối mặt với nhiều vấn đề dưới thời Taliban. Tôi không muốn các con gái của tôi giống như tôi", bà Humaira, mẹ của Susan cho hay.

Sau khi Taliban bị lật đổ sau vụ khủng bố 11/9, nhiều phụ nữ Afghanistan đã được học hành, tốt nghiệp các trường đại học, trở thành bác sĩ, luật sư và nhà báo. Họ làm việc cùng với nam giới trong chính phủ và doanh nghiệp. Những người khác cũng được đào tạo nghề trong các chương trình của Liên Hợp Quốc và những tổ chức cứu trợ khác.

Những người phụ nữ sinh con gái đều hy vọng rằng con cái họ sẽ có nhiều cơ hội hơn và vươn tới những tầm cao lớn hơn. Họ chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ phải chứng kiến những đứa trẻ của mình trải qua những điều mà họ từng trải qua dưới thời Taliban.

"Thật đáng buồn là lịch sử đang lặp lại", Frozan chia sẻ.

Taliban vẫn chưa thay đổi

Zabihullah Mujahid, người phát ngôn của Taliban và là quyền Thứ trưởng Bộ Thông tin cho biết vào tuần này rằng, trẻ em gái từ lớp 7 -  lớp 12 sẽ được quay lại trường học cho tới khi có một hệ thống phù hợp để cung cấp phương tiện di chuyển cũng như các cơ sở khác nhằm xây dựng một môi trường an toàn cho họ. Trẻ em gái và trẻ em trai ở những lớp thấp hơn, từ lớp 3 - lớp 6, hiện có thể đến trường và tách ra học riêng.

"Hệ thống đã thay đổi. Chúng tôi đang tìm ra một giải pháp để tất cả phụ nữ và trẻ em gái đều được tiếp tục học hành cũng như làm việc", ông Mujahih nhận định với hãng truyền thông Tolo News của Afghanistan.

Tuy nhiên, quan chức Taliban này không nêu cụ thể khi nào các lớp học sẽ nối lại và cũng chưa rõ Taliban sẽ thực hiện các quy định Hồi giáo với việc giáo dục trẻ em gái như thế nào.

Tuần trước, Taliban tuyên bố phụ nữ được phép học đại học nhưng không được học chung lớp với nam giới bởi "việc nam nữ học chung là trái với luật Sharia".

Đàn ông cũng không được dạy phụ nữ hoặc trẻ em gái từ lớp 3 trở nên. Một báo cáo của UNESCO gần đây cảnh báo việc thiếu giáo viên nữ, những khó khăn trong việc trả lương cho giáo viên và sự hạn chế của các khoản hỗ trợ quốc tế có thể khiến phụ nữ và trẻ em gái không được tiếp cận với giáo dục.

Bên ngoài lớp học, phụ nữ, ngoại trừ những người làm việc trong ngành y tế, đều được yêu cầu ở nhà cho tới khi an ninh được cải thiện. Các tay súng Taliban cũng không cho phép phụ nữ tham gia vào chính phủ khi 33 thành viên nội các không có ai là nữ giới.

"Taliban vẫn chưa hề thay đổi", Frozan nhận định.

Hồi ức ám ảnh

Vào thời điểm Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan năm 1996, Frozan mới 12 tuổi và đang sống ở thành phố Shebergan phía bắc đất nước. Taliban đã nhanh chóng tuyên bố trẻ em gái từ 8 tuổi trở lên sẽ không nhận được giáo dục. Hiện nay, Taliban cho biết động thái này chỉ là tạm thời. Lực lượng này khẳng định trẻ em gái sẽ quay lại trường học khi an ninh được cải thiện và các cơ sở được cải tạo phù hợp cho giáo dục. Không chỉ trẻ em gái chưa thể quay lại trường học mà phụ nữ cũng bị cấm làm việc, trong đó hàng nghìn giáo viên nữ.

Phụ nữ ở Afghanistan cũng được yêu cầu mặc burqa che mặt từ đầu đến chân và chỉ được phép ra đường khi có người giám hộ là nam giới đi cùng. Cảnh sát tôn giáo sẽ thực thi luật pháp với những trường hợp vi phạm bằng cách đánh đập và thậm chí là hành quyết công khai.

"Tôi đã khóc rất nhiều khi đó. Không còn hy vọng gì cho tương lai của chúng tôi nữa", Frozan, hiện đã 37 tuổi, nhớ lại khoảnh khắc cô được thông báo rằng trường học đã đóng cửa.

Mẹ của cô, một giáo viên, đã không chấp nhận thực tế này. Bà đã dạy cho Frozan và 4 người chị của cô ở một căn hầm được tận dụng làm trường học cho các bé gái - một hành động có thể khiến bà bị trừng phạt nếu bị phát hiện. Một năm sau, họ chuyển đến Ghazni, nơi mà những người cao tuổi trong làng đã đàm phán được với các lãnh đạo Taliban địa phương để cho phép trẻ em gái được học hành. Lực lượng này đã đồng ý với điều kiện: Các bé gái sẽ phải đeo khăn burqas, không được học cùng với các bé trai và phải học các môn liên quan đến đạo Hồi như tiếng Arab cùng với các môn học khác.

"Thời gian của chúng tôi vì thế không bị lãng phí dưới thời Taliban", Frozan chia sẻ.

Humaira, hiện đã 52 tuổi, thì có một trải nghiệm hoàn toàn khác. Lớn lên ở một vùng quê bảo thủ, bà chưa bao giờ được học hành. Một lần khi đi chợ, bà đã bị một thành viên của Taliban đánh đập bằng roi vì không có người thân là nam giới đi cùng.

Sau đó, chồng bà đã bị các tay súng Taliban bắt giữ vì lý do nào đó mà đến nay ông vẫn không biết.

"Họ đánh tôi gần chết", người này nhớ lại.

Sau đó, gia đình bà Humaira đã chạy tới nước láng giềng Pakistan và ở đó cho tới khi Taliban bị lật đổ. Khi quay lại Kabul, Humaira tham gia vào một dự án vì phụ nữ của Liên Hợp Quốc và được đào tạo trở thành một thợ may. Chồng bà với cánh tay bị tàn phế do Taliban đánh đập đã không thể làm việc. Humaira trở thành trụ cột duy nhất trong gia đình.

Trong khi đó, Frozan đã nhận được bằng đại học về văn học và ngôn ngữ. Cô trở thành một nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ và làm việc trong nhiều vị trí liên quan đến nhân quyền trong chính quyền Afghanistan cũ, Liên Hợp Quốc và các cơ quan khác. Năm nay, cô đã nhận được bằng cử nhân về luật quốc tế và tự hào rằng cô đã thành công hơn hai người anh trai.

Đó là giai đoạn mà cơ hội dành cho các phụ nữ và con gái của họ. Theo UNESCO, tỷ lệ xóa mù chữ cho phụ nữ đã tăng gần gấp đôi từ 17 - 30% trong 20 năm qua mặc dù vẫn có hàng triệu trẻ em gái gặp khó khăn để được đi học, đặc biệt tại các khu vực do Taliban kiểm soát. Số trẻ em gái tại các trường tiểu học đã tăng gần như từ 0 vào năm 2001 lên 2,5 triệu học sinh năm 2018 và những người học đại học đã tăng từ khoảng 5.000 lên 90.000 vào cùng giai đoạn.

"Các con gái của tôi là những người phụ nữ đầu tiên trong gia đình tôi tới trường", Humaira tự hào khi nhắc tới Susan, 12 tuổi và chị của em - Sona, 20 tuổi, người đang ứng tuyển vào một trường đại học.

Không còn mơ ước

Hiện nay, có nhiều điều không chắc chắn và vô số câu hỏi về số phận của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan.

Suraya đang học để chuẩn bị thi TOEFL với hy vọng sẽ ứng tuyển vào các trường đại học ở Mỹ, Canada hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, làm sao em có thể thực hiện điều đó khi không học xong lớp 12 và tốt nghiệp?

Thậm chí, nếu Taliban cho phép Suraya đi học trở lại thì câu hỏi đặt ra là liệu họ sẽ kiểm duyệt chương trình học ở mức độ nào? Liệu Suraya có thể học về những nhà văn nữ mà em yêu thích hay các nhà hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ mà em ngưỡng mộ hay không? Hoặc những nhà văn phương Tây như Charles Dickens? Ngoài ra, còn các môn khoa học cần thiết khác để em tiến gần hơn tới giấc mơ trở thành phi hành gia của mình?

"Du hành vũ trụ là một công việc thú vị. Nó giúp con người hiểu về vũ trụ và sự tồn tại của chính mình", Suraya chia sẻ.

Bất kể liệu Suraya có được quay lại trường học hay không, cha mẹ em đã quyết định sẽ tạo điều kiện để em được học hành. Không giống như những năm 1990, việc học ở nhà trở nên dễ dàng hơn qua các khóa học online.

"Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ việc học hành. Giáo dục rất quan trọng cho cuộc sống của chúng ta", Suraya cho biết.

Susan thì có một hoàn cảnh khác. Em không có máy tính để học online và cũng không có tiền để mua sách hay tham gia các khóa học tư nhân. Cha mẹ em thậm chí còn không thể trả đủ tiền điện và tiền thuê nhà.

Mẹ của Susan, bà Humaira - trụ cột duy nhất của gia đình đã bị sa thải khi Taliban tiến vào Kabul.

"Ông chủ của tôi đã nói với tôi rằng: 'Taliban sẽ không cho phép bà làm việc đâu".

Ám ảnh bởi những đòn roi trong quá khứ, bà Humaira luôn mang khăn burqa khi ra khỏi nhà và tìm một công việc khác. Bà cũng lo lắng cho các con gái của mình. Điểm số của Sona không đủ để vào một trường đại học công và họ không có tiền để Sona học ở trường tư. Cô bé muốn trở thành một bác sĩ.

Còn Susan, thỉnh thoảng em lại lấy ra những cuốn sách giáo khoa lớp 6 - những cuốn sách duy nhất mà em có và đọc đi đọc lại chúng.

"Cháu nhớ mọi thứ về trường học, bạn bè, những bài giảng và giấc mơ của mình. Nhưng giờ thì cháu không thể mơ ước nữa vì Taliband đã quay trở lại"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đấu đá nội bộ đe dọa tương lai của Taliban
Đấu đá nội bộ đe dọa tương lai của Taliban

VOV.VN - Sau khi tiếp quản quyền lực ở Afghanistan, Taliban đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ việc đảm bảo đoàn kết giữa các phe phái nội bộ tới việc điều hành một đất nước đang chìm trong khủng hoảng kinh tế và nguy cơ thảm họa nhân đạo.

Đấu đá nội bộ đe dọa tương lai của Taliban

Đấu đá nội bộ đe dọa tương lai của Taliban

VOV.VN - Sau khi tiếp quản quyền lực ở Afghanistan, Taliban đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ việc đảm bảo đoàn kết giữa các phe phái nội bộ tới việc điều hành một đất nước đang chìm trong khủng hoảng kinh tế và nguy cơ thảm họa nhân đạo.

Người Duy Ngô Nhĩ ở Afghanistan lo ngại bị Taliban trục xuất về Trung Quốc
Người Duy Ngô Nhĩ ở Afghanistan lo ngại bị Taliban trục xuất về Trung Quốc

VOV.VN - Tình cảnh của những người Duy Ngô Nhĩ bình dân ở Afghanistan hiện nay khá bi đát sau khi phái Hồi giáo cực đoan Taliban trở lại cầm quyền tại quốc gia Nam Á này. Cộng đồng Duy Ngô Nhĩ lo sợ sẽ bị Taliban trục xuất về Trung Quốc, nơi họ từng rời bỏ.

Người Duy Ngô Nhĩ ở Afghanistan lo ngại bị Taliban trục xuất về Trung Quốc

Người Duy Ngô Nhĩ ở Afghanistan lo ngại bị Taliban trục xuất về Trung Quốc

VOV.VN - Tình cảnh của những người Duy Ngô Nhĩ bình dân ở Afghanistan hiện nay khá bi đát sau khi phái Hồi giáo cực đoan Taliban trở lại cầm quyền tại quốc gia Nam Á này. Cộng đồng Duy Ngô Nhĩ lo sợ sẽ bị Taliban trục xuất về Trung Quốc, nơi họ từng rời bỏ.

Nhiều đồn đoán liên quan đến hành tung bí ẩn của các thủ lĩnh Taliban
Nhiều đồn đoán liên quan đến hành tung bí ẩn của các thủ lĩnh Taliban

VOV.VN - Hành tung bí ẩn của các thủ lĩnh Taliban đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về số phận của những nhân vật này và sự chia rẽ trong nội bộ Taliban.

Nhiều đồn đoán liên quan đến hành tung bí ẩn của các thủ lĩnh Taliban

Nhiều đồn đoán liên quan đến hành tung bí ẩn của các thủ lĩnh Taliban

VOV.VN - Hành tung bí ẩn của các thủ lĩnh Taliban đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về số phận của những nhân vật này và sự chia rẽ trong nội bộ Taliban.