Sống chung với Omicron: Dấu hiệu lạc quan hay đầu hàng quá sớm?
VOV.VN - Giới khoa học cho rằng sẽ không thể xóa sổ hoàn toàn virus SARS-CoV-2, nhưng điều đó không có nghĩa là các quốc gia nên vội vàng chuyển sang sống chung với Covid-19 và từ bỏ những biện pháp phòng dịch thông thường.
Sống chung với đại dịch có là đầu hàng trước Covid-19?
Nhiều quốc gia trên thế giới, từ Mỹ, Tây Ban Nha, Nam Phi đến Australia đang chuyển đổi chiến lược từ cố gắng tiêu diệt virus SARS-CoV-2 sang sống chung với đại dịch. Hiện tại, rất ít quốc gia, trong đó có Trung Quốc, vẫn đang theo đuổi chiến lược “zero Covid”.
“Sống chung với Covid-19” là cụm từ thường được nhắc đến ở Mỹ và nhiều quốc gia khác. Quan điểm này được một số quan chức và nhà khoa học ủng hộ, đồng thời được những người cảm thấy mệt mỏi khi đại dịch đã bước sang năm thứ ba hoan nghênh.
Tuy nhiên, cũng có những chuyên gia y tế lo ngại xu hướng sống chung với đại dịch sẽ thay đổi theo hướng khác. Các nhà dịch tễ học cho rằng chiến lược sống chung với Covid-19 đang đánh giá thấp những nguy hiểm do biến thể Omicron gây ra.
“Khái niệm học cách sống chung với đại dịch có nghĩa là đầu hàng, từ bỏ”, Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói.
Nhà virus học Angela Rasmussen cũng lo ngại rằng mọi người đang vội vàng trong việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch hợp lý. “Tôi hiểu cảm giác muốn từ bỏ của mọi người. Hai năm đại dịch Covid-19 là khoảng thời gian quá lâu. Mọi người đều chán nản với các biện pháp phòng dịch. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nên dừng lại”, bà Rasmussen nói.
Sau 2 năm đại dịch Covid-19, tới nay, thế giới ghi nhận hơn 328 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 và hơn 5,5 triệu ca tử vong do dịch bệnh.
Không một nhà lãnh đạo thế giới nào nói rằng đã đến lúc từ bỏ cuộc chiến với Covid-19, nhưng giọng điệu đối với cuộc khủng hoảng này đã thay đổi khi họ ít đề cập đến việc xóa sổ hoàn toàn virus. SARS-CoV-2 hiện là một phần của thế giới, một loại virus có thể lây nhiễm sang người và các loại động vật như hươu, nai, chồn, chuột và tất cả các loại động vật có vú.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia tiếp tục áp đặt các quy định về việc đeo khẩu trang, tiêm chủng và hạn chế đi lại. Tuy nhiên, rất ít nước ban hành các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất để ngăn chặn dịch bệnh lan truyền.
Tại Australia, quốc gia đã tìm mọi cách để ngăn chặn Covid-19, đã nới lỏng một số hạn chế trong những tuần gần đây.
Tại Nam Phi, nơi các quan chức lần đầu tiên đưa ra cảnh báo về biến thể Omicron, vào tháng 12/2021 đã nới lỏng các hạn chế, đặt cược rằng những đợt lây nhiễm trước đây đã giúp người dân có đủ khả năng miễn dịch để tránh mắc bệnh nặng. Làn sóng Omicron ở Nam Phi đã nhanh chóng giảm nhiệt với số ca nhập viện ở mức thấp. Các nhà khoa học cho rằng có thể do rất nhiều người Nam Phi, chiếm gần 80%, trước đây đã từng nhiễm các biến thể khác.
Ali Mokdad, nhà dịch tễ học tại Viện Đo lường và Đánh giá Y tế của Đại học Washington, cho rằng khoảng 50% dân số Mỹ sẽ nhiễm biến thể Omicron trong 3 tháng tới, với hầu hết các ca bệnh không có triệu chứng.
“Không có cách nào để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, trừ khi chúng ta thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt như Trung Quốc, nhưng tôi biết rõ rằng điều đó không thể xảy ra ở Mỹ”, ông Mokdad nói.
Vẫn cần các biện pháp phòng Covid-19 thông thường
Sự thay đổi chiến lược chống Covid-19 sang sống chung với đại dịch của nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, thường không được các nhà lãnh đạo chính thức thừa nhận. Tuy nhiên, Tây Ban Nha là một trong những trường hợp ngoại lệ. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cho biết, ông muốn Liên minh châu Âu (EU) ngừng theo dõi Covid-19 như một căn bệnh riêng biệt và thừa nhận rằng nó đang trở thành căn bệnh đặc hữu.
Nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Mỹ và các quốc gia châu Âu, đã tập trung vào tiêm chủng như chìa khóa để đẩy lùi đại dịch. Vaccine Covid-19 giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nặng nhưng không thể ngăn ngừa hoàn toàn khả năng lây nhiễm.
Tốc độ lây lan nhanh chóng của Omicron đã khiến các bệnh viện tại Mỹ trở nên quá tải do số lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao.
“Nếu chúng ta để mọi thứ trôi qua và cho phép Omicron phát triển theo quy trình tự nhiên, chúng ta sẽ phá hủy hoàn toàn hệ thống y tế và đối mặt với một kịch bản có thể tồi tệ hơn những gì chúng ta đã trải qua hồi đầu năm 2020”, James Lawler, đồng giám đốc Trung tâm An ninh Y tế Toàn cầu của Trung tâm Y tế Đại học Nebraska, cho biết.
Các quan chức y tế cho rằng, sự phủ nhận khoa học hoặc không thực hiện các biện pháp hạn chế thông thường trong một đại dịch là một thái độ nguy hiểm. Đúng là đối với một số người, rủi ro do dịch bệnh có thể thấp. Nhưng khi một biến thể mới có khả năng lây lan nhanh chóng như Omicron xuất hiện, có thể sẽ có hàng triệu người mắc bệnh cùng một lúc, trong đó những người có bệnh nền sẽ gặp nguy hiểm.
Chuyên gia Rasmussen cho rằng, mọi người đã hiểu sai khái niệm về bệnh đặc hữu. Một dịch bệnh được coi là đặc hữu khi virus tiếp tục lây lan ở mức độ thấp nhưng không gây ra các đợt bùng phát dịch ở mức độ cao. Bà Rasmussen lo ngại rằng, một số người khi nghe về việc coi Covid-19 là bệnh đặc hữu sẽ cho rằng các biện pháp phòng dịch là vô ích.
“Mọi người nghĩ rằng điều đó nghĩa là chúng ta sẽ bỏ cuộc trước Covid-19. Họ nghĩ rằng ‘đặc hữu’ tức là cuối cùng ai cũng sẽ mắc bệnh. Tại sao chúng ta không cố gắng phòng tránh dịch bệnh?”, bà Rasmussen nói./.